Ảnh hưởng của yếu tố chính trị - pháp luật tới quyết định đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

ThS. Nguyễn Mạnh Cường (Khoa Quản lý kinh doanh - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

Tóm tắt:
Các tổ chức chính trị-pháp luật có ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp không chỉ quan trọng trong việc ban hành các văn bản pháp luật, các chính sách mà còn thể hiện trong việc cam kết và thực thi chúng có hiệu quả hay không (Globerman và Shapiro, 2003). Dựa trên bộ dữ liệu từ 231 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam, từ khái niệm chính trị-pháp luật ban đầu, nghiên cứu đã phát hiện thấy rằng quyết định đầu tư của doanh nghiệp bị ảnh hưởng thông qua hai khái niệm khác nhau. Đặc biệt hơn, nhóm các yếu tố hiệu quả quản trị hành chính tại các địa phương hiện nay là có vai trò quan trọng hơn so với các nhóm các yếu tố còn lại trong việc thu hút đầu tư của các DNNVV.
Từ khóa: Chính trị - pháp luật, hiệu quả quản trị hành chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa, môi trường đầu tư.

I. Tổng quan nghiên cứu
Chính trị-pháp luật là một phần trong môi trường đầu tư tại mỗi quốc gia. Globerman và Shapiro (2003), Daniel Kaufmann và cộng sự (2008) và nhiều tác giả xem môi trường chính trị pháp luật là sự tổng hòa của các tổ chức cùng với những chính sách công được tạo ra bởi các tổ chức này. Mục đích là tạo ra một khuôn khổ cho các quan hệ kinh tế và xã hội. Cách quan niệm này nhấn mạnh vai trò của chính phủ. Một nghiên cứu khác ví dụ như của Shaomin Li và Larry Filer (2007), đã mở rộng khái niệm này khi xem xét thêm cả các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, nhìn chung các nghiên cứu đều khẳng định tầm quan trọng của các yếu tố chính trị và thể chế trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp. Một môi trường chính trị pháp luật tốt sẽ tạo điều kiện có lợi cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Sự ổn định chính trị: Trong môi trường đầu tư, ổn định chính trị đo lường nhận thức của các doanh nghiệp hay các nhà đầu tư về khả năng một chính phủ rơi vào nguy cơ bất ổn hoặc bị lật đổ (Kaufmann và cộng sự, 2008). Nói cách khác, một bối cảnh chính trị có tính ổn định cao phản ánh sự bền vững và tính toàn vẹn của hệ thống chính quyền hiện hành, có thể chịu đựng và đứng vững trước những biến động như bạo lực và khủng bố. Sự ổn định chính trị là một yếu tố quan trọng để chính phủ duy trì các chính sách pháp luật, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, sự bất ổn chính trị được cho là một hiện tượng phổ biến trong lịch sử tất cả các thể chế. Không có một hình thức chính phủ nào, dù là chuyên quyền hay dân chủ miễn nhiễm với bất ổn chính trị (Quan V.Le, 2004).
Hệ thống luật pháp: Trong môi trường đầu tư, yếu tố luật pháp là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có tính chất bắt buộc, cưỡng chế và có hiệu lực cao về hành vi của các nhà đầu tư. Mục đích của hệ thống luật pháp duy trì một môi trường đầu tư công bằng, an toàn và bình đẳng, bảo vệ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Hiệu quả hệ thống luật pháp của một quốc gia thể hiện ở sự tuân thủ các quy tắc của xã hội, chất lượng thực thi quyền sở hữu, các thỏa thuận, chất lượng công việc của lực lượng cảnh sát và tòa án cũng như tình trạng tội phạm và bạo lực (Kaufmann và cộng sự, 2008).
Chính sách và dịch vụ công về đầu tư: Hệ thống cơ chế chính sách về đầu tư cũng là một công cụ quản lý nhà nước nhằm phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong việc khuyến khích sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho nền kinh tế. Các chính sách từ trung ương đến các chính quyền địa phương thường mang tính cưỡng chế. Đó là tập hợp nhiều cơ chế, quy định quan trọng với nhà đầu tư trong các lĩnh vực về đất đai, lao động, tài chính, công nghệ… có vai trò định hướng, dẫn dắt và hỗ trợ cho hoạt động đầu tư. Chẳng hạn như chính sách đất đai phản ánh việc các chính quyền tạo điều kiện để doanh nghiếp có thể tiếp cận và sử dụng dễ dàng, ổn định ổn lâu dài trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh. Các chính sách về lao động đề cập đến các quy định liên quan đến quá trình sử dụng, sa thải lao động, trợ giúp về phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra một nhóm các yếu tố cũng rất quan trọng là chính sách về tài chính, chúng thường đề cập đến quá trình các doanh nghiệp tiếp cận, huy động các nguồn lực tài chính ưu đãi trong kinh doanh như ưu đãi về thuế, các nguồn vốn khác nhau với sự ưu đãi về lãi suất, thời gian…
Với các yếu tố về dịch vụ công, hàm ý là những nỗ lực của địa phương trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh của các doanh nghiệp. Bao gồm những dịch vụ mà doanh nghiệp có thể có nhu cầu trong suốt quá trình triển khai đầu tư và vận hành kinh doanh, từ việc tìm kiếm đối tác đầu tư, đối tác kinh doanh đến việc hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật trong nhóm này có thể kể đến các chính sách về đào tạo lao động, tư vấn kỹ thuật, tư vấn pháp lý; hỗ trợ tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại và, tìm kiếm đối tác đầu tư và tiếp cận thị trường kinh doanh tiềm năng...
Hiệu quả điều hành của chính quyền: Các tổ chức chính quyền không chỉ quan trọng trong việc ban hành các văn bản pháp luật, chính sách, các dịch vụ công mà còn thể hiện trong việc cam kết và thực thi chúng có hiệu quả hay không. Vì lý do đó, hiệu quả quản trị, điều hành của chính quyền luôn đóng vai trò quan trọng môi trường đầu tư. Phạm trù hiệu quả quản trị hành chính trong nghiên cứu này nhấn mạnh vào kết quả tổ chức triển khai, thực thi pháp luật, chính sách của chính quyền các cấp.
Nổi bật nhất trong phạm trù hiệu quả điều hành của chính phủ là quan liêu và tham nhũng, chúng thường là vấn đề trọng tâm khi các nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Theo đó, tham nhũng được hiểu rộng rãi như là hành vi sử dụng quyền lực trong khu vực công cho mục đích cá nhân một cách trái với các quy tắc (Thuy và Dijk, 2008). Những người liên quan tới tham nhũng thường là công chức, chính trị gia, những người kiểm soát sức mạnh trong các tổ chức công. Nguyên nhân của tham nhũng có thể đến từ những kẽ hở tiềm ẩn trong quá trình can thiệp của các tổ chức chính quyền, ví dụ như trong hạn chế thương mại, kiểm soát giá cả, cung cấp tín dụng… chúng tạo ra cơ hội cho các công chức có hành vi sai trái.
Ngoài tham nhũng, vấn đề công bằng và minh bạch cũng được đặt ra trong điều hành của các tổ chức chính quyền. Điều này thể hiện trong việc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có được đối xử bình đẳng trong các chính sách của địa phương hay không; Các chính sách và thông tin của chính quyền có đầy đủ và dễ dàng tiếp cận không. Ngoài ra, hiệu quả điều hành của các cơ quan hành chính còn thể hiện ở việc trì hoãn và kém hiệu quả trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và cung cấp các dịch vụ công.
II. Mô hình và phương pháp nghiên cứu
Dựa trên kết quả tổng quan, nghiên cứu đã dự kiến mô hình nghiên cứu cho bối cảnh tại Việt Nam. Từ nghiên cứu của Jose.I. Galan và cộng sự (2007); Chin Shan Lu và cộng sự (2006) cùng với nhiều nghiên cứu khác khi xem xét biến phụ thuộc là quyết định đầu tư của doanh nghiệp dưới sự ảnh hưởng của môi trường chính trị pháp luật bao gồm 12 nhóm yếu tố chính như Hình 1. Phương pháp nghiên cứu định tính: Nghiên cứu thực hiện phỏng vấn sâu với 10 giám đốc doanh nghiệp nhằm kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung thang đo cho các khái niệm nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu định lượng: Nghiên cứu định lượng được thực hiện với dữ liệu thu thập bằng bảng hỏi với 231 doanh nghiệp khác nhau. Các nội dung chính bao gồm: (1) Đánh giá chính thức thang đo bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA và hệ số tin cậy Cronbachs Alpha; (2) Đánh giá xu hướng, mức độ tác động giữa các biến phụ thuộc và biến độc lập cũng như là các giả thuyết nghiên cứu của mô hình.
Mẫu nghiên cứu: Để thực hiện nghiên cứu, có 300 phiếu khảo sát được phát ra, số phiếu thu về hợp lệ là 231 phiếu, đạt tỷ lệ 77%. Trong đó nếu tính theo quy mô vốn đầu tư tại thời điểm điều tra, số lượng mẫu tương đối trải đều giữa các mức quy mô vốn, dao động từ 26 đến 38 doanh nghiệp. Trong đó, nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn đến dưới 0,5 tỷ đồng đến dưới 1 tỷ đồng và từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng có số mẫu lớn nhất với 38 doanh nghiệp. Thấp nhất là nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn từ 50 đến 100 tỷ đồng với 26 doanh nghiệp được điều tra.
III. Kết quả nghiên cứu
1. Kết quả nghiên cứu định tính
Nhìn chung các thang đo được các đối tượng điều tra hiểu đúng ý nghĩa và có thể trả lời một cách dễ dàng. Vì vậy, các thang đo này sẽ được giữ nguyên để đưa vào bảng hỏi chi tiết trong nghiên cứu định lượng sau khi có một vài điều chỉnh nhỏ như sau: Biến quan sát số 4 và số 5 có sự trùng lặp nên sẽ được gộp chung và diễn đạt lại để phản ánh các chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh tại địa phương. Biến quan sát số 3 mang nội hàm chính của biến quan sát số 7, đây là vấn đề quan tâm chính của các doanh nghiệp nên biến số 3 được giữ lại và bỏ biến quan sát số 7. Như vậy, thang đo chính trị pháp luật đã được điều chỉnh để đưa vào nghiên cứu định lượng bao gồm 10 quan sát.
2. Kiểm định giá trị của thang đo chính thức bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Trước tiên, kiểm định KMO và Bartlett được thực hiện nhằm kiểm tra điều kiện phân tích EFA của dữ liệu. Kết quả thu được là, giá trị KMO = 0,782, kiểm định Bartlett cho giá trị Sig là 0,000. Kết quả này cho thấy các biến có quan hệ với nhau và đủ điều kiện để phân tích nhân tố khám phá.
Trong quá trình EFA, nghiên cứu có phát hiện đáng chú ý. Đó là, 10 tiêu chí đo lường chính trị - pháp luật được tải vào 2 nhân tố khác nhau. Nhóm một gồm các biến quan sát theo thứ tự: CTPL3, CTPL2, CTPL5, CTPL1, CTPL4 và nhóm nhân tố hai gồm: CTPL8, CTPL10, CTPL7, CTPL9, CTPL6. Như vậy về mặt lý thuyết, cả 10 biến quan sát này là thang đo khái niệm Chính trị-pháp luật, nhưng thực tế tại Việt Nam, chúng được tách thành 2 khái niệm riêng. Trong đó, các biến quan sát CTPL8, CTPL10, CTPL7, CTPL9, CTPL6 bao hàm hiệu quả quản trị hành chính. Do đó, nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra lại các nhóm quan sát, đi tìm lý thuyết chứng minh cho phát hiện mới của mình cũng như sẽ được chứng minh trong bước nghiên cứu chính thức tiếp theo.
Nghiên cứu tiến hành chạy lại EFA lần 2, từ 10 biến quan sát đã trích được 2 nhân tố. Tổng phương sai giải thích được khi nhóm nhân tố được rút ra là 64,994 (>50%). Các giá trị Factor loading đều đạt giá trị từ 4.32 trở lên, đạt yêu cầu lớn hơn 0.3
1) Kết quả EFA cho chính trị-pháp luật gồm 5 tiêu chí đo lường được tải vào một nhân tố. Các hệ số tải về nhân tố tương ứng được sắp xếp từ lớn đến nhỏ là: 0,852; 0,839; 0,827; 0,757 và 0,746. Các hệ số đều lớn hơn 0,7, thỏa mãn tiêu chuẩn nên có thể kết luận 5 biến quan sát này có quan hệ ý nghĩa với biến chính trị-pháp luật.
2) Kết quả EFA cho hiệu quả quản trị hành chính gồm 5 tiêu chí đo lường được tải vào một nhân tố. Các hệ số tải về nhân tố tương ứng đều đạt yêu cầu vì đều lớn hơn 0,7. Hệ số tương ứng được sắp xếp từ lớn đến nhỏ là: 0,839; 0,838; 0,780; 0,717 và 0,701. Như vậy có thể kết luận 5 biến quan sát này có quan hệ ý nghĩa với biến hiệu quả quản trị hành chính.
3. Kết quả kiểm định ảnh hưởng của chính trị - pháp luật đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp Đối với chính trị - pháp luật: Kết quả mô hình hồi quy chứng minh rằng chính trị - pháp luật ảnh hưởng cùng chiều tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp với ß = 0.164 (p<0.01). Có đủ cơ sở để kết luận chấp nhận giả thuyết H01. Điều này khẳng định rằng, chính trị - pháp luật là nhân tố tạo động lực đầu tư của các DNNVV.
Đối với hiệu quả quản trị hành chính: Kết quả mô hình hồi quy cho thấy có sự có ảnh hưởng cùng chiều giữa hiệu quả quản trị hành chính tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp với ß = 0.324 (p<0.01). Như vậy, giả thuyết H02 được chấp nhận, các hệ số cho thấy các khi hiệu quả quản trị hành chính được cải thiện sẽ thúc đẩy quyết định gia tăng đầu tư của doanh nghiệp.
IV. Thảo luận kết quả nghiên cứu
Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên phân tích ảnh hưởng của yếu tố chính trị pháp luật tới quyết định đầu tư của các DNNVV tại Việt Nam. Nghiên cứu đã có phát hiện mới trong nội dung phân tích nhân tố khám phá, khi 10 thang đo Chính trị pháp luật đã tách thành hai nhóm nhân tố. Điều này cho thấy, về mặt lý thuyết, đây là các khái niệm thành phần của một biến, nhưng ở môi trường đầu tư tại Việt Nam các yếu tố này đại diện cho 2 biến khác nhau. Với 5 biến quan sát được phân tách riêng để định nghĩa cho một biến mới, nghiên cứu đã tìm kiếm bằng chứng về mặt lý thuyết chứng minh cho phát hiện mới trong nghiên cứu và đặt tên nhân tố này phù hợp với nội hàm mới là hiệu quả quản trị hành chính. Vì thế, chính trị pháp luật trong phân tích thực nghiệm sẽ bao gồm 2 biến thành phần là chính trị-pháp luật, hiệu quả quản trị hành chính.
Về chính trị - pháp luật: Mức độ ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các DNNVV tại Việt Nam là yếu hơn so với yếu tố hiệu quả quản trị hành chính. Đối với yếu tố chính trị-pháp luật, có thể được luận giải từ thực tế về tình hình phân cấp quản lý tại Việt Nam hiện nay, đó là giữa các địa phương đều có sự tương đồng về hệ thống chính trị, pháp luật cũng như các chính sách về thuế, đất đai với doanh nghiệp. Sự khác biệt nếu có sẽ nằm ở các chính sách khuyến khích đầu tư như cơ chế cung cấp thông tin, tư vấn hỗ trợ đầu tư và giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, những khác biệt này giữa các địa phương là không nhiều.
Về hiệu quả quản trị hành chính: Kết quả nghiên cứu cũng cung cấp bằng chứng cho thấy, hiệu quả quản trị hành chính tại địa phương là yếu tố có vai trò quan trọng thúc đẩy đầu tư của DNNVV. Phân tích nhân tố khám phá chỉ ra rằng, hiệu quả quản trị hành chính địa phương đã được định nghĩa bởi các chỉ báo chính bao gồm, chi phí không chính thức, sự bình đẳng, minh bạch, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và mức độ mối quan hệ giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Hệ số hồi quy từ bộ dữ liệu nghiên cứu đã minh chứng rằng, có mối quan hệ khá chặt chẽ giữa quyết định đầu tư của các DNNVV với Hiệu quả quản trị hành chính địa phương (ß=0.324). Vai trò của hiệu quả quản trị hành chính là rõ ràng hơn so với các yếu tố chính trị pháp luật trong môi trường đầu tư. Kết quả này khác biệt với một số nghiên cứu gần đây cho rằng các yếu tố hiệu quả quản trị hành chính không ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư (David Dolla và cộng sự 2005), các nghiên cứu này cũng dẫn chứng nhiều quốc gia vẫn thu hút được đầu tư bất chấp phải đối mặt với các vấn đề về tham nhũng, minh bạch, công bằng và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu cũng được ủng hộ của một số nghiên cứu trước đây như nghiên cứu của Tuyen T.Q và cộng sự (2016), Fisman và Svensson (2007), Wei (2000); và Thuy và Dijk(2008). Đáng chú ý trong đó là nghiên cứu Thuy và Dijk(2008) cho thấy tại Việt Nam vấn đề tham nhũng không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp nhà nước nhưng nó cản trở lớn tới các doanh nghiệp tư nhân. Đại đa số các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là các DNNVV, do đó, nghiên cứu của Thuy và Dijk(2008) cho thấy có sự tương đồng với kết quả của nghiên cứu này. Điều này khẳng định rằng, hiệu quả trong công tác quản trị điều hành của chính quyền trở thành một yếu tố quan trọng, song hành cùng các yếu tố khác trong bối cảnh đầu tư tại Việt Nam.
IV. Kết luận
Các nghiên cứu trước đây chủ yếu là tập trung ở góc độ vĩ mô hay cấp độ quốc gia, chưa đủ để cung cấp nhiều kết quả cụ thể để nhận thức các khía cạnh của chính trị - pháp luật có vai trò quan trọng như thế nào để thúc đẩy đầu tư của các DNNVV tại một phạm vi nhỏ hơn, cụ thể là tại một địa phương. Hơn nữa, bằng chứng từ các nghiên cứu tại các quốc gia khác có thể không phản ánh chính xác những yếu tố nào là thực sự quan trọng đối với các DNNVV tại Việt Nam. Đặc biệt là yếu tố hiệu quả quản trị hành chính, các cơ quan công quyền tại mỗi địa phương chính là chủ thể quan trọng khi triển khai các chính sách được ban hành, cho dù là được ban hành bởi cấp trung ương hay địa phương. Do đó, nghiên cứu này nhấn mạnh vào tính cấp thiết phải cải thiện hiệu quả quản trị hành chính nếu các địa phương muốn thúc đẩy đầu tư của các DNNVV hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Christian M. Rogerson, 2009. Local Investment Incentives for Urban Economic Development: Recent Debates in South African Cities. Urban Forum.
2. David Dollar, Mary Hallward-Driemeier and Taye Mengistae, 2005. Investment Climate and Firm Performance in Developing Economies. Economic Development and Cultural Change.
3. Hoa, D.T.T. and Lin, J.Y., 2016. Provincial Governance and Foreign Direct Investment in Vietnam: An empirical study at sub-nation level. International Journal of Research in Finance and Marketing.
4. Mary Hallward-Driemeier, Scott Wallsten and Lixin Colin Xu, 2006. Ownership, investment climate and firm performance Evidence from Chinese firms. Economics of Transition.
5. Mauro, P., 1995. Corruption and growth. Quarterly Journal of Economics, 110, pp. 681-712.
6. Tae Hoon Oum and Jong-Hun Park, 2004. Multinational ?rms location preference for regional distribution centers: focus on the Northeast Asian region. Transportation Research Part E.
7. Thuy, N.T. and Mathijs A. van Dijk, 2008. Corruption and growth_Private vs state-owned firms in Vietnam. Journal of Banking & Finance.
8. Tuyen, T,Q., Huong, V.V., Tinh, D.T. and Hiep T.D., 2016. Corruption, provincial institutions and manufacturing firm productivity: New evidence from a transitional economy. Estudios de Economía, N.43, Vol.2.
9. Viet, P.H., 2013. Effects of changes in provincial governance on the economic performance of the business sector: an empirical study using Vietnams Provincial Competitiveness Index. Waseda business &economic, 49.

The influence of political and legal factors on investment decision of small and medium enterprises in Vietnam

MA. NGUYEN MANH CUONG

Faculty of Business Management, Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

Political-legal organizations that influence the investment decisions of enterprises are not only important in the promulgation of legal documents and policies, but also in their commitment and enforcement (Globerman and Shapiro, 2003). Based on data from 231 small and medium enterprises (SMEs) in Vietnam, and from original legal-political concept, the study finds that the investment decision of the firm is affected through two different concepts. More specifically, the group of administrative efficiency components in the localities today is more important than the groups of factors remaining in attracting investment of SMEs.

Keywords: Politics - Law, effectiveness of administration, small and medium enterprises, investment environment.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây