Bộ Công Thương cảnh báo, Mỹ có thể áp dụng biện pháp với Việt Nam tương tự Trung Quốc

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đang đánh giá và rà soát kế hoạch thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Việt Nam, sau đó trình lên Thủ tướng nhằm tránh việc Mỹ áp dụng các biện pháp tương tự Trung Quốc và một số nước khác.

Trong buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 12/12/2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng cùng ngày, Bộ Công Thương cùng Thủ tướng Chính phủ đã tiếp và làm việc với đoàn công tác từ phía Mỹ bàn về kế hoạch hành động của Việt Nam nhằm tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa hai nước. 

Tại cuộc họp, phía Mỹ mong muốn giảm nhập siêu từ Việt Nam và yêu cầu phải đảm bảo lợi ích của hai bên. "Theo đánh giá của nước bạn, hiện thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là không công bằng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Do đó, Thứ trưởng cho rằng, Bộ Công Thương đã và đang đánh giá, rà soát kế hoạch hành động thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Việt Nam sau đó trình lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Điều này nhằm tránh việc Mỹ áp dụng các biện pháp tương tự với Trung Quốc và một số nước khác. 

"Chúng ta cần cẩn thận, tránh việc Mỹ coi Việt Nam là nơi trung chuyển hàng hóa của các nước. Đây hoàn toàn không phải là chủ trương của Chính phủ", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Trong Báo cáo Tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại 11 tháng năm 2019, Bộ Công Thương cho biết lũy kế 11 tháng đầu năm nay Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỉ USD, tăng gần 28% so với cùng kì năm ngoái. EU đứng thứ hai với kim ngạch đạt 38 tỉ USD, giảm 2,3%. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng giảm nhẹ 0,6% xuống 37,4 tỉ USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 13 tỉ USD hàng hóa từ Mỹ tăng 11,3% so với cùng kì năm ngoái. Như vậy, Việt Nam xuất siêu 42,6 tỉ USD sang thị trường Mỹ. Mỹ không phải là thị trường nhập khẩu lớn nhất mà là Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam nhập khẩu 68,7 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc, tăng 15,2% so với cùng kì năm 2018.

11 tháng năm 2019, cả nước ước xuất siêu khoảng 9,12 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ, dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là đưa mức tăng trưởng 7-8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cũng trong buổi họp báo, thông tin về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dự kiến, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019. 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, 11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm.

Với tiến độ như hiện nay, mốc 500 tỷ USD là rất khả thi. Kết quả này đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung và vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.

Xuất khẩu năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn nhưng được tạo thuận lợi môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các Bộ, ngành, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.

Hạ An