Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền tác giả theo quy định của Hiệp ước WCT và pháp luật Việt Nam

THS. CAO THỊ LÊ THƯƠNG (Viện Nhà nước và Pháp luật  - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

Trong môi trường kỹ thuật số, người dùng internet có thể dễ dàng tiếp cận tác phẩm, sao chép tác phẩm và tạo ra nhiều bản sao để phân phối cho người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các chủ thể quyền tác giả. Để bảo vệ tác phẩm của mình, các chủ thể quyền tác giả đã sử dùng “biện pháp công nghệ bảo vệ - technological protection measures” (TPM). Phần đầu bài nghiên cứu này làm sáng tỏ bản chất và nhu cầu bảo hộ pháp lý đối với biện pháp công nghệ bảo vệ quyền tác giả. Tiếp theo đó là nội dung nghiên cứu tìm hiểu những quy định cơ bản về TPM tại Hiệp ước về quyền tác giả của WIPO và liên hệ với các quy định của Việt Nam.

Từ khóa: quyền tác giả, môi trường kỹ thuật số, biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, Luật Sở hữu trí tuệ, Hiệp ước WCT.

1. TPM là gì?

Dưới góc độ khoa học công nghệ, các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền tác giả là phần mềm, linh kiện và các thiết bị khác mà chủ sở hữu bản quyền sử dụng để bảo vệ tác phẩm, TPM có 2 loại chính là công nghệ kiểm soát quyền truy cập tác phẩm và công nghệ kiểm soát việc sử dụng tác phẩm (ii)[1].

(i) Kiểm soát quyền truy cập là kiểm soát cách thức mà người dùng có thể xem, đọc, nghe hoặc tiếp cận khác về nội dung tác phẩm[2]. Một số ví dụ về TPM kiểm soát quyền truy cập tác phẩm, như: mật khẩu, bức tường phí, giới hạn thời gian (ví dụ: thuê phim 48 giờ), giới hạn về số lượng người dùng đồng thời (ví dụ: sách điện tử trong thư viện), tính không tương thích có chọn lọc (ví dụ: đĩa CD sẽ đọc trong đầu đĩa CD, nhưng không đọc trong ổ đĩa CD máy tính),…

(ii) Kiểm soát quyền sử dụng cho phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả giới hạn hành vi của người dùng internet ngay cả khi họ đã truy cập được vào tác phẩm. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể giới hạn một tác phẩm có thể được xem, sao chép, truyền đạt, phát hoặc các hình thức sử dụng khác ở mức độ nhất định[3]. Một số ví dụ về TPM kiểm soát quyền sao chép tác phẩm, như: tác phẩm chỉ đọc (sách điện tử), chặn tải xuống (nội dung phát trực tuyến), chặn sao chép (nhạc kỹ thuật số và phim), chặn in, ghi nhãn và hình mờ lên tác phẩm,…

Hiện nay, nhiều TPM không chỉ dừng lại ở phân loại nói trên mà có những TPM có cả chức năng kiểm soát quyền truy cập và kiểm soát quyền sao chép[4].

2. Nhu cầu bảo hộ pháp lý đối với TPM?

Hiểu rằng những gì một công nghệ có thể làm, một công nghệ khác có thể phá vỡ nó[5] nên TPM cũng dễ dàng có thể bị phá vỡ khi người dùng internet dùng một hay nhiều các thiết bị, cách thức khác nhau làm vô hiệu hóa nó. Internet là sự kết nối với nhau trên toàn thế giới nên TPM có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào, điều này sẽ dẫn đến việc sử dụng, lưu hành trái phép các tác phẩm được bảo hộ.

Mặt khác, nếu chỉ những người sẵn sàng trả cái “giá” mà chủ sở hữu quyền tác giả đặt ra mới có cơ hội tiếp cận tác phẩm sẽ ảnh hưởng đến lợi ích công cộng. Đối với công chúng, ngoài các quyền cơ bản, như: quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, tự do ngôn luận,… họ còn có một quyền hết sức quan trọng và chính đáng là quyền được tiếp cận, kế thừa tri thức của nhân loại. Trong trường hợp này lợi ích của tác giả và công chúng là mâu thuẫn nhau[6]. Chủ thể quyền tác giả có thể sử dụng TPM để hạn chế tất cả người dùng, trong đó có những trường hợp ngoại lệ.

Có thể thấy, sử dụng TPM để bảo vệ tác phẩm trong môi trường số là một nhu cầu tất yếu, song chính các biện pháp này lại có nguy cơ bị vi phạm. Nhu cầu trước mắt là phải công nhận quyền bảo vệ tác phẩm bằng TPM của chủ thể quyền tác giả. Sau đó, quy định việc bảo hộ pháp lý đầy đủ đối với các TPM, như: khái niệm TPM, các trường hợp TPM được bảo hộ hợp pháp; các hành vi vi phạm với TPM, ngoại lệ trong việc vô hiệu hóa TPM.

3. TPM trong Hiệp ước về Quyền tác giả của WIPO-WCT

Nhận thấy tầm quan trọng của việc ban hành quy định về các TPM và việc cần thống nhất đối với các biện pháp này ở cấp độ quốc tế, tháng 12/1996, trong cuộc họp của 150 quốc gia tại Geneva về việc đưa ra những cải cách về luật bản quyền trong môi trường kỹ thuật số đã thống nhất đưa TPM vào nội dung thỏa thuận. Sau đó, một quy định mang tính quốc tế về các TPM đã được áp dụng trong Hiệp ước WIPO về Quyền tác giả (WIPO Copyright Treaty -WCT) tại Điều 11 như sau:

Các Bên ký kết phải quy định sự bảo hộ pháp lý tương xứng và các biện pháp thực thi pháp lý hiệu quả đối với việc vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ được tác giả sử dụng trong việc thực thi các quyền của mình theo Hiệp ước này hoặc Công ước Berne và ngăn chặn các hành vi mà không được tác giả cho phép hoặc không được phép theo luật đối với tác phẩm”.

Theo Điều 11 WCT có thể thấy một số điểm sau về các TPM:

Thứ nhất, khái niệm. Hiệp ước WCT không đưa ra định nghĩa cụ thể mà cho phép các quốc gia thành viên có quyền tự quy định, miễn là luật quốc gia sẽ cung cấp sự bảo hộ thích hợp và đầy đủ đối với các TPM. Việc không định nghĩa TPM như vậy phù hợp với đặc thù trong môi trường internet, vì công nghệ luôn thay đổi nên không mô tả rõ ràng đối với thuật ngữ “biện pháp công nghệ” để đảm bảo khả năng thích ứng của Hiệp ước với những thay đổi của công nghệ trong tương lai. 

Thứ hai, điều kiện các TPM sẽ được pháp luật bảo vệ. Điều 11 WCT đã quy định định 3 yếu tố cần và đủ để 1 TPM được pháp luật bảo hộ như sau: 

Yếu tố đầu tiên được phân tích trong Điều 11 này đó chính là TPM phải hiệu quả nhưng ý nghĩa của từ “hiệu quả” không được rõ ràng. Có nghiên cứu cho rằng, từ "hiệu quả" đã được chèn để đảm bảo rằng nếu các TPM có thể quá dễ dàng bị phá vỡ thì không được pháp luật bảo vệ[7]. Một nghiên cứu khác lại lý giải rằng, một TPM bị phá vỡ vào thời điểm không hoạt động hoặc hoạt động không đúng cách (như bị lỗi phần mềm) thì không nhận được sự bảo hộ của pháp luật[8]. Có thể nhận thấy các nghiên cứu trên không chỉ ra chính xác cách hiểu từ “hiệu quả”, nhưng nhìn chung không phải bất cứ TPM nào cũng được pháp luật bảo vệ.

Yếu tố tiếp theo, TPM được pháp luật bảo vệ nếu nó được các tác giả sử dụng liên quan đến thực hiện các quyền của họ theo Hiệp ước WCT hoặc Công ước Berne. Điều này có nghĩa là sự bảo vệ pháp lý đối với các TPM chỉ có thể được cấp cho các biện pháp công nghệ được chủ thể quyền tác giả sử dụng trong khi thực hiện các quyền của mình đối với các tác phẩm, hơn nữa các quyền này phải là các quyền được quy định trong Hiệp ươc WCT hoặc Công ước Berne. Quy định như vậy để loại trừ việc bảo vệ pháp lý đối với các TPM không được sử dụng bởi tác giả, các chủ thể có quyền khác hoặc TPMs áp dụng trên các tác phẩm không được bảo hộ theo quy định. Ví dụ: tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ thì các TPM hiệu quả được chủ thể có quyền khác sử dụng sẽ không được bảo hộ pháp lý theo Điều 11, Hiệp ước WCT.

Cuối cùng, các TMP được áp dụng nhằm “ngăn chặn các hành vi mà không được tác giả cho phép hoặc không được phép theo luật đối với tác phẩm”. Có thể hiểu đơn giản là chỉ có những hành vi phá vỡ các TPM không được tác giả cho phép hoặc nhằm mục đích xâm phạm quyền tác giả theo luật quốc gia mới bị coi là vi phạm. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả này được quy định trong luật đối với tác phẩm của mỗi quốc gia là khác nhau, ví dụ ở Việt Nam là Luật Sở hữu trí tuệ, ở Hoa kỳ là Luật Quyền tác giả năm 1976 và Luật Quyền tác giả trong kỷ nguyên kỹ thuật số năm 1998. Mục đích của yêu cầu thứ ba này là đảm bảo rằng có sự tương đồng giữa phạm vi bảo vệ quyền tác giả của các biện pháp công TPM và Luật về quyền tác giả của các nước thành viên. Vì vậy, ngay cả khi TPM có đủ các điều kiện (1) và (2), nó cũng sẽ không được bảo vệ nếu các nước thành viên không quy định về các hành vi không được phép này.

Thứ ba, các vấn đề không được giải quyết trong Điều 11 WCT

Hiệp ước WCT không yêu cầu cụ thể việc tích hợp quy định về TPM trong luật về bản quyền mà chỉ yêu cầu có “bảo hộ pháp lý tương xứng”. Do đó, các quốc gia thành viên được tự do bảo vệ TPM trong trong bất kỳ loại pháp luật nào như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng, Luật Cạnh tranh không lành mạnh,… Một số quốc gia đã quy định ở các luật khác nhau như Nhật Bản đã phân chia phạm vi của các biện pháp công nghệ giữa Luật Bản quyền[9] và Luật Cạnh tranh không lành mạnh[10].

Điều 11 Hiệp ước WCT không quy định hành vi nào bị cấm đối với TPM và chủ thể nào phải chịu trách nhiệm trước hành vi đó. Các hành vi bị cấm có thể là các hành vi gian lận nhằm vô hiệu hóa các TPM hoặc các hành vi giúp sức cho mục đich phá vỡ TPM. Tương ứng với các hình vi đó có 3 cách tiếp cận sau về chủ thể chịu trách nhiệm: người có hành vi gian lận phải chịu trách nhiệm, các doanh nghiệp kinh doanh các phương tiện phá vỡ TPM phải chịu trách nhiệm và cả người thực hiện cùng doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm[11].

4. Quy định về TPM ở Việt Nam

Pháp luật Việt Nam hiện hành đã ghi nhận cho chủ thể có quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bao gồm quyền tác giả áp dụng các biện pháp công nghệ tại Điểm a, Khoản 1, Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009: “áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Ngay tại quy định này mục đích của việc sử dụng TPM đã được quy định là nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả. Pháp luật Việt Nam đã đi theo hướng quy định các TPM là để bảo vệ quyền SHTT, điều này khác với cách tiếp cận của WCT và của một số quốc gia khác quy định các TPM dùng để bảo vệ tác phẩm có bản quyền. Điều này là do Việt Nam không tách dời quy định quyền tác giả thành một Luật riêng mà quy định chung trong Luật SHTT và đây là điều luật chung về quyền tự bảo vệ của chủ thể có quyền SHTT, nên quy định như vậy là hợp lý.

- Về khái niệm

Luật SHTT hiện hành không đưa ra khái niệm TPM, cũng không quy định các điều kiện khác để nó được bảo hộ mà quy định về biện pháp công nghệ bảo vệ quyền được hướng dẫn trong một số một số văn bản dưới luật. Tại các vản bản này, TPM đã được giải thích rõ hơn nhưng lại chỉ quy định mang tính liệt kê các chức năng của biện pháp công nghệ (Xem Khoản 2, Điều 21, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP) hoặc xem xét dưới góc độ đưa ra các thông tin quản lý quyền (xem Khoản 1, Điều 43, Nghị định số 100/2006/NĐ-CP). Việc quy định như vậy chưa bao quát hết được bản chất của TPM và không phù hợp với khả năng phát triển khoa học của công nghệ.

Hiện nay, trong quá trình xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, khái niệm về TPM đã được quy định tại Điều 4 Giải thích từ ngữ như sau: "Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền là biện pháp sử dụng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào trong quá trình hoạt động bình thường có chức năng chính nhằm bảo vệ quyền tác giả… khỏi các hành vi được thực hiện mà không được cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả... Biện pháp công nghệ được coi là "hữu hiệu" khi các chủ thể quyền kiểm soát việc sử dụng tác phẩm… được mã hóa thông qua các ứng dụng kiểm soát truy cập, quy trình bảo vệ hoặc kiểm soát sao chép”.

Các nhà làm luật đang quy định TPM theo hướng kỹ thuật và mục đích sử dụng, quy định như vậy khá phù hợp với tinh thần của Hiệp ước WCT và tính thích nghi khi các công nghệ về biện pháp bảo vệ này thay đổi. Tuy nhiên, mục đích của TPM theo dự thảo này là nhằm bảo vệ quyền tác giả khỏi các hành vi được thực hiện mà không được cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chứ không phải hành vi mà pháp luật cấm. Vì vậy, các hành vi mà tác giả đưa ra có thể bao gồm cả những hành vi pháp luật cấm và không cấm trong trường hợp ngoại lệ. Theo tác giả, cần phải quy định thống nhất về mục đích sử dụng các TPM theo hướng “bảo vệ khỏi các hành vi không được chủ sở hữu quyền tác giả hoặc pháp luật SHTT cho phép”.

Ngoài ra, thông qua quy định này các nhà làm luật cũng quy định một số điều kiện để một TPM được bảo vệ. Đầu tiên, người sử dụng TPM là các “chủ thể quyền”, có thể là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề quy định Biện pháp công nghệ được coi là "hữu hiệu" gần giống như quy định về các biện pháp công nghệ hiệu quả của Điều 11 WCT sẽ có thể gây nhiều tranh cãi trong quá trình áp dụng. Hơn nữa, điều này cũng không quy định các “TPM hữu hiệu” thì sẽ được bảo vệ như thế nào mà chỉ quy định theo hướng TPM hữu hiệu là như thế nào. Tại dự thảo Lần 2 phục vụ phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội lần thứ 3, Quốc hội khóa XV, tháng 09/2021 thì không quy định về việc “hữu hiệu” như trên và chia thành biện pháp kiểm soát tiếp cận hoặc sao chép tác phẩm[12]. Theo đó, tác giả nghiêng về dự thảo lần 2 nhiều hơn, vì quy định như vậy khá rõ ràng.  

- Về các hành vi xâm phạm đối với TPM

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành đã có quy định về các hành vi bị cấm đối với TPM tại Điều 28 về các hành vi xâm phạm quyền tác giả, qua đó có thể phân loại các hành vi này thành 2 nhóm, đó là: (i) Hành vi cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình và (ii) Hành vi giúp sức cho người trực tiếp vô hiệu hóa TPM (gồm: hành vi sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật).

Nhận thấy, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành đã không nhất quán trong cách thức sử dụng thuật ngữ. Trong khi Điều 198 sử dụng thuật ngữ “biện pháp công nghệ” để ghi nhận về quyền tự bảo vệ của chủ sở hữu quyền tác giả, thì tại Điều 28 lại sử dụng thuật ngữ “biện pháp kỹ thuật”. Khi ban hành Luật ở hữu trí tuệ sửa đổi tới đây cần quy định thống nhất thành “biện pháp công nghệ”.

Khi quy định về các hành vi (1) như trên có thể hiểu chỉ cần phá vỡ biện pháp công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả sử dụng đã là vi phạm pháp luật mà không xem xét đến các trường hợp ngoại lệ đối với việc vô hiệu các TPM . Đây là thiếu sót rất quan trọng vì chưa điều hòa được lợi ích giữa các chủ thể có quyền tác giả và lợi ích công cộng. Luật SHTT sửa đổi bổ sung lần này nên sửa đổi theo hướng: “Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu mà không được phép đối với các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền do các chủ thể quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm được bảo hộ theo quy định của Luật này, trừ trường hợp hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền đó để thực hiện các ngoại lệ theo quy định của Luật này  ”.

Về hành vi (ii), bên cạnh việc liệt kê các hành vi được cho là giúp sức cho người trực tiếp vô hiệu hóa TPM thì pháp luật hiện hành còn đặt ra vấn đề về nhận thức chủ quan của chủ thể thực hiện hành vi đó. Nói cách khác, quy định này không hoàn toàn hướng đến chức năng chính yếu của bản thân thiết bị, dịch vụ mà còn hướng đến ý chí chủ quan của người cung cấp thiết bị, dịch vụ. Trong khi đó, ý chí của người cung cấp thiết bị, dịch vụ được xác định thông qua yêu cầu về việc “biết hoặc có cơ sở để biết” là mơ hồ và không rõ ràng[13]. Mặt khác, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chỉ cấm các hành vi sản xuất, buôn bán nói chung đối với các thiết bị được sử dụng cho mục đích vô hiệu hóa biện pháp công nghệ, mà không cấm các hành vi trung gian nhằm thúc đẩy tiêu thụ thiết bị đó, như: tàng trữ nhằm mục đích thương mại, xúc tiến hương mại (tiếp thị, quảng cáo, hội chợ,…) đối với các thiết bị đó.

Ngoài ra, việc định nghĩa lại TPM cũng làm thay đổi nội dung của quy định này khi thiết bị không còn là đối tượng duy nhất bị cấm mà còn có các sản phẩm linh kiện hoặc dịch vụ. Vì vậy, khi thiết kế lại quy định này cần bổ sung các công nghệ khác có thể vô hiệu hóa TPM.

5. Kết luận

Pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có một số quy định cơ bản về TPM, nhưng vẫn còn một số bất cập, hạn chế nhất định. Việt Nam đang hoàn thiện những bất cập đó bằng việc ban hành một số quy định nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Qua nghiên cứu một số bản dự thảo, tác giả thấy rằng, các nhà làm Luật đã đưa ra được khái niệm cơ bản về TPM, mục đích sử dụng và phân loại, đáp ứng được một số điều kiện cơ bản để một TPM được bảo vệ theo tinh thần của Điều 11 Hiệp ước WCT. Mặt khác, những điều mà WCT không đề cập đến nhưng là cần thiết như những hành vi bị cấm và các trường hợp ngoại lệ cũng đã được đề cập trong các điều luật khác nhau, tuy nhiên vẫn cần có những sửa đổi các quy định này hoàn thiện hơn khi ban hành./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Ủy ban thường trực về các vấn đề pháp lý và hiến pháp, Hạ viện Úc (2006), “Review of technological protection measures exceptions”, Tháng 2/2006, Chương 2, trang 8.

[2] June M Besek (2003-2004), “Anti-Circumvention Laws and Copyright: A Report from the Kernochan Center for Law, Media and the Art”, Columbia Journal of Law & the Arts, 27, tr.385- 415 , xem tại Mục 1. Access controls, trang 450.

[3] Xem chú thích 2 tại Mục 2. Use controls, trang 450.

[4] De Werra, Jacques (2002), The legal system of technological protection measures under the WIPO treaties, the DMCA, the European Union Directives and other National Laws (Japan, Australia), Đại hội ALAI từ ngày 13-17 tháng 6 năm 2001, New York, Hoa Kỳ, tr. 179-279.

[5] Pamela Samuelson (1996-1997), The U.S. Digital Agenda at WIPO, Virginia Journal of International Law, số 37:369, trang 410.

[6] Lê Thị Nam Giang (2009), Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội trong bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, Tạp chí Khoa học Pháp lý, Số 6, tr.42-50.

[7] Xem chú thích 4

[8] Jane C. Ginsburg (2005), Legal Protection of Technological Measures Protecting Works of Authorship: International Obligations and the Us Experience, The Columbia Journal of Law & the Arts, Số 29, Trang 5-93.

[9] Điều 120bis  Luật số 48 của Nhật Bản, ban hành ngày 6/5/1970, đã được sửa đổi đến ngày 12/6/1988.

Xem tại <https://wipolex-res.wipo.int/edocs/lexdocs/laws/en/jp/jp046en.html> truy cập ngày 20/5/2021.

[10] điều khoản. 2 (x) - (xi) Luật số 47 của Nhật Bản ngày 19/5/1993, sửa đổi lần cuối vào ngày 23/4/ 1999) - Xem tại <https://wipolex.wipo.int/fr/text/128371>.

[11] Xem chú thích 4.

[12] Xem tại  <https://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=7371>.

[13] Võ Trung Hậu (2021), “Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet”, Luận án tiến sỹ luật học, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, trang 135.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. De Werra, Jacques. (2002). The legal system of technological protection measures under the WIPO treaties, the DMCA, the European Union Directives and other National Laws (Japan, Australia), Đại hội ALAI từ ngày 13-17 tháng 6/2001, New York, Hoa Kỳ, tr. 179-279.
  2. Jane C. Ginsburg. (2005). Legal Protection of Technological Measures Protecting Works of Authorship: International Obligations and the Us Experience. The Columbia Journal of Law & the Arts, Số 29, Trang 05-93.
  3. June M Besek. (2003-2004). Anti-Circumvention Laws and Copyright: A Report from the Kernochan Center for Law, Media and the Art. Columbia Journal of Law & the Arts, 27, tr.385- 415.
  4. Lê Thị Nam Giang (2009), Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội trong bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, Tạp chí Khoa học Pháp lý, Số 6, tr.42-50
  5. Luật số 47 về bản quyền, Luật số 48 về cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản.
  6. Pamela Samuelson. (1996-1997). The U.S. Digital Agenda at WIPO. Virginia Journal of International Law, số 37:369.
  7. Ủy ban thường trực về các vấn đề pháp lý và hiến pháp, Hạ viện Úc. (2006). Review of technological protection measures exceptions, Tháng 2/2006, Chương 2.
  8. Võ Trung Hậu (2021), “Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet”, Luận án tiến sỹ luật học, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.
  9. Quốc hội (2021), Dự thảo luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

 Technological protection measures in the World Intellectual Property Organization Copyright Treaty and in regulations of Vietnam

Master. Cao Thi Le Thuong

Institute of State and Law

Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

In the digital environment, internet users can easily access, copy and create copies of works made by others to distribute to other users. These activities seriously affect the rights of copyright holders. To protect their works, copyright holders have used technological protection measures. This study presents the nature and the needs for legal protection for technological measures to protect copyright. The study also analyzes the fundamental provisions of technological protection measures in the World Intellectual Property Organization Copyright Treaty and compares these provisions to current regulations of Vietnam.

Keywords: copyright, digital environment, technological measures to protect rights, the Law on Intellectual Property, the World Intellectual Property Organization Copyright Treaty.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]