Mục tiêu trong Chiến lược phát triển bền vững dệt may của EU đến năm 2030 bao gồm:
- Các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU sẽ có tuổi thọ cao, có thể sửa chữa, tái chế và được làm từ sợi tái chế, không chứa chất độc hại, được sản xuất vì quyền lợi xã hội và môi trường.
- Người tiêu dùng được hưởng lợi lâu hơn từ hàng dệt may chất lượng cao giá cả phải chăng, thời trang nhanh không còn là mốt, các dịch vụ sửa chữa và tái sử dụng sẽ phát triển rộng rãi.
- Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Việc đốt và chôn lấp hàng dệt may được giảm đến mức tối thiểu.
Các đề xuất chính trong Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may của EU
1. Yêu cầu bắt buộc từ thiết kế, phải là thiết kế sinh thái (Ecodesign)
Do khâu thiết kế sẽ quyết định 80% tác động môi trường của vòng đời sản phẩm, vì vậy Ủy ban Châu Âu sẽ xây dựng các yêu cầu ràng buộc về thiết kế sinh thái cho hàng dệt may để tăng độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa, khả năng tái chế, hàm lượng sợi tái chế bắt buộc nhằm giảm các tác động tiêu cực đến khí hậu và môi trường. Về đối tượng áp dụng, Ủy ban sẽ lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng và tác động cao nhất về mặt bền vững môi trường như hàng dệt gia dụng, thảm và nệm. Danh sách cuối cùng sẽ được xác định trên cơ sở tham vấn để thông qua chương trình làm việc đầu tiên theo Quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững, sẽ được đưa ra vào cuối năm 2022.
2. Ngừng tiêu hủy hàng tồn hoặc hàng bị trả lại
Ủy ban Châu Âu đề xuất nghĩa vụ minh bạch yêu cầu các công ty lớn phải công khai số lượng sản phẩm mà họ thải bỏ và tiêu hủy, bao gồm cả hàng dệt may và hướng xử lý đối với hàng tồn để tái sử dụng, tái chế, đốt hoặc chôn lấp. Sau khi hội đồng chuyên môn đánh giá, có thể sẽ đưa ra các lệnh cấm tiêu hủy các sản phẩm chưa bán được hoặc bị trả lại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các hàng thời trang cao cấp, xa xỉ do hầu hết hàng tồn kho của họ không bán hạ giá và đều đem tiêu huỷ.
Ngoài ra Uỷ ban sẽ khuyến khích sử dụng công nghệ số tăng cường tương tác của nhà cung cấp với người tiêu dùng để giảm tỷ lệ trả lại của quần áo mua trực tuyến, khuyến khích sản xuất theo yêu cầu và giảm lượng khí thải carbon của thương mại điện tử.
3. Xử lý ô nhiễm vi nhựa
Một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm vi nhựa (microplastic) là hàng dệt may từ sợi tổng hợp. Người ta ước tính rằng khoảng 60% sợi được sử dụng trong quần áo là sợi tổng hợp, chủ yếu là polyester và số lượng này đang tăng lên.
Lượng vi nhựa cao nhất được giải phóng trong 5 đến 10 lần giặt đầu tiên đối với hàng thời trang nhanh. Có tới 40.000 tấn sợi tổng hợp được thải ra mỗi năm chỉ trong nước thải của máy giặt ở EU.
Ủy ban Châu Âu có kế hoạch ngăn ngừa/giảm thiểu ô nhiễm vi nhựa vào cuối năm 2022 như:
Điều chỉnh bộ lọc máy giặt (giảm 80% lượng thải), phát triển chất tẩy rửa nhẹ
Chăm sóc và đường ống dẫn giặt, xử lý chất thải dệt nhuộm cuối đời
Tuân thủ các quy định để cải thiện xử lý nước thải và bùn thải
4. Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm xanh
Ủy ban Châu Âu sẽ giới thiệu Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số cho hàng dệt may dựa trên các yêu cầu thông tin bắt buộc về tính lưu hành và các khía cạnh môi trường chính khác.
Để đảm bảo tính nhất quán với quy định mới này, Ủy ban cũng sẽ xem xét Quy định ghi nhãn hàng dệt, quy định này yêu cầu hàng dệt may bán trên thị trường EU phải mang nhãn xác định rõ thành phần sợi và chỉ ra bất kỳ bộ phận không phải dệt nào có nguồn gốc động vật. Ngoài ra, Ủy ban sẽ đề xuất một số yêu cầu bắt buộc khác, chẳng hạn như các thông số về tính bền vững và tính lưu thông, kích thước của sản phẩm và quốc gia nơi các quy trình sản xuất diễn ra (“made in”)
5. Đảm bảo tuyên bố sản phẩm xanh của nhà cung cấp là đúng sự thật
Thống kê của EU chỉ ra rằng 39% các tuyên bố sản phẩm xanh, bền vững của nhà cung cấp tại EU là không có cơ sở hoặc không đúng sự thật. EU muốn xây dựng quy định để đảm bảo người tiêu dùng có thông tin chính xác về một sản phẩm được tuyên bố là xanh, là bền vững, phân biệt với các sản phẩm thông thường khác.
Các quy tắc mới của EU sẽ đảm bảo rằng người tiêu dùng được cung cấp thông tin tại điểm bán hàng về độ bền cũng như thông tin liên quan đến việc sửa chữa, bao gồm cả điểm có thể sửa chữa.
Các tuyên bố chung về môi trường, chẳng hạn như “xanh”, “thân thiện với môi trường”, “tốt cho môi trường”, sẽ chỉ được cho phép nếu nhà sản xuất được công nhận xuất sắc trong hoạt động môi trường, đặc biệt là dựa trên Nhãn điện tử của EU, nhãn điện tử loại I hoặc dựa trên sự xác minh của bên thứ ba được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, phương pháp đo dấu chân carbon (Carbon footprint) được coi là một cách để chứng minh và truyền đạt các tuyên bố về môi trường. Quy tắc xác định dấu chân carbon dự kiến sẽ được EU đưa ra vào năm 2024
6. Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và thúc đẩy tái sử dụng và tái chế chất thải dệt may
Có tới 2,1 triệu tấn quần áo sau tiêu dùng và hàng dệt gia dụng được thu gom riêng mỗi năm ở EU để tái chế hoặc bán trên các thị trường tái sử dụng toàn cầu, chiếm khoảng 38% hàng dệt may tại thị trường EU. 62% còn lại bị loại bỏ trong các đống chất thải hỗn hợp.
Một số quốc gia thành viên EU đã hoặc đang xem xét việc đưa ra các yêu cầu mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với hàng dệt may (theo luật chất thải của EU) là phải thiết lập bộ phận thu gom chất thải dệt may riêng của mỗi nhà sản xuất trước ngày 01/01/2025.
Như vậy, Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may của EU sẽ hướng đến tương lai cho ngành dệt may tại EU:
Đảo ngược tình trạng sản xuất thừa và tiêu thụ quá nhiều quần áo khiến thời trang nhanh trở nên lỗi mốt.
Các hãng thời trang nhanh phải giảm bộ sưu tập mỗi năm.
Nhà sản xuất thời trang nhanh phải chịu trách nhiệm và hành động giảm thiểu dấu chân carbon, chuyển đổi mô hình kinh doanh tuần hoàn mới.
4 lưu ý cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dệt may Việt Nam
1. Yêu cầu của các nhà mua hàng: nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước..
2. Nhận thức của người tiêu dùng: sẵn sàng trả cao hơn cho các sản phẩm dệt may bền vững => áp lực ngành phải đổi mới sáng tạo theo hướng sản xuất xanh.
3. Sản phẩm bền, tuổi thọ cao, giá có thể cao nhưng tổng cầu chung dệt may sẽ giảm, cụ thể với thị trường EU quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới, chỉ sau Mỹ, kim ngạch nhập khẩu dệt may hàng năm khoảng 150 tỷ USD từ các nước ngoài khối EU.
4. Nếu EU áp dụng các đề xuất trong Chiến lược dệt may này cho cả các nước xuất khẩu vào EU để tạo sự cạnh tranh bình đẳng với các nhà sản xuất dệt may tại EU, buộc các nhà sản xuất từ các nước thứ 3 trong đó có Việt Nam phải thay đổi tương tự => các nhà sản xuất/xuất khẩu may mặc của Việt Nam cũng đứng trước sức ép thay đổi nếu muốn xuất khẩu lâu dài vào EU.
Ngày 30/3/2022, Ủy ban Châu Âu đưa ra 4 đề xuất trong Thoả thuận xanh (European Green Deal) trong đó có Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may. Một trong những mục tiêu đáng chú ý cho ngành dệt may trong tương lai được EU nêu trong Chiến lược nói trên là đảo ngược tình trạng sản xuất thừa và tiêu thụ quá nhiều quần áo: khiến thời trang nhanh trở nên lỗi mốt. Theo Phó Chủ tịch Thoả thuận xanh – ông Frans Timmermans: “Các đề xuất hôm nay sẽ đảm bảo rằng chỉ những sản phẩm bền vững nhất mới được bán ở Châu Âu”.