Ảnh hưởng của chiến sự Liên bang Nga - Ukraine đến xuất khẩu thủy sản của các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam

TS. VÕ THỊ THÙY TRANG (Khoa Kế toán - Tài chính - Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

Bài viết đề cập ảnh hưởng của chiến sự Liên bang Nga - Ukraine đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh quý I/2022 của các công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, tác giả đã phân tích những khó khăn, đề xuất một số kiến nghị và hàm ý chính sách cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Từ khóa: chiến sự Liên bang Nga - Ukraine, xuất khẩu thủy sản, chế biến thủy sản.

1. Đặt vấn đề:

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản Việt Nam sang Liên bang Nga và Ukraine không lớn nhưng căng thẳng giữa hai nước đang tạo ra những hệ lụy mang tính dây chuyền, ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản của các nước, trong đó có Việt Nam. Sau đại dịch, một số sản phẩm chế biến thủy sản xuất sang 2 thị trường này đang có đà tăng trưởng mạnh, như sản phẩm cá ngừ năm 2021 xuất khẩu sang thị trường Nga chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm này, tăng 58% so với năm 2020, cao hơn hẳn 2019 - thời điểm trước khi xảy ra bùng phát dịch, tháng 1/2022 xuất khẩu sang thị trường Nga tăng 427% so với cùng kỳ. Ukraine là thị trường xuất khẩu lớn thứ 19 của Việt Nam về sản phẩm cá ngừ, riêng năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ tăng 106% so với năm 2020, tăng gấp 3 lần so với 2019, chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của cả nước.

Tuy nhiên, chiến sự Liên bang Nga - Ukraine xảy ra, một số đơn hàng gửi đi phải quay trở lại, giao dịch xuất khẩu sang Liên bang Nga và Ukraine đều phải tạm dừng do rủi ro và giao dịch ngân hàng, cũng như khó khăn về logistics. Chuỗi cung ứng cho sản xuất và xuất nhập khẩu bị đứt gãy. Các doanh nghiệp đang phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang thị trường khác. Mặt khác, Liên bang Nga và Ukraine là những nhà cung cấp dầu hướng dương quan trọng nhất cho thị trường toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Khi căng thẳng giữa Liên bang Nga - Ukraine tiếp tục leo thang sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của Việt Nam, đặc biệt sản phẩm thủy sản đóng hộp ngâm dầu. Chiến sự Liên bang Nga - Ukraine gây ra tác động không nhỏ đến việc xuất khẩu trong thời gian tới do xung đột sẽ làm tăng giá xăng dầu, kéo theo đó là tăng hàng loạt chi phí đầu vào khác, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bằng phương pháp thống kê mô tả, với số liệu thứ cấp của 11 công ty thuộc nhóm ngành chế biến thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, từ vietstock.vn. Bài viết đề cập đến nhóm chỉ tiêu tăng trưởng, qua đó đánh giá mức độ tăng trưởng về các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu và chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Số liệu phân tích nhóm tăng trưởng được lấy là quý 1/2022. Đồng thời, qua các bài viết trên trang web của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, tác giả tổng hợp và trình bày khó khăn, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm giúp ngành Thủy sản tăng trưởng và phát triển trong hoàn cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến và chiến sự Liên Bang Nga - Ukraina vẫn căng thẳng. (Bảng 1)

Bảng 1: Công ty thuộc nhóm ngành chế biến thủy sản và khối lượng cổ phiếu giao dịch tại ngày 31/3/2022

STT

Mã CK

Sàn giao dịch

Khối lượng cổ phiếu lưu hành

1

AAM

HOSE

10.451.182

2

ABT

HOSE

11.497.257

3

ACL

HOSE

50.159.019

4

ANV

HOSE

127.127.875

5

BLF

HNX

11.500.000

6

CMX

HOSE

90.817.502

7

FMC

HOSE

65.388.889

8

IDI

HOSE

227.644.608

9

KHS

HNX

12.090.969

10

SJ1

HNX

22.155.050

11

VHC

HOSE

181,946,026

Tổng

 

 

810.778.377

                 Nguồn: vietstock.vn

Theo Bảng 1, trong số 11 công ty đưa vào nghiên cứu, có 3 công ty niêm yết trên sàn HNX và còn lại 8 công ty niêm yết trên HOSE, có khối lượng cổ phiếu lưu hành là 810.778.377 cổ phiếu.

3. Đánh giá kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán

Theo thông tin từ VASEP, 2 mặt hàng xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh tại Nga và Ukraine là cá ngừ và cá tra đang chịu ảnh hưởng do xung đột từ 2 thị trường này. Ngoài ra, giá cả cũng bắt đầu tăng kể từ khi căng thẳng giữa Liên bang Nga - Ukraine leo thang. Chi phí nhiên liệu tăng sẽ đẩy giá cá ngừ nguyên liệu thô tăng, do chi phí đánh bắt tăng. Hiện, giá cước vận chuyển đường biển vốn đã ở mức cao sau đại dịch sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa. Các hãng tàu lớn hiện cũng đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga hoặc tăng chi phí vận chuyển… Trước tình hình này, việc xuất khẩu sang thị trường Nga chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Thêm vào đó tỷ giá tăng cao, đồng Rub mất giá mạnh.

Việc kinh doanh thủy hải sản nhập khẩu ở thị trường Liên bang Nga bị đình trệ do đồng Rub bị trượt giá, . Những sản phẩm bán vào các chuỗi siêu thị như hàng can, steak tuna bị ảnh hưởng nhiều do nhiều nhà bán lẻ không thể chấp nhận giá bán với tỷ giá mới này. Nhiều khách hàng chọn phương án chờ chiến sự Liên bang Nga - Ukraina ngừng lại. Vài sản phẩm chất lượng cao, đắt tiền đang gặp phải nguy cơ cao không kinh doanh được về lâu dài, sau khi bị tăng giá, các chuỗi nhà hàng dần sẽ loại bỏ những thực đơn đắt tiền nhập khẩu, nên mặt hàng có giá trị cao sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Kết quả kinh doanh của các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán quý I/2022 (Bảng 2)

Bảng 2: Chỉ số tăng trưởng tài chính của các công ty niêm yết thuộc nhóm ngành chế biến thủy sản quý 1/2022

Chỉ tiêu

AAM

ABT

ACL

ANV

BLF

CMX

FMC

IDI

KHS

SJ1

VHC

Tăng trưởng trung bình

Tăng trưởng doanh thu thuần

85.93

114.62

0.99

72.72

31.18

119.40

37.06

36.55

(8.44)

10.09

82.73

52.98

Tăng trưởng lợi nhuận gộp

337.71

204.54

236.26

152.19

(5.77)

64.88

57.02

188.54

(7.60)

(15.49)

185.57

127.08

Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế

89.43

(49.49)

481.08

221.83

(222.78)

133.71

40.68

828.41

(22.71)

(14.02)

335.54

165.61

Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ

89.43

(54.19)

472.60

223.87

(222.78)

131.28

36.69

949.54

(24.77)

(12.21)

318.01

173.41

Tăng trưởng tổng tài sản

0.41

13.89

(8.14)

5.70

3.23

59.16

41.67

5.21

(20.59)

(4.04)

42.15

12.60

Tăng trưởng Nợ dài hạn

(7.45)

(1.04)

-

7.56

31.70

1,320.33

(4.28)

(33.88)

(15.04)

(1.28)

86.82

125.77

Tăng trưởng Nợ phải trả

(21.64)

56.84

(21.43)

5.38

7.99

19.49

19.69

1.45

(35.49)

(5.64)

106.46

12.10

Tăng trưởng Vốn chủ sở hữu

1.77

2.46

9.03

6.02

7.98

132.39

53.37

10.73

7.25

(0.26)

19.85

22.78

Tăng trưởng vốn điều lệ

         

198.66

11.11

       

104.89

Nguồn: vietstock.vn

Theo số liệu tại Bảng 2, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong quý I/2022 đều có sự tăng trưởng ở hầu hết các chỉ số thuộc nhóm tăng trưởng như ở trên, chỉ có công ty có mã chứng khoán KHS và SJ1 là các chỉ tiêu tăng trưởng âm. Về doanh thu thuần, các công ty đều có chỉ số tăng trưởng dương, chỉ có KHS là chỉ số tăng trưởng âm. Về chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận gộp, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế và chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế, trên 50% các công ty tăng trưởng dương. Có 3 công ty có chỉ số tăng trưởng tổng tài sản âm, nợ dài hạn có 6/11 công ty tăng trưởng âm, có 4 công ty giảm được số nợ phải trả trong quý I/2022. Về vốn chủ sở hữu, các công ty đều có bổ sung vốn chủ sở hữu nên tăng trưởng dương ở quý I/2022, chỉ có công ty có mã KHS là tăng trưởng âm. Có 2 công ty có mã CMX và FMC là bổ sung vốn điều lệ, còn lại không tăng, nên mức tăng trưởng bằng 0.

Theo VASEP, sau đại dịch, bắt đầu từ tháng 10/2021 và đầu năm 2022 doanh số xuất khẩu thủy sản của các công ty chế biến thủy sản tăng mạnh trở lại, do nhu cầu thực phẩm tăng cao, đây cũng là nguyên nhân giúp cho sự tăng trưởng các chỉ số tài chính của các công ty này.

4. khó khăn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Liên bang Nga

Đầu tháng 3/2022, chiến sự giữa Ucraina và Liên bang Nga diễn ra, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu gặp không ít khó khăn, chịu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu và bán hàng hóa tại Liên bang Nga, có thể tóm tắt như sau:

Khó khăn về logistic: từ khi chiến sự xảy ra, ít hãng logistics nhận vận chuyển hàng hóa sang Liên bang Nga, giá cả chi phí logistics cao, thời gian giao nhận cũng bị ảnh hưởng. Khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa vào Nga, chi phí cho bán hàng tăng cao.

Khó khăn do biến động tỷ giá: tháng 3 và tháng 4, tỷ giá tăng cao, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh. Khi giá cả tiêu dùng tại Nga vẫn ở mức cao, hàng hóa sẽ khó tiêu thụ hơn và lỗ do chênh lệch tỷ giá sẽ xảy ra, do giá bán chưa thể tương đồng với sự mất giá của đồng Rub. Ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công ty.

Khó khăn về chi phí tăng cao: các chi phí cho hoạt động văn phòng, nhà máy, chi phí nguyên vật liệu,... giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao từ 3 - 5 lần, hàng hóa khan hiếm, các doanh nghiệp muốn giữ nhân viên giỏi phải tăng chi phí tiền lương. Chi phí của doanh nghiệp tăng cao, dẫn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn.

Khó khăn liên quan đến kinh tế do bị cấm vận của các nước phương tây: việc cấm vận sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân Nga, giá cả tăng cao, sức mua hàng hóa sẽ giảm, đặc biệt đối với hàng nhập khẩu, các công ty sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu, ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Liêng bang Nga.

Khó khăn liên quan đến hệ thống thanh toán quốc tế: Hệ thống ngân hàng Liên bang Nga bị ngắt khỏi hệ thống swift sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán tiền hàng. Tuy nhiên, thời gian tới, các công ty chưa lường hết được khó khăn nếu hệ thống ngân hàng này bị đóng swift. Khó khăn trong thanh toán quốc tế đối với các công ty sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu và rủi ro cao cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Hàng hóa đối mặt sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc: Nền kinh tế Nga sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn do có đường biên giới chung. Hàng hóa của Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh về giá với hàng của Trung Quốc.

Ngoài ra, còn có khó khăn về rào cản pháp lý, đi lại khi chiến sự xảy ra cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty có hoạt động mua bán tại thị trường Liên bang Nga.

5. Một số kiến nghị

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tác giả đề xuất một số kiến nghị:

Về logistics: Nhà nước cần sớm tìm giải pháp để các doanh nghiệp 2 bên có nhiều phương án vận chuyển qua đường bộ, đường tàu hỏa thông qua Trung Quốc, hoặc các hãng tàu thủy đi vào cảng khác nhau. Các bộ, ngành liên quan cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam thêm thông tin những hãng logistics uy tín,  nhằm giảm phụ thuộc vào các hãng tàu đi qua EU, vì rủi ro cao họ sẽ gây khó dễ với các hàng hóa đi vào Nga.

Giảm lệ thuộc vào hệ thống swift: Hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm phương thức thanh toán mới, giảm lệ thuộc vào hệ thống swift. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có gói cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi cho các công ty có hoạt động xuất nhập khẩu và có vốn đầu tư vào Liên bang Nga để giảm bớt khó khăn.

Đơn giản hóa việc cấp phép: 2 Chính phủ cần đơn giản hóa cho việc xin giấy phép xuất nhập khẩu hàng thủy hải sản vào thị trường Nga.

Giảm thuế nhập khẩu vào thị trường Nga: Kiến nghị với Liên bang Nga giảm thuế nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam: Cần chủ động trong hoạt động kinh doanh tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu thay thế, tìm kiếm phương tiện vận tải, thay đổi cảng nhập khẩu, chuyển hướng thanh toán bằng các đồng ngoại tệ khác, nghiên cứu phương thức thanh toán hàng đổi hàng để giảm khó khăn trong việc thanh toán tiền hàng, hạn chế nợ khi bán hàng hóa đối với khách hàng, kiểm soát chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng cường kiểm soát và thu hồi công nợ với khách hàng Nga...

6. Kết luận

Chiến sự xảy ra giữa Liên bang Nga và Ukraina vào đầu tháng 3/2022 đến hiện tại vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, sự can thiệp của các quốc gia khác cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này, cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty nói chung và các công ty chế biến thủy sản nói riêng. Việc đánh giá khó khăn và đưa ra kiến nghị là điều cần bàn để đưa ra đánh giá chung cho các doanh nghiệp. Bài viết cũng đưa ra những quan điểm để giúp các cơ quan nhà nước hỗ trợ, nhằm giảm thiểu khó khăn khi đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề và chiến sự Liên bang Nga - Ukraina xảy ra sau đại dịch cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Xuân Anh (2022). Khó khăn cho ngành thủy sản Việt Nam trước căng thẳng Nga-Ukraine, truy cập tại <https://www.vietnamplus.vn/kho-khan-cho-nganh-thuy-san-viet-nam-truoc-cang-thang-ngaukraine/777014.vnp>, xem ngày 17/3/2022.
  2. Khánh Linh (2022). Xuất khẩu thủy sản duy trì đà tăng trưởng trong quý I/2022, truy cập tại: <https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-thuy-san-duy-tri-da-tang-truong-trong-quy-i2022-102934.html>, xem ngày 17/4/2022.
  3. https://Finace.vietstock.vn
  4. https://vasep.com.vn
  5. https://Investing.com

Impacts of the Russia - Ukraine conflict on Vietnamese seafood processing and export companies

 Ph.D Vo Thi Thuy Trang

Faculty of Accounting - Finance

Nha Trang University

Abstract:

This paper points out the impact of the Russia – Ukraine conflict on the business performance in the first quarter of 2022 of Vietnamese seafood export companies listed on the stock market. This paper also analyzes the difficulties faced by Vietnamese seafood export companies, and proposes some recommendations and policy implications for Vietnam's seafood exports to Russia and Ukraine.

Keywords: Russian - Ukraine conflict, seafood export, seafood processing.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2022]