TÓM TẮT:
Khu di tích đền Cao An Phụ nằm trong không gian du lịch An Phụ - Kính Chủ thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, giá trị của khu di tích chưa được xác định đầy đủ, vì vậy việc khai thác, quản lý, nâng cao ý thức của người dân địa phương cũng như khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường và cảnh quan khu di tích chưa cao. Trên cơ sở đó, nghiên cứu tiến hành áp dụng phương pháp chi phí du lịch để lượng giá giá trị của khu di tích Đền Cao An Phụ, từ đó có cơ sở giúp các nhà quản lý đưa ra được các biện pháp bảo vệ và khai thác hiệu quả các giá trị của khu di tích.
Từ khóa: Chi phí du lịch, khu di tích đền Cao An Phụ, lượng giá giá trị.
1. Giới thiệu khu di tích đền Cao An PhụKhu di tích đền Cao An Phụ thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương nằm cách thành phố Hải Dương 30 km về phía đông. Đền được xây dựng từ thời Trần vào thế kỷ XIII. Các công trình kiến trúc hiện nay được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn. Năm 2016, khu di tích đền Cao An Phụ được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Các công trình chính gồm:
- Chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là chùa Cao, xung quanh con nhiều cây cổ 600-700 năm tuổi, trước chùa có 3 cây đại cổ thụ có niên đại trên 700 năm, minh chứng cho lịch sử trường tồn của ngôi chùa.
- Đền Cao: Đền có kiến trúc tiền Nhất (-), hậu Đinh (J) bao gồm 3 gian: Tiền tế, trung từ và hậu cung.
- Giếng Mắt Rồng và Giếng Mắt Ngọc: Ở độ cao 230m, quanh năm trong mát.
- Bàn cờ tiên ở phía đông chùa Cao
- Trụ Kinh Thiên (trụ đá chọc trời)
- Đình Huề Trì (phía tây nam núi An Phụ) nơi thờ Thiện Nhân, Thiện Khánh (nữ tướng của Hai Bà Trưng).
- Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
- Bức phù điêu được làm bằng đất nung do các nghệ nhân Làng Cậy (xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đúc và nung đốt theo phương pháp thủ công dài 45m, cao trung bình 2,5m gồm 526 mảng.
2. Mô hình nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp lượng giá chi phí du lịch theo vùng (Zonal Travel Cost Method - ZTCM) để lượng giá giá trị kinh tế của khu di tích Đền Cao An Phụ. Cách tiếp cận này xác định mối quan hệ giữa tỷ lệ tham quan của vùng xuất phát tới vị trí nghiên cứu với tổng chi phí du lịch của vùng xuất phát.
Vi = V (TCi, POPi, Si)
Trong đó:
Vi là số lần viếng thăm từ vùng i tới điểm du lịch
POPi là dân số của vùng i
Si là các biến kinh tế - xã hội ví dụ như thu nhập trung bình của mỗi vùng.
Thông thường biến phụ thuộc được biểu hiện dưới dạng (Vi/POPi) hay tỉ lệ số lần tham quan trên 1000 dân - VR.
Một số bước cơ bản khi thực hiện ZTCM gồm:
Bước 1:
Thiết kế nghiên cứu: Thu thập thông tin tổng quan về điểm du lịch và xác định đối tượng phỏng vấn
* Thông tin thứ cấp:
Thông tin thứ cấp được thu thập bao gồm số liệu liên quan đến thực trạng du lịch, cảnh quan môi trường, giá vé vào cửa tại khu di tích Đền Cao An Phụ, xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Duơng; số liệu về lượng khách du lịch hàng năm, chi tiêu cho du lịch tại khu di tích, hiện trạng môi trường tại khu di tích An Phụ, doanh thu từ các loại hình dịch vụ thu được từ khách khi đến thăm quan khu di tích… được công bố trên các loại sách, báo, các công trình nghiên cứu khoa học, các báo cáo tổng kết tình hình tăng trưởng phát triển kinh tế, báo cáo hiện trạng môi trường của huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Duơng.
* Thông tin sơ cấp:
Thu thập thông tin sơ cấp thông qua thực hiện khảo sát điều tra gồm 260 bảng hỏi được thiết kế sẵn. Việc điều tra được tiến hành trên địa bàn khu di tích đền Cao An Phụ vào 2 khoảng thời gian chính:
+ Tháng 2, tháng 3/2017 - thời gian Tết nguyên Đán;
+ Ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng: Lượng du khách đến khu di tích nhiều hơn, do quan niệm của người Việt Nam đi lễ chùa vào dịp đầu năm, ngày mùng một và ngày rằm.
Bước 2: Phân chia các vùng xung quanh điểm du lịch
Thường các vùng được chia theo các vòng tròn có bán kính là khoảng cách khác nhau tới điểm tham quan. Một cách phân chia khác là theo các vùng hành chính với các khoảng cách khác nhau tới điểm nghiên cứu.
Bước 3: Ước lượng số lần du lịch theo vùng
Thông tin được ngoại suy từ số du khách của từng vùng trong mẫu điều tra và tổng số du khách năm trước đó. Số lần du lịch của từng vùng được phối hợp cùng dữ liệu về dân số của từng vùng để tính tỷ lệ du lịch (là số lần du lịch trên 1.000 dân).
Ước tính chi phí du lịch của từng vùng tới điểm tham quan. Các chi phí du lịch thường được chia thành 3 nhóm cơ bản là:
+ Chi phí đi lại.
+ Chi phí tại khu du tích: Vé vào cửa, vé gửi xe, chi phí sắm lễ, chi phí ăn uống, chi phí khác (Thuê hướng dẫn viên, mua quà tặng…);
+ Chi phí cơ hội.
Chi phí trung bình của từng vùng được xác lập dựa trên chi phí thành phần của các dù khách trong từng vùng.
Chi phí toàn bộ của chuyến đi sẽ được tính như sau:
Tổng chi phí du lịch = Chi phí đi lại + Chi phí tại khu di tích + Chi phí cơ hội
Bước 4:
Xem xét mối quan hệ giữa chi phí của chuyến đi và số lần đi tới vị trí đánh giá của các nhóm thông qua các số liệu điều tra, tính toán ở trên.
VRi = V (TCi, Si)
Mối quan hệ giữa chi phí du lịch và số
lần đến điểm du lịch thể hiện nhu cầu giải trí. Ta có đồ thị đường cầu về giải
trí như sau:

Phần diện tích a nằm dưới đường cầu chính là giá trị lợi ích của giải trí, hay bằng giá trị lợi ích của khu vực tự nhiên.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Phân vùng khách du lịch tại khu di tích An Phụ
Việc phân vùng xuất phát của khách du lịch làm cơ sở xác định chi phí du lịch của du khách có thể theo đường tròn đồng tâm tính từ địa điểm du lịch hoặc theo khu vực hành chính. Phân du khách thành các vùng với giả định những người trong cùng 1 vùng thì có chi phí đi lại đến điểm du lịch gần như nhau.
Theo các số liệu thống kê, khách du lịch đến khu di tích đền Cao An Phụ chủ yếu đến từ các xã, thị trấn của huyện Kinh Môn, thành phố Hải Dương, thành phố Hải Phòng, các tỉnh thành phố lân cận Hải Dương. Khách du lịch đến từ các tỉnh, địa phương khác chiếm tỉ trọng rất nhỏ, do vậy không ảnh hưởng nhiều đến kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu phân chia vùng xuất phát làm 4 vùng theo khoảng cách tăng dần từ nơi xuất phát tới khu di tích như sau:

3.2. Lượng giá chi phí du lịch
Đề tài nghiên cứu chi phí du lịch tại khu di tích đền Cao An Phụ bao gồm 3 nhóm chi phí chính:
3.2.1. Chi phí đi lại
Chi phí đi lại của khách du lịch được tính bằng chi phí từ điểm xuất phát đi tới khu di tích, bao gồm chi phí cho phương tiện đi lại, chi phí cầu đường. Do vậy, chi phí đi lại của khách du lịch phụ thuộc vào khoảng cách từ điểm xuất phát tới khu di tích và phương tiện đi lại.
Với du khách đến khu di tích, các du khách từ vùng 1 thường đi bộ, xe đạp và xe máy. Khách du lịch thuộc vùng 2, 3, 4 chủ yếu đi xe máy, ô tô riêng, thuê xe ô tô, xe bus, xe khách. Ngoài ra, khách du lịch thuộc vùng 4 còn có thể đi bằng tàu hỏa. Giả định chi phí đi lại của du khách thuộc cùng 1 vùng không có sự chênh lệch đáng kể, do vậy, đề tài tiến hành tính giá trị trung bình chi phí đi lại đối với từng phương tiện của các du khách trong cùng một vùng.
- Đối với khách du lịch sử dụng phương tiện là xe máy: Chi phí đi lại được tính như sau:
+ Giá xe máy trung bình là 20 triệu đồng, tỷ lệ khấu hao là 10% một năm tương ứng với 2 triệu đồng/ năm và một năm đi được khoảng 10.000 km, vậy mức khấu hao là 200 đồng/ km với giả định trong thời gian sử dụng không có sửa chữa lớn.
+ Xe máy đi trung bình 100 km hết 2 lít xăng, một lít xăng có giá là 17.000, chi phí xăng là 340 đồng/km. (Giá xăng được cập nhật theo giá thị trường đến hết ngày 10/06.2017).
+ Xe máy chạy 1000 km phải thay hộp dầu giá 95.000 đồng, nên chi phí dầu máy là 95 đồng/km.
+ Tiền bảo hiểm xe máy một năm là 50.000 đồng, một năm trung bình xe chạy 10.000 km , vậy chi phí bảo hiểm cho xe là 5 đồng/km.
Vậy chi phí đi lại của xe máy là: P = 200 + 340 + 95 + 5 = 640 (đồng/km)
- Đối với khách du lịch sử dụng ô tô riêng: Chi phí đi lại được tính bao gồm:
+ Giá xe ô tô trung bình trị giá 400 triệu với tỷ lệ khấu hao là 10% năm tức 40 triệu đồng/ năm, một năm đi khoảng 15.000 km vậy mức khấu hao là 2.667 đồng/ km (không tính đến sửa chữa lớn).
+ Xe chạy hết 5.000 km phải thay dầu động cơ giá 500.000đ, bằng 100 đồng/ km.
+ Tiền bảo hiểm ô tô một năm là 8.000.000đ, mà trong năm xe chạy trung bình 15.000 km vậy chi phí bảo hiểm là 533 đồng/km.
Xe chạy trung bình 12 lít xăng/100 km, bằng 204.000 đồng/100 km bằng 2.040 đồng/km.
Chi phí đi lại của ô tô riêng là: P = 2.667 + 100 + 533 + 2.040 = 5.340 (đồng/km)
+ Vé cầu đường: 15.000 đồng/lượt ô tô.
Như vậy, chi phí ô tô riêng là: P = 5.340 đồng/km * khoảng cách + 15.000 đồng
- Đối với du khách sử dụng ô tô thuê: Theo số liệu điều tra, đề tài chọn giá thuê xe 16 chỗ trung bình là 4.850 đồng/km.
+ Vé cầu đường: 15.000 đồng/lượt ô tô.
Như vậy, chi phí ô tô thuê là: P = 4.850 đồng/km * khoảng cách + 15.000 đồng
- Đối với du khách vùng 2 sử dụng xe bus thì chi phí đi lại được tính bằng giá vé xe bus cộng với chi phí đi lại bằng xe ôm từ bến xe bus gần nhất tại ngã tư Kinh Môn đến khu di tích.
Trong đó:
+ Giá vé xe bus là 12.000 đồng/người.
+ Khoảng cách từ bến xe bus gần nhất đến khu di tích là 5 km, chi phí đi xe ôm là 20.000 đồng.
Như vậy, chi phí sử dụng xe bus của khách du lịch từ vùng 2 là: 12.000 + 20.000 = 32.000 VNĐ/ người.
- Đối với khách du lịch từ vùng 2,3,4 sử dụng phương tiện đi lại là xe khách thì chi phí đi lại được tính bằng giá vé xe khách từ điểm xuất phát đến nút giao giữa đường 18 và quốc lộ 5 cộng với chi phí đi lại từ nút giao đến khu di tích.
Trong đó:
+ Chi phí đi bằng xe khách là: 875 đồng/km;
+ Khoảng cách từ nút giao đến khu di tích là 11 km, phương tiện đi lại có thể sử dụng là xe ôm với chi phí là 3.500 đồng/km.
Như vậy, ta có chi phí đi lại trung bình bằng phương tiện xe khách là: 875 + 3.500 = 4.375 đồng/km.
- Đối với du khách vùng 4 sử dụng phương tiện đi lại là tàu hỏa thì chi phí đi lại được tính bằng giá vé tàu hỏa từ điểm xuất phát (ga Long Biên, ga Cẩm Giàng, ga Hải Dương) đến ga Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cộng với chi phí đi lại từ ga Phú Thái đến khu di tích.
Trong đó:
+ Giá vé tàu trung bình là: 687 đồng/km;
+ Khoảng cách từ ga Phú Thái đến khu di tích là 12 km, phương tiện đi lại có thể sử dụng là xe ôm với chi phí 3.500 đồng/km.
Như vậy, ta có chi phí đi lại bằng phương tiện tàu hỏa là: 687 + 3.500 = 4.187 đồng/km.
3.2.2. Chi phí tại khu di tích
Chi phí tại điểm du lịch bao gồm chi phí ăn ở, chi phí gửi xe, vé vào cổng, chi phí sắm lễ và chi phí mua sắm khác. Cụ thể:
- Chi phí ăn ở: Chi phí ăn ở phụ thuộc vào thời gian lưu trú của khách du lịch và thu nhập. Mức chi trả chi phí ăn ở thường cao ở nhóm du khách có thu nhập cao.
Chi phí ăn dao động từ 25.000 đồng - 100.000 đồng/người.
Khách du lịch đến khu di tích thường đi trong ngày, không nghỉ lại qua đêm nên không phát sinh chi phí thuê phòng nghỉ.
- Vé vào cửa: Du khách đến với khu di tích cần mua vé vào cổng. Giá vé vào cửa là: 10.000 đồng/người.
- Chi phí gửi xe: Xe máy: 10.000 đồng/ xe; Ô tô: 30.000 đồng/xe
- Chi phí sắm lễ: Tại khu di tích có chùa Tường Vân, đền Cao, do đó, khách du lịch đến khu di tích thường chuẩn bị lễ vào chùa và tiền công đức. Chi phí sắm lễ và tiền công đức phụ thuộc vào thu nhập của khách du lịch.
- Chi phí mua sắm khác: Một số chi phí khác như chi phí thuê hướng dẫn viên, chi phí mua sắm đồ lưu niệm. Tuy nhiên chi phí này rất nhỏ, không đáng kể.
Chi phí tại điểm du lịch được tổng hợp từ số liệu điều tra khách du lịch.
3.2.3. Chi phí cơ hội
Đề tài nghiên cứu ước lượng chi phí cơ hội của khách du lịch bằng cách dựa vào ngày công lao động trung bình của khách du lịch.
Ngày công lao động = thu nhập 1 tháng/30 ngày.
Như vậy chi phí cơ hội được tính như sau:
Chi phí cơ hội = Thời gian lưu trú trung bình * Thu nhập bình quân ngày của khách du lịch được phỏng vấn
3.2.4. Tổng chi phí
Ta tính được tổng chi phí du lịch của 1 lượt khách du lịch theo công thức:
Tổng chi phí du lịch (TC) = Chi phí đi lại + Chi phí tại khu di tích + Chi phí cơ hội
Ta có bảng Tổng chi phí du lịch trung bình theo vùng như sau:

3.3. Hồi quy tương quan giữa tổng chi phí du lịch (TC) và tỷ lệ du lịch theo vùng (VR)
Trước khi xây dựng đường cầu du lịch của khu di tích đền Cao An Phụ, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng hàm số biểu diễn mối quan hệ giữa tỷ lệ du lịch theo vùng (VR) với tổng chi phí du lịch trung bình theo vùng (TC).
VRi = f(TCi)
Trong đó:
VRi: Tỷ lệ du lịch của vùng i = số lượt khách du lịch của vùng i/ 1000 dân
TCi: Tổng chi phí du lịch của vùng i
Để lập hàm VR = f (TC) ta có 2 bước:
- Bước 1: Tính tỉ lệ du lịch theo vùng (VR)
Để tính tỉ lệ du lịch theo vùng VRi ta tiến hành 3 bước như sau:
(1) Tính tỉ lệ du lịch theo vùng trong mẫu (Ri)
Ta có tỷ lệ du lịch của vùng i trong mẫu (Ri) được tính theo công thức: Ri = Xi/ N
Trong đó:
Ri: Tỉ lệ du lịch của vùng i trong mẫu
Xi: Số lượt khách du lịch vùng i trong mẫu
N: Tổng số lượt khách du lịch trong mẫu
(2) Tính số lượt khách du lịch của vùng i (Ki)
Ta có, số lượt khách du lịch của vùng i (Ki) được tính theo công thức: Ki = Ri*T
Trong đó:
Ki: Số lượt khách du lịch trong năm của vùng i đến điểm tham quan
Ri: Tỉ lệ du lịch của vùng i trong mẫu
T: Tổng số lượt khách du lịch trong năm đến điểm tham quan. Theo Báo cáo tổng kết tình hình du lịch năm 2016 của khu di tích, tổng số lượt khách du lịch đến khu di tích năm 2016 là T = 1.350.000 lượt.
(3) Tính tỉ lệ du lịch của vùng i (VRi)
Ta có, tỉ lệ du lịch của vùng i (VRi) được tính theo công thức: VRi = Ki/Pi
Trong đó:
VRi: Tỉ lệ du lịch của vùng i
Ki: Số lượt khách du lịch của vùng i
Pi: Dân số vùng i
Từ đó, ta có bảng kết quả VRi theo vùng như sau:

- Bước 2: Xây dựng hàm số VRi = f(TCi)
Ta có bảng số liệu về VRi và TCi theo vùng như sau:

Thực hiện phép toán hồi quy, ta thu được hàm VR như sau: VR = 3673,326 - 3,537*TC
3.4. Xây dựng đường cầu du lịch của khu di tích Đền Cao An Phụ
Để xây dựng hàm cầu du lịch, ta cần tìm các tập hợp điểm giữa các mức tổng chi phí du lịch khác nhau và số lượt khách du lịch tương ứng với từng mức tổng chi phí du lịch đó.
Giả định có sự thay đổi trong giá vé vào cửa, các chi phí khác không thay đổi. Giá vé vào cửa hiện tại là 10.000 đồng/lượt khách. Khi mức vé vào cửa thay đổi, ta có bảng số lượt khách tương ứng với các mức tổng chi phí du lịch thay đổi do giá vé vào cửa thay đổi như sau:

Ta hồi quy được Tổng số lượt khách du lịch (NUMBER) theo Tổng chi phí du lịch (TC) như sau:
NUMBER = 56.577.572,519 - 17.093,532*TC
4.6. Ước lượng giá trị cảnh quan của khu di tích đền Cao An Phụ
Giá trị cả của khu di tích được tính bằng thặng dư tiêu dùng của khách du lịch đến khu di tích. Theo đồ thị trên thì phần thặng dư tiêu dùng là phần diện tích nằm phía dưới đường cầu.
Ta có:
Thặng dư tiêu dùng =

= 48.524.884.370 (đồng)
= 48,525 (tỷ đồng)
Theo Báo cáo tổng kết tình hình du lịch năm 2016 tại khu di tích đền Cao An Phụ, nguồn thu từ công đức (nhân dân đóng góp) và nguồn thu từ vé tham quan, tính đến ngày 31/12/2016 tổng thu được là 6.395.375.000 đồng.
Như vậy, kết quả lượng giá của khu di tích là 48,525 tỷ đồng cao gấp 7,6 lần so với doanh thu hiện tại. Điều này được giải thích là do khi tính doanh thu 6,395 tỷ đồng của khu di tích, Ban quản lý mới tính doanh thu từ tiền công đức, tiền vé vào cửa và tiền thu từ ki ốt dịch vụ. Như vậy, Ban quản lý khu di tích mới tính đến các chi phí khách du lịch phải trả bao gồm: Chi phí sắm lễ, công đức, chi phí mua vé vào cửa và chi phí ăn uống mà chưa tính đến các chi phí như chi phí đi lại, xăng xe, đặc biệt là chi phí cơ hội của du khách.
Kết quả lượng giá cho thấy, khách du lịch sẵn lòng chi trả mức chi phí cao hơn gấp 7,6 lần so với doanh thu thực tế hiện tại để đến tham quan, vãn cảnh cũng như thực hiện các hoạt động tâm linh khác.
Có thể thấy, tiềm năng du lịch của khu di tích còn rất lớn. Bên cạnh đó, khu di tích còn đem lại những giá trị rất lớn về mặt cảnh quan môi trường cũng như lưu giữ các giá trị văn hóa, truyền thống, văn hóa tâm linh của đất nước. Do đó, Ban quản lý khu di tích cần có các biện pháp thực tế để bảo vệ và khai thác tiềm năng khu di tích hiệu quả hơn nữa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tài liệu tiếng Việt
1. Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2015, 2016 huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
2. Báo cáo tổng kết tình hình du lịch của khu di tích đền Cao An Phụ năm 2016.
3. Đinh Đức Trường, Lê Hà Thanh (2013), Lượng giá tài nguyên và môi trường: Từ lý thuyết đến ứng dụng tại Việt Nam, Nhà xuất bản Giao thông vận tải.
4. Phạm Khánh Nam và Trần Võ Hùng Sơn (2001), Analysis of the Recreational Value of the Coral-surrounded Hon Mun Islands in Vietnam, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Tài liệu nước ngoài
1. Mikóaj Czajkowski va¸ cộng sự (2015), The Individual Travel Cost Method with Consumer - Specific Values of Travel Time Savings, University of Warsaw.
2. Tiantian Tang (2009), An Application of Travel Cost Method to Yuelu Mountain Park in Changsha, China, University of Helsinki.
APPLYING TOURISM COST METHOD IN VALUATION
OF CAO-AN PHU TEMPLE, AN SINH COMMUNE,
KINH MON DISTRICT, HAI DUONG PROVINCE
MA. NGUYEN TAN HUYEN
MA. TRAN THI THU TRANG
Hanoi University of Natural Resources and Environment
ABSTRACT:
The relic of Cao An Temple is located in the An Phu - An Sinh tourist area of An Sinh Commune, Kinh Mon District, Hai Duong Province. The temple is classified as a special national monument under the Prime Minister's Decision No. 2499 / QĐ-TTg dated 22/12/2016. At present, the value of the relic has not been fully determined, hence there are lack of the exploitation, management, raising awareness of local people as well as tourists in the protection of the environment and landscape of the area. On that basis, the study conducted the application of tourism cost method to assess the value of the temple relics Cao An, from which managers can put out the protection measures and effectively exploit the values of the relic.
Keywords: Travel expenses, temple relics Cao An, valuation value.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây