Các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại trong ngành sản xuất năng lượng tái tạo Việt Nam theo quy định tại EVFTA

ThS. Chu Quang Duy (Nghiên cứu sinh Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội - Thư ký Tòa án, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh)

Tóm tắt:

Phát triển các dự án năng lượng tái tạo đang được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và khuyến khích. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã quy định thời gian áp dụng quy tắc trong ngành sản xuất năng lượng tái tạo là 5 năm sau khi có hiệu lực. Bài viết nghiên cứu các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại trong ngành sản xuất năng lượng tái tạo sao cho phù hợp với pháp luật quốc tế và quy định tại EVFTA.

Từ khóa: EVFTA, TRIMs, WTO, năng lượng tái tạo.

1. Đặt vấn đề

Phát triển các dự án năng lượng tái tạo đang được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và khuyến khích. Thông qua hỗ trợ thương mại và đầu tư của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA[1]) sẽ thúc đẩy phát triển và tăng cường sản xuất năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững dưới dạng gió, mặt trời, địa nhiệt, thủy điện, năng lượng đại dương, khí bãi rác, khí nhà máy xử lý nước thải hoặc khí đốt sinh học[2].

Tuy nhiên, công suất của dạng năng lượng tái tạo thấp và không liên tục, ví dụ: Tua bin gió chỉ sản xuất điện khi gió thổi, năng lượng mặt trời chỉ tạo ra điện vào ban ngày mà không tạo ra được vào ban đêm… Vì vậy, chúng ta cần phải đưa ra cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản suất năng lượng tái tạo phù hợp với lợi thế theo quy định của EVFTA.

Để làm rõ vấn đề này, bài viết của tác giả sẽ nghiên cứu các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại (TRIMs) trong ngành sản xuất năng lượng tái tạo tại EVFTA. Đồng thời, dựa trên kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp tại Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), tác giả sẽ làm rõ một số biện pháp mà các quốc gia thành viên đã sử dụng. Từ đó, đưa ra những gợi ý cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng chính sách thu hút đầu tư phát triển ngành sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam để phù hợp với pháp luật quốc tế, đặc biệt là triển khai có hiệu quả quy định EVFTA.

2. Quy định về các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại

TRIMs được đưa ra thảo luận từ vòng đàm phán U-ru-guay để thành lập WTO. Tại đây, các thành viên đã thảo luận về tác động của TRIMs liên quan tới thương mại quốc tế. TRIMs kết hợp ưu đãi đầu tư hoặc yêu cầu liên quan tới thương mại gắn liền với dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và là một phần của quá trình phê duyệt đầu tư.

Hiệp định các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại (Hiệp định TRIMs) quy định, các thành viên không được sử dụng các biện pháp đầu tư ảnh hưởng tiêu cực tới sự luân chuyển hàng hóa qua biên giới. Các điều khoản của Hiệp định TRIMs nhằm làm rõ nội dung quy định về nguyên tắc đối xử quốc gia theo Điều III: 4 GATT 1994 và các hạn chế về định lượng theo Điều XI: 1 GATT 1994, thông qua một danh sách minh họa tại phụ lục của Hiệp định TRIMs [1].

EVFTA được thành lập theo Điều XXIV của GATT 1994[3], vì vậy có những ngoại lệ riêng theo khu vực mậu dịch tự do. Theo đó, các thành viên sẽ dành cho nhau những thuận lợi cao hơn hoặc có thể hạn chế hơn so với quy định hiện có của WTO. EVFTA đã đưa ra nguyên tắc nhằm cắt giảm và xóa bỏ các rào cản phi thuế quan đối với thương mại và đầu tư trong sản xuất năng lượng tái tạo, trong đó có một số TRIMs được quy định thông qua những “yêu cầu thực hiện” như sau:

Một bên sẽ không được áp dụng các biện pháp về yêu cầu nội địa hóa hoặc bất kỳ khoản bù đắp nào ảnh hưởng tới các sản phẩm, nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp của Bên kia[4]:

Yêu cầu nội địa hóa (Local content requirements - LCR) áp dụng cho ngành sản xuất năng lượng tái tạo được hiểu là: Yêu cầu đối với một doanh nghiệp phải mua hoặc sử dụng hàng hóa xuất xứ trong nước hoặc từ một nguồn nội địa, được quy định theo số sản phẩm đặc thù, theo khối lượng hoặc giá trị sản phẩm hoặc theo tỷ lệ khối lượng hoặc giá trị của phần nội địa hóa[5].

Về cơ bản, LCR buộc doanh nghiệp phải tham gia vào hoạt động sản xuất tại địa phương hoặc sử dụng các sản phẩm nội địa (giống với yêu cầu sử dụng nguồn cung ứng tại địa phương LSR - Local sourcing requirements) theo tỷ lệ phần trăm, số lượng nhất định. Đôi khi nó được gọi là các yêu cầu thay thế nhập khẩu hoặc tìm nguồn cung ứng địa phương. Trong trường hợp các sản phẩm tương tự được sản xuất trong nước có giá thấp hơn các sản phẩm nhập khẩu thì LCR sẽ được các nhà đầu tư tự nguyện. Ngược lại, khi các sản phẩm nhập khẩu có giá thấp hơn các sản phẩm tương tự được sản xuất trong nước thì LCR là bắt buộc.

Như vậy, LCR sẽ làm giảm nhập khẩu các linh kiện. Khi đó, giá của các sản phẩm hoàn chỉnh sẽ cao hơn khi sử dụng các linh kiện trong nước và làm giảm khả năng cạnh tranh trong thị trường. Vì vậy, các nhà sản xuất sẽ được bù đắp một khoản thuế đối với các linh kiện nhập khẩu, nhằm mục đích giúp các nhà sản xuất duy trì canh tranh ở thị trường trong nước.

Tiếp theo, LCR gián tiếp làm giảm nhập khẩu các sản phẩm hoàn chỉnh. Tương tự, khi giá các sản phẩm hoàn chỉnh cao hơn giá thị trường quốc tế (vì phải sử dụng linh kiện giá cao ở trong nước) LCR sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, và ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu những sản phẩm này.

 LCR có thể buộc nhà đầu tư giữ lại một khoản lợi nhuận để tiếp tục đầu tư tại nước chủ nhà khi nhà đầu tư có xu hướng hồi hương các khoản lợi nhuận. Vì vậy, LCR có thể tác động đến mô hình kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp bằng việc sử dụng sản phẩm, linh kiện, phụ kiện của nhà cung cấp tại địa phương với giá ưu đãi, thay vì phải nhập khẩu các sản phẩm tương tự.

LCR có thể tạo ra hiệu ứng thương mại tích cực, như: mở rộng thị trường trong nước, tăng cường chuyển giao và áp dụng công nghệ, góp phần đào tạo lao động địa phương, nâng cao lợi thế cạnh tranh của nước chủ nhà, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương hoàn thiện các phương thức sản xuất cần thiết để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có thể thấy, LCR là biện pháp hay được các nước sử dụng nhất, vì nó có nhiều tác động tích cực tới nước chủ nhà. Ví dụ như:

Ca-na-đa[6] áp dụng “Yêu cầu mức nội địa hóa tối thiểu” đối với một số cơ sở sản xuất điện mặt trời và điện gió theo Chương trình FIT (The feed-in tariff program) tại bang Ontario. Để được phép đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo tại Ontario, nhà đầu tư phải xây dựng cơ sở sản xuất điện năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió với mức tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu -  theo quy định từ 20% đến 60% - theo từng loại hình và từng giai đoạn cụ thể.

Các nhà đầu tư đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu sẽ được Cơ quan quản lý nguồn cung cấp điện và tài nguyên của Ontario (Ontario Power Authority - OPA) đảm bảo trả mức giá ổn định cho mỗi kWh điện được tạo ra trong khoảng thời gian từ 20 năm đến 40 năm theo Hợp đồng FIT. Tuy nhiên, mức ưu đãi về tài chính sẽ không trực tiếp áp dụng cho các sản phẩm là hàng hóa được mua trong nước hay hàng hóa nhập khẩu mà được áp dụng cho giá mua lại điện năng đã sản xuất từ những cơ sở này.

Tại Ấn Độ[7], ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về Sứ mệnh Mặt trời của Ấn Độ để trở thành nước dẫn đầu về năng lượng mặt trời. Ấn Độ và các nhà phát triển năng lượng mặt trời đã ký kết thỏa thuận mua điện dài hạn, với mức giá được đảm bảo trong khoảng thời gian 25 năm. Giai đoạn đầu, Ấn Độ cho phép vừa sử dụng mô-đun năng lượng mặt trời thông thường nhập khẩu, vừa yêu cầu nhà đầu tư phải sản xuất hoặc sử dụng các sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ.

Giai đoạn hai, vẫn yêu cầu nhà đầu tư phải sản xuất hoặc sử dụng các sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ. Đồng thời, ở giai đoạn này không cho phép sử dụng mô-đun năng lượng mặt trời thông thường nhập khẩu mà phải sử dụng ô-đun màng mỏng hoặc pin PV với công suất 260MW (công nghệ hiện đại hơn). Giai đoạn ba, yêu cầu phải sử dụng 100% các sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ.

Tại Hoa Kỳ[8], đã áp dụng hàng loạt các biện pháp tại các bang nhằm hỗ trợ cho ngành sản xuất năng lượng tái tạo như: Tại bang Washington, California, Connecticut, Michigan, Delaware, Minnesota đều yêu cầu phải sử dụng tối thiểu 50% chi phí hoặc nguồn vốn đầu tư vào việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, thiết bị sản xuất năng lượng mặt trời, năng lượng gió tại các bang này. Theo đó, nhà đầu tư sẽ nhận được một khoản ưu đãi cho mỗi kWh điện năng được sản xuất.

Theo EVFTA thì khoản bù đắp (offset) nghĩa là: Những ưu đãi, bù đắp được đưa ra để khuyến khích phát triển nội địa hóa thông qua yêu cầu đáp ứng tỷ lệ LCR/LSR, yêu cầu chuyển giao công nghệ, hàng đổi hàng (counter-trade) hoặc các hành động tương tự khác[9]. Như vậy, khoản bù đắp hoặc ưu đãi không những được áp dụng cho yêu cầu LCR, LSR mà còn được áp dụng cho yêu cầu chuyển giao công nghệ, yêu cầu hàng đổi hàng, cụ thể:

Yêu cầu chuyển giao công nghệ: Buộc nhà đầu tư phải sử dụng các phương thức sản xuất hoặc áp dụng công nghệ cải tiến vượt trội hơn các nhà sản xuất trong nước hoặc nhà đầu tư ở nước sở tại. Ví dụ: Yêu cầu giới thiệu sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao hoặc cam kết sử dụng các phương pháp, quy trình độc quyền.

Chuyển giao công nghệ nhằm tiếp thu công nghệ tiên tiến để phát triển ngành công nghiệp trong nước, trong khi các quốc gia khác không muốn chia sẻ bí quyết sản xuất liên quan. Hoặc, các yêu cầu được quyền cải tiến công nghệ và chuyển nhượng công nghệ đã cải tiến vì lợi ích của các tập đoàn trong nước.

Có thể kể đến tranh chấp về yêu cầu chuyển giao công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, EU[10] tại WTO[11]. Luật sửa đổi Luật liên doanh vốn cổ phần giữa Trung Quốc với nước ngoài quy định: Bất kỳ thỏa thuận chuyển giao công nghệ nào được ký kết bởi một liên doanh phải được kiểm tra và được phê duyệt (cấp phép); Thời hạn của thỏa thuận chuyển giao công nghệ thường không quá 10 năm (trong khi, theo Điều 38 Hiệp định TRIPS[12] thì thời gian này tối thiểu là 10 năm); Bên liên doanh với bên nước ngoài được chuyển giao công nghệ liên tục và được giữ lại quyền sử dụng công nghệ sau khi hết hạn của thỏa thuận chuyển giao công nghệ (trong khi thời hạn bảo hộ sáng chế là 20 năm theo Điều 33 Hiệp định TRIPS). Ngoài ra, Trung Quốc còn quy định về quyền cải tiến công nghệ như: Mọi cải tiến công nghệ đều thuộc về bên cải tiến và được phép sử dụng, chuyển nhượng công nghệ cải tiến.

Yêu cầu hàng đổi hàng (counter-trade): Yêu cầu này buộc doanh nghiệp phải thực hiện sản xuất tại địa phương để xuất khẩu một lượng, giá trị hàng hóa tương đương với lượng, giá trị hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp phục vụ cho dự án sản xuất năng lượng tái tạo. Như vậy, yêu cầu này buộc nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành xây dựng cơ sở sản xuất tại địa phương để thực hiện sản xuất hàng hóa, sau đó phải xuất khẩu một lượng hàng hóa để bù đắp giá trị, lượng hàng hóa được nhập khẩu bởi nhà đầu tư (yêu cầu cân bằng thương mại).

Ngoài ra, EVFTA cũng quy định các bên không được áp dụng yêu cầu hoặc các biện pháp buộc nhà đầu tư nước ngoài phải thiết lập liên doanh với doanh nghiệp trong nước[13]. Nghĩa là, các yêu cầu để cùng với công ty địa phương thành lập hoặc vận hành một pháp nhân, đối tác theo pháp luật trong nước hoặc tham gia vào quan hệ hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty địa phương. Yêu cầu này có thể sẽ làm gia tăng tỷ lệ lợi nhuận cho nhà đầu tư trong nước, duy trì và tăng cường kiểm soát đối với các khoản đầu tư nước ngoài hay có thể giúp chuyển giao công nghệ thông qua việc tiếp cận, tiếp thu bí quyết của các nhà đầu tư nước ngoài.

3. Một số tranh chấp liên quan tới TRIMs trong ngành năng lượng tái tạo

3.1. Ca-na-đa

Yêu cầu tỷ lệ LCR mà Ca-na-đa đã sử dụng là TRIMs, vì định hướng nguồn vốn đầu tư vào mục tiêu khuyến khích thiết lập các cơ sở sản xuất tại Ontario. Trong khi chương trình FIT áp đặt yêu cầu bắt buộc về “tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu” với mục đích buộc nhà đầu tư phải sử dụng một số loại thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo có nguồn gốc ở Ontario trong thiết kế và xây dựng các cơ sở sản xuất năng lượng gió và năng lượng mặt trời thay vì phải nhập khẩu các thiết bị này. Tuy nhiên, mức ưu đãi về tài chính sẽ không trực tiếp áp dụng cho các sản phẩm là hàng hóa được mua trong nước hay hàng hóa nhập khẩu mà được áp dụng cho giá mua lại điện năng đã sản xuất từ những cơ sở này.

Các biện pháp này tác động đến môi trường cạnh tranh, tạo ra sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa nhập khẩu khi luôn ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất tại Ontario, vì vậy đã vi phạm Điều III: 4 GATT 1994. Các biện pháp này có đặc điểm phù hợp với mô tả tại khoản 1 (a) của danh mục minh họa TRIMs - là yêu cầu bắt buộc đối với cơ sở sản xuất điện sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong chương trình FIT để nhận được một lợi ích về mặt tài chính, do đó cũng vi phạm Điều 2.1 của Hiệp định TRIMs.

Ca-na-đa cho rằng, việc mua lại sản lượng điện là hoạt động “mua sắm chính phủ”, tuy nhiên, trên thực tế OPA không mua sản lượng điện để sử dụng cho hoạt động của mình hoặc sử dụng vì mục đích công cộng, quốc phòng an ninh mà OPA phân phối điện đã mua cho người sử dụng. Vì vậy, đây là hoạt động bán lại vì mục đích thương mại nên sẽ không nằm trong phạm vi được cho phép theo Điều III: 8 (a) GATT 1994 [4].

3.2. Ấn Độ

 Các biện pháp mà Ấn Độ sử dụng đã định hướng đầu tư để phát triển cơ sở sản xuất pin, mô-đun năng lượng mặt trời tại Ấn Độ thông qua việc tạo ra điều kiện thuận lợi về chính sách, hỗ trợ đầu tư vốn và kỹ thuật… tạo ra sự phân biệt đối xử bằng cách ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước hơn hàng hóa nhập khẩu nên vi phạm Điều III: 4 GATT 1994. Hơn thế nữa, việc tuân thủ yêu cầu đã giúp cho nhà đầu tư nhận được một lợi thế, nên vi phạm Điều 2.1 của Hiệp định TRIMs.

Các biện pháp này cũng không được chứng minh theo Điều III.8 (a) vì chính phủ Ấn Độ mua lại điện năng và ủy quyền cho doanh nghiệp nhà nước phân phối lại điện năng tới người tiêu dung, được hiểu là bán lại vì mục đích thương mại. Và cũng thuộc trường hợp ngoại lệ theo Điều XX (j), do Ấn Độ đã không biện minh được rằng các sản phẩm pin, mô-đun là mặt hàng khan hiếm vì số lượng cung ứng của các sản phẩm này là hạn chế từ các nguồn trong nước và quốc tế hay “để đảm bảo tăng trưởng bền vững về mặt sinh thái trong khi giải quyết thách thức an ninh năng lượng của Ấn Độ và đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ liên quan đến biến đổi khí hậu” theo Điều XX (d) GATT 1994 [5].

3.3. Hoa Kỳ

Để nhận được ưu đãi về tài chính, một số bang của Hoa Kỳ đã yêu cầu nhà đầu tư phải sử dụng tối thiểu 50% chi phí hoặc nguồn vốn để mua, sử dụng các thiết bị có nguồn gốc tại Hoa Kỳ trong việc xây dựng lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo. Nếu nhà đầu tư sử dụng các thiết bị nhập khẩu sẽ không nhận được khoản ưu đãi tài chính, do đó luôn ưu tiên sử dụng các thiết bị sản xuất trong nước nên tạo ra sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu, vì vậy vi phạm Điều III:4 GATT1994. Hoa Kỳ đã không đưa ra bất kỳ lập luận nào để biện minh cho các biện pháp này [6].

4. Gợi ý một số biện pháp áp dụng cho Việt Nam

Giống với Hiệp định TRIMs, EVFTA cũng đưa ra thời hạn chuyển đổi đối với nguyên tắc trên là 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực[14]. Như vậy, đây có thể coi là ngoại lệ để áp dụng TRIMs phù hợp với quy định của GATT 1994. Việt Nam và EU sẽ có thời gian là 5 năm sử dụng TRIMs trong ngành sản xuất năng lượng tái tạo, tuy nhiên các biện pháp này chỉ được áp dụng cho những nhà đầu tư, doanh nghiệp của hai bên.

Hiện nay, Việt Nam đã đưa ra những cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển các dự án điện gió và mặt trời [2] [3]. Tuy nhiên, những ưu đãi này được cung cấp cho bất kỳ nhà đầu tư nào, do đó sẽ không tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn cho những đối tác chiến lược. Để tranh thủ được lợi thế từ EVFTA, chúng ta cần thiết phải đưa ra những chính sách vừa tạo ra được những ưu đãi đặc biệt dành riêng cho nhà đầu tư của hai bên, vừa tạo ra sự phát triển trong ngành sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế.

Chính vì vậy, Việt Nam nên sử dụng yêu cầu LCR/LSR, yêu cầu chuyển giao công nghệ, yêu cầu hàng đổi hàng, yêu cầu liên doanh… và đưa ra những ưu đãi, bù đắp dành riêng cho nhà đầu tư của EU trong khoảng thời gian chuyển đổi là 5 năm.

Ví dụ: Tại Ca-na-đa, Ấn Độ, Hoa Kỳ sẽ mua lại điện năng sản xuất từ những dự án năng lượng tái tạo với một mức giá đảm bảo đã tạo ra lợi thế cho nhà đầu tư khi đáp ứng yêu cầu nội địa hóa.

5. Kết luận

Bằng việc làm rõ những nội dung liên quan tới TRIMs trong ngành năng lượng tái tạo tại EVFTA, bài viết đưa ra gợi ý cho việc sử dụng những yêu cầu về LCR/LSR, yêu cầu chuyển giao công nghệ, yêu cầu hàng đổi hàng, yêu cầu liên doanh… nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển ngành sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tài liệu trích dẫn:

1Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ký kết giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU

2Xem Điều 7.2 (d) EVFTA

3Xem Điều 1.1 EVFTA

4Xem Điều 7.4 (a) EVFTA

5Xem Điều 7.2 (a) EVFTA

6Xem Ca-na-đa (DS412, DS426) Một số biện pháp ảnh hưởng tới ngành năng lượng tái tạo

7Xem Ấn Độ (DS456) Một số biện pháp liên quan đến pin mặt trời và các tấm năng lượng mặt trời

8Xem Hoa Kỳ (DS 510) - Các biện pháp ảnh hưởng tới ngành năng lượng tái tạo

9Xem Điều 7.2 (c) EVFTA

[1]0 European Union - Liên minh Châu Âu

[1]1 XemDS542 Trung Quốc - Một số biện pháp liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, DS549 Trung Quốc - Một số biện pháp chuyển giao công nghệ

12Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ

[1]3 Xem Điều 7.4 (b) EVFTA

14Xem Điều 7.3 (5) EVFTA

Tài liệu tham khảo:

  1. Chu Quang Duy, “Giải quyết tranh chấp liên quan tới hiệp định TRIMs trong khuôn khổ WTO”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại - Đại học Ngoại thương, số 90/2017, tr.86-94 2017.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
  4. World Trade Organization, Canada - Certain Measures Affecting the Renewable Energy Generation Sector, Reports of the Appelleate Body, WT/DS412/AB/R, WT/DS426/AB/R, Geneva, 2012.
  5. World Trade Organization, India - Certain Measures Relating to Solar Cells and Solar Modules, Reports of the Appelleate Body, WT/DS456/AB/R, Geneva, 2016.
  6. World Trade Organization, United States - Certain Measures Relating to the Renewable Energy Sector, Reports of the Panel, WT/DS510/R, Geneva, 2019.

Trade-related investment measures in the renewable energy sector under the EVFTA

LL.M Chu Quang Duy

Ph.D students, School of Law, Vietnam National University – Hanoi Campus

Abstract:

The government of Vietnam is paying special attention to the development of renewable energy projects. Rules of EVFTA for the renewable energy sector will take effect after 5 years  of the deal taking effect. This article studies trade-related investment measures in the renewable energy in accordance with international regulations as well as the EVFTA’s rules.

Keywords: EVFTA, TRIMs, WTO, renewable energy.