TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thực trạng bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2018 để có cái nhìn khái quát nhất về tình trạng chênh lệch giàu - nghèo tại Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra những khuyến nghị nhằm hạn chế tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam.
Từ khóa: Bất bình đẳng thu nhập, chênh lệch giàu - nghèo, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Bất bình đẳng thu nhập (khoảng cách giàu nghèo) là chênh lệch thu nhập và tài sản giữa các cá nhân, nhóm trong xã hội hay giữa các quốc gia gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tăng trưởng kinh tế [1]. Bất bình đẳng thu nhập xuất hiện tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong giai đoạn 2007 - 2018, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trên thế giới, đạt mức bình quân 6,1%, trong đó, thu nhập của các nhóm dân cư đều tăng lên nhưng tốc độ tăng thu nhập của nhóm nghèo luôn thấp hơn nhóm giàu, do vậy, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng [5].
Vì vậy, bài viết phân tích thực trạng bất bình đẳng trong thu nhập của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2018, nhằm hạn chế bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
2. Thực trạng bất bình đẳng thu nhập của Việt Nam
Mức độ bất bình đẳng thu nhập của quốc gia hiện nay dựa trên các thước đo như hệ số GINI, hệ số chênh lệch giàu nghèo,... Thông qua hệ số GINI của Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2018 cho thấy, bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam biến động không nhiều, nằm trong khoảng 0,424 đến 0,436; trong đó khu vực thành thị có xu hướng giảm, khu vực nông thôn có xu hướng tăng và luôn cao hơn ở thành thị.
Bảng 1. Bất bình đẳng thu nhập thông qua hệ số GINI tại Việt Nam giai đoạn 2006-2018
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Số liệu Bảng 1 cho thấy, trước năm 2010, hệ số GINI ở thành thị cao hơn ở nông thôn, sau năm 2010 hệ số GINI ở nông thôn cao hơn ở thành thị, cho thấy xu hướng bất bình đẳng thu nhập ở khu vực thành thị có xu hướng giảm còn ở nông thôn có xu hướng tăng. Theo báo cáo “Wealth Distribution and Income Inequality by Country 2018”, hệ số GINI của Việt Nam là 0,424 ở mức trung bình so với các quốc gia khác trong khu vực. Theo Cornia và Court (2001), hệ số GINI trong khoảng 0,30 - 0,45 là nằm trong ngưỡng an toàn và hiệu quả, phù hợp cho tăng trưởng cao. Theo đó, có thể khẳng định bất bình đẳng thu nhập của Việt Nam hiện nay vẫn nằm trong phạm vi an toàn, nhưng trong dài hạn có xu hướng tăng lên nếu Việt Nam không có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.
Biểu đồ 1: Hệ số GINI của các vùng kinh tế giai đoạn 2006 -2018
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Biểu đồ 1 cho thấy hệ số GINI tại các vùng kinh tế có những biến động tăng giảm ở các năm khác nhau, nhưng đều có xu hướng giảm dần. So với các khu vực khác, Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế phát triển có tốc độ phát triển cao nhất so với các khu vực còn lại, hệ số GINI có tốc độ giảm mạnh nhất so với các khu vực khác, khoảng cách về bất bình đẳng thu nhập ở khu này ngày càng được thu hẹp.
Mức độ bất bình đẳng thu nhập còn được thể hiện thu nhập của các nhóm và chênh lệch giữa thu nhập của nhóm 1 và nhóm 5.
Bảng 2. Thu nhập bình quân đầu người/tháng phân theo 5 nhóm thu nhập của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2018
Đơn vị: Nghìn đồng
Ghi chú: (1) Khoảng cách thu nhập giữa nhóm 5 và nhóm 1; (2) Số lần chênh lệch thu nhập giữa nhóm 5 (giàu nhất) và nhóm 1 (nghèo nhất)
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Báo cáo hàng quý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Bảng 2 cho thấy, thu nhập bình quân/tháng ở cả 5 nhóm thu nhập đều tăng qua các năm, trong đó thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2018 gấp 3,78 lần so với năm 2008. Năm 2008, thu nhập nhóm 5 gấp 8,9 lần so với nhóm 1. Tuy nhiên đến năm 2018 thu nhập nhóm 5 gấp 9,86 lần so với nhóm 1 cho thấy khoảng cách thu nhập giữa các nhóm ngày càng xa, bất bình đẳng thu nhập giai đoạn này có xu hướng gia tăng khá nhanh, chứng tỏ Việt Nam đang dần trở thành nước có chênh lệch giàu nghèo cao. So sánh thu nhập năm 2018 và 2008 cho thấy, nhóm 1 là nhóm có mức độ tăng thu nhập chậm nhất (tăng 3,38 lần) so với các nhóm còn lại. Tốc độ tăng trưởng ở nhóm 1 vẫn thấp hơn nhóm 5 đã khiến cho khoảng cách thu nhập trong xã hội gia tăng. Sự chênh lệch tuyệt đối về thu nhập giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất đang là một thách thức của mục tiêu phát triển theo hướng đảm bảo công bằng xã hội.
Bảng 3. Thu nhập bình quân/người/tháng khu vực thành thị và nông thôn phân theo 5 nhóm thu nhập của Việt Nam giai đoạn 2008 - 2018
Đơn vị: Nghìn đồng
Ghi chú: (1) Khoảng cách nhóm 5 và nhóm 1; (2) Số lần chênh lệch giữa nhóm 5 và nhóm 1
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Báo cáo hàng quý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Số liệu Bảng 3 cho thấy, thu nhập ở cả thành thị và nông thôn đều có xu hướng tăng, hệ số chênh lệch giữa hai khu vực này đang có xu hướng giảm xuống.
Chênh lệch thu nhập giữa nhóm 5 và nhóm 1 ở thành thị thấp nhất là 7,41 lần và cao nhất là 8,28 lần và có xu hướng ngày càng giảm; ở khu vực nông thôn thấp nhất là 6,91 lần và cao nhất là 9 lần và sự chênh lệch này có xu hướng tăng lên. Ở khu vực nông thôn, khi kinh tế ngày càng phát triển, sự thay đổi về cơ cấu lao động trong các ngành nghề ở khu vực này ngày càng lớn dẫn đến khoảng cách thu nhập giữa nhóm 5 và nhóm 1 ngày càng lớn. Số lần chênh lệch thu nhập giữa nhóm 5 và nhóm 1 ở khu vực thành thị có xu hướng giảm, ở nông thôn có xu hướng tăng, cho thấy mức bất bình đẳng thu nhập trong khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị khi nền kinh tế phát triển.
Bảng 4. Tỷ lệ hộ nghèo phân theo khu vực thành thị, nông thôn giai đoạn 2006 -2018 của Việt Nam
Đơn vị tính: %
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Báo cáo hàng quý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Số liệu Bảng 4 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm. Năm 2006 cả nước có 15,5% số hộ nghèo, đến 2018 giảm xuống còn 5,35%. Khu vực thành thị có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn khu vực nông thôn, chứng tỏ bất bình đẳng thu nhập giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị khá lớn.
3. Ảnh hưởng của dịch bệnh đến cơ hội việc làm của người lao động hiện nay
Theo Tổng cục Thống kê, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, so sánh quý I/2020 với quý I/2019 thì số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động, giải thể tăng lên; các doanh nghiệp đang hoạt động gặp nhiều khó khăn chiếm khoảng 84,8% doanh nghiệp, có gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện số giải pháp về lao động, như: cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ không lương, giảm lương.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2020 là gần 1,1 triệu người, tăng 26,1 nghìn người so với quý trước và tăng 26,8 nghìn người so với quý I/2019. Tính đến tháng 4/2020, gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Lao động trong các doanh nghiệp và hợp tác xã tạm nghỉ việc chiếm gần 59%; lao động bị giãn việc hoặc nghỉ luân phiên chiếm gần 28% và lao động bị mất việc chiếm gần 13%. Trong đó, lao động tạm nghỉ việc trong ngành Vận tải kho bãi và ngành Giáo dục và đào tạo chiếm cao nhất, chiếm trên 70% tổng số lao động của ngành. Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ ăn uống có tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc cao nhất trong tổng số lao động bị ảnh hưởng so với các ngành khác, chiếm gần 20% tại mỗi ngành.
4. Khuyến nghị nhằm hạn chế bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam
Bất bình đẳng thu nhập sẽ dẫn đến bất bình đẳng xã hội, gây ra các vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp tăng, tỷ lệ tội phạm tăng, năng suất lao động bình quân giảm, do đó, đây là vấn đề cần giải quyết của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh các nước phải xử lý những hậu quả của đại dịch Covid 19, Việt Nam cũng cần có những biện pháp để khắc phục những khó khăn hiện nay, giảm bớt thiệt hại về thu nhập cho người lao động.
Về phía Chính phủ: đã ban hành nhiều chính sách giúp ngăn ngừa, kiểm soát bệnh dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, đưa ra các gói hỗ trợ để giúp cho những người lao động có thêm thu nhập trong giai đoạn bị nghỉ việc, giãn việc do dịch bệnh Covid 19. Tuy nhiên, để các chính sách này phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa các Bộ, ngành, các địa phương nhằm thúc đẩy nhanh các thủ tục hướng dẫn, cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo các gói hỗ trợ được triển khai kịp thời, đến đúng đối tượng.
Về phía các doanh nghiệp: cần phải nghiên cứu đổi mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh; tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào, nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài các thị trường truyền thống; sử dụng công nghệ thông tin để dan dạng hóa từ kinh doanh trực tiếp đến kinh doanh trực tuyến; tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng.
Về phía người lao động: cần nỗ lực nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tự trang bị các kỹ năng mềm để đảm bảo khả năng thích nghi với sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động. Người lao động cũng nên hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Trong quá trình thực hiện triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, người lao động cần thực hiện nghiêm túc, khai báo trung thực theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; đảm bảo các hỗ trợ đến được đúng và đủ đối tượng.
Trong dài hạn, Chính phủ cần thực hiện giảm bất bình đẳng thu nhập qua việc giúp người dân ở các khu vực tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục và y tế. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, trong khi khoảng cách giàu nghèo ở khu vực thành thị đang có xu hướng giảm dần, thì ở khu vực nông thôn lại đang tăng. Đặc biệt, có chênh lệch cao về thu nhập giữa các vùng, miền có khó khăn về điều kiện tự nhiên, hạ tầng cơ sở, trình độ dân trí, trình độ sản xuất,… với các khu vực khác đã ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân. Người lao động là dân tộc thiểu số, hoặc có trình độ học vấn thấp, không được đào tạo, ít có cơ hội hưởng lợi hơn các so với các lao động có trình độ học vấn cao cùng là một nguyên nhân của bất bình đẳng thu nhập. Do đó, Chính phủ cần có chính sách ưu tiên, đầu tư cho giáo dục ở vùng khó khăn; cần có các chính sách hỗ trợ về tài chính cho hộ gia đình nghèo, giảm bớt các chi phí cho giáo dục để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho người lao động nghèo, miễn hoặc giảm học phí cho các khu vực khó khăn, thực hiện cải cách giáo dục nhằm cân bằng cơ hội và phát triển kỹ năng cho người lao động là vô cùng quan trọng.
Chính phủ cần xây dựng được một chiến lược tăng đầu tư vào nguồn lực con người và khuyến khích tạo việc làm, khuyến khích hình thành một tầng lớp trung lưu rộng lớn trong xã hội; thiết kế hệ thống thuế sao cho không triệt tiêu động lực làm giàu của những người giàu; tăng đầu tư công vào những khu vực kém phát triển; đồng thời, nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công cũng như cải thiện chất lượng các dịch vụ công, để các kết quả đầu tư đến với người dân, đặc biệt là nhóm người dân nghèo.
Về chính sách hỗ trợ y tế: Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo và học sinh, sinh viên; hỗ trợ cho việc khám, chữa bệnh cho các vùng kinh tế khó khăn.
Để giải quyết bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam, Chính phủ cần xây dựng được một chiến lược tăng trưởng kinh tế mới cùng với các chính sách phân phối thu nhập thích hợp, tập trung vào cải cách thể chế pháp luật, thị trường cạnh tranh, công bằng và mở, tạo “sân chơi” bình đẳng cho cả các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ; đồng thời đặt ra vấn đề bình đẳng, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư dựa trên cơ sở phát triển các loại hình kinh tế, khuyến khích người dân làm giàu và thực hiện phân phối thu nhập theo sự đóng góp của các nguồn lực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Cornia and Court (2001). Inequality, Growth and Poverty in the Era of Liberlization and Globalization. Helsinki, Finland: World Institute for Development Economics Research, United Nations University.
- Luca Venta (2019). Wealth Distribution and Income Inequality by Country 2018 Global Finance Magazine.
- Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh giai đoạn 2006 - 2018.
- Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê.
- Tổng cục Thống kê (2018), Niên giám thống kê 2007 - 2018.
THE INCOME INEQUALITY IN VIETNAM:
THE CURRENT STATE AND RECOMMENDATIONS
• Ph.D NGUYEN THI THAI HUNG
Faculty of Banking, Banking Academy
ABSTRACT:
This paper analyzes the current state of income inequality in Vietnam from 2006 to 2018 in order to get an overview on the current rich - poor gap in Vietnam, thereby making recommendations to curb the country’s income inequality.
Keywords: Income inequality, rich - poor gap, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2020]