Việt Nam đang nổi lên mạnh mẽ

Các nhà máy công nghệ cao là một phần trong ý tưởng muốn đáp ứng nhu cầu cung ứng sản phẩm mới nhanh hơn cho các thị trường lớn, cũng như hạn chế tác động của chi phí vận chuyển cao và lương lao động tại châu Á ngày càng tăng của Adidas. Thậm chí, Adidas còn lên kế hoạch xây dựng mạng lưới nhà máy robot trên toàn cầu.

Sau 3 năm vận hành, Adidas sẽ đóng cửa 2 nhà máy công nghệ cao sản xuất bằng robot (còn gọi là công nghệ speedfactory) tại Đức và Mỹ. Công ty không nêu chi tiết lý do đóng cửa 2 nhà máy robot, nhưng theo nhiều nhận định, chúng vận hành tốn kém và khó khăn trong việc mở rộng công nghệ cho các dòng sản phẩm khác nhau.

Ông Martin Shankland, Giám đốc vận hành toàn cầu của Adidas cho biết, các nhà máy robot đã giúp Công ty nâng cao chuyên môn trong sản xuất sáng tạo. Hãng giày Đức kỳ vọng có thể rút ngắn đáng kể thời gian từ khâu lên ý tưởng tới khâu đưa sản phẩm ra thị trường bằng cách áp dụng công nghệ speedfactory. Tin vui là đến cuối năm nay, công nghệ này sẽ được chuyển giao cho nhà cung cấp ở Việt Nam và Trung Quốc.

Trong vài lần “di cư” gần đây, Adidas đã cắt giảm số lượng giày dép sản xuất tại Trung Quốc xuống chỉ còn một nửa và Việt Nam trở thành công xưởng thay thế, nhờ có chi phí nhân công thấp hơn ở Đông Nam Á. Ông Kasper Rorsted, Giám đốc điều hành của Adidas cho rằng, Trung Quốc vẫn là một nguồn gia công quan trọng, nhưng Việt Nam cũng đang nổi lên mạnh mẽ.

Hiện Adidas có hơn 100 nhà cung cấp cho Adidas trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam trở thành nhà sản xuất chính sản phẩm giày dép của Adidas từ năm 2012, khi tỷ trọng sản lượng giày dép của hãng này được sản xuất ở Việt Nam gia tăng liên tục trong vài năm qua, đạt 44% vào năm 2017, còn tỷ trọng sản lượng giày dép của Adidas sản xuất tại Trung Quốc đã giảm còn 19%.

Trong khi đó, đối thủ của Adidas là Nike vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nhưng cũng đang gia tăng sản xuất tại Việt Nam. Ông Chris Helzer, Phó chủ tịch Tập đoàn Nike (Mỹ) tiết lộ, năm 2020, Hãng sẽ kỷ niệm 25 năm thành lập cơ sở tại Việt Nam. Đây là thị trường quan trọng nhất của Nike trong sản xuất và xuất khẩu, khi có đến 50% sản phẩm của Nike được sản xuất ở Việt Nam.

adidas
Adidas và Nike đều đang gia tăng sản xuất tại Việt Nam.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Dù chi phí nhân công của Việt Nam tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn so với Trung Quốc, Thái Lan, nên cơ hội để các thương hiệu lớn quan tâm tới thị trường và doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội đối với các doanh nghiệp trong nước là không đơn giản.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, sản phẩm da giày có tỷ lệ cắt giảm thuế cao ngay sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và với những thuận lợi thương mại quy định trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực da giày.

Theo bà Xuân, kim ngạch xuất khẩu da giày sang các nước thành viên CPTPP sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được, thì Lefaso và các doanh nghiệp cần giải quyết các điểm nghẽn là thương hiệu, nguyên liệu và công nghệ.

Theo phân tích của Lefaso, trong cơ cấu giá trị của một đôi giày, 70% là chi phí cho nguyên phụ liệu, 15% chi phí nhân công, 9% chi phí đầu vào và chi phí quản lý gián tiếp khác, chỉ 6% là lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí cho nhân công, sản xuất ngày một cao khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp khó tăng lên, thậm chí ngày một giảm.

Gia công chiếm tỷ trọng lớn cũng là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng của ngành thấp. Thực tế, doanh nghiệp trong nước không muốn làm thuê mà muốn “mua đứt, bán đoạn”, nhưng do thiếu vốn, buộc phải lựa chọn hình thức sản xuất gia công, nhận 60% vốn khách hàng ứng trước để quay vòng sản xuất. Hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất với đối tác thứ ba đến từ Hàn Quốc, Đài Loan khiến phần lợi nhuận bị san sẻ đáng kể.

Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu mới là nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá trị gia tăng của ngành thấp. Ngoài ra, các nhà cung cấp những sản phẩm làm từ da ở Việt Nam đang thiếu kiến thức và sự đầu tư cho công nghệ. Nếu chú trọng vào công nghệ nhiều hơn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng vị thế trong quan hệ hợp tác với đối tác nước ngoài, hơn là một đơn vị chỉ cung cấp dịch vụ gia công.

Lefaso dự báo, sản xuất của ngành da giày năm 2019 sẽ tăng trên 10% so với năm 2018, đạt khoảng 21,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu da giày chiếm khoảng 9%, với tỷ lệ nội địa hóa đạt 60%. Xuất khẩu giày dép đứng thứ 4 trong Top 10 mặt hàng chủ lực của Việt Nam.