Tóm tắt:
Giới hạn quyền tác giả là một khía cạnh thể hiện cho nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích công chúng. Điều này đã được thể hiện rõ trong quy định của Luật. Bài viết này phân tích một số điểm giới hạn quyền tác giả nổi bật trong việc sao chép và trích dẫn tác phẩm theo pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, tác giả cũng so sánh với Luật của một số quốc gia, các Điều ước quốc tế liên quan, từ đó đề xuất góp ý hoàn thiện pháp luật phù hợp.
Từ khóa: Quyền tác giả, giới hạn quyền tác giả, sao chép, trích dẫn tác phẩm.
Ngày nay, việc tiếp cận đến các tác phẩm giá trị không còn là khó khăn với công chúng, những người ham muốn tìm kiếm những thông tin sáng tạo thông qua các loại hình tác phẩm. Điều này cũng thể hiện những quy định pháp luật bên cạnh trao độc quyền cho chủ thể quyền cũng cố gắng dành lại những quyền lợi cơ bản cho công chúng. Những hạn chế quyền tác giả được thể hiện rất rõ về thời gian, về không gian và cả về phạm vi sử dụng các tác phẩm. Tuy nhiên trong các giới hạn đó thì giới hạn về việc sử dụng tác phẩm mà cụ thể là việc sao chép và trích dẫn hợp lý tác phẩm là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến độc quyền về quyền tài sản của chủ thể quyền theo Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ (LSHTT) về quyền sao chép1. Chính vì vậy khi áp dụng thực tế, có vẻ như việc ghi nhận còn rất mờ nhạt và công chúng cố tình lợi dụng các giới hạn này để trục lợi. Việc sao chép và trích dẫn hợp lý tác phẩm được ghi nhận trực tiếp tại Điều 25 Luật SHTT, đây là những điểm giới hạn phổ biến nhất, việc công chúng sử dụng trong giới hạn hay ngoài giới hạn này được xem là phù hợp thì còn là vấn đề bàn cãi. Chính vì vậy, cần nghiên cứu và đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn và mong muốn bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của công chúng để đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả và lợi ích của công chúng.
2. Quy định về giới hạn quyền tác giả trong việc sao chép và trích dẫn tác phẩm
2.1. Điều kiện sử dụng giới hạn quyền tác giả trong việc sao chép và trích dẫn tác phẩm
Điểm lưu ý khi thực hiện được giới hạn này đó là việc tác phẩm đã được công bố, đây là điều kiện quan trọng được ghi nhận rất rõ trong quy định pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế cũng như luật của các quốc gia khác. Điều này cũng đã minh chứng cho việc dù giới hạn đặt ra cho độc quyền của chủ sở hữu quyền nhưng ở một góc độ nào đó, pháp luật vẫn đang cố gắng bảo vệ quyền lợi cho người sáng tạo hoặc đầu tư tạo ra tác phẩm. Điều này cũng đang hỗ trợ cho tác giả đem đến tác phẩm thật sự có giá trị cho xã hội, như vậy chỉ khi nào tác phẩm được công bố thì các giới hạn quyền mới được đặt ra. Cụ thể ghi nhận tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao hợp lý để đáp ứng nhu cầu của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm và công bố tác phẩm không bao gồm việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc trước công chúng một tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc. Trong khi đó, Luật Quyền tác giả Thụy Điển ghi nhận tại Điều 8 về tác phẩm được coi là công bố khi các bản sao với sự đồng ý của tác giả được đưa ra bán hoặc phân phối tới công chúng dưới các hình thức. Đối với Luật Bản quyền Hoa Kỳ ghi nhận khá chi tiết về hành vi công bố tác phẩm, khi đó “Công bố” là việc phân phối các bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm tới công chúng thông qua việc bán, cho thuê, cho mượn hoặc các hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu khác. Việc chào hàng phân phối các phiên bản hoặc bản ghi của tác phẩm trước một nhóm người nhằm mục đích phân phối tiếp theo việc trình diễn hoặc trình bày công cộng tác phẩm là đã cấu thành hành vi công bố. Tuy nhiên bản thân việc trình diễn hoặc trình bày trước công chúng không cấu thành hành vi công bố. Trong Luật Quyền tác giả Nhật Bản tại Điều 4 ghi nhận về hành vi công bố tác phẩm cũng tương tự như các văn bản trên tuy nhiên khác với Luật Bản quyền Hoa Kỳ về việc vẫn xem hành vi trình diễn hoặc trình bày trước công chúng, bao gồm cả trường hợp tác phẩm kiến trúc được xây dựng bởi chủ sở hữu quyền tác giả hoặc được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép là hành vi công bố tác phẩm. Dường như việc xác định hành vi nào được xem là công bố tùy thuộc vào quy định mỗi quốc gia, tuy nhiên, so với Việt Nam hiện nay việc thừa nhận tác phẩm đã được công bố chỉ dựa vào số lượng bản sao cung ứng đến công chúng số lượng hợp lý mà không thừa nhận việc trình diễn, trưng bày tác phẩm trước công chúng.
2.2. Giới hạn quyền tác giả trong trường hợp sao chép tác phẩm đã công bố nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lưu trữ trong thư viện
Trong các giới hạn quyền tác giả thì điểm chú ý là việc sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Một góc nhìn rất đơn giản về việc được quyền sao chép chỉ trong một bản duy nhất cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân. Một bản duy nhất này còn được gói gọn trong việc sử dụng theo điểm a, khoản 1 Điều 25 Luật SHTT là không nhằm mục đích thương mại và khoản 1 Điều 22 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP. Trong Luật Quyền tác giả, Thụy Điển ghi nhận việc sao chép trong hoạt động giáo dục cũng được thừa nhận bằng các phương tiện sao chụp cho phép2. Trong khi đó, tại Điều 30 Luật Bản quyền Nhật Bản ghi nhận nếu sử dụng tác phẩm nhằm mục đích cá nhân, sử dụng trong gia đình thì có thể sao chép. Cụ thể hơn Luật Bản quyền Nhật Bản cũng có phần riêng quy định về việc sao chép trong trường học, cơ quan giáo dục tại Điều 35 ghi nhận trong quá trình giảng dạy có thể được sao chép tác phẩm đã công bố theo mức độ cần thiết được công nhận. Việc ghi nhận này đã mở rộng phạm vi giới hạn về quyền sử dụng tác phẩm qua việc cho phép sao chép tác phẩm có thể số lượng nhiều hơn so với ghi nhận của pháp luật Việt Nam.
Tại Điều 107 Luật Bản quyền Hoa Kỳ3 ghi nhận việc hạn chế đối với độc quyền sử dụng hợp lý tác phẩm trong việc bình luận, phê bình, giảng dạy, nghiên cứu, học tập. Đặc biệt theo ghi nhận này việc sử dụng nhằm mục đích giảng dạy còn được sử dụng nhiều bản sao cho lớp học. Các quy định của quốc gia Nhật Bản, Thụy Điển hay Hoa Kỳ đều thừa nhận giới hạn này, tuy nhiên phạm vi giới hạn được lan rộng hơn về số bản sao chép hay đối tượng sao chép, trong đó có cho việc học tập bên cạnh việc nghiên cứu khoa học, điều này khác biệt với Việt Nam khi chỉ thừa nhận về nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Trong quy định của Luật Bản quyền Hoa Kỳ, nếu giảng dạy có thể sử dụng nhiều bản sao cho lớp học, tuy nhiên cần đáp ứng các nhân tố như yếu tố phi lợi nhuận, yếu tố ảnh hưởng đến tiềm năng thị trường hay việc tác phẩm ấy có công bố hay chưa. Như vậy, ghi nhận về phạm vi giới hạn quyền sử dụng tác phẩm trong việc sao chép là mở rộng hơn theo pháp luật Việt Nam.
Một khía cạnh khác, trong hoạt động thư viện hiện nay khá sôi động bởi khối lượng tri thức cung cấp cho người đọc hết sức đồ sộ và phong phú. Tất cả thư viện trên thế giới và Việt Nam cũng đang cố gắng quan tâm mạnh mẽ đến vấn đề bản quyền như việc sao chép lưu trữ trong thư viện, việc số hóa các tài liệu giấy hay tải các nguồn tài liệu trên internet để lưu vào dữ liệu của thư viện. Trong pháp luật Việt Nam ghi nhận việc sao chép là độc quyền của chủ sở hữu chỉ được ghi nhận giới hạn quyền này trong việc sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện tại điểm d khoản 1 Điều 25 Luật SHTT: “Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu”. Cụ thể được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 22 Nghị định của Chính phủ số 22/2018/NĐ-CP quy định:“Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.”Theo đó, trong trường hợp này, thư viện chỉ được phép sao chép không quá một bản và không được phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.
Tại Điều 16 Luật Quyền tác giả Thụy Điển ghi nhận về việc giới hạn quyền sao chép khi các cơ quan lưu trữ và thư viện được làm bản sao tác phẩm lưu trong thư viện nhằm mục đích bảo quản, bổ sung nghiên cứu, các bài báo hoặc các trích đoạn ngắn của tác phẩm hoặc tài liệu nhằm mục đích an toàn không được cung cấp bản gốc, nhằm phân phối cho người sử dụng. Đặc biệt ghi nhận này tương thích với Luật Việt Nam về việc không áp dụng việc sao chép đối với chương trình máy tính tại khoản 3 Điều 25 Luật SHTT. Tuy nhiên, ở một góc độ thoáng hơn không ghi nhận giới hạn số lượng sao chép lưu trữ trong thư viện như pháp luật Việt Nam thừa nhận một bản sao duy nhất. Ngoài ra, tại Luật Hoa Kỳ ghi nhận hạn chế các độc quyền chẳng hạn như tái bản nhằm mục đích lưu trữ và dùng trong thư viện tại Điều 108 Luật Bản quyền Hoa Kỳ. Trong đó, việc ghi nhận cụ thể sẽ không bị coi là hành vi vi phạm quyền tác giả đối với việc tái bản nhiều hơn một bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm cho mục đích lưu trữ và dùng trong thư viện hoặc do bất kỳ một người làm công nào của các cơ quan này thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ của người đó, hoặc đối với việc phân phối các bản sao hoặc bản ghi đó theo các điều kiện quy định. Đặc biệt, việc sao lưu nhằm vào mục đích sưu tập của thư viện và lưu trữ để phục vụ công chúng. Tại Điều 31 của Luật Quyền tác giả Nhật Bản, theo đó, thư viện không vì mục đích kinh doanh thương mại sẽ được sử dụng tư liệu thư viện để sao chép vào các trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như đáp ứng yêu cầu của người sử dụng thư viện với mục đích nghiên cứu khảo sát, cần thiết cho việc bảo tồn tư liệu thư viện đáp ứng yêu cầu của thư viện khác nếu rơi vào trường hợp tư liệu thư viện có thể tuyệt bản mà khó có thể mua được tư liệu đó, thì có thể cung cấp bản sao tư liệu để hỗ trợ. Như vậy, việc sao lưu tại thư viện được thực hiện thông thoáng hơn với mục đích phục vụ và lưu trữ.
2.3. Giới hạn quyền tác giả trong việc sử dụng tác phẩm nhằm mục đích trích dẫn hợp lý tác phẩm
Tiếp nối một giới hạn quyền tác giả trong việc sử dụng tác phẩm hiện nay đó là việc trích dẫn hợp lý tác phẩm nhằm mục đích bình luận, minh họa, viết báo, giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý của tác giả, không nhằm mục đích thương mại4. Tại Điều 23 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP về trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình với điều kiện phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình hoặc phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn và phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn. Trong ghi nhận về Luật Quyền tác giả của Thụy Điển tại Điều 22 thì việc trích dẫn phải phù hợp với thông lệ và phạm vi cần thiết trong mục đích sử dụng thì mọi người có thể trích dẫn từ các tác phẩm đã công bố đến công chúng. Trong khi đó, Luật Bản quyền Hoa Kỳ không chỉ rõ về việc trích dẫn hợp lý, tuy nhiên cũng được thừa nhận việc sử dụng tác phẩm hợp lý theo Điều 107. Đối với Luật Quyền tác giả Nhật Bản ghi nhận tại Điều 32 “có thể trích dẫn để khai thác tác phẩm đã công bố với điều kiện trích dẫn này phải phù hợp với thông lệ chính đáng và phạm vi trích dẫn hợp lý với mục đích truyền thông báo chí, phê bình, nghiên cứu”. Tuy nhiên, các quốc gia trên vẫn không ghi nhận cụ thể việc trích dẫn như thế nào là hợp lý, chỉ giới hạn nhất định trong khuôn khổ không làm sai ý tác giả và đương nhiên cũng ghi cụ thể nguồn gốc tác phẩm. Với Công ước Berne cũng ghi nhận giới hạn quyền tác giả trong việc cho phép sử dụng tác phẩm đã được công bố để trích dẫn hoặc minh họa phục vụ giảng dạy đặc biệt phải ghi rõ nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả theo Điều 10 Công ước Berne năm 1886 quy định một số trường hợp sử dụng tự do tác phẩm.
Thế nhưng, hiện tại hiểu thế nào là trích dẫn hợp lý tác phẩm vẫn còn là một vấn đề tranh cãi, giới hạn giữa trích dẫn hợp lý và chưa hợp lý vẫn còn rất mù mờ trong khái niệm của người sử dụng. Đối với định nghĩa pháp lý cũng không đưa ra như thế nào là trích dẫn hợp lý chỉ là nêu lên được trích dẫn xem là hợp lý khi sử dụng nhằm mục đích làm gì. Có quan điểm cho rằng trích dẫn hợp lý “là sự tái tạo chính xác một đoạn văn bản mà không có sửa chữa gì, phân biệt với đoạn văn bản xung quanh bằng dấu trích dẫn hoặc các yếu tố định dạng, dựa theo một nguồn đáng tin cậy”5. Một số quan điểm khác cho rằng, trích dẫn còn được hiểu là việc sử dụng một phần tác phẩm (không đáng kể) của người khác để nêu bật ý tác giả. Việc trích dẫn phải không đơn thuần vì mục đích kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng bình thường tác phẩm và phải nêu nguồn gốc của tác phẩm. Tuy vậy, trên thực tế, một số học giả trích dẫn toàn bộ nội dung của một tác phẩm nào đó cũng có thể được xem là trích dẫn hợp lý.
3. Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, trong giới hạn quyền tác giả nói chung được ghi nhận tại Điều 25 và Điều 26 của Luật SHTT đều hướng đến điều kiện tiên quyết đó là chỉ áp dụng cho tác phẩm đã công bố. Tuy nhiên vẫn có một số tác phẩm được loại trừ không áp dụng như tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính và tác phẩm điện ảnh. Như vậy quan trọng nhất là việc xác định tác phẩm như thế nào thì ở trạng thái đã được công bố? và ai sẽ là người xem xét và quyết định nó. Giả thuyết đặt ra nếu có tranh chấp phát sinh thì sẽ được kiểm chứng thế nào? Chính vì vậy xem xét thực tế và quy định pháp luật có thể thấy rằng việc xác định theo như quy định hiện nay cũng chưa được rõ ràng và có vẻ nằm trong khuôn khổ khá hẹp về các quyền sẽ trao cho người sử dụng. Theo tác giả, có thể ghi nhận việc công bố tác phẩm thông qua việc thể hiện tác phẩm trước công chúng và người sử dụng có thể tiếp cận một cách công khai và hợp pháp theo ý của tác giả chẳng hạn như việc tác giả phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao hợp lý hoặc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc hoặc đọc trước công chúng một tác phẩm văn học hay phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật và cả việc trưng bày tác phẩm tạo hình, xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc. Về điều này một số quốc gia trên thế giới cũng thừa nhận. Bên cạnh đó, việc ghi nhận mở rộng phạm vi “công bố” sẽ tạo kênh pháp lý và căn cứ rõ ràng để xác định hành vi sử dụng ấy có xâm phạm quyền sao chép hay trích dẫn hay không.
Thứ hai, đối với trường hợp sao chép tác phẩm đã công bố nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lưu trữ thư viện như hiện nay quy định là được một bản thì có vẻ máy móc và hạn hẹp quyền lợi của người sử dụng trong trường hợp này. Có vẻ như nhà làm luật cảm thấy không kiểm soát được việc sử dụng trong môi trường giáo dục này sẽ như thế nào, họ sử dụng ra sao việc sao chép để làm gì… Tuy nhiên, một điều dĩ nhiên là hầu như họ là những thầy cô giáo, học trò, họ cần học tập, cần nghiên cứu và bản thân họ rất cần tiếp cận những sáng tạo mới, những tri thức mới để có thể trang bị kiến thức được tốt hơn. Như vậy, trong môi trường giáo dục thì chỉ cần không vì mục đích thương mại sẽ được sao chép tác phẩm đã công bố theo mức độ cần thiết. Đối với số lượng không nên giới hạn một bản sao trong trường hợp này. Tuy nhiên chúng ta có thể rào cản bằng việc sử dụng không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Điều đáng nói thêm là, việc ghi nhận theo Điều 25, khoản 1, điểm a chỉ giới hạn trong việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vậy thì còn học tập cũng nên được thừa nhận trong trường hợp này, bởi trong môi trường giáo dục, việc học tập là một hoạt động thường xuyên và cần thiết. Thế nên về mặt từ ngữ, điểm a khoản 1 Điều 25 Luật SHTT, sau khi sửa đổi, bổ sung được viết thành: “Tự sao chép một bản nhằm mục đích học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân”. Điều này cũng tương thích với quy định trong Luật Bản quyền của Hoa Kỳ, mà theo đó cũng cho phép giáo viên hoặc học sinh sao chép một phần nhỏ của các tác phẩm để minh họa cho bài học. Bên cạnh đó, đối với việc lưu trữ thư viện thì số lượng bản sao không nên giới hạn là một, chỉ cần nhằm mục đích phục vụ cho công chúng và lưu trữ.
Thứ ba, điểm nhấn được đề cập là vấn đề trích dẫn thế nào để được xem xét là hợp lý và được rơi vào điểm ngoại lệ trong việc độc quyền sử dụng của chủ thể quyền tác giả. Trước hết, quy định trích dẫn trong quy định pháp luật hiện nay là rất chung chung, vì vậy cần cụ thể vấn đề này. Trước hết cần có khái niệm cụ thể về trích dẫn là gì? cần xác định các trường hợp được trích dẫn tác phẩm. Ngoài ra, để được xem là hợp lý thì cần ghi nhận rõ việc trích dẫn thực hiện như thế nào? Chẳng hạn trong việc trích một phần tác phẩm hay hơn, một nửa tác phẩm, hai phần ba tác phẩm… hoặc toàn bộ tác phẩm. Theo quan điểm tác giả nên quy định phạm vi trích dẫn là một phần của tác phẩm, không phải toàn bộ tác phẩm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học đó. Cuối cùng, việc trích dẫn nên thống nhất về cách ghi thông tin tác giả và tác phẩm vì vậy trong văn bản hướng dẫn nên cụ thể vấn đề này.
4. Kết luận
Trong giới hạn quyền tác giả nói chung được ghi nhận theo nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền và lợi ích của công chúng cần được đề cao và quan tâm. Trong đó vấn đề giới hạn này được sử dụng nhiều nhất trong việc trích dẫn và sao chép tác phẩm, bởi sự cần thiết trong các hoạt động giáo dục cũng như nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, việc hoàn thiện quy định pháp luật về các trường hợp này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc vừa bảo vệ tốt quyền tác giả, vừa bảo vệ quyền lợi của công chúng trong nhu cầu cần thiết được tiếp cận các tác phẩm một cách dễ dàng hơn.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Theo Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009.
2 Điều 13, 14 Luật Quyền tác giả văn học, nghệ thuật Thụy Điển.
3 Điều 107,108 Luật Bản quyền tác giả của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
4 Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009).
5 Bùi Kim Trọng, Trích dẫn thế nào là hợp lý, https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2016/11/17/01-3/, truy cập ngày 6/7/2018
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Quyền tác giả văn học, nghệ thuật Thụy Điển.
2. Luật Bản quyền tác giả của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
3. Luật Quyền tác giả Nhật Bản.
4. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009).
5. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hứu trí tuệ năm 2009.
LIMITATION OF COPYRIGHT IN COPYING AND QUOTING OF THE WORK BELOW THE COMPARISON OF COMPARATIVE LAW
LLM. NGUYEN THI NGOC TUYEN
Lecturer of School of Law - Can Tho University
ABSTRACT:
Limitation of Copyright is an aspect that harmonizing the principle of balancing the interests between intellectual property rights holders and the public interest. This is clearly provided in the law. In this article, author analyzes some of the key limitations of copyright in copying and quoting works in accordance with Vietnamese law. In addition, the author compares with the Laws of some countries, the relevant international treaties and proposals to improve the law accordingly.
Keywords: Copyright, limitation of copyright, copying and quoting works.