Chính sách phân phối thu nhập nhằm xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam

GVCC,TS. Hà Quang Thanh (Phó Giám đốc Thường trực Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Chính sách phân phối vì người nghèo là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, giải pháp và công cụ mà Nhà nước thực hiện để tác động lên các quan hệ kinh tế - xã hội và điều tiết các mối quan hệ này, nhằm đạt được mục tiêu phân phối các nguồn lực và cơ hội một cách công bằng, hiệu quả cho người nghèo. Trên cơ sở đó, đối tượng của chính sách cần hướng tới là người nghèo, người có thu nhập thấp, những đối tượng dễ gặp rủi ro trong xã hội.

Trong xã hội ngày nay, nghèo tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, trong đó bao gồm 3 dạng chính: Nghèo do hạn chế về năng lực cá nhân; Nghèo do gặp rủi ro; Nghèo do hạn chế về cơ hội phát triển. Để giải quyết các vấn đề này, Nhà nước sử dụng các chính sách hỗ trợ giúp người nghèo có kỹ năng lao động, có sức khỏe tốt để tham gia vào thị trường lao động, giúp giảm khó khăn và ổn định cuộc sống.

Bài viết tập trung phân tích các chính sách phân phối thu nhập, như: chính sách tiền lương, chính sách thuế thu nhập cá nhân, hay chính sách trợ cấp đang được áp dụng và đề xuất các nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách phân phối thu nhập vì người nghèo của Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Chính sách, thu nhập, xóa đói giảm nghèo, Việt Nam.

1. Thực trạng chính sách phân phối thu nhập vì người nghèo ở Việt Nam

Chính sách phân phối thu nhập là thuật ngữ có nhiều cách tiếp cận khác nhau, hiện nay ở nước ta còn có nhiều ý kiến khác nhau. Bài viết nêu lên một số cách tiếp cận, bao gồm: Chính sách tiền lương, chính sách thuế thu nhập cá nhân và chính sách trợ cấp.

1.1. Chính sách tiền lương

Hiện còn có những quan điểm, nhận thức và cách hiểu không thống nhất về tiền lương. Khoản 1, Điều 90, Bộ luật Lao động năm 2012 ghi rõ: "Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác".

 Văn kiện Đại hội XI của Đảng ghi: “Tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.[1]

Những quan điểm, nhận thức về tiền lương nêu trên đều có chung nội dung cốt lõi, coi sức lao động là hàng hóa, tiền lương là giá cả sức lao động được trao đổi, thuận mua, vừa bán theo quan hệ cung - cầu trên thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhằm bảo vệ người lao động trong việc thỏa thuận, chống bóc lột và đói nghèo. Do đó, chính sách tiền lương là cơ sở và căn cứ để từng bước Nhà nước hiện thực chính sách phân phối thu nhập hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống cho người lao động và xóa đói giảm nghèo.

Đối với người có thu nhập thấp, ngoài tiền công, tiền lương họ không có nguồn thu nhập từ tài sản nào khác. Do vậy, chính sách tiền lương là một công cụ điều tiết của Nhà nước nhằm hỗ trợ có hiệu quả đời sống của người nghèo, người có thu nhập thấp. Chính sách tiền lương của Nhà nước trong thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả nhất định:

Thứ nhất, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu của Nhà nước theo mức độ trượt giá đã tăng thu nhập cho người lao động làm công ăn lương, nhất là những người có thu nhập thấp, đáp ứng được một phần cơ bản nhu cầu cuộc sống của họ.

Thứ hai, việc điều chỉnh hệ số lương, thay đổi thang bảng lương là bước thay đổi quan trọng trong tiến trình cải cách tiền lương của Nhà nước, không những tăng thu nhập, mà còn tạo ra tâm lý phấn khởi cho người lao động, thúc đẩy tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, việc thống nhất mức lương tối thiểu chung cho khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xóa bỏ mức độ bất bình đẳng thu nhập về tiền lương giữa 2 khu vực như trước đây.

Tuy nhiên, chính sách tiền lương thời gian qua còn một số hạn chế :

- Chưa vận hành theo cơ chế thị trường mà do Nhà  nước quy định, bị ràng buộc với nhiều chính sách xã hội khác và bị phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Việc điều chỉnh lương tối thiểu vẫn bị coi là gánh nặng của ngân sách nhà nước và tiền lương chỉ đơn thuần là phân phối cho tiêu dùng cá nhân, chưa được coi là đầu tư cho người lao động.

- Dù thay đổi liên tục những vẫn còn quá nhiều bất cập. Tiền lương thấp là nguyên nhân khiến cho người lao động không tận tâm với công việc, tìm cách tăng thêm thu nhập ngoài lương và dẫn đến hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ này, làm gia tăng mức độ bất bình đẳng thu nhập.

-  Vai trò điều tiết của chính sách tiền lương còn yếu kém trong phân bổ nguồn lực, cân đối cung - cầu lao động và đảm bảo công bằng, chưa kiểm soát được thu nhập của người dân.

1.2. Chính sách thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền thuế mà người có thu nhập phải trích nộp một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã tính các khoản được giảm trừ. Theo đó, thuế TNCN được xây dựng trên nguyên tắc công bằng và khả năng nộp thuế. Thuế thu nhập cá nhân không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp, vừa đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết. Do đó, việc nộp thuế thu nhập cá nhân cũng góp phần làm giảm hợp lý khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư.

Hàng năm, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng dần, từ 2.338 tỷ đồng năm 2012 (chiếm 1,89% thu ngân sách nhà nước) lên 38.463 tỷ đồng vào năm 2015 (chiếm 5,46% thu ngân sách nhà nước). Trung bình mỗi năm, đóng góp từ thuế thu nhập với người có thu nhập cao vào ngân sách nhà nước chiếm khoảng hơn 2,5% nguồn thu ngân sách.[2]

Bên cạnh những thành công, vẫn còn tồn tại một số hạn chế của chính sách:

Thứ nhất, việc thu thuế thu nhập cá nhân còn bỏ sót nhiều đối tượng, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước và không đảm bảo được sự công bằng cho những người phải nộp thuế.

Thứ hai, cơ quan quản lý thuế chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát các khoản giảm trừ, đặc biệt là giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế.

Thứ ba, chính sách thuế thu nhập cá nhân chưa thu hút đối với các cá nhân là nhân lực công nghệ cao. Giảm thuế thu nhập cá nhân cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 sẽ giúp cho các doanh nghiệp thu hút nhân lực chất lượng cao, là cơ hội để tăng sức cạnh tranh trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhấp quốc tế hiện nay.

1.3. Chính sách trợ cấp

Chính sách hay chế độ trợ cấp là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định cho người lao động và một số thành viên trong gia đình họ thực tế được hưởng một khoản tiền trong những trường hợp cần thiết, phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Nội dung chế độ trợ cấp thường bao gồm các chế độ ngoài thù lao lao động như chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ trợ giúp khi khó khăn, chế độ cấp tiền khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Trợ cấp hay trợ giúp là những chính sách ưu đãi thể hiện chính sách quan tâm đối với những người có công với cách mạng thể hiện ở Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ Qui định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, hoặc Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 về chính sách trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.

Trợ cấp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp là một trong những chính sách phân phối lại thu nhập của nhà nước. Chính sách trợ cấp xã hội của Chính phủ trong thời gian qua thể hiện một sự nỗ lực lớn của chính phủ trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, đã giảm bớt một phần nào gánh nặng cuộc sống cho những đối tượng yếu thế, người lao động có thu nhập thấp và đảm bảo an sinh xã hội cho người  dân. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách trợ cấp của Chính phủ còn một số hạn chế :

- Do chịu ảnh hưởng lớn từ các cuộc chiến tranh nên số người nghèo, người tàn tật, người mất sức lao động chiếm số lượng lớn, trong khi ngân sách chi cho lĩnh vực này còn hạn hẹp, nên số lượng tiền trợ cấp cho các đối tượng này còn hạn chế, chưa thể đảm bảo được cuộc sống của họ.

- Việc trợ cấp sai đối tượng vẫn còn xảy ra ở một vài nơi. Nhiều hộ gia đình có tên trong danh sách nhận tiền trợ cấp nhưng thực tế lại không nhận được tiền. Nhiều hộ không nghèo vẫn được nhận tiền hỗ trợ người nghèo do nhiều nguyên nhân khác nhau.

- Nhiều chính sách xóa đói giảm giảm nghèo còn trùng lặp cả về đối tượng và địa bàn, một số chính sách có phương thức hỗ trợ, trợ giúp chưa phù hợp. Ví dụ: chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Một số chính chính sách mức hỗ trợ còn quá thấp, không có tác động tích cực (chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg). Các chính sách chủ yếu tập trung dưới dạng hỗ trợ, cấp bằng tiền mặt hoặc hiện vật, ít chính sách hỗ trợ gián tiếp (như cho vay), nên chưa tạo động lực cho người nghèo thoát nghèo và giảm nghèo bền vững.

2. Các nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách phân phối thu nhập vì người nghèo của Việt Nam trong thời gian tới

2.1. Công bằng trong phân phối tiền lương

Chính sách tiền lương là một trong những chính sách quan trọng, thông qua chính sách này sẽ tác động mạnh đến các chủ thể, như: doanh nghiệp, tổ chức, người lao động và dân cư trong xã hội. Chính sách tiền lương và công bằng trong phân phối tiền lương là công cụ giúp cho người nghèo, nhất là cho người làm công ăn lương có thể đảm bảo được cuộc sống tối thiểu. Chính sách này cần cụ thể như sau:

  • Đối với khu vực doanh nghiệp, tiền lương phải đảm bảo đủ sống cho bản thân người lao động và gia đình, phải được hình thành theo quy luật thị trường và do thị trường quyết định. Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động, phù hợp với mặt bằng tiền lương trên thị trường, khả năng của doanh nghiệp và trình độ phát triển của nền kinh tế. Tiền lương phải được trả đúng theo giá trị sức lao động của người lao động, tùy theo năng suất lao động của từng cá nhân và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Đối với khu vực hành chính nhà nước, tiền lương phải đảm bảo là thu nhập chính của cán bộ, công chức. Đảm bảo tính công bằng trong phân phối tiền lương của khu vực này phải trên cơ sở lương phải theo năng lực công tác. Đảm bảo công bằng về tiền lương và thu nhập là nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động, nhất là những lao động có mức thu nhập thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
  • Chính sách tiền lương phải dựa vào thực tiễn của đất nước và có tính đến yếu tố hội nhập quốc tế, tiềm lực của nền kinh tế, khả năng chi trả của tổ chức, doanh nghiệp, nâng cao mức sống và chất lượng sống của người lao động. Chính sách phân phối tiền lương phải điều tiết các hình thức phân phối, chú trọng nhất là phân phối theo kết quả và hiệu quả kinh tế, chất lượng công việc.

2.2. Công bằng trong phân phối lại thu nhập

- Cơ quan thuế phải có một mạng lưới quản lý thu thuế rộng, phải đổi mới hình thức thu thuế và quan trọng nhất là phải có sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý, cấp phép kinh doanh để rà soát các đối tượng nộp thuế. Đối với những trường hợp trốn thuế, pháp luật của nhà nước phải xử lý nghiêm minh để giảm thiểu thất thoát nguồn thu của ngân sách và nhằm đảm bảo công bằng cho những người nộp thuế.

- Cơ quan thuế phải thiết lập hệ thống kiểm soát tự động kê khai giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế để giải quyết tình trạng nhiều người cùng khai giảm trừ cho một người phụ thuộc, tránh hiện tượng trốn thuế bằng hình thức này.

- Việc phân phối lại thu nhập phúc lợi xã hội cần khắc phục những hạn chế mắc phải trong thời gian qua, như hiện tượng người giàu được hưởng lợi nhiều hơn người nghèo, thậm chí có những lĩnh vực chỉ có đối tượng người nghèo được hưởng lợi thì đã không ít người giàu cũng được hưởng lợi như những trợ cấp về giáo dục, y tế.

 Để giải quyết được tình trạng này đòi hỏi Nhà nước phải thắt chặt khâu quản lý, rà soát chính xác các đối tượng của chính sách ngay từ các cấp cơ sở. Đồng thời, phải nâng cao ý thức của người dân, xử lý nghiêm với việc giả mạo đối tượng hưởng chính sách.

3. Kết luận

Ngày nay, vấn đề giảm nghèo phải được nhìn nhận theo nghĩa rộng, không chỉ giảm nghèo với ý nghĩa tăng thu nhập mà giảm nghèo bền vững phải được nhìn nhận dưới góc độ cải thiện các nguồn lực đầu vào cho người nghèo như trình độ giáo dục, điều kiện y tế, chăm sóc sức khỏe, các nguồn tín dụng hỗ trợ cho sản xuất và đất đai. Những nguồn lực này sẽ quyết định sự công bằng trong phân phối đầu ra như tiền công tiền lương và giảm bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.

Chính vì vậy, chính sách phân phối vì người nghèo không chỉ là chính sách xóa đói giảm nghèo đơn thuần, mà còn phải nhấn mạnh vào khía cạnh phân phối các nguồn lực nhằm tăng năng lực và cơ hội tiếp cận thị trường cho người nghèo.

Tư liệu trích dẫn:

1 ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.213.

2 Nguồn: Cổng TTĐT Tổng cục Thuế

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.
  2. Bộ luật Lao động, năm 2012.
  3. Hoàng Triều Hoa, Chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 8 (93), 2015.
  4. Nguyễn Thị Hoa, Hoàn thiện các chính sách xóa đói giảm nghèo chủ yếu ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ 2010.
  5. Hafiz A.Pasha, T.Palanivel (2004), Chính sách và tăng trưởng vì người nghèo: kinh nghiệm Châu Á, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), 2004.
  6. TS. Nguyễn Ngọc Sơn (2015), Chính sách giảm nghèo ở nước ta hiện nay: Thực trạng và định hướng hoàn thiện, Tạp chí Kinh tế và Phát triển.
  7. UNDP (2009), Rà soát tổng quan các chương trình dự án giảm nghèo tại Việt Nam.

Vietnam’s income distribution policies to cut poverty

 Senior Lecturer, Ph.D Ha Quang Thanh

Standing Vice Director, National Academy of Politics - Ho Chi Minh City Campus

Abstract:

The pro-poor distribution policy is a holistic approach consisting of perspectives, ideas, solutions and tools and it is implemented by the State to regulate socio-economic relations in order to distribute resources and opportunities fairly and effectively to the poor. The target audience of this policy is the poor, low-income people and people who are at risk in our society. In today's society, there are many different types of the poor, and the three main types of the poor include limited personal capacity-related poverty, poverty due to risks, and limited development opportunity-related poverty.

To reduce these poverty types, the State should use policies to help the poor develop labour skills and good health to join the labour market, reduce difficulties and stabilize the poor’s lives. This paper focuses on analyzing current Vietnam’s income distribution policies, such as wage policies, personal income tax policies, or subsidy policies and proposes solutions to perfect these income distribution policies in the coming time.

Keywords: Policy, income, poverty reduction, Vietnam.