Báo cáo tích hợp - xu hướng phát triển báo cáo của các doanh nghiệp Việt Nam

ThS. LƯU CHÍ DANH (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Bài viết trên cơ sở phân tích và tiếp cận từ thông tin tổng quan đến các chỉ tiêu được lượng hóa cụ thể, để nhìn nhận tổng thể những vấn đề liên quan đến báo cáo tích hợp (Integrated Reporting -IR). Điều này sẽ cung cấp một góc nhìn toàn diện về hiệu quả hoạt động và giá trị của doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh khác nhau như tài chính, quản trị, trách nhiệm xã hội, môi trường. Qua đó, người sử dụng thông tin sẽ được tiếp cận, xử lý, phân tích thông tin chính xác và hiệu quả hơn. Đây là xu hướng để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng toàn diện.

Từ khóa: Báo cáo tích hợp, báo cáo doanh nghiệp, thông tin phi tài chính, trách nhiệm xã hội.

1. Giới thiệu

Những thông tin phi tài chính được xuất hiện ở giác độ thuyết minh bổ sung trong báo cáo của doanh nghiệp và bị chi phối theo nhu cầu sử dụng của đơn vị. Đến nay, các thông tin này đã được phát triển để hoàn thiện báo cáo môi trường chuyên dụng dưới hình thức biểu hiện của báo cáo phát triển bền vững (Dhaliwal et al, 2012). Tuy nhiên, Krzus (2001) đã nhìn thấy những hạn chế về mức độ tự nguyện của cách thức thực hiện của báo cáo này. Thông qua các giai đoạn phát triển, thay vì từ chối trách nhiệm thì mức độ tự nguyện của việc trình bày các thông tin phi tài chính của các doanh nghiệp đã được thể hiện rõ nét. Một số nhà bình luận gần đây đã trình bày sự hiểu biết về tính bền vững và trách nhiệm của công ty là cơ hội để được “nổi tiếng” trong một cộng đồng rộng lớn hơn.

Mauro et al (2020) cho thấy một cái nhìn toàn diện về chiến lược và hoạt động của công ty. Đó là một cách để nói lên mối quan hệ giữa hiệu quả tài chính và phi tài chính và mang lại lợi ích thị trường bên ngoài bằng cách đáp ứng mong đợi của các bên liên quan, nâng cao uy tín và thương hiệu của công ty, có thể giúp quản lý rủi ro theo quy định, tăng lợi nhuận trong dài hạn và cho phép các công ty tự phân biệt mình với đối thủ cạnh tranh. Krzus (2001) đã chỉ ra sự khác biệt giữa IR và chế độ báo cáo trước đó, đặc biệt nhấn mạnh IR tập trung cụ thể hơn về các khía cạnh vật chất của hiệu năng tổ chức, bao gồm cả số liệu tường thuật và định lượng từ việc tuân thủ dựa trên thuyết minh. IR sẽ đáp ứng khả năng liên kết các thông tin phức tạp, định hướng tiêu thức bền vững, bình luận quản lý tài chính và mô hình quản trị một cách chặt chẽ và tích hợp toàn bộ (Stubbs & Higgins, 2012). Như vậy có nghĩa là IR hứa hẹn sẽ giải quyết những hạn chế về khả năng cung cấp thông tin toàn diện so với báo cáo tài chính truyền thống.

Những doanh nghiệp thực hiện tốt việc báo cáo toàn diện các vấn đề nêu trên sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và mức độ tin cậy của thông tin cung cấp cho nhà đầu tư, từ đó sẽ có cơ hội thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Tích hợp báo cáo (IR) là sự phát triển mới nhất trong một hàng dài các sáng kiến báo cáo đề xuất rằng đã tìm cách để cải thiện tính hữu ích của báo cáo của công ty và thúc đẩy Hội đồng Báo cáo tổng hợp quốc tế (IIRC) để khởi động IR như một khuôn khổ toàn cầu trong tháng 12 năm 2013 và được cập nhật phiên bản mới nhất năm 2020. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, trình bày thông tin doanh nghiệp trên báo cáo tích hợp (IR) vẫn còn là một điều khá mới mẻ.

2. IR - Báo cáo tích hợp

Thuật ngữ “Báo cáo tích hợp” được thực hiện gần đây bởi Hội đồng báo cáo tích hợp quốc tế (The International Integrated Reporting Council - IIRC, 2020). Theo đó, IR cung cấp cho các doanh nghiệp với một cách tiếp cận báo cáo có lợi cho sự hiểu biết và nhấn mạnh đến chiến lược, giúp thực hiện quản trị trong nội bộ và thu hút vốn tài chính cho đầu tư, đồng thời giúp nhà đầu tư hiểu chiến lược đang được theo đuổi tạo ra giá trị theo thời gian. Ý tưởng báo cáo tích hợp không chỉ là một công cụ để báo cáo mà còn là một công cụ để quản lý, cung cấp giám đốc và các nhà quản lý với một cái nhìn toàn diện của hệ thống các tổ chức liên quan đến, để tạo ra giá trị trong trung và dài hạn. IR là một giao tiếp ngắn gọn về cách chiến lược, quản trị, hiệu quả và triển vọng của một tổ chức, trong bối cảnh của môi trường bên ngoài, dẫn đến việc tạo ra các giá trị trong ngắn, trung và dài hạn. Có thể hiểu IR là một báo cáo lồng ghép giữa nội dung Báo cáo thường niên truyền thống, hoặc Báo cáo bền vững với Báo cáo tài chính, nhằm cung cấp cho doanh nghiệp và các bên liên quan một góc nhìn toàn diện về doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh khác nhau như tài chính, quản trị, trách nhiệm xã hội và môi trường (IIRC, 2020).

Ý tưởng mới nổi về việc tích hợp các thông tin chiến lược liên quan đến phát triển bền vững với các thông tin tài chính trọng yếu khác là một bước phát triển đáng kể và tích cực. Phát triển bền vững đang và sẽ ngày càng trở thành trung tâm của sự thay đổi mà các công ty, thị trường và xã hội hướng tới. Do đó, thông tin về bền vững có liên quan hoặc trọng yếu đối với triển vọng giá trị của công ty cần phải là phần cốt lõi của IR (IIRC, 2020). Như vậy, để tạo nên bức tranh thông tin toàn diện trên IR thì một điểm khác biệt căn bản so với báo cáo tài chính, báo cáo trách nhiệm xã hội, báo cáo bền vững  thông qua mức độ và cách thức thể hiện thông tin phi tài chính của đơn vị. (Bảng 1)

Bảng 1. So sánh điểm khác biệt trên các báo cáo

so_sanh_diem_khac_biet_tren_cac_bao_cao

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

3. Lợi ích của báo cáo tích hợp

Giá trị không chỉ được tạo ra trong ranh giới truyền thống của một công ty. Quá trình tạo ra giá trị vượt qua ranh giới tổ chức và địa lý thông qua kết nối nhiều trình điều khiển, và nhiều trong số đó hiện là vô hình. Điều này đòi hỏi  tính hữu ích của thông tin cho việc ra quyết định, hay thiết kế một chiến lược kinh doanh là điều tất yếu. Nghĩa là, tất cả giá trị được tạo ra đều dựa trên sự gắn kết nội bộ thông qua sự hiểu biết rõ ràng về những gì thuộc về tổ chức cũng như các bên liên quan mong muốn đạt được (Rowbottom & Locke, 2016; Mio (2020).

IR được hỗ trợ bởi các IIRC, một liên minh toàn cầu mạnh mẽ của các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các công ty, nghiệp vụ kế toán, có chung quan điểm cho rằng thông tin tốt là cơ sở hình thành giá trị sáng tạo. Do đó, IR sẽ là bước tiếp theo trong quá trình tiến hóa các báo cáo của công ty. IR được thực hiện nhằm xây dựng trên sự phát triển báo cáo để cung cấp một hình thức toàn diện hơn về báo cáo giá trị được tạo ra bởi một doanh nghiệp, bằng cách xem xét các nguồn lực phi tài chính như vốn con người, xã hội và trí tuệ cũng như vốn tài chính. Kết quả thông tin trên IR sẽ giúp cho các bên liên quan có cơ hội tiếp cận thông tin doanh nghiệp ở trạng thái toàn diện, để có cơ sở hoạch định phương án kinh doanh an toàn và hiệu quả (Nonki, 2012).

Một tổ chức có thể phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc bảo vệ vốn tài chính của mình trong tương lai gần và tăng tiềm năng lợi nhuận trong dài hạn. Những quyết định này, nếu quan trọng, nên được đặt ra trong một báo cáo tổng hợp và xác định trong mục tiêu tạo ra giá trị của tổ chức. Cách tiếp cận này vượt xa giá trị phản ánh trong báo cáo tài chính hàng năm, bao gồm việc tạo ra các giá trị phi vật thể và tác động từ các hoạt động của một tổ chức trong xã hội như một chỉnh thể. IR không chỉ đơn thuần là việc ghép 3 báo cáo: báo cáo thường niên, báo cáo bền vững và báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà là sự tích hợp thông tin một cách sáng tạo để truyền tải một câu chuyện  xuyên suốt về cách thức tạo ra giá trị của doanh nghiệp (Stubbs & Higgins, 2012). Vì vậy, để xây dựng được báo cáo tích hợp, doanh nghiệp cần gắn kết với các bên liên quan, đặc biệt là nhà đầu tư nhằm xác định các vấn đề trọng yếu mà các bên quan tâm và mức độ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp. Trong đó, IR nhấn mạnh sự súc tích, định hướng tương lai và tập trung công ty về chiến lược, mô hình kinh doanh và tạo ra giá trị. Các kết nối thông tin sẽ giúp cải thiện các thông tin có sẵn để cho phép phân bổ hiệu quả hơn, tạo nên sự gắn kết và thúc đẩy tư duy tích hợp tập trung vào sự thành công lâu dài. Với khả năng đáp ứng nhu cầu khác nhau của các bên liên quan khi cung cấp thông tin của IR, thì một tổ chức có cái nhìn toàn diện hơn về các thông tin có liên quan đến chiến lược, mô hình kinh doanh; và khả năng để tạo ra và duy trì giá trị trong ngắn hạn, trung và dài hạn, giúp giải quyết những vấn đề mấu chốt trong tổ chức hoạt động kinh doanh của đơn vị thông qua việc nhận diện những lợi ích tiềm năng từ IR (Kun, Du & Bhattacharya, 2014; Krzus, 2011; Mauro et al, 2020), như là:

- IR giúp công ty hiểu rõ hơn về quá trình tạo ra giá trị và kết nối thông tin thông qua các hoạt động và các mối quan hệ để giá trị được tạo ra ở cả bên trong và bên ngoài tổ chức;

- Những thay đổi trong chiến lược có thể được điều khiển bởi các hoạt động nội bộ, nhưng sẽ diễn ra thường xuyên hơn do những thay đổi trong môi trường bên ngoài như thay đổi nhân khẩu học, hoặc hạn chế tài nguyên và năng lượng. Những thay đổi này có thể là nguy cơ nhưng cũng có thể là cơ hội nếu được xác định, đánh giá và quản lý hiệu quả và sử dụng để tạo ra lợi thế cạnh tranh. IR tập trung vào môi trường kinh doanh bên ngoài sẽ giúp xác định, đánh giá và quản lý quá trình này.

- Các công ty cần phải học hỏi từ quá khứ, đánh giá hành động trong hiện tại để lập kế hoạch cho tương lai. Định hướng của IR phát huy suy nghĩ trong ngắn, trung và dài hạn qua quá trình tạo ra giá trị đầy đủ và do đó đây là một công cụ quản lý vô giá.

- IR có thể đóng một vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cải thiện quản trị, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các lĩnh vực công cộng và tư nhân của các nước đang phát triển và tạo thuận lợi cho số đông trong các nguồn tài nguyên. Bằng cách cho phép và khuyến khích công chúng và các tổ chức khu vực tư nhân ở các nước này phải minh bạch hơn để các bên liên quan về rủi ro và làm thế nào những rủi ro này đang được quản lý;

- IR có thể làm giảm sự bất đối xứng thông tin và cho phép các nhà đầu tư để đưa ra quyết định đầu tư có hiệu quả hơn.

4. Nhận diện IR tại Việt Nam

Thống kê cho thấy, IR có mức tăng trưởng cao tại nhiều quốc gia trong khu vực. Xu hướng này là phù hợp với sự gia tăng cam kết gần đây của các chính phủ nhằm thúc đẩy tính minh bạch của báo cáo. Một nghiên cứu và đánh giá của PwC mới đây về thực hành báo cáo tích hợp của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán tại 6 nước trong khu vực cho thấy, mức độ trưởng thành cao dẫn đầu là Singapore và Malaysia, tiếp theo là Thailand và Indonesia, trong khi Phillipines và Việt Nam còn ở mức độ rất “khiêm tốn” (PwC, 2019). (Xem Biểu đồ)

do_thi_thuc_hanh_bao_cao_tich_hop_6_nuoc_asean

Nguồn: PwC, 2019

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Ban Tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất 2019 cho thấy, có 54% báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết trên hai sở GDCK đã công bố tầm nhìn chiến lược, nhưng chỉ 7% các công ty có đưa ra được các ưu tiên chiến lược. Trong số 35% có tham chiếu đến mô hình kinh doanh chỉ có 5% có phân tích sự liên hệ từ mô hình hoạt động kinh doanh đến việc tạo ra các giá trị. Bên cạnh đó, có 67% báo cáo có đưa ra nêu quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ, trong khi chỉ có 10% đưa ra được các rủi ro chính và các giải pháp. Hầu hết các công ty niêm yết mới chỉ dừng lại ở việc đưa vào báo cáo các nội dung mang tính tuân thủ về cấu trúc, quản trị rủi ro mà chưa xem xét áp dụng đầy đủ các cấu phần của báo cáo tích hợp. Với kết quả này, có thể nhận thấy IR còn khá mới với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam, nên hiện chưa có tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện, cũng như chưa có đơn vị tư vấn và những khóa đào tạo, thực hành IR tại Việt Nam, hiện doanh nghiệp phải tự tìm hiểu và áp dụng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt cần sớm nghiên cứu xem xét áp dụng và triển khai báo cáo tích hợp, giúp định hình lại mục tiêu và xây dựng lộ trình phù hợp cho báo cáo tạo ra giá trị dài hạn và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các bên liên quan.

5. Kết luận

Các chuyên gia phân tích và các nhà đầu tư đang gửi một thông điệp rõ ràng nhất tới các CEO, CFO và Hội đồng Quản trị rằng, các hoạt động phi tài chính của công ty cũng có tầm quan trọng sánh ngang với các hoạt động tài chính trong việc tạo ra và duy trì danh tiếng của công ty trên thị trường. Những tìm kiếm ngày nay là những báo cáo tích hợp toàn diện - báo cáo kết nối cung cấp những dữ liệu về thực hiện các chỉ số phi tài chính. Xuất phát từ những đặc trưng và lợi ích của IR, bài viết muốn truyền tải thông điệp thực hiện tốt việc báo cáo toàn diện các thông tin nhà đầu tư quan tâm với độ tin cậy cao, sẽ giúp tăng cường tính minh bạch thông tin doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của thị trường Việt Nam và gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư, là phương tiện để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, bảo vệ danh tiếng, tối đa hóa lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu các nguy cơ và rủi ro, thúc đẩy nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về đầu tư có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dhaliwal, D., Radhakrishnan, S., Tang, S., Yang, J. G. (2012). Nonfinancial Disclosure and Analyst Forecast Accuracy: International Evidence on Corporate Social Responsibility Disclosure. The Accounting Review, 87, 3, 723–759
  2. Eccles, R., Cheng, B., Saltzman, D. (2010). The Landscape of Integrated ReportingReflections and Next Steps, The President and Fellows of Harvard College Cambridge, Massachusetts.
  3. Eccles, R., Kiron, D. (2012). Get Ready: Mandated Integrated Reporting Is the Future of Corporate Reporting. MIT Sloan Management Review, 53(3), 1-5.
  4. International Integrated Reporting Council (IIRC) (2020). The International Integrated Reporting Frameword < http://www.integratedreporting.org>
  5. Kun, Y., Du, S., Bhattacharya, C. B. (2013). Everybody’s Talking But is Anybody Listening. Stock Market Reactions to Corporate Social Responsibility Communications. In Conference paper presented at the sustainability and the corporation: Big ideas (24, 2015). Cambridge, MA: Harvard Business School. Retrieved July.
  6. Krzus, M. (2011). Integrated reporting: If not now, when? IRZ, 6(6), 271–27.
  7. Mauro, S. G., Cinquini, L., Simonini, E. & Tenucci, A. (2020). Moving from Social and Sustainability Reporting to Integrated Reporting: Exploring the Potential of Italian Public-Funded Universities’ Reports. Sustainability, 12(8), pages 1-19.
  8. Mio, C. (2020). Integrated reporting: The state of the art of Corporate Reporting. Revista Contabilidade & Finanças, 31, 207-211.
  9. (2014). Insights into State-Owned Companies Integrated Reporting;Trends in South Africa. Southern Africa Business Review.
  10. Oprisor, T .(2014). The Integrated Reporting Framework: Between Challenge and Innovation. Network Intelligence Studies, Romanian Foundation for Business Intelligence, Editorial Department, 3, 85-94.
  11. Rowbottom, N. & Locke, J. (2016). The Emergence of Integrated Reporting. Accounting and business research, 46, 83 -115.
  12. Stubbs, W., Higgins, C. (2012). Sustainability and Integrated Reporting: A Study of the Inhibitors and Enablers of Integrated Reporting. Institute of Chartered Accountants in Australia, Sydney, N. S. W.

 

INTEGRATED REPORTING - THE TREND FOR REPORTING

OF VIETNAMESE ENTERPRISES

Master. LUU CHI DANH

Faculty of Accounting and Auditing, Van Lang University

ABSTRACT:

This paper is based on the analyses of overview information and specific quantified indicators in order to identify overall issues related to integrated reporting. The integrated reporting provides a comprehensive view of the performance and the value of business in various aspects like finance, management, social responsibility and environment, helping information users access, process and analyze information about the business more accurately and effectively. The integrated reporting has become a trend that Vietnamese businesses should pay attention to in order to meet increasingly comprehensive information needs.

Keywords: Integrated reporting, corporate reports, non-financial information, social responsibility.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 16, tháng 7 năm 2020]