Bàn về khái niệm tài sản và tặng cho tài sản theo pháp luật Việt Nam

TS. TRẦN THỊ MINH (Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao)

TÓM TẮT:

Tài sản là một thuật ngữ vô cùng quan trọng trong khoa học pháp lý. Dù được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng bài viết này bàn về khái niệm tài sản tiếp cận từ góc độ pháp lý, từ đó bàn luận về quyền tặng cho tài sản theo pháp luật Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: tài sản, tặng cho tài sản, quyền tặng cho, pháp luật.

1. Khái niệm về tài sản tiếp cận từ góc độ pháp lý

Khái niệm tài sản được hình thành trong xã hội xuất hiện cùng lúc khi loài người bắt đầu có ý thức tư hữu đối với các loại tài nguyên thiên nhiên. Thông qua việc chiếm hữu các loại tài nguyên thiên nhiên của thế giới vật chất, xã hội loài người đã hình thành và phát triển cho đến ngày nay. Trong xã hội hiện đại, tài sản trở thành công cụ của đời sống xã hội, là vấn đề trung tâm, cốt lõi của mọi quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và các phát minh của con người, tài sản trên thực tế được tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau, vô cùng phong phú và đa dạng, không chỉ bó gọn trong các loại tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, khái niệm tài sản có thể được hiểu là bất cứ thứ gì có giá trị nằm trong sự chiếm hữu của một chủ thể. Phạm vi của khái niệm tài sản luôn được mở rộng, không có giới hạn và luôn được bồi đắp thêm bằng những giá trị mới mà con người khám phá và nhận thức ra. Tuy nhiên, về bản chất tài sản vẫn được hiểu chung là các của cải, công cụ được sử dụng vào các mục đích sản xuất hoặc tiêu dùng phục vụ lợi ích cho con người và do đó được con người hướng tới chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.

Từ hàng nghìn năm nay, pháp luật về tài sản đã được các quốc gia xây dựng và hình thành dựa trên tập quán, lối suy nghĩ và hành vi của người dân mỗi quốc gia. Luật Tài sản phương Tây có khởi nguồn từ cổ Luật La Mã. Từ cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ XVII, người ta đã tạo ra các quy định và thiết chế mới về tài sản để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tư bản, mà vẫn dựa trên tư duy cổ xưa, mang đậm dấu ấn của luật tục. Hiện nay, luật tư được các học giả thừa nhận là một ngành Luật Cơ bản và Luật Dân sự là hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan tới con người và quan hệ của con người với nhau liên quan đến tài sản. Trong các hệ thống pháp luật, thông thường mượn khái niệm tài sản và các quy định về tài sản từ Luật La Mã để giải quyết các mối quan hệ đó. Mỗi nước lại có một sự nhìn nhận và quan điểm pháp lý về tài sản khác nhau. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Tài sản là của cải vật chất dùng vào mục đích sản xuất hoặc mục đích tiêu dùng”[1]. Pháp luật Dân sự Việt Nam trên cơ sở vận dụng có chọn lọc những thành tựu của các hệ thống pháp luật tiên tiến trên thế giới, đồng thời kế thừa có sáng tạo trong quá trình phát triển của mình qua các thời kỳ đã định nghĩa: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”[2]. Theo quy định này thì tài sản được liệt kê khép kín chỉ tồn tại ở một trong bốn hình thái là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

- Tài sản là vật ở đây được hiểu tài sản tồn tại dưới hình thái là một bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại khách quan mà con người có thể cảm nhận bằng các giác quan của mình. Tuy nhiên, không phải vật nào cũng trở thành tài sản, vật chỉ trở thành tài sản khi nó trở thành đối tượng trong các quan hệ pháp luật và là đối tượng con người có thể kiểm soát và chiếm hữu. Những vật mà con người không thể kiểm soát, chiếm hữu được nó thì cũng đồng nghĩa con người không thể tác động, định đoạt và sử dụng được nó, có thể lấy ví dụ như: mặt trời, mặt trăng,… Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam quy định tài sản là “vật” mà không quy định phải là “vật có thực”. Điều này khiến mở rộng khái niệm tài sản là vật có thể đang tồn tại ở hiện thực hoặc vật chắc chắn được hình thành trong tương lai. Bên cạnh đó, theo quan điểm của tác giả, vật để trở thành tài sản trong quan hệ pháp luật thì nó còn phải có khả năng lưu thông dân sự, theo đó nó phải xác định được giá trị trao đổi của mình, được khai thác và sử dụng để đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.

- Tài sản là tiền.

Tiền theo kinh tế chính trị học là vật ngang giá chung được sử dụng làm thước đo giá trị của các loại tài sản khác. Một tài sản được coi là tiền khi nó được Nhà nước thừa nhận có giá trị và cho phép lưu hành trên thực tế. Tiền dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận (nghĩa là mọi người đều sẵn sàng chấp nhận sử dụng)[3]. Tiền khác với các loại vật là tài sản khác ở một số đặc điểm như sau:

+ Đối với vật, con người có thể trực tiếp khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích từ chính vật đó như dùng xe để đi lại, dùng quần áo để mặc…; còn đối với tiền, con người không thể khai thác công dụng trực tiếp từ chính bản thân tiền mà chỉ có thể sử dụng gián tiếp thông qua việc thanh toán, trao đổi. Bên cạnh đó, tiền còn có tác dụng tích lũy tài sản và là công cụ giúp định giá, đo lường các loại tài sản khác.

+ Vật có thể do nhiều chủ thể khác nhau tạo ra nhưng tiền chỉ do Nhà nước độc quyền phát hành, thuộc về quyền chủ quyền của mỗi quốc gia.

+ Vật được xác định bằng đơn vị đo lường số lượng, còn tiền ngoài số lượng còn được xác định thông qua mệnh giá.

+ Chủ sở hữu vật có toàn quyền tiêu hủy, thay đổi về hình dáng, chức năng, cải tiến vật thuộc sở hữu của mình nhưng đối với tiền thì không.

- Tài sản là giấy tờ có giá. Về cơ bản, giấy tờ có giá được hiểu là những loại giấy tờ trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao được trong giao dịch dân sự, giấy tờ có giá hiện nay tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như séc, cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu,… Cần lưu ý, các loại giấy tờ xác nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tài sản gắn liền với đất, giấy đăng ký xe,… không phải là giấy tờ có giá. Do các loại giấy tờ này chỉ là công cụ để Nhà nước ghi nhận quyền sở hữu đối với tài sản nhằm quản lý và bảo đảm quyền của chủ sở hữu, không nhằm mục đích thanh khoản. Vì vậy, bản thân các loại giấy tờ này không trị giá được bằng tiền, việc đơn thuần chuyển giao các loại giấy tờ này mà không thực hiện đăng ký sẽ không làm phát sinh việc chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản nó ghi nhận. Qua đó có thể thấy, một số thuộc tính để phân biệt giấy tờ có giá với các loại tài sản khác bao gồm: Thứ nhất, về mặt hình thức, giấy tờ có giá là một chứng chỉ được lập theo hình thức, trình tự luật định; thứ hai, về nội dung, giấy tờ có giá xác nhận quyền tài sản của một chủ thể xác định và quyền này được pháp luật ghi nhận và bảo hộ; thứ ba, bản thân giấy tờ có giá có tính thanh khoản và là công cụ có thể chuyển nhượng trực tiếp quyền tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác. Đây là thuộc tính phân biệt các loại giấy tờ ghi nhận quyền tài sản khác với giấy tờ có giá.

- Tài sản là quyền tài sản. Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, QSDĐ và các quyền tài sản khác”. Theo đó, quyền tài sản để trở thành tài sản phải trị giá được bằng tiền và có thể được chuyển giao trong giao dịch dân sự. Quyền tài sản ở đây là các quyền của chủ thể hay các hành vi được phép của chủ thể được xác định trong quan hệ pháp luật nhất định và được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Theo đó, chủ thể có quyền tài sản được thực hiện các hành vi nhất định và việc được phép thực hiện các hành vi này được phép chuyển nhượng và định giá được thành tiền. Tài sản là QSDĐ, một loại tài sản được biểu hiện dưới dạng “Quyền” được pháp luật Việt Nam bảo hộ, được trị giá thành tiền và hoàn toàn có quyền được chuyển giao trong giao lưu dân sự, thương mại; được quyền định đoạt quyền tài sản này theo ý chí và mục đích của người có quyền tài sản, trong đó, tặng cho QSDĐ ở cũng là một phương thức chuyển giao tài sản được biểu hiện dưới dạng “quyền tài sản”.

2. Khái niệm tặng cho tài sản theo pháp luật Việt Nam

Theo Từ điển Tiếng Việt năm 2004 của Viện Ngôn ngữ học, “tặng” được hiểu là “cho, trao cho để khen ngợi, khuyến khích hoặc tỏ lòng quý mến”[4]. Như vậy có thể hiểu việc tặng là một hình thức cho nhằm các mục đích khen ngợi, khuyến khích hoặc tỏ lòng quý mến, không vì các mục đích thương mại, tiêu dùng hoặc sinh hoạt khác. Bên cạnh đó, khái niệm “cho” được hiểu là “Chuyển cái sở hữu của mình sang người khác mà không đổi lấy gì cả”[5]. Qua hai khái niệm này, có thể hiểu việc “tặng cho” là việc chuyển cái sở hữu của mình cho người khác mà không đổi lấy gì cả nhằm mục đích khen ngợi, khuyến khích hoặc tỏ lòng quý mến.

Khái niệm trên cũng tương tự cách định nghĩa trong nhiều cuốn từ điển khác như “tặng cho là để tỏ lòng quý mến”[6] hay “tặng cho là trao cho để khen ngợi, khuyến khích để tỏ lòng quý mến”[7] hoặc “tặng cho là chuyển hẳn cho người khác dùng cái của mình có mà không lấy lại cái gì”[8]. Có thể thấy, dưới góc độ thông thường, khái niệm tặng cho có đối tượng rất rộng có thể bao gồm đối tượng là tài sản và không tài sản (hành vi). Ban đầu, tặng cho hành vi đơn phương từ phía người tặng cho. Sau đó, phát sinh hành vi chấp nhận hay không chấp nhận từ phía người được tặng cho, từ đó chuyển biến thành quan hệ hợp đồng hoặc không.

Mặt khác, dưới góc độ pháp lý, tặng cho là một quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản, thuộc nhóm quyền định đoạt tài sản do quyền sở hữu tài sản được chuyển từ người tặng cho sang người được tặng cho[9]. Việc tặng cho có thể được thực hiện bởi chủ sở hữu tài sản hoặc người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền hoặc được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Theo đó, khái niệm tặng cho dưới góc độ pháp lý có thể hiểu là một hình thức định đoạt tài sản của chủ sở hữu, theo đó chủ sở hữu - người có đủ năng lực hành vi dân sự trực tiếp hoặc ủy quyền việc thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người được tặng cho theo các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Nghiên cứu pháp luật của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, đại đa số quốc gia ghi nhận tặng cho tài sản là hành vi của một chủ thể có quyền sở hữu tài sản chuyển tài sản đó cho người khác và được người được tặng cho đồng ý. Biểu hiện của hành vi đó được thể hiện thông qua hợp đồng hoặc chứng thư. Cụ thể, Bộ luật Dân sự Pháp quy định: “Một người chỉ có thể định đoạt tài sản của mình mà không yêu cầu đền bù bằng cách lập chứng thư tặng cho hoặc di chúc”[10]. Tiếp đó, Bộ luật ghi nhận: “Chứng thư tặng cho là văn bản theo đó bên tặng cho từ bỏ ngay lập tức và vĩnh viễn tài sản tặng cho cho bên được tặng và bên được tặng cho đồng ý nhận”[11]. Cùng quan điểm tương đồng này, Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan quy định: “Tặng cho là một hợp đồng trong đó một người gọi là người cho, chuyển một tài sản của chính mình cho một người khác, gọi là người nhận mà không lấy tiền và người nhận nhận tài  sản đó”[12].

Ở Việt Nam, tặng cho tài sản cũng được ghi nhận từ rất sớm trong pháp luật dân sự Việt Nam. Ngay từ Bộ Dân luật Bắc kỳ năm 1931 đã quy định: “Sinh thời tặng dữ là một khế ước do bên tặng chủ hiện thời bỏ của ra, mà bên thu tặng nhận lấy”[13]. Hay trong Bộ Dân luật Trung kỳ năm 1936 cũng quy định: “Sinh thời tặng dữ là một khế ước do bên tặng chủ bỏ đứt ngay một tài sản gì để cho bên người thụ hưởng nhận lấy”[14]. Bộ luật Dân luật năm 1972 cũng có cách tiếp cận tương tự, theo đó: “Sinh thời dữ là một khế ước do đó người chủ tặng đem một tài sản của mình cho dứt khoát một người khác, là người thụ tặng cũng thuận nhận tài sản ấy”[15]. Trên nền tảng kế thừa nội dung chủ đạo về tặng cho trong các Bộ Dân luật trước đó, Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 đều ghi nhận tặng cho tài sản là thể hiện ý chí của người có quyền sở hữu tài sản về việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác và được người đó đồng ý, chấp thuận thông qua sự thể  hiện bằng hợp đồng. Đồng thời, các Bộ luật này còn nhấn mạnh thêm bản chất của tặng cho tài sản là không có đền bù, không yêu cầu người nhận tài sản tặng cho phải trả bất kỳ lợi ích vật chất nào đối với bên tặng cho. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”[16].

Nghiên cứu các quy định về tặng cho tài sản của pháp luật ở một số quốc gia trên thế giới, cũng như pháp luật dân sự Việt Nam qua các thời kỳ ở trên cho thấy, một số vấn đề mang tính bản chất của tặng cho tài sản có thể rút ra đó là: (1) Tặng cho là sự thể hiện ý chí của người có quyền sở hữu tài sản về việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho một người khác; (2) Tài sản phải thuộc quyền sở hữu của người tặng cho; (3) Bên tặng cho tại thời điểm thực hiện quyền tặng cho phải đang còn sống; (4) Việc tặng cho phải được thể hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản; (5) Việc tặng cho phải được sự đồng ý (chấp thuận) của người nhận tặng cho; và (6) Người tặng cho không yêu cầu người nhận tặng cho đền bù cho mình bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào. Về vấn đề này, một số quan điểm của các nhà khoa học cũng thể hiện sự đồng tình. Nguyễn Ngọc Điện cho rằng: “Để tặng cho được xác lập, lời đề nghị của người tặng cho không đủ, cần phải có sự chấp nhận của người được tặng cho. Vậy, tặng cho là một hợp đồng”[17]. Hay theo Nguyễn Hoài An nhận định: “Pháp luật Việt Nam cũng như hầu hết pháp luật các nước đều xác định tặng cho tài sản là một loại vật quyền được thực hiện thông qua giao dịch là hợp đồng, trong đó có sự thỏa thuận giữa các bên, bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho, mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận tài sản”[18].

Ở một khía cạnh khác, tặng cho tài sản dưới góc độ pháp lý là một giao dịch dân sự và chịu sự điều chỉnh của các quy định về giao dịch dân sự để có hiệu lực trên thực tế. Chính vì là một giao dịch dân sự nên nếu tài sản tặng cho không phải là tài sản mà người tặng cho sở hữu hoặc có quyền định đoạt thì khi chủ sở hữu tài sản đòi lại, pháp luật quy định người nhận tặng cho có quyền đòi người tặng cho phải bồi thường thiệt hại và phải thanh toán chi phí mà người nhận tặng cho đã bỏ ra để làm tăng giá trị của vật tặng cho khi không biết hoặc không thể biết[19]. Cách hiểu này cũng phù hợp cách hiểu tặng cho dưới góc độ là một loại vật quyền (quyền định đoạt như đã trình bày ở trên) được thực hiện thông qua giao dịch là hợp đồng, trong đó có sự thỏa thuận giữa các bên, bên tặng cho đồng ý chuyển giao tài sản của mình cho bên được tặng cho và bên được tặng cho đồng ý nhận tài sản từ người tặng cho.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Từ điển Bách khoa Việt Nam (2010), Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, trang 127.

[2] Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[3] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Tiền, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tiền.

[4] Từ điển Tiếng Việt năm 2004, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, trang 165.

[5] Từ điển Tiếng Việt năm 2004, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, trang 895.

[6] Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân, 1967), Nxb. Khoa học xã hội, trang 920.

[7] Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), Nxb. Đà Nẵng, 1998, trang 863.

[8] Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, trang 562.

[9] Điều 193 Bộ luật Dân sự năm 2015

[10]Điều 893 Bộ luật Dân sự Pháp 1804.

[11]Điều 894 Bộ luật Dân sự Pháp 1804.

[12] Điều 541 Bộ luật Dân sự Thái Lan.

[13]Điều 864 Bộ Dân luật Bắc kỳ năm 1931.

[14]Điều 951 Bộ Dân luật Trung kỳ năm 1936.

[15]Điều 959 Bộ Dân luật năm 1972.

[16]Điều 457 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[17] Nguyễn Ngọc Điện (1999), Một số suy nghĩ về thừa kế trong Luật Dân sự Việt Nam, Nxb. Trẻ TP. Hồ Chí Minh, trang 160.

[18] Nguyễn Hải An (2012), Pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[19]Điều 460 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.
  2. Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng.
  3. Văn Tân, (1967), Từ điển Tiếng Việt, Khoa học xã hội.
  4. Nguyễn Ngọc Điện (1999), Một số suy nghĩ về thừa kế trong Luật Dân sự Việt Nam, Trẻ TP. Hồ Chí Minh.
  5. Nguyễn Hải An (2012), Pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất ở Việt Nam, Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

 

DISCUSSING THE RIGHT TO DONATE PROPERTIES

UNDER THE CURRENT VIETNAM’S LAWS

Ph.D TRAN THI MINH

Judge, the Supreme People’s Court of Vietnam

ABSTRACT:

Property is an extremely important term in the legal science. Although this term is examined under many different views, this paper discusses the concept of property from the legal perspective. This paper dicusses the right to donate properties under the current Vietnam’s laws.

Keywords: asset, donation of property, right to donate, law.