Ảnh hưởng của yếu tố vốn Nhà nước đến hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. VÕ THỊ THÙY TRANG và ThS. NGUYỄN THỊ THÙY TRANG (Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của yếu tố vốn nhà nước đến hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), qua hai chỉ số ROA và ROE trong năm tài chính 2015, với 244 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM được chọn không bao gồm các ngân hàng, công ty tài chính và công ty bảo hiểm. Các biến độc lập sử dụng trong nghiên cứu này là tỷ lệ vốn nhà nước và biến phụ thuộc có tác động tích cực là ROA và ROE, kết quả nghiên cứu có sự so sánh với yếu tố tỷ lệ vốn nước ngoài. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có mối quan hệ giữa vốn nhà nước và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM. Điều này một phần minh chứng cho các nghiên cứu về tính hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian qua ở Việt Nam, khi các doanh nghiệp tham gia vào thị trường chứng khoán. Qua đó, đề xuất một số kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động tại các DNNN.

Từ khóa: Vốn Nhà nước, thị trường chứng khoán, công ty niêm yết, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Theo nghiên cứu của Nguyễn Minh Nguyệt (2015)[4], trong những năm gần đây, các DNNN được biết đến với những kết quả kinh doanh không khả quan, thậm chí lỗ đến mức báo động. Hiện DNNN chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP. DNNN bao gồm các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế như: ngân hàng, năng lượng, cơ khí, hóa chất..., tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được kỳ vọng. Vai trò kinh tế của khu vực DNNN trong thời gian qua chưa cao và đang ngày càng suy giảm. Phần lớn DNNN ở Việt Nam mặc dù có hệ số nợ cao hơn nhiều so với các DN tư nhân, tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các DNNN lại rất thấp. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết có vốn Nhà nước trên thị trường chứng khoán cần có sự nghiên cứu thực nghiệm. Vì vậy, nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố vốn nhà nước đến hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM là cần thiết.

2. Cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu

Khái niệm về hiệu quả hoạt động là một chủ đề gây tranh cãi trong tài chính bởi ý nghĩa rộng lớn của nó. Nghiên cứu về hiệu quả hoạt động doanh nghiệp xuất phát từ lý thuyết tổ chức và quản trị chiến lược (Murphy, 1996) [4]. Hiệu quả hoạt động đo lường trên cả phương diện tài chính và tổ chức. Việc đo lường hiệu quả hoạt động có thể bị tác động bởi mục tiêu của công ty mà mục tiêu này có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn cách đo lường hiệu quả hoạt động của công ty và sự phát triển của thị trường chứng khoán và thị trường vốn. Có nhiều chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, chỉ tiêu mà tác giả sử dụng đo lường hiệu quả hoạt động trong mô hình trên phương diện tài chính, được các tác giả sử dụng phổ biến nhất là chỉ tiêu khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và chỉ tiêu khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) [1].

Jensen & Meekling (1976) đặt nền móng cho vấn đề nghiên cứu về cấu trúc sở hữu có tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong thời gian gần đây, nghiên cứu dạng này được nhiều tác giả quan tâm, kết quả nghiên cứu đã cho thấy có nhiều mối quan hệ giữa cơ cấu sở hữu vốn và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (Võ Xuân Vinh, 2014) [3]. Nghiên cứu yếu tố vốn nhà nước ảnh hưởng đến hiệu quả của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM (HOSE) chưa có nghiên cứu nào được đề cập trong thời gian gần đây.

Theo kết quả kiểm toán và nghiên cứu của các tác giả trong thời gian gần đây về hiệu quả thực tế của các DNNN Việt Nam thấp, cũng như cơ sở lý thuyết về cơ cấu sở hữu vốn [1][3], giả thuyết được đưa ra trong nghiên cứu này là: “Các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM có tỷ lệ vốn nhà nước càng cao thì hiệu quả hoạt động càng thấp”.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Nguồn dữ liệu

Bài viết tiến hành nghiên cứu với số mẫu quan sát là 244 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM, không phải ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm. Niêm yết tối thiểu 1 năm tính đến ngày 31/12/2005, có công bố BCTC năm 2015. Do có những thông tin doanh nghiệp không công bố nên mẫu nghiên cứu xuất hiện một số dữ liệu bị thiếu đã bị loại khỏi mẫu nghiên cứu. Dữ liệu nghiên cứu sau cùng bao gồm 244 công ty niêm yết đưa vào quan sát.

3.2. Mô hình nghiên cứu và các biến trong mô hình

Mô hình nghiên cứu của bài viết sử dụng mô hình hồi quy đa biến OLS, với biến phụ thuộc là ROA và ROE. Biến độc lập là tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và tỷ lệ vốn nước ngoài trên tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm ngày 31/12/2015.

Mô hình nghiên cứu hồi quy đơn biến đề xuất như sau:

Mô hình 1: Ảnh hưởng của yếu tố vốn nhà nước đến tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản

ROA = α1 - β2.TLVNN + ε1

Trong đó: ROA: Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, TLVNN: Tỷ lệ vốn nhà nước; ε: Phần dư

Mô hình 2: Ảnh hưởng của yếu tố vốn nhà nước đến tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu

ROE = α2 - β2. TLVNN + ε2

Trong đó: ROA: Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, TLVNN: Tỷ lệ vốn nhà nước; ε: Phần dư

Đo lường các biến:

Tỷ lệ vốn nhà nước: Tỷ lệ vốn nhà nước chiếm trong toàn bộ vốn chủ sở hữu (Vốn thực góp của các cổ đông) trong doanh nghiệp.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả

Qua Bảng 1 ta thấy, tất cả các công ty trong dữ liệu nghiên cứu có tỷ suất sinh lời không quá thấp. Chỉ tiêu ROA thấp nhất (-1,69) các công ty thua lỗ, cao nhất đạt 8,2%/năm 2015 và trung bình 6,74% được đánh giá cao hơn lãi suất ngân hàng tại thời điểm nghiên cứu (trung bình 6%/năm). Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu một số doanh nghiệp được cho là cao là 102%, trung bình 11,17%.

Theo Bảng 2.1 và Bảng 2.2, số công ty có vốn nhà nước là 68 công ty, chiếm 27,86% tổng số mẫu nghiên cứu. Về hiệu quả hoạt động, các doanh nghiệp có vốn nhà nước có tỷ suất sinh lời thấp hơn các doanh nghiệp không có vốn nhà nước. Tuy nhiên, mức trung bình thì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn.

So sánh với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, có 203 công ty có sở hữu vốn nước ngoài, thì các công ty có hiệu quả hoạt động cao hơn các công ty có vốn nhà nước nhưng tương đương với các công ty.

Tuy nhiên, trong 244 mẫu nghiên cứu có 61 công ty vừa có vốn nhà nước và vừa có vốn nước ngoài, kết quả nghiên cứu trình bày Bảng 5.

Nhìn chung, theo Bảng 5, hiệu quả hoạt động của 61 công ty này có mức trung bình cao hơn các công ty được so sánh riêng có vốn Nhà nước hoặc vốn nước ngoài, theo Bảng 2.1, 2.2, 3 và 5.

Trong 10 công ty trong bộ dữ liệu nghiên cứu có hiệu quả hoạt động năm 2015 cao nhất là công ty với mã lần lượt là: TCT, DRL, VNM, MHC, HTL, NNC, SKG, DSN, NCT, KDC có mức sinh lời ROA thấp nhất 26% và cao nhất 82%; ROE thấp nhất 27% và cao nhất 102%. Các công này đều là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, với tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài lên đến 49%, có mã chứng khoán là VNM, trong đó có 3 công ty có vốn nhà nước có mã chứng khoán DRL, NNC và NCT với tỷ lệ vốn nhà nước lần lượt là: 30,42%; 37,73 và 65,07%.

4.2. Mô hình hồi quy

Theo mục 3, mô hình hồi quy được áp dụng là mô hình hồi quy đơn biến, xem xét có hay không ảnh hưởng của yếu tố vốn nhà nước đến hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM.

4.2.1. Kiểm tra điều kiện mô hình liên quan giữa biến phụ thuộc ROA và tỷ lệ vốn nhà nước

Theo Bảng 6; 7; 8, không có sự tồn tại giữa hiệu quả sinh lời trên tổng tài sản và tỷ lệ vốn nhà nước, do R2 điều chỉnh quá bé (0,003), Sig = 18,8% > 10%. Như vậy, không có sự tồn tại mối quan hệ này. Điều này có thể lý giải, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, kể cả các DNNN quan tâm đến tỷ suất sinh lời, bởi lẽ đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường. Thông tin kế toán nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Do vậy, nhà quản trị các công ty trên thị trường chứng khoán cố gắng nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty mình. Hơn nữa, sự độc lập về vốn và quản lý của thị trường chứng khoán phần nào nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.

4.2.2. Kiểm tra điều kiện mô hình liên quan giữa biến phụ thuộc ROE và tỷ lệ vốn nhà nước

Tương tự, theo Bảng 9; 10; 11, không có sự tồn tại giữa hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tỷ lệ vốn nhà nước, do R2 điều chỉnh quá bé (0,003), Sig = 18,5% > 10%. Như vậy, không có sự tồn tại mối quan hệ này.

Qua các bảng phân tích ở mục 4.2, có thể lý giải, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, kể cả các DNNN quan tâm đến tỷ suất sinh lời, bởi lẽ đây cũng là một yếu tố quyết định giá cổ phiếu trên thị trường. Thông tin kế toán nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, hiệu quả hoạt động cũng sẽ ảnh hưởng giá trị doanh nghiệp trong tương lai [3], ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Do vậy, nhà quản trị các công ty trên thị trường chứng khoán cố gắng nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty mình. Hơn nữa, sự độc lập về vốn và quản lý của thị trường chứng khoán phần nào nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.

5. Kết luận và kiến nghị

Qua kết quả phân tích cho thấy, hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán TP. HCM có vốn nhà nước không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công ty này. Từ đó, cho thấy vai trò của thị trường chứng khoán đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, kiến nghị được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các công ty có sở hữu vốn nhà nước đó là: (1) tăng cường tái cấu trúc các DNNN, cổ phần hóa DNNN và niêm yết các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán; (2) về phía hoạt động của thị trường chứng khoán, cần có chính sách tăng cường công bố thông tin, tạo thông tin minh bạch cho hoạt động của thị trường và công bố thông tin của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, cần xây dựng bộ tiêu chí công bố thông tin chi tiết và khuyến khích các công ty công bố thông tin tự nguyện n

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hoàng Tùng, 2016, Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí ở Việt Nam, Khoa học Công nghệ Việt Nam 2016, số 12B tr.26-32.

2. GS .TS. Ngô Đình Giao, Giáo trình quản trị kinh doanh tổng hợp trong các doanh nghiệp. NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội - 1997.

3. Võ Xuân Vinh, 2014, Cấu trúc sở hữu, hiệu quả hoạt động và giá trị doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 16 (26), tháng 5-6,/2014.

4. http://vaa.net.vn/Tin-tuc/Tin-chi-tiet/newsid/3812/Doanh-nghiep-Nha-nuoc-hoat-dong-kem-hieu-qua-Nguyen-nhan-va-giai-phap. Truy cập ngày 3/5/2017.

IMPACT OF STATE CAPITAL ON THE PERFORMANCE

OF LISTED COMPANIES ON THE HO CHI MINH

STOCK EXCHANGE

MA. VO THI THUY TRANG

MA. NGUYEN THI THUY TRANG

Nha Trang University

ABSTRACT:

This study aimed to assess the effect of state capital on the performance of listed companies in Ho Chi Minh City (HCMC) through the value of ROA and ROE in the fiscal year of 2015, with 244 companies listed on the stock market of HCMC, except for banks, finance companies and insurance companies. The independent variables used in this study were the proportions of state capital and dependent variables that had a positive effect on ROA and ROE in which the results are compared to the ratio of foreign capital. The research results show that there is no relationship between state capital and performance of listed companies on the Ho Chi Minh City Stock Exchange. This is a testament to the studies on the effectiveness of state-owned enterprises (SOEs) in Vietnam over the past few years, when enterprises are involved in the stock market. Thereby, recommendations for improving performance in SOEs are proposed.

Keywords: State capital, stock market, listed company, Ho Chi Minh City.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây