4 bài học thành công trong phát triển sản phẩm OCOP của Quảng Ninh

Chương trình OCOP góp phần tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.
Gian hàng ocop Quảng Ninh tham gia hội chợ tại TP. Hồ Chí Minh
Gian hàng OCOP Quảng Ninh tham gia hội chợ tại TP. Hồ Chí Minh

Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... trong phát triển nông thôn, điển hình là phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và Chương trình mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan. Năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) và đây là một nội dung trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đến nay, Quảng Ninh đã phát triển 449 sản phẩm và 175 tổ chức, tạo giá trị doanh thu từ chương trình OCOP đạt 400 - 500 tỉ đồng/năm. Các sản phẩm OCOP ngày càng được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn được người tiêu dùng đón nhận; cộng đồng các doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP ngày càng có bước trưởng thành và phát triển.

Chương trình OCOP góp phần tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh. Năm 2019, tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình Xây dựng nông thôn mới toàn quốc, tỉnh Quảng Ninh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 về thành tích triển khai Chương trình OCOP.

Qua 9  kỳ Hội chợ thường niên OCOP cho thấy chương trình ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, kỳ sau cao hơn kỳ trước, bình quân thu hút từ 60-70 ngàn lượt người tới tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng trực tiếp của các gian hàng đạt trung bình 12-15 tỷ đồng/kỳ hội chợ. Những con số trên cho thấy sức hút mạnh mẽ của các sản phẩm OCOP nói riêng và Hội chợ OCOP Quảng Ninh nói chung. Khẳng định vai trò cầu nối giữa cá nhân, tổ chức sản xuất và mỗi người dân.

Việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các kênh phân phối luôn được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm: Đã có 29 trung tâm, điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; Tổ chức 7 tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các Trung tâm Thương mại và đưa gần 20 sản phẩm vào chuỗi siêu thị Vinmart+, BigC, các bếp ăn Công ty Than, điện, trường học... chuỗi các trung tâm mua sắm, cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn... đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, có đầu ra ổn định, tạo điều kiện cho nhiều người tiêu dùng biết đến.

Hiện nay, sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã được kết nối vào hệ thống BigC, Vinmart, hệ thống một số cửa hàng thực phẩm sạch như: Sói Biển, Bác Tôm, BigC Green… ; cũng như hiện diện thường xuyên tại các thị trường trọng điểm như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An và một số tỉnh/thành phía Bắc: Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình…

Nhờ triển khai có hiệu quả Chu trình OCOP thường niên nên Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể.

Thành công từ Chương trình OCOP của Quảng Ninh cho thấy những bài học kinh nghiệm quý giá. Thứ nhất, Chương trình có mục tiêu rõ ràng, căn cứ vào lợi thế (du lịch), tình hình phát triển kinh tế, trình độ phát triển các làng nghề của tình.

Cụ thể, Chương trình OCOP với 3 mục tiêu: (i) Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; (ii) Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; (iii) Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định trật tự nông thôn.

Thứ hai, xác định rõ “sân chơi” của nhóm chủ thể thực hiện và nhóm xây dựng chính sách. Chương trình OCOP được thiết kế để các cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.

Thứ ba, xác định các nhiệm vụ quan trọng của chương trình OCOP được đề ra, gồm: Xây dựng Chu trình OCOP thực hiện từ đăng ký ý tưởng sản phẩm, lập các dự án sản xuất, phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng cộng đồng; Xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất như ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ lãi suất tín dụng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phân cấp quản lý quyết định đầu tư cho cấp huyện, cấp xã;

Thứ tư, nhanh chóng xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá và thi xếp hạng sản phẩm theo cấp độ 1 đến 5 sao; tổ chức thi thiết kế logo, kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm.

 

Bắc Sơn