Tiền lương và vai trò của tiền lương trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp

VŨ THỊ GIANG - ĐỖ DOÃN TÚ (Trường Đại học Công đoàn)

TÓM TẮT:

Tiền lương trong khu vực doanh nghiệp đã từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước góp phần tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích vào 4 vấn đề: (1) Tiền lương và vai trò của tiền lương; (2) Tiền lương và mối quan hệ giữa lực lượng lao động với sự phát triển của doanh nghiệp; (3) Chính sách tiền lương góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động và giảm chi phí tiền lương trong giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; (4) Những giải pháp chung cho cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất - kinh doanh.

Từ khóa: Tiền lương, doanh nghiệp, cơ chế thị trường, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh.

I. Tiền lương và vai trò của tiền lương

1. Khái niệm về tiền lương

Qua các thời kỳ khác nhau thì tiền lương cũng được hiểu theo những cách khác nhau. Trước đây trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung tiền lương là một phần của thu nhập quốc dân, được Nhà nước phân phối một cách có kế hoạch cho người lao động theo số lượng và chất lượng lao động. Hay tiền lương chịu sự tác động của quy luật phát triển cân đối, có kế hoạch và chịu sự chi phối trực tiếp của Nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường bản chất của tiền lương đã thay đổi. Nền kinh tế thị trường thừa nhận sự tồn tại khách quan của thị trường sức lao động, tiền lương không chỉ thuộc phạm trù phân phối mà còn là phạm trù trao đổi, phạm trù giá trị. Tiền lương là giá cả hàng hóa sức lao động, được hình thành qua thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động phù hợp với quan hệ cung cầu lao động trên thị trường. Như vậy, từ chỗ coi tiền lương chỉ là yếu tố của phân phối, thì nay đã coi tiền lương là yếu tố của sản xuất. Tức là chi phí tiền lương không chỉ để tái sản xuất sức lao động, mà còn là đầu tư cho người lao động. Tóm lại tiền lương mang bản chất kinh tế - xã hội. Nó biểu hiện quan hệ xã hội giữa những người tham gia quá trình sản xuất và biểu hiện mối quan hệ lợi ích giữa các bên.

2. Vai trò của tiền lương

Về mặt sản xuất và đời sống, tiền lương có 4 vai trò cơ bản sau đây:

Vai trò tái sản suất sức lao động: Sức lao động là yếu tố quan trọng nhất của lực lượng sản xuất để đảm bảo tái sản xuất và sức lao động cũng như lực lượng sản suất xã hội, tiền lương cần thiết phải đủ nuôi sống người lao động và gia đình họ. Đặc biệt là trong điều kiện lương là thu nhập cơ bản.

Để thực hiện chức năng này, trước hết tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động. Thực hiện trả lương theo việc, không trả lương theo người, đảm bảo nguyên tắc phân phối theo lao động. Mức lương tối thiểu là nền tảng của chính sách tiền lương và tiền công, có cơ cấu hợp lí về sinh học, xã hội học… Đồng thời người sử dụng lao động không được trả công thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước qui định.

Vai trò kích thích sản xuất: Chính sách tiền lương đúng đắn là động lực to lớn nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Vì vậy, tổ chức tiền lương và tiền công thúc đẩy và khuyến khích người lao động nâng cao nâng suất, chất lượng và hiệu quả của lao động bảo đảm sự công bằng và xã hội trên cơ sở thực hiện chế độ trả lương. Tiền lương phải đảm bảo: Khuyến khích người lao động có tài năng; Nâng cao trình độ văn hóa và nghiệp vụ cho người lao động; Khắc phục chủ nghĩa bình quân trong phân phối, biến phân phối trở thành một động lực thực sự của sản xuất.

Vai trò thước đo giá trị: Là cơ sở điều chỉnh giá cả cho phù hợp. Mỗi khi giá cả biến động, bao gồm cả giá cả sức lao động hay nói cách khác tiền lương là giá cả sức lao động, là một bộ phận của sản phẩm xã hội mới được sáng tạo nên. Tiền lương phải thay đổi phù hợp với sự dao động của giá cả sức lao động.

Vai trò tích lũy: Bảo đảm tiền lương của người lao động duy trì được cuộc sống hàng ngày và còn có thể dự phòng cho cuộc sống lâu dài khi họ hết khả năng lao động hoặc xảy ra những bất trắc.

II. Tiền lương và mối quan hệ giữa lực lượng lao động với sự phát triển của doanh nghiệp

Tiền lương có vai trò quan trọng đối với người lao động và cả doanh nghiệp. Tiền lương có tác dụng bù đắp lại sức lao động cho người lao động. Đồng thời, tiền lương cũng có tác dụng to lớn trong động viên khuyến khích người lao động yên tâm làm việc. Người lao động chỉ có thể yên tâm dồn hết sức mình cho công việc nếu công việc ấy đem lại cho họ một khoản đủ để trang trải cuộc sống. Thực tế hiện nay tiền lương được coi như một thước đo chủ yếu về trình độ lành nghề và thâm niên nghề nghiệp. Vì thế, người lao động rất tự hào về mức lương cao, muốn được tăng lương, mặc dù tiền lương có thể chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thu nhập của họ.

Đối với doanh nghiệp, tiền lương được coi là một bộ phận của chi phí sản xuất. Vì vậy, chi cho tiền lương là chi cho đầu tư phát triển. Hay tiền lương là một đòn bẩy quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác tổ chức tiền lương trong doanh nghiệp công bằng và hợp lý sẽ góp phần duy trì, củng cố và phát triển lực lượng lao động của mình.

Các doanh nghiệp thường có những quan điểm, những mục tiêu khác nhau trong hệ thống thù lao, nhưng nhìn chung, mục tiêu của hệ thống thù lao nhằm vào 2 vấn đề chính đó là: Hệ thống thù lao để thu hút và gìn giữ người lao động giỏi; Hệ thống thù lao tạo động lực cho người lao động. Để đạt được 2 mục tiêu cơ bản này, doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống thù lao hợp lý. Đó là sự kết hợp các yêu cầu đối với một hệ thống thù lao và sự tuân thủ các nguyên tắc trả lương.

Tăng tiền lương và tăng năng suất lao động có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng tiền lương và ngược lại tăng tiền lương là một trong những biện pháp khuyến khích con người hăng say làm việc để tăng năng suất lao động.

Trong các doanh nghiệp thường tăng tiền lương dẫn đến tăng chi phí sản xuất kinh doanh, còn tăng năng suất lao động lại làm giảm chi phí cho từng đơn vị sản phẩm. Một doanh nghiệp thực sự kinh doanh có hiệu quả khi chi phí nói chung cũng như chi phí cho một đơn vị sản phẩm được hạ thấp, tức mức giảm chi phí do tăng NSLĐ phải lớn hơn mức tăng chi phí do tiền lương tăng. Nguyên tắc này là cần thiết phải bảo đảm để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người lao động.

III. Chính sách tiền lương góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động và giảm chi phí tiền lương trong giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp

Các chính sách về tiền thưởng hay tiền lương có ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng năng suất lao động. Tiền lương tối thiểu mà phù hợp sẽ có tác động tốt đến người lao động với ý nghĩa làm một khoản thu nhập chính, từ đó bảo đảm năng suất lao động ổn định và tăng lên.

Chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, có liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người lao động. Thực hiện chính sách tiền lương đúng không chỉ trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội mà còn thực hiện tốt hơn công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, phát triển thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chính vì vậy, thực hiện đường lối đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương, hoàn thiện cơ chế quy định mức lương tối thiểu vùng và chế độ tiền lương của khu vực doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; thực hiện nguyên tắc chỉ điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực, không ban hành mới các chế độ phụ cấp theo nghề, bước đầu triển khai xây dựng danh mục vị trí việc làm để làm cơ sở cho việc trả lương...

Quan điểm chung của cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh là phải coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, là động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường và phát triển bền vững.

Trong nền kinh tế thị trường, đối với khu vực sản xuất, kinh doanh, tiền lương là giá cả của sức lao động, được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động, phù hợp với quan hệ cung - cầu sức lao động trên thị trường và đảm bảo tuân thủ quy định về tiền lương của pháp luật. Đối với người sử dụng lao động (doanh nghiệp), tiền lương là một bộ phận cấu thành chi phí sản xuất kinh doanh. Vì vậy, tiền lương được tính toán và quản lý chặt chẽ. Đối với người lao động, tiền lương là bộ phận thu nhập từ quá trình lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống, khả năng tái sản xuất sức lao động của họ. Phấn đấu nâng cao tiền lương trên cơ sở nâng cao năng suất lao động là mục đích của cả doanh nghiệp và người lao động. Mục đích này tạo động lực để phát triển doanh nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật và khả năng lao động của người lao động, góp phần phát triển kinh tế, xã hội quốc gia. Đây cũng chính là điểm hội tụ của những lợi ích (trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài) của người lao động, doanh nghiệp và nhà nước.

Quá trình hình thành và phát triển các quan điểm về tiền lương, phân phối tiền lương nói chung và trong khu vực sản xuất kinh doanh gắn liền với sự hình thành và phát triển quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh được ban hành và ngày càng hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cụ thể là:

(1) Nhà nước quy định mức lương tối thiểu để bảo vệ lao động yếu thế trong thị trường lao động, chống bần cùng hóa lao động;

(2) Người sử dụng lao động (doanh nghiệp) có quyền xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định và quyết định hình thức trả lương, chế độ trả lương, sau khi thỏa thuận với người lao động đảm bảo tuân thủ các quy định tiêu chuẩn về tiền lương theo pháp luật lao động;

(3) Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận tiền lương gắn với công việc và điều kiện làm việc; tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc đã thỏa thuận, bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

(4) Nhà nước - với vai trò quản lý vốn sở hữu nhà nước có chính sách tiền lương riêng đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần nhà nước chiếm cổ phần chi phối.

Như vậy, chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp đã từng bước được đổi mới theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong bối cảnh thương lượng về tiền lương còn hạn chế, Nhà nước quy định hệ thống tiền lương tối thiểu, quy định nguyên tắc chung để doanh nghiệp xây dựng và ban hành thang, bảng lương, định mức lao động và tạo hành lang pháp lý để tổ chức đại diện của người lao động tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và giám sát thực hiện chính sách tiền lương trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định người sử dụng lao động được quyền tự chủ trong việc phân phối, trả lương đúng với số lượng, chất lượng lao động của người lao động đóng góp vào doanh nghiệp; người sử dụng lao động phải đảm bảo trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động, người sử dụng lao động, tránh bất bình đẳng trong phân phối tiền lương.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, Nhà nước quy định các tiêu chí, điều kiện và giao cho doanh nghiệp xác định, quyết định tiền lương trả cho người lao động gắn với năng suất lao động, lợi nhuận theo nguyên tắc năng suất lao động, lợi nhuận tăng thì tiền lương tăng, năng suất lao động, lợi nhuận giảm thì tiền lương giảm; tách riêng tiền lương của viên chức quản lý với người lao động và gắn chặt hơn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh và trách nhiệm quản lý, điều hành; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sắp xếp tổ chức lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống người lao động.

Tuy nhiên, chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp chưa thực sự đạt được như mong muốn khi độ bao phủ của mức lương tối thiểu còn thấp, thực hiện chức năng bảo vệ người lao động còn hạn chế; Việc xác định mức lương tối thiểu vùng thông qua Hội đồng Tiền lương quốc gia là bước tiến bộ trong chính sách, tuy nhiên chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu thành phần, quy chế hoạt động của Hội đồng còn bất cập; doanh nghiệp chưa thực sự được tự chủ, quyết định chính sách tiền lương; cơ chế thương lượng về tiền lương giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc với tổ chức đại diện người lao động chưa được phát huy, tranh chấp lao động về tiền lương còn phổ biến; tiền lương chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối trong kinh tế thị trường, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chưa tách bạch được vai trò quản lý nhà nước với vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước trong vấn đề tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước, tiền lương chưa thực sự gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh vốn nhà nước.

Những hạn chế trên một phần xuất phát từ nguyên nhân khách quan: về cơ bản, nước ta vẫn là một nước nghèo, quy mô của nền kinh tế còn nhỏ bé, doanh nghiệp phần lớn là quy mô vừa và nhỏ, năng suất thấp phải thực hiện chính sách tiền lương thấp trong một thời kỳ dài để thu hút đầu tư cũng như duy trì, phát triển các doanh nghiệp trong nước. Nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, hội nhập kinh tế quốc tế, cho nên cơ chế, chính sách nói chung và chính sách tiền lương nói riêng cũng trong quá trình đổi mới, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn…

Việt Nam đang có những cơ hội tốt để duy trì ở mức tăng trưởng hợp lý trong ngắn hạn và tăng trưởng ở mức cao hơn trong dài hạn nhờ vào vị thế địa kinh tế và địa chính trị của mình. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại toàn cầu sẽ mang lại những tác động tích cực về thương mại, đầu tư, qua đó có tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức và từ khu vực việc làm có thu nhập thấp sang việc làm có thu nhập cao hơn trong khu vực chính thức. Tuy nhiên, những yếu kém của nền kinh tế còn nhiều, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động còn hạn chế...; trong khi đó trên thế giới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cơ cấu ngành nghề, phương thức, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động; người máy và những tiến bộ công nghệ cũng có thể làm trầm trọng hơn các vấn đề về bất bình đẳng xã hội, trong đó có bất bình đẳng về tiền lương, thu nhập; khoảng cách giữa năng suất lao động và tiền lương cũng sẽ trở lên lớn hơn. Bên cạnh một số quốc gia xu hướng quay về với bảo hộ trong nước là toàn cầu hóa vẫn có xu thế gia tăng. Để khai thác tối đa những lợi thế của quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam cần phải có đầu tư dài hạn nhằm nâng cao tay nghề kỹ thuật cho các thế hệ tiếp theo mà đi kèm với nó là chính sách tiền lương, thu nhập hợp lý.

IV. Những giải pháp chung cho cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh

Với mục tiêu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ chính sách tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhằm từng bước cải thiện đời sống của người lao động; thực hiện công bằng trong phân phối tiền lương và thu nhập trong các loại hình doanh nghiệp; phát huy tối đa động lực của tiền lương cho phát triển doanh nghiệp bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới, các nội dung cần tiếp tục hoàn thiện đó là:

1. Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu; quy định mức lương tối thiểu theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt cho thị trường lao động; định kỳ xem xét, công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở mức sống tối thiểu của người lao động, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động, khả năng của nền kinh tế; rà soát, phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu phù hợp với sự phát kinh tế xã hội và thị trường lao động của từng vùng.

2. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ, quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương và tiền thưởng gắn với năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường. Thực hiện giao khoán chi phí tiền lương (bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương) gắn với chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp; từng bước tiến tới thực hiện giao khoán chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh gắn với kết quả và hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp…

Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước: Nhà nước quy định nguyên tắc xác định quỹ lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: để người đại diện phần vốn nhà nước tham gia biểu quyết, quyết định trong Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên.

Đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường theo nhiệm vụ được Nhà nước giao thì tính toán, xác định để loại trừ làm cơ sở xác định tiền lương, tiền thưởng của người lao động và người quản lý doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp dịch vụ công ích, Nhà nước tính đủ chi phí tiền lương phù hợp với mặt bằng thị trường vào chi phí, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích.

4. Nhà nước điều tiết tiền lương, thu nhập thông qua các công cụ quản lý của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động, người lao động và Nhà nước, hướng tới công bằng xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính sách tiền lương ở Việt Nam - Những chặng đường cải cách, Tạp chí Tổ chức Nhà nước http://tcnn.vn/news/detail/42155/Chinh-sach-tien-luong-o-Viet-Nam-nhung-chang-duong-cai-cach.html
  2. Vương Đình Huệ. Cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/cai-cach-chinh-sach-tien-luong-de-nang-cao-doi-song-cho-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-luc-luong-vu-trang-va-nguoi-lao-dong-trong-doanh-nghiep-449697.html
  3. Chương trình hành động của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương. https://dantri.com.vn/viec-lam/chuong-trinh-hanh-dong-cua-chinh-phu-ve-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-2018082023021552.htm
  4. Doanh nghiệp được quyết định thang, bảng lương và định mức lao động. https://dantri.com.vn/viec-lam/doanh-nghiep-duoc-quyet-dinh-thang-bang-luong-va-dinh-muc-lao-dong-2018052313592255.htm

SALARY AND THE ROLE OF SALARY IN THE IMPROVEMENT OF THE ENTERPRISE’S BUSINESS PERFORMANCE

VU THI GIANG - DO DOAN TU

Vietnam Trade Union University

ABSTRACT:

The salary policy of enterprises has been gradually improved in the context of the market mechanism with the State management, contributing to increasing the labor productivity and the business performance of enterprises. This article is to analyze four issues namely (1) Salary and the role of salary; (2) Salary in the relationship between the work force and the development of the enterprise; (3) Salary policy contributes to improving the productivity, increasing the income of employees and reducing the wage cost in the product price, improving the business performance of enterprises; and (4) General solutions for reforming the salary policy in production and business areas.

Keywords: Salary, enterprise, market mechanism, labor productivity, business efficiency.