Theo thông tin Tổng cục Hải quan công bố chiều 20/1, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong nửa đầu tháng 1 (1-15/1) đạt 12,9 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,15 tỷ USD.
Như vậy, nửa đầu năm nay nước ta nhập siêu khoảng 250 triệu USD. Đây là sự đảo chiều đáng chú ý so với con số xuất siêu gần 20 tỷ USD của năm 2020.
Tuy có sự đảo chiều khá đột ngột nhưng đây là điều không bất thường. Bởi, giai đoạn đầu năm, nhất là tháng 1 thường rơi vào dịp Tết Nguyên đán hoặc cận Tết Nguyên đán của Việt Nam và một số quốc gia châu Á, trong đó có đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, vì vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng cao hơn, trong khi các doanh nghiệp lại bước vào kỳ nghỉ dài ngày nên hoạt động xuất khẩu có phần trầm lắng.
Đơn cử như 15 ngày đầu tháng 1 năm 2020 vừa qua, Việt Nam cũng nhập siêu hơn 400 triệu USD, hay 15 ngày đầu năm 2019 nước ta cũng nhập siêu gần 1 tỷ USD...
Vì vậy, theo thông lệ hàng năm, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, khi hoạt động sản xuất đi vào quỹ đạo, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cán cân thương mại của Việt Nam sẽ trở lại trạng thái xuất siêu. Đặc biệt, những tháng cuối năm là dịp cao điểm của hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
So với 1 năm trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có sự khởi sắc đáng kể ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu.
Trước tiên, về xuất khẩu, so với cùng kỳ 2020, kim ngạch tăng thêm khoảng 2 tỷ USD, tương đương hơn 18,3%.
Đây là sự khởi đầu rất ấn tượng so với mức tăng trưởng chỉ đạt 7% của năm ngoái.
Chỉ 15 ngày đầu năm, nước ta có tới 4 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ 2020.
Nhóm hàng mới đạt được con số tỷ USD là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch 1,45 tỷ USD, tăng mạnh tới 72% so với cùng kỳ 2020 (cùng kỳ đạt 843 triệu USD).
3 nhóm hàng còn lại vẫn duy trì kim ngạch tỷ USD như thời điểm một năm trước là điện thoại và linh kiện; là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may.
Trong đó, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất đạt 2,86 tỷ USD, tăng tới gần 1,5 tỷ USD (cùng kỳ 2020 đạt 1,375 tỷ USD).
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 2 với 1,7 tỷ USD, tăng hơn 10%; dệt may đạt gần 1,23 tỷ USD, giảm hơn 200 triệu USD.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch tăng thêm so với cùng kỳ năm ngoái cũng rất ấn tượng với con số gần 2,2 tỷ USD (tương đương tăng hơn 19%).
Chỉ 15 ngày đầu năm, cả nước có 3 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ 2020.
Nhóm hàng mới là điện thoại và linh kiện với 1,3 tỷ USD, tăng mạnh gần 700 triệu USD, tương đương 112%.
2 nhóm hàng có kim ngạch tỷ USD như năm ngoái là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Trong đó, là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch 2,73 tỷ USD, tăng 25%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 9,5%.