Áp lực thu hồi nợ cuối năm: Cuộc đua giữa các ngân hàng

Thời điểm cuối năm cho thấy một loạt các ngân hàng phát mại tài sản đảm bảo dưới áp lực lớn từ việc thu hồi nợ.

Việc thu hồi nợ thực tế không chỉ tác động mạnh tới kết quả thực hiện kế hoạch kinh doanh cả năm của ngân hàng, mà còn ảnh hưởng tới điều các cổ đông quan tâm trên hết tại thời điểm tổng kết trong năm, đó là các báo cáo về lợi nhuận thu lại và nợ xấu còn tồn tại. Đây là lý do thu hồi nợ cuối năm càng trở thành áp lực lớn lên chiến lược hoạt động của mọi ngân hàng.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã công bố tổ chức đấu giá 3 quyền sử dụng đất tại khu Công nghiệp Đức Hoà III - Long An, với mỗi lô đất có trị giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Lô đất 3,72 triệu m2 có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh Hạ tầng KCN Sài Gòn - Long An và một phần của Công ty Cổ phần đầu tư AMIC được rao bán ở mức giá khởi điểm là 4.000,69 tỷ đồng.

Lô đất thứ 2 có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An, Công ty Cổ phần Long “V”, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Long Đức - ILD và Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Mười Đây, với tổng diện tích hơn 2,74 triệu m2 và mức giá khởi điểm 3.131,58 tỷ đồng.

Lô đất cuối cùng trong khối tài sản “khổng lồ” được Sacombank đấu giá có tổng diện tích 2,75 triệu m2, thuộc về chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Hòa III - Resco và một phần của Công ty Cổ phần Đầu tư AMIC, giá khởi điểm gần 2.854,73 tỷ đồng.

Dự kiến, Sacombank có thể thu về ít nhất 10.000 tỷ đồng nếu rao bán thành công ba tài sản đảm bảo trên.

Theo Sacombank, mục tiêu ngân hàng này đề ra trong năm 2017 là xử lý được 15.000 - 20.000 tỷ đồng nợ xấu và sẽ tiếp tục triển khai bán nhiều tài sản đảm bảo khác để vượt qua con số này.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gần đây cũng vừa rao bán nhiều tài sản đảm bảo thế chấp bởi các doanh nghiệp. Nổi bật là tài sản thế chấp của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu hạt điều và hàng nông sản thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm 5 quyền sử dụng đất tại Quận 4, Quận Thủ Đức, Quận Tân Bình, Quận 7 và tỉnh Bình Dương với mức giá khởi điểm là 84 tỷ đồng. Hay Nhà máy sản xuất đường tinh luyện tại Đức Hòa, Long An được phát mại ở giá khởi điểm gần 129 tỉ đồng…

Không nằm ngoài cuộc đua nước rút xử lý nợ, từ tháng 10/2017, trên Website chính thức của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã bắt đầu đăng các thông báo chính thức về việc thu giữ hơn 30 tài sản đảm bảo của những khách hàng nợ quá hạn tại các chi nhánh trên toàn quốc như Hoà Bình, Phú Thọ, Bình Định,… Cùng với đó, Agribank cũng thông báo phát mại các tài sản đảm bảo này, nhanh chóng thu hồi lại các khoản nợ xấu còn tồn đọng.

Năm 2017 cho thấy nhiều ngân hàng tích cực triển khai rao bán tài sản đảm bảo hơn nhằm thu hồi nợ. Nghị quyết 42/2017/QH14 được Quốc hội thông qua tháng 6 vừa qua đã trở thành chìa khoá then chốt giải quyết các trở ngại trong việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Trước đó, thu nợ là bài toán khiến các lãnh đạo ngân hàng đều phải đau đầu. Do hành lang pháp lý còn chưa đủ chặt chẽ và mạnh mẽ, các bên vay vẫn không hợp tác chuyển giao lại tài sản đảm bảo đã thế chấp dù rơi vào tình trạng nợ xấu.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp dụng thủ tục rút gọn trong thu giữ tài sản đảm bảo, đẩy nhanh tiến độ thu hồi lại nợ xấu. Nhiều ngân hàng đã rao bán thành công các khoản nợ, quyền sử dụng đất, phương tiện di chuyển,… là tài sản đảm bảo và thu hồi nợ xấu.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang triển khai thực hiện thí điểm Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu tại 6 ngân hàng bao gồm Sacombank, ACB, BIDV, Techcombank, VietinBank và Agribank. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước có thể dần thấy được những mặt mạnh, những hạn chế còn tồn tại để kiện toàn việc thực thi Nghị quyết một cách hoàn chỉnh và hợp lý nhất.

Phương Thảo