Được thành lập theo Quyết định số 112/CP ngày 21 tháng 7 năm 1967 của Thủ tướng Chính phủ, Viện Công nghiệp thực phẩm hiện có trụ sở chính tại Hà Nội, một Chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh và một Trung tâm sản xuất thử nghiệm tại tỉnh Bình Dương.
Viện có tổng số 105 cán bộ viên chức, trong đó có 5 PGS, 16 TS, 50 ThS chuyên ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, hóa học và hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm xét nghiệm VILAS, xưởng sản xuất thử nghiệm tiên tiến được đầu tư bởi Nhà nước, các tổ chức quốc tế (UNIDO, JICA) và từ kinh phí thực hiện các đề tài cấp quốc gia.
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và dịch vụ khoa học kỹ thuật của Viện tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm; Công nghệ sinh học; Phân tích và giám định thực phẩm. Viện chú trọng phát triển công nghệ chế biến có tính cạnh tranh cao cho những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong phát triển, hoàn thiện sản phẩm, khắc phục những điểm khiếm khuyết, hạn chế, phân tích, giám định sản phẩm, nguyên liệu, đào tạo nhân viên kỹ thuật.
Trong 55 năm xây dựng và phát triển, Viện Công nghiệp thực phẩm đã thu được nhiều thành tựu đáng trân trọng và tự hào, được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu là: 01 Huân chương Độc lập hạng Ba, 01 Huân chương Lao động hạng Nhất, 01 Huân chương Lao động hạng Nhì, 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Các cá nhân và tập thể của Viện đã nhận được nhiều phần thưởng và danh hiệu như Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động, Giải thưởng Kovalepskaia, Chiến sỹ thi đua Toàn quốc, Giải thưởng VIFOTEX, Giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ toàn quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lịch sử phát triển của Viện có thể tóm tắt theo các giai đoạn:
Giai đoạn 1967 - 1975
Viện Công nghiệp thực phẩm được thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tổ chức của Viện khi mới thành lập bao gồm các phòng: Phòng Vi sinh, Phòng Đường bột, Phòng Đạm, Phòng Dầu - Tinh dầu, Phòng Lương thực, Phòng Hóa nghiệm, Phòng Nghiệp vụ, Tổ Thông tin, Xưởng thực nghiệm. Nhiệm vụ chính của Viện là nghiên cứu bảo quản, chế biến lương thực thực phẩm, sử dụng hoa màu thay gạo tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Những kết quả nghiên cứu trong sản xuất nước chấm lên men, tương, chao, đậu phụ, mỳ chính, nước uống lên men, mứt quả đã đóng góp thiết thực cho đời sống nhân dân và phục vụ chiến đấu.
Giai đoạn 1976 – 1986
Khó khăn sau chiến tranh, bị cấm vận, cơ chế bao cấp đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động và đời sống cán bộ của Viện. Kinh phí nghiên cứu hạn hẹp, cơ sở vật chất quá nghèo nàn, mức sống của cán bộ, công nhân viên tụt thấp hơn giai đoạn trước chiến tranh. Tuy vậy, các công nghệ mới, tiên tiến đã được nghiên cứu và triển khai thành công trong thực tiễn như sản xuất và ứng dụng enzim vi sinh vật trong công nghiệp rượu, bia, đường nha, dệt, sinh tổng hợp lizin và ứng dụng trong chăn nuôi, sản xuất axít xitric và mỳ chính bằng phương pháp lên men.
Các sản phẩm như rượu mầu, nước chấm lên men, đậu phụ, tương do Viện sản xuất đã góp phần giảm thiểu khó khăn do khan hiếm hàng tiêu dùng của đất nước. Trong giai đoạn này, nhiều cán bộ của Viện đã được điều động giữ những vị trí chủ chốt tại các bộ, ngành, các tổng công ty và cơ sở sản xuất kinh doanh. Kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần phát triển sản xuất ngành Công nghiệp thực phẩm, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.
Giai đoạn 1987 - 2006
Từ năm 1986, đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới. Những năm 1989-1990, Viện gặp rất nhiều khó khăn, biên chế bị cắt tới 70 người, cán bộ thiếu việc làm và chậm lương, kinh phí nghiên cứu hạn hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp. Lãnh đạo Viện xác định các nhiệm vụ nghiên cứu phải có tính ứng dụng cao, các sản phẩm nghiên cứu phải được chuyển thành hàng hóa, phải đưa ra sản xuất. Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài, dự án đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp, mang lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội, góp phần cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên, như: sản xuất bia theo công nghệ mới, ứng dụng enzim trong sản xuất bia, rượu, các loại đường, nha như glucose, fructose, maltooligosacarit, công nghệ chế biến quả, tinh bột, đậu tương, công nghệ sản xuất hương liệu cho đồ uống và thuốc lá điếu...
Hoạt động hợp tác quốc tế của Viện được đẩy mạnh. Những năm 1987-1991, Viện đã triển khai thành công dự án DP/VIE/86/013. Từ năm 2002 đến 2007, dự án hợp tác quốc tế do JICA tài trợ đã được thực hiện. Nhiều lượt cán bộ được đi đào tạo chuyên môn và quản lý tại nước ngoài, nhiều chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy và làm việc tại Viện, cơ sở vật chất của Viện được đầu tư đáng kể, nghiên cứu của Viện dần tiếp cận được các hướng nghiên cứu trên thế giới. Từ năm 1998, Viện được giao nhiệm vụ đào tạo Tiến sĩ trong lĩnh vực Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Về tổ chức, các đơn vị trong Viện đã dần chuyển đổi cơ cấu tổ chức theo hướng tự chủ.
Giai đoạn 2007 đến nay
Đây là giai đoạn Viện thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho Viện dành cho lương và hoạt động bộ máy liên tục bị cắt giảm nhưng đây cũng là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Viện. Viện thực hiện nhiều đề tài, dự án các cấp, trong đó có nhiều đề tài, dự án trọng điểm cấp nhà nước, một số dự án hợp tác quốc tế. Hoạt động nghiên cứu của Viện được thực hiện theo bốn hướng chính là (i) công nghệ sinh học, (ii) chế biến thực phẩm, (iii) chiết tách và chế biến các hoạt chất thiên nhiên từ thực vật và (iv) phân tích, giám định chất lượng.
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, ứng dụng vi sinh vật và enzyme là thế mạnh truyền thống. Viện hiện đang bảo tồn, lưu giữ trên 1500 chủng vi sinh vật phục vụ sản xuất, nghiên cứu, đào tạo và giám định. Các chủng vi sinh vật được bảo quản trong ni tơ lỏng và đông khô. Viện đã đạt một số thành tựu trong khai thác nguồn gen bản địa, phát hiện vi sinh vật mới, enzyme mới, tạo chủng vi sinh vật tái tổ hợp, enzyme tái tổ hợp, chuyển hóa sinh học, sản xuất giống khởi động, probiotics, ứng dụng vi sinh vật trong công nghệ lên men chế biến thực phẩm và đồ uống, xử lý nước thải, khí thải. Công nghệ ứng dụng enzyme trong chế biến hoa quả, sản xuất tin bột biến tính, đường chức năng, trong chế biến phụ phẩm thực phẩm đã được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp. Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, các công nghệ chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Lĩnh vực chiết tách và chế biến các hoạt chất thiên nhiên từ thực vật trong giai đoạn này được phát triển mạnh mẽ thông qua các đề tài, dự án các cấp. Hàng loạt các sản phẩm thiên nhiên có chất lượng cao như: dầu gừng, dầu tỏi, tinh lá sen, tinh rau má, tinh cần tây, tinh nghệ, nước cốt tía tô.. đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm.
Cũng từ các kết quả nghiên cứu này, hơn 20 sản phẩm mang thương hiệu của Viện đã được phát triển, được nhiều người tin dùng và dần có chỗ đứng trên thị trường. Trong lĩnh vực phân tích, giám định, Viện đã xây dựng Trung tâm phân tích và giám định thực phẩm Quốc gia hợp chuẩn VILAS (ISO-IEC 17025), cung cấp các dịch vụ phân tích xác định thành phần dinh dưỡng, hoạt chất sinh học, độc tố, dư lượng, chất cấm, tạp nhiễm vi sinh vật, giám định ADN, thực phẩm biến đổi gen phục vụ nhu cầu giám sát chất lượng của doanh nghiệp và hoạt động quản lý Nhà nước về ATTP.
Nhằm đóng góp cho phát triển ngành, hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước và đảm bảo khả năng tự chủ về tài chính, Viện xác định gắn nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp và thực tế sản xuất. Viện đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn như HABECO, Massan, tập đoàn TH, Cồn Tùng Lâm, Kinh Đô… và thực hiện công tác tư vấn, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước.
Quan hệ hợp tác quốc tế của Viện có bước chuyển biến từ tiếp nhận viện trợ và hỗ trợ công nghệ sang hợp tác đối tác, thực hiện các dự án song phương, đa phương, hợp đồng đặt hàng. Các đối tác quốc tế của Viện bao gồm các tổ chức (UNIDO, GEF, JICA, DANIDA, SIDA), trường đại học (Chalmers, KMUTT) và doanh nghiệp (Procelys, Amano Enzyme). Trong công tác đào tạo, Viện đã tổ chức 12 khóa đào tạo với 21 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án và được Viện cấp bằng Tiến sỹ. Ngoài ra, có hàng trăm thạc sỹ, cử nhân đã thực hiện nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của Viện. Cán bộ của Viện đã đăng ký 15 sở hữu trí tuệ, công bố 154 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Những định hướng nghiên cứu dài hạn
Trong giai đoạn tới, ngành công nghiệp chế biến trong nước dự kiến sẽ không chỉ dừng ở việc đáp ứng nhu cầu nội địa hoặc sơ chế cho xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế và đòi hỏi công nghệ có tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, chi phí nguyên liệu, năng lượng và tác động môi trường. Nhu cầu của doanh nghiệp đặt cho các cơ sở nghiên cứu trong nước nhiều thách thức mới. Trong khi đó, các nghiên cứu trước đây của Viện thường hướng tới thị trường ngách, những lĩnh vực ít cạnh tranh và do vậy thiếu tính lan tỏa, tác động đối với ngành còn hạn chế. Viện không đủ nguồn lực để đầu tư cho những hướng nghiên cứu dài hạn trong hoàn cảnh phải duy trì kinh phí hoạt động khi chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang tự chủ tài chính.
Để đáp ứng những thay đổi của ngành công nghiệp chế biến trong giai đoạn tới, Viện xác định sẽ phát triển những công nghệ có tính cạnh tranh, hướng tới chế biến những nông sản chủ lực của Việt Nam. Để thực hiện điều này Viện đang tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng những định hướng nghiên cứu dài hạn, có sự tham gia của doanh nghiệp. Viện cũng chủ động hợp tác với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước để bù đắp cho những thiếu hụt của Viện.
Để góp phần phát triển ngành, Viện đã xây dựng 03 định hướng nghiên cứu dài hạn và đề xuất với Bộ Công Thương, bao gồm: (i) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và tiến tới xây dựng các quy chuẩn mức độ chất lượng, đánh giá tác động kinh tế, môi trường, xu thế công nghệ nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, cũng như hỗ trợ người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm; (ii) Làm chủ và phát triển công nghệ in 3D trong sản xuất thực phẩm. Công nghệ in 3D trước mắt sẽ ứng dụng trong chế biến phụ phẩm thủy sản, sản xuất thức ăn chay, và tiến tới phát triển các thực phẩm thay thế thực phẩm truyền thống dựa trên nền tảng công nghệ sinh học; (iii) Nghiên cứu làm chủ và phát triển công nghệ phytosome, liposome ứng dụng trong sản xuất các chế phẩm thiên nhiên cao cấp phục công nghiệp thực phẩm và dược phẩm nhằm nâng cao chất lượng và tính sinh khả dụng của các hợp chất thiên nhiên, phục vụ cho công tác chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Viện cũng đề xuất xây trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ nhằm đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới trong chế biến nông sản, thực phẩm. Trung tâm sẽ là nơi các nhà cung cấp công nghệ, các chuyên gia trong và ngoài nước có thể tiếp cận nhu cầu của doanh nghiệp. Với bề dầy lịch sử phát triển, khả năng vượt qua những thời điểm khó khăn nhất, với đội ngũ cán bộ nghiên cứu giàu kinh nghiệm cùng cơ sở hạ tầng hiện có, Viện Công nghiệp thực phẩm sẽ tiếp tục khẳng định năng lực sáng tạo trong đổi mới công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam.
PGS.TS.Vũ Nguyên Thành
Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm