3 định hướng nghiên cứu dài hạn của Viện Công nghiệp Thực phẩm

Nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, Vụ Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc với Viện Công nghiệp Thực phẩm để cùng trao đổi, tìm giải pháp phối hợp hiệu quả giữa hai đơn vị trong thời gian tới.
Vụ KHCN làm việc với Viện CNTP
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và ông Vũ Nguyên Thành – Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm chủ trì buổi làm việc ngày 7/10/2021

 

Cơ sở vật chất và nguồn lực hàng đầu

Chia sẻ với Đoàn công tác của Vụ Khoa học và Công nghệ do Vụ trưởng Trần Việt Hòa làm trưởng Đoàn, ông Vũ Nguyên Thành – Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm cho biết, nhờ được trang bị các thiết bị phân tích, nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thông qua đầu tư thường xuyên của Bộ Công Thương, dự án JICA, Dự án đầu tư xưởng công nghệ sinh học, Dự án đầu tư Trung tâm Công nghệ sinh học Vi sinh và từ các đề tài nghiên cứu, dự án hợp tác quốc tế…, nên chất lượng nghiên cứu của Viện khá cao, đứng top đầu Việt Nam về lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Viện là một trong những cơ sở mạnh của Việt Nam trong nghiên cứu sản xuất enzyme tái tổ hợp, sản xuất nano-selen. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh là một trong những thế mạnh của Viện. Ngoài ra, Viện có  Trung tâm Phân tích và giám định thực phẩm quốc gia, được công nhận hợp chuẩn ISO/IEC 17025 trong lĩnh vực Hóa-Sinh với mã số VILAS 259. Trung tâm có năng lực thử nghiệm trên 300 chỉ tiêu, trong đó 100 chỉ tiêu được công nhận hợp chuẩn.

Bên cạnh đó, đội ngũ 105 cán bộ viên chức, trong đó có 5 PGS, 16 TS, 50 ThS, còn lại là cử nhân, kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân, hầu hết đều có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu nhiều năm liên tục, nên đều là các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Trong các giai đoạn trước, thành tựu lớn nhất của Viện là góp phần xây dựng nền tảng cho công nghiệp rượu bia, nước giải khát của Việt Nam. Trong những năm gần đây, Viện gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, Viện cũng phát triển và chuyển giao được một số công nghệ trong lĩnh vực chế biến như công nghệ chiết tách tinh dầu, sản xuất phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng từ các loại thảo dược, nâng cấp một số sản phẩm truyền thống lên sản xuất công nghiệp, chế biến giò nấm, đông khô sữa ong chúa... Nhằm quảng bá công nghệ, thăm dò thị trường, hoàn thiện sản phẩm, Viện đã thực hiện sản xuất thử và đăng ký thương mại trên 20 sản phẩm.

Vụ KHCN làm việc với Viện CNTP
Ngoài các cán bộ có mặt tại phòng họp, còn có các điểm cầu họp trực tuyến

 

3 định hướng nghiên cứu dài hạn

Với các điều kiện nhân lực, trang thiết bị, mặt bằng của Viện,  Viện trưởng Vũ Nguyên Thành đánh giá, về cơ bản đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vai trò của Viện chưa thật sự nổi bật do thiếu những công nghệ mang tính đột phá, công tác hỗ trợ quản lý nhà nước mang tính thụ động, theo vụ việc.

Do đó, trong thời gian tới, Viện xác định sẽ phát triển những công nghệ có tính cạnh tranh cao, hướng tới công nghiệp chế biến những nông sản chủ lực của Việt Nam. Để làm được điều này, Viện đang tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng 03 định hướng nghiên cứu dài hạn và đề xuất với Bộ Công Thương, bao gồm:

  • Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, để tiến tới xây dựng cách quy chuẩn về mức độ chất lượng (thay vì an toàn/không an toàn như hiện nay), đánh giá tác động kinh tế, môi trường, xu thế công nghệ nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách thúc đẩy áp dụng công nghệ tiên tiến.
  • Làm chủ và phát triển công nghệ in 3D trong sản xuất thực phẩm. Công nghệ in 3D trước mắt sẽ ứng dụng trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất thức ăn chay và tiến tới phát triển các thực phẩm thay thế dựa trên nền tảng công nghệ sinh học.
  • Ứng dụng công nghệ liposome, phytosome nhằm nâng cao chất lượng và tính hướng đích của các hợp chất thiên nhiên phục vụ công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.

Trước mắt, qua quá trình làm lâu năm với các doanh nghiệp, Viện nhận thấy nhu cầu cần có một đơn vị trung gian làm nơi kết nối các nhà cung cấp công nghệ, các chuyên gia trong và ngoài nước với doanh nghiệp. Do đó, Viện đề xuất xây Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ nhằm đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới trong chế biến nông sản và thực phẩm. Trung tâm sẽ bao gồm phần mềm là cơ sở dữ liệu công nghệ, dữ liệu chuyên gia, các hoạt động kết nối, quảng bá. Phần cứng của trung tâm là nhà xưởng, thiết bị.

Ý tưởng về một trung tâm như vậy nhận được đồng thuận và sự sẵn sàng tham gia đóng góp từ phía doanh nghiệp. Viện sẽ xây dựng đề án thành lập Trung tâm theo phương thức đầu tư công-tư và đệ trình xin ý kiến Bộ trong thời gian tới.

Nhận diện khó khăn, tháo gỡ vướng mắc

Với cương vị Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm, ông Bùi Quang Thuật cho rằng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa thực sự “cởi trói”doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Lương cơ bản theo quy định Nhà nước, để đảm bảo thu nhập cho các cán bộ nghiên cứu yên tâm làm công tác chuyên môn thì cần thêm nhiều nguồn thu khác, nhưng vì thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể, nên chưa phát huy được thế mạnh của Viện là mặt bằng và cơ sở vật chất, sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp để có thêm nguồn thu, nhưng hiện chưa thể triển khai được.

Nêu ra thực trạng tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước, ông Thuật  thẳng thắn nhìn nhận, sự kết nối giữa Viện với Vụ Khoa học và Công nghệ chưa thực sự tích cực trong thời gian qua. Do đó, trong lĩnh vực An toàn thực phẩm, Viện tham gia với Bộ Y tế nhiều hơn với Bộ Công Thương, trong khi, Bộ Công Thương cũng tham gia quản lý mảng này.

Viện cũng mong muốn, Bộ Công Thương sẽ có các đặt hàng cụ thể, đồng thời các nhiệm vụ thường xuyên do Viện đề xuất sẽ được Bộ ủng hộ, nhằm đảm bảo nguồn thu thường xuyên, duy trì hoạt động nghiên cứu dài hơi và duy trì hoạt động của các chuyên gia, tránh hiện tượng chảy máu chất xám do thu nhập không tương xứng với nhà khoa học.

Cùng quan điểm với ông Thuật, Phó Viện trưởng Nguyễn Mạnh Đạt cũng cho rằng, áp lực về tự chủ tài chính, trong khi văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng là một vướng mắc cần được nhanh chóng tháo gỡ cho các viện. Các viện nghiên cứu rất cần nguồn thu nhập mới không phụ thuộc theo hình thức cũ để người làm khoa học giảm bớt áp lực về kinh tế, có thể yên tâm theo đuổi ước mơ nghiên cứu, cống hiến nhiều hơn cho ngành và cho đất nước.

Bên cạnh đó, ông Đạt cũng mong muốn, Bộ Công Thương ủng hộ ý tưởng thành lập Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ để các nhà cung cấp công nghệ, các chuyên gia trong và ngoài nước có thể tiếp cận nhu cầu của doanh nghiệp.

Vụ KHCN làm việc với Viện CNTP
Viện Công nghiệp Thực phẩm có cơ sở vật chất khá hiện đại đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu

 

Đại diện các bộ môn thuộc Viện cũng cho rằng, Viện có cơ sở vật chất, có đội ngũ chuyên gia sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm. Vì vậy, nguyện vọng của các nhà nghiên cứu là Bộ Công Thương tạo điều kiện để Viện có các nhiệm vụ thường xuyên, đảm bảo được tính liên tục của các nghiên cứu và đúng lĩnh vực chuyên môn đang là thế mạnh của Viện.

Giải pháp phối hợp hiệu quả

Qua lắng nghe ý kiến từ lãnh đạo Viện và các phòng ban chuyên môn, sự trao đổi, đóng góp ý kiến từ các lãnh đạo, chuyên viên Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Trần Việt Hòa nhấn mạnh, từ năm 2022, Vụ đã có sự thay đổi về cách thức quản lý các đề tài nghiên cứu, đặt hàng theo chùm nhiệm vụ, hy vọng sẽ giúp cho mối liên hệ giữa các đơn vị với Vụ ngày càng hiệu quả hơn.

Trong công tác đào tạo, Bộ Công Thương lưu ý Viện Công nghiệp Thực phẩm cần có kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp, đối tác để cập nhật các công nghệ mới làm cơ sở cho công tác nghiên cứu, đồng thời nâng cao chất lượng của đội ngũ chuyên gia nghiên cứu.

Việc phối hợp với Viện trong thời gian tới cần tập trung nhiều hơn vào mảng An toàn thực phẩm, ưu tiên theo hướng đặt hàng từ Phòng An toàn thực phẩm của Vụ với Viện, giao nhiệm vụ trực tiếp, trong đó phân công rõ ràng nhiệm vụ của các bên. Viện sẽ tham gia với Vụ trong công tác quản lý Nhà nước về An toàn thực phẩm, thông qua việc thường xuyên rà soát, cập nhật cho Vụ về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trên thế giới và trong khu vực làm cơ sở phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng mức ngưỡng an toàn áp dụng trong quản lý nhà nước; lựa chọn đánh giá các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao, nghiên cứu đánh giá nguy cơ của các quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm; nghiên cứu vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và lưu hành thực phẩm… để có hướng đề xuất các nhiệm vụ phù hợp. Đồng thời, thông tin rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua hệ thống thông tin Xuất Nhập khẩu và Xúc tiến thương mại.

Làm tốt công tác truyền thông để thấy rõ vai trò của Viện, đặc biệt trong vấn đề tham vấn chính sách để góp phần thực hiện định hướng phát triển của ngành. Thường xuyên đăng tải các thông tin, cập nhật các bài viết, các thông tin/hoạt động nổi bật trên website của Viện. Đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin trong lĩnh vực thực phẩm để đăng tải trên Tạp chí Công Thương, Báo Công Thương, Cổng thông tin điện tử của Bộ và các trang thông tin điện tử của Bộ do Vụ quản lý.

Về phía Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường phối hợp với Viện trong công tác nghiên cứu khoa học. Trước mắt, 04 nhiệm vụ do Viện đề xuất trong năm 2022 đã cơ bản được phê duyệt, chờ quyết định chính thức để triển khai. Đối với 03 định hướng dài hơi đến năm 2030 của Viện, Vụ cũng rất ủng hộ và sẽ được hoàn thiện theo từng phân kỳ nhiệm vụ.

Thành lập Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ là một ý tưởng hay và Bộ Công Thương sẵn sàng ủng hộ Viện. Tuy nhiên, Viện cần khẩn trương hoàn thiện Đề án trình Bộ để Hội đồng thẩm định nghiên cứu phê duyệt, có kế hoạch phân bổ kinh phí trong những năm tới, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Viện phát huy năng lực, khai thác tốt nhất cơ sở vật chất và tiềm năng nguồn lực của mình, đóng góp vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ chung toàn ngành Công Thương.

Hồ Nga