Tóm tắt:
Chất lượng báo cáo tài chính luôn được quan tâm trong công tác kế toán bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các đối tượng sử dụng thông tin. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa khi việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong tiến trình hội nhập thì ngoài vai trò cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng, báo cáo tài chính của doanh nghiệp có chất lượng sẽ tạo uy tín cho doanh nghiệp đó trong quá trình liên doanh, liên kết, thu hút vốn đầu tư… góp phần tạo môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh.
Từ đây, tác giả tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận về chất lượng báo cáo tài chính, thực trạng chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đưa ra một số gợi ý nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Báo cáo tài chính, chế độ kế toán, doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Báo cáo tài chính (BCTC) dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Cụ thể BCTC phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí khác, lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh, các luồng tiền.
Ngoài các thông tin này, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh BCTC” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các BCTC tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày BCTC. Trên cơ sở đó, yêu cầu về chất lượng BCTC trong doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
2. Yêu cầu về chất lượng báo cáo tài chính và vấn đề nâng cao chất lượng báo cáo tài chính trong doanh nghiệp
2.1. Yêu cầu về chất lượng báo cáo tài chính
Thứ nhất, sự Trung thực
Các thông tin và số liệu trình bày trên BCTC phải được ghi chép và báo cáo trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ, khách quan, đúng với thực trạng, bản chất nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh, không sai sót trong quá trình ghi chép số liệu. Cụ thể, không sai sót có nghĩa là không có sự bỏ sót trong việc mô tả hiện tượng và không có sai sót trong quá trình cung cấp các thông tin báo cáo được lựa chọn và áp dụng. Không sai sót không có nghĩa là hoàn toàn chính xác trong tất cả các khía cạnh, ví dụ, việc ước tính các loại giá cả và giá trị không quan sát được khó xác định là chính xác hay không chính xác. Việc trình bày một ước tính được coi là trung thực nếu giá trị ước tính được mô tả rõ ràng, bản chất và các hạn chế của quá trình ước tính được giải thích và không có sai sót trong việc lựa chọn số liệu phù hợp trong quá trình ước tính.
Thứ hai, tính Khách quan
Trình bày khách quan là không thiên vị khi lựa chọn hoặc mô tả các thông tin tài chính. Trình bày khách quan phải đảm bảo tính trung lập, không chú trọng, nhấn mạnh hoặc giảm nhẹ cũng như có các thao tác khác làm thay đổi mức độ ảnh hưởng của thông tin tài chính là có lợi hoặc không có lợi cho người sử dụng BCTC. Tóm lại, các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo đúng với thực tế, không bị xuyên tạc, không bị bóp méo và có thể kiểm chứng được.
Thứ ba, tính Đầy đủ
Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bị bỏ sót. Thông tin được coi là đầy đủ khi bao gồm tất cả các thông tin cần thiết để giúp người sử dụng BCTC hiểu được bản chất, hình thức và rủi ro của các giao dịch và sự kiện. Đối với một số khoản mục, việc trình bày đầy đủ còn phải mô tả thêm các thông tin về chất lượng, các yếu tố và tình huống có thể ảnh hưởng tới chất lượng và bản chất của khoản mục.
Thông tin tài chính phải được trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu. Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể làm ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin tài chính của đơn vị báo cáo. Tính trọng yếu dựa vào bản chất và độ lớn, hoặc cả hai, của các khoản mục có liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính của một đơn vị cụ thể.
Thứ tư, tính Kịp thời
Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo kịp thời, đúng hoặc trước thời hạn quy định không được chậm trễ.
Thứ năm, Dễ hiểu
Các thông tin và số liệu trình bày trên BCTC phải rõ ràng, dễ hiểu đối với người sử dụng. Người sử dụng ở đây được giả thiết là có một kiến thức nhất định về kinh tế, kinh doanh, kế toán. Thông tin về những vấn đề phức tạp trong BCTC phải được giải trình trong phần thuyết minh.
Thứ sáu, Có thể so sánh được
Các thông tin và số liệu kế toán giữa các kỳ kế toán trong một doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp chỉ có thể so sánh được khi được tính toán và trình bày nhất quán. Trường hợp không nhất quán thì phải giải trình trong phần thuyết minh để người sử dụng BCTC có thể so sánh thông tin giữa các kỳ kế toán, giữa các doanh nghiệp hoặc giữa thông tin thực hiện với thông tin dự toán, kế hoạch.
2.2. Nâng cao chất lượng báo cáo tài chính trong doanh nghiệp
Nâng cao chất lượng báo cáo tài chính thực chất là đảm bảo đạt được những yêu cầu như đã trình bày ở trên, tăng mức độ hữu ích của thông tin tài chính. Theo quan điểm của Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Tài chính Mỹ (FASB) khái niệm số 1 (1980), viết tắt là CON1, đoạn 32 nêu rõ: "các đặc trưng của thông tin giúp nó trở nên quý giá để dẫn dắt việc lựa chọn các chính sách kế toán được ưu tiên từ những phương án sẵn có. Chúng có thể được xem như một hệ thống thứ bậc các tính chất kế toán, hữu ích, để ra quyết định trong những tình huống quan trọng".
Để trở nên hữu ích, thông tin tài chính phải thể hiện được từng tính chất trong một chừng mực tối thiểu. Mặc dù trong hệ thống có sự phân định giữa các tính chất sơ cấp và các tính chất khác nhưng không tính chất nào được chỉ định là ưu tiên hơn; hơn nữa, một loại tính chất nào đó có thể bị hy sinh để có được những tính chất khác mà không làm giảm sự hữu ích của thông tin (CON2, đoạn 31).
Trong những tình huống không chắc chắn như ước tính các khoản dự phòng, xác định giá trị của tài sản cố định vô hình… đòi hỏi phải có sự xét đoán của người làm kế toán hoặc những người liên quan trực tiếp khác như các kiểm toán viên, nhà phân tích về những sự kiện quan trọng có thể ảnh hưởng lớn đến việc ra quyết định của người sử dụng thông tin. Sự xét đoán về mức độ ảnh hưởng gắn liền với tính chất trọng yếu của sự kiện, trên phương diện tổng thể hoặc cục bộ, đặc biệt là ở khía cạnh định lượng.
Do vậy, việc đưa ra các hướng dẫn hay tiêu chuẩn để giúp xác định các mức trọng yếu theo từng ngành, lĩnh vực hoạt động là điều cần thiết để các bên liên quan có được sự đảm bảo hợp lý khi đưa ra các xét đoán là không bị lệ thuộc nhiều vào các ngưỡng nhận thứ cá biệt nào, chẳng hạn như Bảng hướng dẫn các ví dụ về định lượng mức trọng yếu được FASB đưa ra trong CON2 trên cơ sở tham chiếu các hướng dẫn của SEC, APB. Điều này chắc chắn sẽ giúp tăng cường tính hữu ích của thông tin tài chính được cung cấp.
Mặt khác, tính tin cậy cũng như tính phù hợp rất quan trọng để làm sáng tỏ thực chất của các yêu cầu để có được số liệu kế toán được mô tả một cách xác thực (CON2, đoạn 58). Thông tin kế toán đáng tin cậy khi người sử dụng thông tin có thể đặt niềm tin vào đó để ra quyết định và niềm tin này được khẳng định hơn khi có sự góp mặt của hoạt động kiểm toán độc lập, bởi lẽ có quá nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình soạn lập, cung cấp thông tin kế toán cho người sử dụng (như mâu thuẫn về lợi ích, khác biệt về nhu cầu sử dụng thông tin, quy trình thông tin - kế toán phức tạp, khả năng kiểm tra thấp), khiến cho thông tin kế toán trở nên thiếu độ tin cậy, không khách quan, chứa đựng nhiều rủi ro về sai sót, gian lận và do vậy, cần phải có sự kiểm tra độc lập, đủ trình độ chuyên môn của bên thứ ba.
Đồng thời, thông tin tài chính của doanh nghiệp sẽ mang lại sự hữu ích to lớn nếu được so sánh với những thông tin tương tự về các doanh nghiệp khác hoặc so sánh với các thông tin qua các thời kì, thời điểm tại cùng một doanh nghiệp. Điều này càng được thể hiện rõ trong các quyết định cho vay, đầu tư bởi chúng được dựa trên sự ước lượng các cơ hội thay thế. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, thông tin tài chính của các doanh nghiệp không chỉ cung cấp cho các đối tượng trong nước mà còn cả nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay việc so sánh thông tin tài chính gặp nhiều khó khăn, bởi còn nhiều sự khác biệt giữa chế độ, chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, vì thế cần có những giải pháp để khắc phục hạn chế này.
3. Thực trạng chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam
Sự chênh lệch đáng kể số liệu trên báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán của các doanh nghiệp Việt Nam đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, chênh lệch số liệu lợi nhuận trước và sau kiểm toán là điều vẫn thường diễn ra, việc ngày càng có nhiều công ty bị giảm doanh thu, giảm lợi nhuận đến trên 50% sau kiểm toán đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đồng vốn của nhà đầu tư, khiến môi trường đầu tư chứng khoán rủi ro hơn, ít nhiều làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư.
Cụ thể, gần 500 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 sau kiểm toán, thì có tới hơn một nửa phải điều chỉnh số liệu, trong đó hơn 1/3 từ lãi thành lỗ với khoản chênh lệch hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Với những khoản chênh lệch “một trời một vực” về số liệu trước và sau kiểm toán như vậy, khó để chấp nhận lý do “vô tình”. Dù không mới, nhưng đáng báo động là tình trạng yếu kém, thiếu tin cậy về BCTC của doanh nghiệp có xu hướng gia tăng, nhất là trong bối cảnh kết quả kinh doanh không được như mong đợi hiện nay (Thảo Nguyễn, 2013).
Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với báo cáo kết quả kinh doanh, nhiều doanh nghiệp được xác định đã không ghi nhận đúng số lãi vay dự tính phải trả, không kết chuyển toàn bộ chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ vào báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, mà “treo” lại một phần trên bảng cân đối kế toán. Đây là một thủ thuật điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp, ông Hải cho biết. Riêng đối với thuyết minh báo cáo tài chính, một phần không thể thiếu trong báo cáo tài chính để diễn giải về cơ sở của những con số trên báo cáo tài chính, theo ông Hải, đã có rất nhiều sai sót. Bởi thuyết minh chính sách kế toán và thực tế lại “nói một đằng làm một nẻo” (ĐTCK, 2013).
Bên cạnh đó, tình trạng báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài kê khai thua lỗ liên tục, mặc dù sau đó vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nhằm tránh nghĩa vụ nộp thuế đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu ngân sách nhà nước, đồng thời tác động xấu tới môi trường cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung (Sông Trà, 2014).
Từ thực trạng trên cho thấy, doanh nghiệp có thể điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính theo 2 xu hướng:
- Điều chỉnh tăng lợi nhuận, tăng quy mô tài sản so với thực tế:
Mục đích: tăng giá cổ phiếu, thu hút vốn đầu tư, hưởng lợi tối đa từ việc ưu đãi thuế hoặc có thể mang lại lợi ích cho bản thân người làm kế toán…
Một số trường hợp cụ thể:
Công ty lần đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc trong các đợt phát hành thêm cổ phiếu.
Khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thay đổi theo xu hướng giảm.
Khi công ty được hưởng các ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với trường hợp thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản trị công ty, nhiều khả năng các nhà quản trị này làm thay đổi lợi nhuận thực tế để được thưởng và chia lợi nhuận tại một thời điểm nào đó.
Trong nhiều trường hợp, công ty thưởng cho người làm kế toán trên hiệu quả kinh doanh, nên để có được tiền thưởng nhân viên kế toán sẽ thực hiện điều chỉnh tăng lợi nhuận thực tế của công ty.
- Điều chỉnh giảm lợi nhuận so với thực tế
Mục đích: Giảm thiểu chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thuế khác phải nộp Nhà nước.
Điều chỉnh giảm lợi nhuận bằng cách: Hạn chế xuất hóa đơn bán hàng (trong trường hợp khách hàng là cá nhân không cần hóa đơn để hạch toán), điều chỉnh giá bán hàng hóa, dịch vụ (lợi dụng hình thức chuyển giá), khai khống một số hóa đơn đầu vào không hợp lệ để ghi tăng các khoản chi phí, sử dụng ước tính kế toán để ghi tăng các khoản chi phí trong điều kiện không chắc chắn…
- Một vài công công cụ điều chỉnh lợi nhuận
Sử dụng ước tính kế toán: Ứớc tính kế toán là một quá trình xét đoán dựa trên những thông tin tin cậy nhất và mới nhất tại thời điểm đó, các ước tính kế toán phổ biến bao gồm 2 loại. Một là, ước tính liên quan đến các khoản mục đã phát sinh như khấu hao tài sản cố định, phân bổ chi phí trả trước, ước tính doanh thu được ghi nhận theo hợp đồng xây dựng, các khoản dự phòng tổn thất tài sản. Hai là, ước tính liên quan đến các khoản mục chưa phát sinh, như các khoản dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, dự phòng tái cơ cấu doanh nghiệp, chi phí trả trước… (VAS29). Lợi ích chính của việc cho phép sử dụng các ước tính trong BCTC là ở chỗ giúp cho doanh nghiệp có thể cung cấp những thông tin cần thiết về triển vọng phát triển, đồng thời tránh phải tiết lộ những thông tin chi tiết không có lợi cho việc cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên doanh nghiệp có thể sử dụng ước tính kế toán không hợp lý, điều chỉnh doanh thu, chi phí theo ý muốn chủ quan của doanh nghiệp.
Kế toán theo cơ sở dồn tích là phương pháp kế toán dựa trên cơ sở dự thu - dự chi. Theo đó, mọi nghiệp vụ kinh tế tài chính của công ty được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh giao dịch không căn cứ vào thời điểm thực tế thu tiền hay chi tiền. Điều này mang lại cơ hội cho nhà quản trị thực hiện hành động điều chỉnh lợi nhuận thông qua các giao dịch không bằng tiền nhằm đạt được một mục đích nào đó.
Lợi dụng chuyển giá: Chuyển giá được xem là một lời giải cho bài toán lợi ích mà ở đó nhà đầu tư không cần thêm vốn hay mở rộng sản xuất. Đơn giản vì cách này giúp họ giảm tổng nghĩa vụ thuế. Từ đó lợi nhuận sau thuế sẽ gia tăng. Tuy nhiên vấn đề chuyển giá ở Việt Nam còn hết sức mới mẻ. Trong xu thế mở rộng cửa chào đón các tập đoàn kinh tế quốc tế, phát huy nội lực với các công ty cha - mẹ - anh - chị - em.., thì chuyển giá sẽ là công cụ dễ được các chủ thể kinh doanh sử dụng nhằm thay đổi những nghĩa vụ thuế phải thực hiện với nhà nước. Sự mới mẻ và chứa đựng những hấp dẫn về lợi ích kinh tế của chuyển giá là điều được các nhà quản lý lưu tâm, được các chủ thể kinh doanh, người hoạch định chiến lược tài chính của doanh nghiệp lên chương trình hành động cho mình.
4. Một số gợi ý thay đổi chính sách quản lý nhằm cao chất lượng báo cáo tài chính trong doanh nghiệp
Thứ nhất, có chế tài xử phạt nghiêm khắc với những vi phạm về công bố thông tin tài chính không trung thực.
Thứ hai, Bộ Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng coi trọng tính thống nhất trong ước tính kế toán để lập báo cáo tài chính. Đồng thời, trên cơ sở hợp tác về pháp luật thuế với các nước có hiện tượng chuyển giá lẫn nhau để hạn chế hành vi chuyển giá và xác định các yếu tố liên kết trong mối quan hệ của các công ty xuyên quốc gia.
Thứ ba, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả, chất lượng của kiểm toán độc lập. Bộ Tài chính cần thường xuyên kiểm tra, giám sát và công bố danh sách các công ty kiểm toán đủ năng lực, uy tín, đảm bảo chất lượng kiểm toán. Mặt khác, cần quy trách nhiệm, phạt hành chính hoặc rút giấy phép hoạt động đối với các công ty kiểm toán độc lập nếu BCTC mà họ kiểm toán bị phát hiện không trung thực. Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của kiểm toán độc lập là phải báo cáo trong trường hợp phát hiện các vấn đề nghiêm trọng về pháp luật hoặc mất an toàn về an ninh tài chính.
Thứ tư, về chế độ kế toán, trên cơ sở nhận biết một số khác biệt giữa chế độ kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế (Nam, T.X, 2012), để đảm bảo tính so sánh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, tác giả gợi ý một số thay đổi sau:
- Tách biệt các khoản phải thu, phải trả theo nội dung nghiệp vụ: Hiện nay, kế toán sử dụng duy nhất tài khoản “phải thu của khách hàng”, “phải trả cho người bán” để phản ánh các khoản nợ và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu, phải trả của doanh nghiệp với khách hàng và nhà cung cấp về tiền mua bán sản phẩm, hàng hóa, kể cả bất động sản đầu tư, TSCĐ, các khoản đầu tư tài chính, cung cấp dịch vụ… Như vậy, số liệu trên báo cáo tài chính không thể hiện rõ khoản vốn mà doanh nghiệp để khách hàng tạm thời chiếm dụng thuộc hoạt động kinh doanh chính hay hoạt động bất thường và ngược lại là đối với doanh nghiệp và nhà cung cấp, điều này có thể dẫn tới nhìn nhận sai lệch từ nhà đầu tư. Vì vậy, nên có sự tách biệt giữa các khoản phải thu, phải trả từ hoạt động kinh doanh, thương mại (mua bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ) và các khoản phải thu, phải trả do mua bán TSCĐ hay mua bán cổ phiếu…
- Xây dựng và ban hành chuẩn mực kế toán nông nghiệp: Sản phẩm nông nghiệp và tài sản sinh vật đa dạng và phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn chưa có chuẩn mực riêng hướng dẫn cụ thể về kế toán trong lĩnh vực này. Hiện nay, sản phẩm trong lĩnh vực này được ghi nhận theo giá gốc hay chi phí ban đầu, trong khi giá trị thường xuyên biến động. Vì vậy, cần có chuẩn mực kế toán hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho từng đối tượng và trong từng trường hợp ghi nhận theo giá gốc hay các loại giá khác.
- Điều chỉnh một số nội dung được ghi nhận vào thu nhập và chi phí tài chính. Theo quy định có một số nội dung liên quan đến các khoản đầu tư được ghi nhận vào doanh thu hoặc chi phí tài chính là chưa hợp lý. Ví dụ khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, ghi vào thu nhập tài chính là chưa hợp lý, vì thực chất đây không phải là một khoản thu nhập tài chính, mà chỉ là sự chia nhỏ cổ phiếu. Nhà đầu tư sẽ ghi một bút toán ghi nhớ trong sổ kế toán để chỉ ra số cổ phiếu mới nắm giữ tăng lên và đơn giá gốc đầu tư giảm xuống, tổng giá vốn không thay đổi.
- Bổ sung thông tin trên thuyết minh báo cáo tài chính về ghi nhận giá trị tài sản cố định. Thông thường, tài sản cố định của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị tài sản, vì vậy để phản ánh chính xác giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, ngoài việc phản ánh trên bảng cân đối kế toán thì trên thuyết minh báo cáo tài chính cũng cần cụ thể giá trị các tài sản cố định hữu hình hư hỏng hoặc không sử dụng lâu dài, bởi nếu tài sản này chưa được bán hay thanh lý vẫn được báo cáo theo giá trị sổ sách mặc dù giá trị sổ sách đó không còn phản ánh đúng giá trị thu hồi của tài sản.
5. Kết luận
Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế (Bộ Tài chính, 2015).
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa khi việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong tiến trình hội nhập thì chất lượng thông tin được trình bày trên báo cáo tài chính càng phải được quan tâm hơn nữa. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp có chất lượng sẽ tạo uy tín cho doanh nghiệp đó trong quá trình liên doanh, liên kết, thu hút vốn đầu tư. Ngoài ra, nâng cao chất lượng báo cáo tài chính ngoài việc góp phần tạo môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh, còn góp phần củng cố lợi ích của các bên liên quan đến doanh nghiệp như các nhà đầu tư, cơ quan thuế, ngân hàng…
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Tài chính. (2015). Chế độ kế toán doanh nghiệp. Hà Nội: NXB Tài chính.
- Hoàng Anh. (2013, 8 28). Báo cáo tài chính, nhiều vấn đề nổi cộm. Retrieved from coomjtinnhanhchungkhoan.vn.
- Nam, T.X. (2012). So sánh VAS và IFRS. Retrieved from http://sosanhvasifrs.blogspot.com.
- Sông Trà. (2014, 3 17). Kiểm soát ngăn chặn hành vi chuyển giá để trốn thuế.
Retrieved from nhandanonline.
- Thảo Nguyễn. (2013). Chất lượng báo cáo tài chính doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2013. Retrieved from www.vpaudit.vn.
- Tiếp cận các luận điểm về tính hữu ích của BCTC. (2013, 8 28). Retrieved from tailieu.tv.
Improve the quality of finance statemetns of Vietnamese enterprises in the context of globalization
Assoc.Prof. Ph.D Ha Thi Thuy Van
Thuongmai University
Master. Tran Tien Hoang
General Import and Export Van Xuan Corporation
Abstract:
The quality of financial statements plays a key role in accounting because it directly affects the benefits of information users. Especially when businesses strengthen their linkages in the context of globalization, financial statements not only provide information to users but also insights about businesses to attract investors and contribute to creat a clean and healthy business environment. This article focuses on researching the theoretical basis of the quality of financial statements, the current quality of financial statements of Vietnamese enterprises, thereby offering some suggestions to improve the quality of financial statements of Vietnamese enterprises.
Keywords: Financial statements, accounting regimes and enterprises