Thị trường lớn
Cá tra Việt có tiềm năng lớn tại thị trường Mexico - đất nước có diện tích gần 2 triệu km2, dân số 133.241.854 người vào ngày 29/10/2023 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, lớn nhất trong số các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đứng thứ 10 trên thế giới.
Đối với Việt Nam, Mexico là thị trường lớn do có số dân lớn và trước khi có hiệp định CPTPP, giữa Việt Nam và Mexico chưa có hiệp định thương mại tự do song phương nào.
Là nền kinh tế phát triển năng động, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý là, Mexico có quan hệ với nhiều khu vực nền kinh tế quan trọng trên thế giới, được coi là của ngõ để tiếp cận đến các vùng kinh tế năng động như G20, Liên minh Kinh tế Thái Bình Dương (Pacific Alliance).
Bên cạnh đó, Mexico có mạng lưới 15 Hiệp định thương mại tự do với 50 quốc gia; trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên, 30 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đối ứng. Mexico là một phần của thị trường Bắc Mỹ và là cửa ngõ tiếp cận hơn 500 triệu người tiêu dùng.
Các ước tính cho năm 2023 chỉ ra rằng quy mô của thị trường khu vực sẽ đạt 28.550 tỷ USD, chiếm 25% GDP toàn cầu trong tương lai. Ngoài ra Mexico cũng là cửa ngõ vào thị trường Mỹ Latinh. Hiện nay, Mexico là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực châu Á.
Theo Đại sứ Mexico tại Việt Nam Alejandro Negrin Munoz, Mexico nằm ở Bắc Mỹ, với hơn 11.000km bờ biển và có đường biên giới dài hơn 3.000km với Hoa Kỳ. Mexico là nước xuất khẩu lớn thứ 7 trên thế giới và thứ nhất ở khu vực Mỹ Latinh.
Vào năm 2022, Mexico duy trì vị trí là nhà cung cấp phương tiện và hàng hóa nông nghiệp chính của Hoa Kỳ, đồng thời là nhà cung cấp máy móc và thiết bị điện tử lớn thứ hai của Hoa Kỳ. Đây chính là điều kiện thuận lợi để hàng Việt Nam có thể đến Mexico để đi sang các nước châu Mỹ khác.
Theo thống kê, Việt Nam là thành viên CPTPP đã phê chuẩn duy nhất gia tăng thị phần ở Canada, Mexico. Đối với các nước khác, thị phần đều giảm, hoặc đi ngang.
Cụ thể, với Mexico năm 2018, thị phần của Việt Nam là 0,9 %, đến năm 2022 dưới tác động của CPTPP thị phần của Việt Nam nâng lên 1,9 %.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Mexico 4,6 tỷ đô la Mỹ và tăng trưởng tới hơn 100 % so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng tích cực, đạt 5,421 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico ước đạt 4,532 tỷ USD.
Cá tra - một điển hình thành công
Với CPTPP, Mexico xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ ngày 14/1/2018, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Một số mặt hàng Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi về thuế trong hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mexico bao gồm cá tra, cá basa, cá ngừ, gạo và hàng dệt may.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tỷ trọng thủy sản Việt Nam tại Mexico đã tăng từ 1% lên 1,3 % sau 4 thực thi CPTPP. Bà cũng cho rằng, việc tăng thị phần thủy sản cho thấy vị trí của CPTPP quan trọng như thế nào. So với EVFTA thì CPTPP được các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng nhiều hơn cả.
Trong nhóm hàng thủy sản, cá tra nổi lên như một điển hình thành công trong thâm nhập thị trường Mexico. Việt Nam xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ năm 2003, nhưng 20 năm sau, Mexico nhanh chóng trở thành thị trường nhập khẩu cá tra số 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang các thị trường trong khối CPTPP đa phần ghi nhận tăng trưởng dương so với nửa đầu tháng 9/2022. Thị trường CPTPP đã nhập khẩu gần 9 triệu USD cá tra Việt Nam trong nửa đầu tháng 9 năm nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mexico vẫn là thị trường đứng đầu trong khối CPTPP về nhập khẩu cá tra Việt Nam, tăng trưởng tới 59% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam xuất sang Mexico chủ yếu là sản phẩm cá tra phile đông lạnh và cá tra cắt khúc đông lạnh.
Với khoảng cách 14.600 km, xuất khẩu qua đường biển từ các cảng chính của Việt Nam: Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, Cát Lái và Cái Mép, đến các cảng biển chính của Mexico: Altamira, Guaymas, Mazatlan, Dos Bocas, Lazaro Cardenas, Tampico, Ensenada, Manzanillo, Veracruz, phải mất từ 45-55 ngày, nhưng con cá tra Việt Nam không ngại băng qua Thái Bình Dương để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực.