TÓM TẮT:
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến ý định thanh toán trực tuyến điện và nước của người tiêu dùng tại tỉnh Vĩnh Long. Dữ liệu cuối cùng thu thập được từ 220 người tiêu dùng chi trả tiền điện và nước theo hình thức trực tuyến tại tỉnh Vĩnh Long và áp dụng phương pháp hồi quy đa biến để phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS 20. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy yếu tố Nhận thức dễ sử dụng có mức độ tác động mạnh nhất đến ý định thanh toán trực tuyến điện và nước của người dân tỉnh Vĩnh Long, tiếp theo lần lượt là các yếu tố: Nhận thức uy tín, Điều kiện thuận lợi, Hiệu quả kỳ vọng và Ảnh hưởng xã hội.
Từ khóa: ý định, thanh toán trực tuyến, điện và nước, tỉnh Vĩnh Long.
1. Đặt vấn đề
Trong kỷ nguyên số hóa hiện nay, thanh toán trực tuyến (TTTT) đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hàng ngày, không chỉ mang lại tiện lợi mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Bên cạnh đó, sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ di động đã mang lại cơ hội quan trọng cho các doanh nghiệp, tạo ra các giải pháp thanh toán mới và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng của họ (Lucas và cộng sự, 2023). Đặc biệt, các ứng dụng app thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cho phép người dân với tư cách là người tiêu dùng thanh toán hóa đơn sinh hoạt hàng ngày qua điện thoại thông minh hay hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện TTTT ứng dụng công nghệ số hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng của họ mọi lúc, mọi nơi.
Tỉnh Vĩnh Long, nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những khu vực đang phát triển với tỷ lệ dân số sử dụng Internet đạt 72% vào năm 2023 (Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Long, 2024). Mặc dù hạ tầng công nghệ đã được cải thiện đáng kể, nhưng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ TTTT cho các hóa đơn điện của Công ty Điện lực Vĩnh Long sử dụng dịch vụ cung cấp điện qua môi trường mạng email/App/Zalo… của EVNSPC đạt 81,0% (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 2023) và TTTT cho các hóa đơn nước vẫn còn thấp, chỉ đạt 120 hộ/180.000 hộ (chiếm tỷ lệ 0,067%) ở thành phố cũng như 8 huyện và thị xã của tỉnh Vĩnh Long vào cuối năm 2023 (Trung tâm Nước sạch nông thôn, 2024). Nghiên cứu này sẽ tập trung vào việc phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến ý định TTTT của người tiêu dùng điện và nước tại tỉnh Vĩnh Long, từ đó xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định TTTT điện và nước.
2. Tổng quan nghiên cứu
2.1. Khái niệm về thanh toán trực tuyến
Thanh toán trực tuyến là hình thức thanh toán tài chính được thực hiện thông qua phương pháp trực tuyến” (Lee, 2009). “Nó bao gồm các khoản thanh toán được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản trực tuyến thông qua hệ thống thanh toán tự động hoặc hệ thống thẻ thương mại” (Thuy et al., 2024). “Hệ thống thanh toán trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến chủ yếu đến từ sự linh hoạt và tiện lợi nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ” (Prete, 2022).
2.2. Ý định hành vi
Theo Fishbein và Ajzen (1975), ý định hành vi là sự biểu hiện tính sẵn sàng của mỗi người khi thực hiện một hành vi đã qui định và nó được xem là tiền đề trực tiếp dẫn đến hành vi”. Bên cạnh đó, ý định hành vi là một quá trình hành động mà một cá nhân muốn đạt được (Zhao & Othman, 2010). Ý định hành vi sử dụng là khuynh hướng một cá nhân thể hiện, nó chỉ ra rằng liệu họ sử dụng một công nghệ mới hay không. Một người sẽ thể hiện hành vi nếu như họ có ý định đó (Latupeirissa et al, 2020).
2.3. Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định thanh toán trực tuyến
Shafie và cộng sự (2020) đã chỉ ra yếu tố hiệu quả kì vọng có mối liên quan đáng kể với chấp nhận thanh toán trực tuyến. Hiệu quả kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực đến thái độ và ý định sử dụng ngân hàng trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt (Giao và cộng sự, 2021; Taieh và cộng sự, 2022; Trâm và cộng sự, 2022, Minh và Trang, 2023). Kilani và cộng sự (2023) đã cho thấy hiệu quả kỳ vọng cũng tác động tích cực đến ý định thanh toán trực tuyến thông qua hình thức sử dụng ví điện tử.
Quân (2021) chỉ ra yếu tố tính dễ sử dụng có ảnh hưởng đến ý định mua hàng và quyết định thanh toán trực tuyến của người tiêu dùng. Al-Dmour và cộng sự (2021) đã cho thấy yếu tố tính dễ sử dụng có mối quan hệ tích cực với ý định chấp nhận thanh toán trực tuyến. Tính dễ sử dụng có tác động tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trên nền tảng di động (Lien, 2023).
Shafie và cộng sự (2020) chỉ ra yếu tố là ảnh hưởng xã hội có mối liên quan đáng kể với chấp nhận thanh toán trực tuyến. Yếu tố ảnh hưởng xã hội tác động cùng chiều đến ý định sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng (Hoa và cộng sự, 2019; Trâm và cộng sự, 2022; Lien, 2023). Ánh hưởng xã hội tác động tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến của sinh viên (Minh và Trang, 2023).
Điều kiện thuận lợi cũng tác động tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến của sinh viên (Minh và Trang, 2023). Giao và cộng sự (2021) cũng cho thấy điều kiện thuận lợi ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng ngân hàng trực tuyến cũng người tiêu dùng. Linge và cộng sự (2023) cũng chỉ ra rằng điều kiện thuận lợi ảnh hưởng tích cực đến hành vi sử dụng các app thanh toán trên nền tảng di động. Ý định thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng chịu ảnh hưởng tich cực bởi điều kiện thuận lợi (Trâm, 2022, Linge, 2023).
Ngoài ra, nhận thức uy tín cũng tác động tích cực đến hành vi thanh toán trực tuyến (Nguyen và Nguyen, 2020). Nhận thức uy tín có ảnh hưởng tích cực đến thái độ và ý định sử dụng ngân hàng trực tuyến (Giao và cộng sự, 2021). Listiyono và cộng sự (2023) đã chứng minh yếu tố nhận thức uy tín có ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trục tuyến của sinh viên.
2.3. Mô hình nghiên cứu
Dựa vào các nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến điện và nước của người tiêu dùng tỉnh Vĩnh Long gồm 5 nhóm nhân tố với 20 biến quan sát, gồm: Hiệu quả kỳ vọng (HQKV), Nhận thức dễ sử dụng (NTDSD), Ảnh hưởng xã hội (AHXH), Điều kiện thuận lợi (DKTL), Nhận thức uy tín (NTUT). (Hình 1)
Giả thuyết nghiên cứu:
H1: Hiệu quả kỳ vọng ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến điện, nước của người tiêu dùng
H2: Nhận thức dễ sử dụng ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến điện, nước của người tiêu dùng
H3: Ảnh hưởng xã hội ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến điện, nước của người tiêu dùng
H4: Điều kiện thuận lợi ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến điện, nước của người tiêu dùng
H5: Nhận thức uy tín ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến điện, nước của người tiêu dùng
3. Phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Kích thước mẫu theo công thức: n > = 8m + 50, trong đó m: số nhóm nhân tố (Tabachnick và Fidell, 1996). Mô hình nghiên cứu có 5 biến độc lập đo lường, nhóm nghiên cứu tiến hành phỏng vấn trực tiếp đáp viên là 220 người tiêu dùng tại tỉnh Vĩnh Long. Thời gian tiến hành thu thập dữ liệu từ tháng 10/2023 đến tháng 01/2024.
Nghiên cứu sử dụng các phương pháp kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA và hồi quy tuyến tính để kiểm định các giả thuyết trên.
4. Kết quả và thảo luận
4.1. Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s alpha
Kết quả kiểm định độ tin cậy Cronbach’s alpha cho thấy 24 biến quan sát thỏa các điều kiện trong phân tích độ tin cậy (hệ số Cronbach’s alpha của thang đo > 0,6 và hệ số tương quan biến tổng > 0,3). (Bảng 1)
Bảng 1. Độ tin cậy của các thang đo
STT |
Thang đo |
Biến quan sát bị loại |
Hệ số Alpha |
Kết luận |
1. |
HQKV |
Không |
0,712 |
Chất lượng |
2. |
NTDSD |
Không |
0,817 |
Chất lượng tốt |
3. |
AHXH |
Không |
0,845 |
Chất lượng tốt |
4. |
DKTL |
Không |
0,781 |
Chất lượng |
5. |
NTUT |
Không |
0,763 |
Chất lượng |
6. |
YDSD |
Không |
0,761 |
Chất lượng |
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu, 2024
4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA
Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA đối với các biến độc lập: hệ số KMO = 0,793 (0,5 ≤ KMO ≤ 1); kiểm định Barlett có Sig.= 0,000 ≤ 0,05; tổng phương sai trích là 63,908% (> 50%) cho thấy mô hình EFA phù hợp. Qua quá trình phân tích nhân tố với phương pháp Principal component analysis và phép xoay Varimax cho kết quả 5 nhóm nhân tố với 18 biến quan sát, bao gồm: Ảnh hưởng xã hội (AHXH), Nhận thức dễ sử dụng (NTDSD), Điều kiện thuận lợi (DKTL), Hiệu quả kỳ vọng (HQKV), Nhận thức uy tín (NTUT). (Bảng 2)
Bảng 2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá đối với các biến độc lập
Biến quan sát |
Nhân tố |
|||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
|
AHXH1 |
0,868 |
|
|
|
|
|
AHXH4 |
0,856 |
|
|
|
|
|
AHXH2 |
0,810 |
|
|
|
|
|
AHXH3 |
0,765 |
|
|
|
|
|
NTDSD2 |
|
0,843 |
|
|
|
|
NTDSD1 |
|
0,787 |
|
|
|
|
NTDSD3 |
|
0,769 |
|
|
|
|
NTUT4 |
|
0,590 |
|
|
|
|
DKTL4 |
|
|
0,751 |
|
|
|
DKTL3 |
|
|
0,725 |
|
|
|
DKTL2 |
|
|
0,712 |
|
|
|
DKTL1 |
|
|
0,665 |
|
|
|
HQKV3 |
|
|
|
0,781 |
|
|
HQKV1 |
|
|
|
0,649 |
|
|
HQKV4 |
|
|
|
0,614 |
|
|
NTUT1 |
|
|
|
|
0,807 |
|
NTUT3 |
|
|
|
|
0,714 |
|
NTUT2 |
|
|
|
|
0,637 |
|
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu, 2024
Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA đối với biến phụ thuộc: hệ số KMO = 0,657 (0,5 ≤ KMO ≤ 1); kiểm định Barlett có Sig.= 0,000 ≤ 0,05; tổng phương sai trích là 68,339% (> 50%) cho thấy mô hình EFA là phù hợp. Kết quả phân tích EFA cho thấy nhân tố Ý định sử dụng (YDSD) gồm 3 biến quan sát (YDSD3, YDSD2, YDSD1).
4.3. Phân tích hồi quy tuyến tính
Kết quả phân tích cho thấy mô hình có hệ số R2 hiệu chỉnh là 53,3%, tức sự biến thiên sự hài lòng được giải thích bởi các nhân tố là 53,3%; mức ý nghĩa 1% (sig = 0,000) cho thấy mô hình hồi quy tuyến tính phù hợp với tập dữ liệu, mô hình có thể sử dụng được. Hệ số Durbin-Watson = 1,887 nằm trong khoảng từ 1,5 đến 2,5 cho thấy mô hình không có hiện tượng tự tương quan và hệ số VIF < 2 chứng tỏ mô hình hồi quy không có hiện tượng đa cộng tuyến.
Bảng 3. Kết quả mô hình hồi quy
Ký hiệu |
Nhân tố |
Hệ số hồi quy chuẩn hóa |
t |
Mức ý nghĩa |
AHXH |
Ảnh hưởng xã hội |
0,129 |
2,757 |
0,006 |
NTDSD |
Nhận thức dễ sử dụng |
0,493 |
10,544 |
0,000 |
DKTL |
Điều kiện thuận lợi |
0,319 |
6,827 |
0,000 |
HQKV |
Hiệu quả kỳ vọng |
0,202 |
4,315 |
0,000 |
NTUT |
Nhận thức uy tín |
0,362 |
7,745 |
0,000 |
Hệ số R2 hiệu chỉnh = 53,3% Giá trị Sig. của kiểm định F = 0,000 Giá trị Durbin-Watson = 1,887 |
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu, 2024
Phương trình hồi quy chuẩn hóa:
Y = 0,129*AHXH + 0,493*NTDSD + 0,319*DKTL + 0,202*HQKV + 0,362*NTUT
Qua Bảng 3, kết quả phân tích cho thấy nhân tố Ảnh hưởng xã hội (AHXH), Nhận thức dễ sử dụng (NTDSD), Điều kiện thuận lợi (DKTL), Hiệu quả kỳ vọng (HQKV), Nhận thức uy tín (NTUT) có ý nghĩa thống kê ở mức 1%.
Nhân tố Nhận thức dễ sử dụng tác động mạnh nhất đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến điện, nước của người tiêu dùng tỉnh Vĩnh Long, với hệ số hồi quy β = 0,493. Kết quả này tương ứng với các nghiên cứu của Quân (2021), Al-Dmour và cộng sự (2021), Lien (2023). Nếu nhân tố Nhận thức dễ sử dụng tăng 1 đơn vị thì ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến điện, nước của người tiêu dùng tỉnh Vĩnh Long sẽ tăng 0,493 đơn vị.
Nhân tố Nhận thức uy tín tác động tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến điện, nước của người tiêu dùng tỉnh Vĩnh Long (Nguyen và Nguyen, 2020; Giao và cộng sự, 2021; Listiyono và cộng sự, 2023). Nếu nhân tố Điều kiện thuận lợi tăng 1 đơn vị thì sự hài lòng sẽ tăng 0,362 đơn vị.
Nhân tố Điều kiện thuận lợi (β = 0,319), Hiệu quả kỳ vọng (β = 0,202), Ảnh hưởng xã hội (β = 0,129) tác động tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến điện, nước của người tiêu dùng tỉnh Vĩnh Long.
5. Kết luận và hàm ý chính sách
Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5 yếu tố tác động tích cực ý định sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến điện, nước của người tiêu dùng tỉnh Vĩnh Long, trong đó yếu tố “Nhận thức dễ sử dụng” tác động mạnh nhất. Để nâng cao ý định sử dụng dịch vụ, các đơn vị cung cấp điện và nước cần liên kết chặt chẽ với các bên trung gian cung cấp dịch vụ (như ngân hàng, công ty công nghệ tài chính) thực sự uy tín và được công nhận trên thị trường, xây dựng một hệ thống chỉ dẫn thanh toán trực tuyến dễ hiểu, đơn giản để người sử dụng dễ dàng thao tác. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện thu tiền điện và nước bằng phương thức thanh toán trực tuyến cần tác động đến cộng đồng, xã hội bằng những hình ảnh cũng như thông tin tuyên truyền về lợi ích và cách thức sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để người tiêu dùng quen thuộc với hình ảnh của app thanh toán trực tuyến của điện và nước.
TAI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Al-Dmour, A., Al-Dmour, H., Brghuthi, R., Al-Dmour, R. (2023). Factors Influencing Consumer Intentions to Adopt E-Payment Systems: Empirical Study.HYPERLINK "https://www.igi-global.com/journal/international-journal-customer-relationship-marketing/1150" International Journal of Customer Relationship Marketing and Management (IJCRMM), 12(2), 20 - 24.
[2] Linge, A., Chaudhari, T., Kakde, B., Singh, M. (2023). Analysis of Factors Affecting Use Behavior towards MobilePayment Apps: A SEM Approach. Human Behavior and Emerging Technologies, 1-13
[3] Listiyono1, H., Sugiyamto, S., Utomo, A. P. (2023). Factors Affecting Students’ Intentions to Use the University's Electronic Payment System (E-PS). Scientific Journal of Informatics, (10(2), 177-186
[4] Shafie, I. S. M., Yusof, Y. L. M., Mahmood, A. N., Ishar, N. I. M., Jamal, H. Z., Kasim, N. H. A. A. (2020). Factors Influencing the Adoption of E-Payment: An Empirical Study in Malaysia. Advances in Business Research International Journal.
[5] Taieh, E. M. A., Alhadid, I., Tayeh, S. A., Masa'deh, R., Alkhawaldeh, R. S., Khawaleh, S., Alrowwad, A. (2022). Continued Intention to use of M-Banking of Jordan by Integrating UTAUT,TPB,TAM and Service Quanlity with ML. Journal of Open Innovation, 1-28.
[6] Trung, N.H., Manh, L.H., & Phuong, V.T.L. (2019). Studying the factors affecting online payment decision: A case of Vietnamese customers. Journal of Management Information and Decision Sciences, 22(1), 43-54.
[7] Nguyen, T. P. L., Nguyen, V. H. (2020). Factors Affecting Online Payment Method Decision Behavior of Consumers in Vietnam. HYPERLINK "https://koreascience.or.kr/journal/OTGHEU.page" The Journal of Asian Finance, Economics and Business, 7(10), 231-240.
A study on the factors affecting the intention of consumers in Vinh Long province to make online payments for electricity and water bills
Master. Phan Thi Tiem1
Ph.D Truong Thi Hoang Oanh1
Master. Nguyen Vu Tram Anh1
Master. Nguyen Trung Tien1
Master. Pham Minh Triet1
1Faculty of Management, University of Economics Ho Chi Minh City – Vinh Long Campus
Abstract:
This study explored the factors affecting the intention of consumers in Vinh Long province to make online payments for electricity and water bills. Final data was collected from 220 consumers who have paid electricity and water bills online in Vinh Long province. The multivariate regression method was used to analyze collected data through SPSS 20 software. The study found that awareness of ease of use has the strongest impact on the intention of consumers in Vinh Long province to pay online for electricity and water bills. This factor was followed by the factors of awareness of trust, facilitating conditions, expected performance, and social influence.
Keywords: Intention, online payment, electricity and water, Vinh Long province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]