Cùng dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thứ trưởng Trần Duy Đông và đại diện các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, để cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng về phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản gửi các địa phương quán triệt các nội dung nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy mục tiêu phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất và xác định một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để bảo đảm tính đồng bộ trong công tác phối hợp giải quyết những vấn đề có liên quan, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét ưu tiên xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để tích hợp giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ như với phát triển kinh tế - xã hội quốc gia tại các các vùng, địa phương có nhiều lợi thế; Đồng thời phối hợp xây dựng đồng bộ hệ thống các nguyên tắc, tiêu chí ưu đãi, thu hút đầu tư FDI làm căn cứ lựa chọn đồng bộ để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh, tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác.
Đối với công tác phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các đề án nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và gian lận xuất xứ, đặc biệt là thường xuyên cập nhật thông tin, số liệu về đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực có nguy cơ bị điều tra chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về PVTM.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao Cục Đầu tư nước ngoài chủ trì, phối hợp cùng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xây dựng cơ chế hợp tác, phối hợp trực tiếp trong thời gian tới để thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát giao dịch mua bán, sáp nhập có vốn đầu tư nước ngoài.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc hai Bộ đã trao đổi các vấn đề vướng mắc trong công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, công tác thống kê cũng như trong thực hiện Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu... Cùng đó hai bên cũng thảo luận tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác quy hoạch, phát triển doanh nghiệp và cơ chế, chính sách của một số ngành công nghiệp trọng điểm.
Tiến tới xây dựng thỏa thuận hợp tác
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực như: xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; phối hợp trong vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân; thu hút đầu tư nước ngoài; phát triển công nghiệp và thương mại…
Thời gian tới, hai bên cần thống nhất các chương trình phối hợp, tiến tới xây dựng một thỏa thuận hợp tác. “Đây sẽ là mô hình hợp tác mẫu giữa các Bộ, ngành trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao. Thỏa thuận hợp tác sẽ là cơ sở để hai bên trao đổi, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thuộc chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm đến các yếu tố hỗ trợ ngành Công Thương thực hiện tốt dự án “Xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số” và “Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử”…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhất trí cao với những ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ việc xây dựng thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ nhằm tạo thuận lợi hơn cho quá trình theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy hợp tác cùng hướng tới mục tiêu, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Công Thương là ngành quan trọng, là “xương sống” của cả nước, nhất là trong quá trình hội nhập, mở rộng thị trường. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn nữa; làm tốt công tác xây dựng các ngành công nghiệp chủ chốt, nền tảng, cốt lõi để hội nhập thành công và giúp các doanh nghiệp trong nước tận dụng được tối đa những lợi ích của các FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực thi.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất ngành Công Thương tiếp tục chú trọng hơn nữa đến thị trường trong nước bởi đây là thị trường tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Về vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là một vấn đề rất lớn. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai Chương trình “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, hai bên cần tăng cường phối hợp, trao đổi để nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành Công Thương nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung.
“Đây là buổi làm việc đầu tiên với các Bộ, ngành trong nhiệm kỳ công tác của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Cơ chế hợp tác rất mới, rất kịp thời, giải quyết được những vấn đề chung của đất nước cũng như những điểm nghẽn đang có của từng Bộ”- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và mong rằng tới đây, hai Bộ sẽ hợp tác nhiều hơn và có những chương trình phối hợp thực chất, hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế cả nước phát triển.
Trước mắt hai Bộ trưởng nhất trí giao cho các đơn vị chức năng hoàn thiện nội dung trao đổi tại buổi làm việc để tiến tới xây dựng Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ.