Các công cụ của tín dụng xanh

ThS. DƯƠNG THỊ THANH TÂN (Bộ môn Tài chính - Kế toán, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp)

TÓM TẮT:

Tài chính xanh (TCX) đang bao phủ và trở thành xu thế phổ biến trên tại các quốc gia trên thế giới trong thu hút vốn đầu tư vào các hoạt động giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra. TCX chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả trong thu hút vốn từ các nhà đầu tư khi có sự tăng trưởng của các công cụ tín dụng đầy sáng tạo nhằm thu hút mức độ quan tâm của nhà đầu tư. Hiện nay, tại Việt Nam, các công cụ của TCX vẫn còn hạn chế, dẫn tới hiệu quả thu hút vốn còn chưa cao. Bài nghiên cứu này thực hiện nhằm giới thiệu một số công cụ tín dụng xanh đang áp dụng tại các quốc gia trên thế giới, qua đó đề xuất một số công cụ tín dụng xanh phù hợp nhằm nâng cao khả năng thu hút vốn cho TCX tại Việt Nam.

Từ khóa: tài chính xanh, công cụ, tín dụng.

1. Đặt vấn đề

TCX đang bao phủ khắp toàn cầu và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Các công cụ thu nhập cố định được dán nhãn xanh đã được công nhận trên phạm vi toàn cầu là phương pháp hiệu quả để định hướng vốn đầu tư vào các hoạt động giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như các dự án bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Song song với sự phát triển của TCX là sự phát triển và tăng trưởng của các công cụ tín dụng đầy sáng tạo thu hút được mức độ quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư như các khoản vay và trái phiếu xanh, khoản vay và trái phiếu xã hội, khoản vay và trái phiếu ESG, khoản vay và trái phiếu bền vững và các sản phẩm chỉ số xanh.

Hiện nay, ở Việt Nam đang thí điểm phát hành trái phiếu xanh thu hút vốn cho các dự án xanh và triển khai tín dụng xanh tại các ngân hàng. Tuy nhiên, để ngày càng thu hút được vốn đầu tư cho TCX nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu,  Việt Nam cần thúc đẩy phát hành thêm các công cụ tài chính ngoài trái phiếu xanh. Bài nghiên cứu này được thực hiện nhằm nhận định sự phát triển của TCX tại Việt Nam, cũng như đề xuất một số công cụ TCX để nâng cao khả năng thu hút vốn cho TCX.

2. Sự phát triển của TCX tại Việt Nam

TCX đang phát triển tại Việt Nam với tốc độ nhanh và là một động lực thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh tế vượt bậc. Điều này sẽ góp phần tạo ra tiềm năng vốn cho đầu tư vào các lĩnh vực, dự án đầu tư xanh vốn nhận được ít sự quan tâm tư các nhà đầu tư hơn so với các lĩnh vực khác. Hiện nay, Việt Nam đã khai thác công cụ nợ xanh là trái phiếu địa phương xanh các công cụ vốn chủ sở hữu, được hỗ trợ theo các cơ chế tăng cường tín dụng và các phương pháp chia sẻ rủi ro khác. Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đã bước đầu triển khai một số loại hình tín dụng xanh. Tuy nhiên, các công cụ này vẫn còn ít dẫn tới sự thu hút đối với các nhà đầu tư cũng một phần do các nhà đầu tư có rất ít sự lựa chọn trong việc đầu tư vào công cụ phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tối đa.

TCX đang phát triển tại Việt Nam với lộ trình đã được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Trong tương lai, việc thúc đẩy đầu tư bền vững sẽ chủ yếu phủ thuộc vào cam kết của Chính phủ Việt Nam về vấn đề xanh hóa nền kinh tế. Bất kỳ chính sách nào khuyến khích đầu tư công vào cơ sở hạ tầng xanh cũng đều có thể đưa Việt Nam tiến theo lộ trình phát triển bền vững trong dài hạn - gửi một tín hiệu quan trọng tới thị trường và tạo cho đất nước cơ hội tiếp cận vốn mới.

Năm 2012, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt mở rộng “Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh” thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế hiệu quả và bền vững, hỗ trợ thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Năm 2020, Chính phủ và các Bộ liên quan có thể dựa vào tầm nhìn này thiết lập khung TCX và phát triển các công cụ TCX nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh.

Gần 30 tỉnh (thành phố) tại Việt Nam đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, do chính quyền cấp tỉnh sẽ trở thành nhân tố then chốt trong việc tạo điều kiện cho đầu tư xanh khi triển khai các chính sách về biến đổi khí hậu theo hướng phi tập trung. Chính quyền cấp tỉnh có thể cho phép đầu tư xanh vào các lĩnh vực hạ tầng xanh, giao thông công cộng, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng thông qua các ưu đãi thuế, cũng như các quy định và tổ chức thể chế hiệu quả. Điều này có thể thực hiện dưới hình thức đối tác công tư, với khả năng gỡ bỏ gánh nặng tài chính địa phương và tài chính nhà nước. Điều này cũng có thể được thực hiện thông qua việc phát hành trái phiếu xanh của chính quyền địa phương. 

3. Tình hình phát hành các công cụ của thị trường TCX tại Việt Nam

Tại Việt Nam hiện nay, công cụ chủ yếu của TCX được sử dụng là trái phiếu xanh. Theo quy định được ban hành bởi Chính phủ, trái phiếu xanh gồm 3 loại: trái phiếu doanh nghiệp xanh, trái phiếu chính phủ xanh và trái phiếu chính quyền địa phương xanh.

Tính đến nay, việc phát hành chính thức trái phiếu doanh nghiệp xanh tại Việt Nam vẫn chưa được thực hiện do thiếu khung pháp lý phù hợp hỗ trợ phát hành loại trái phiếu này. Tuy nhiên, với sự ra đời của Nghị định 163 và thị trường tài chính đang tăng trưởng tại Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp xanh dự kiến sẽ sớm có mặt trên thị trường trái phiếu Việt Nam.

Đối với trái phiếu chính quyền địa phương xanh, vào tháng 2/2016, Việt Nam đã thí điểm phát hành tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Bà Rịa - Vũng Tàu có mệnh giá bằng đồng Việt Nam đầu tiên, được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Đợt phát hành này là kết quả của chương trình thí điểm giữa Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nhằm chuẩn bị thị trường cho những đợt phát hành trong tương lai. Tính đến nay, tổng giá trị trái phiếu xanh được phát hành tại Việt Nam đã đạt 27 triệu USD và con số này có tiềm năng tiếp tục tăng lên. Các đơn vị phát hành là chính quyền địa phương mở ra thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam và cho đến thời điểm hiện tại là các cơ quan chính quyền địa phương duy nhất phát hành trái phiếu xanh trong thị trường ASEAN. Các đơn vị phát hành tiềm năng trong khu vực nhà nước, ví dụ như Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam có thể hỗ trợ chiến lược Tăng trưởng Xanh Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia bằng cách tăng cường khuyến khích đầu tư xanh.

Đối với trái phiếu chính phủ xanh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội quan trọng để phát hành loại trái phiếu này. Đây là loại trái phiếu có thể tài trợ cho hàng loạt dự án hạ tầng, bao gồm cả các loại dự án đang triển khai đã được tài trợ bằng trái phiếu chính phủ Việt Nam. Mục đích sử dụng nguồn thu có thể là dùng cho một lọai hạ tầng duy nhất hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau.

4. Các công cụ của TCX và ví dụ áp dụng tại các quốc gia trên thế giới

Dưới đây là một số công cụ nợ xanh và công cụ vốn xanh đang được áp dụng tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, qua đó, Việt Nam có thể cân nhắc lựa chọn thêm các công cụ để tăng thêm sức hấp dẫn cho thị trường TCX.

4.1. Các công cụ nợ xanh

- Trái phiếu siêu quốc gia và chính phủ xanh: Là số tiền thu được được phân bổ cho các dự án và tài sản được chỉ định. Chứng khoán nợ có xếp hạng tín dụng của quốc gia phát hành.

Ví dụ: Cộng hòa Indonesia đã phát hành một trái phiếu (sukuk) chính phủ xanh kỳ hạn 5 năm, trị giá 1,25 tỷ USD vào năm 2018 để tài trợ cho các dự án đủ điều kiện thuộc một loạt các lĩnh vực năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, thích ứng, giao thông, công trình xanh,…

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng ở Việt Nam.

- Trái phiếu xanh của chính quyền địa phương: Là số tiền thu được, được phân bổ cho các dự án và tài sản được chỉ định trong khu vực tài trợ. Xếp hạng tín dụng dựa trên xếp hạng tín dụng của thành phố phát hành và chất lượng tín dụng của các tài sản liên quan đến chứng khoán.

Ví dụ: Tháng 9/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Việt Nam) đã tung ra thị trường trái phiếu xanh kỳ hạn 5 năm trị giá 80 tỷ đồng để tài trợ cho một dự án quản lý tài nguyên nước. Cũng năm 2016, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hành trái phiếu xanh kỳ hạn 15 năm, trị giá 523,5 tỷ đồng phân bổ cho 11 dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng nước và thích ứng.

- Trái phiếu xanh cho nghĩa vụ chung: Là số tiền thu được được phân bổ cho các dự án và tài sản được chỉ định trong khu vực tài trợ. Do trái phiếu xanh được bảo đảm bằng tài sản trong bảng cân đối kế toán, trái phiếu sẽ có xếp hạng tín dụng của đơn vị phát hành.

Ví dụ: Ngân hàng Phát triển nhà nước Singapore, DBS Group đã phát hành một trái phiếu xanh 500 triệu USD kỳ hạn 5 năm vào tháng 7/2017. Số tiền thu được sẽ được phân bổ cho các công trình xanh, giao thông, năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, chất thải và thích ứng.

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng ở Việt Nam.

- Trái phiếu doanh thu xanh: Là số tiền thu được phân bổ cho các dự án và tài sản được chỉ định. Do trái phiếu xanh được đảm bảo ít nhất là một phần bởi dòng doanh thu của đơn vị phát hành, trái phiếu có xếp hạng tín dụng của đơn vị phát hành.

Ví dụ: Vào năm 2014, Bang Hawaii (Mỹ) phát hành GEMS 2014-1, một giao dịch thỏa thuận chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (ABS) được bảo đảm bằng phí cơ sở hạ tầng xanh được thu bởi ba công ty cấp điện nhà nước thông qua hóa đơn tiền điện.

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng ở Việt Nam.

- Tài chính xanh: Là chứng khoán nợ được đảm bảo bằng một nhóm tài sản liên quan đến chứng khoán. Tiền thu được chỉ phân bổ cho các dự án và tài sản có tên trong giấy chứng nhận. Rủi ro tín dụng phụ thuộc vào rủi ro tài sản.

Ví dụ: Ngân hàng Quốc gia Úc đã phát hành 200 triệu AUD tín phiếu có bảo đảm để tái tài trợ cho tài sản điện mặt trời và điện gió vào tháng 6 năm 2018. Cấu trúc này được đảm bảo bằng khoản vay của các đơn vị phát triển năng lượng tái tạo tại Úc.

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng tại Việt Nam.

- Chứng khoán hóa xanh các đợt phát hành xanh trong các giao dịch chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (ABS) và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp: Là chứng khoán nợ được đảm bảo bằng một nhóm tài sản liên quan đến chứng khoán. Tiền thu được chỉ phân bổ cho các dự án và tài sản có tên trong giấy chứng nhận. Rủi ro tín dụng phụ thuộc vào rủi ro tài sản

Ví dụ: Flexigroup (Úc) đã thực hiện 3 giao dịch thỏa thuận ABS có các đợt phát hành xanh để tài trợ mái nhà năng lượng mặt trời. Giao dịch thỏa thuận của Flexigroup cũng có các ghi chú B. Harvest Capital (Trung Quốc) phát hành chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp bất động sản thương mại (CMBS) xanh được bảo đảm bằng tòa nhà văn phòng đạt chứng nhận vàng của chương trình LEED.    

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng ở Việt Nam.

- Trái phiếu chuyển đổi xanh: Là số tiền thu được chỉ phân bổ cho các dự án và tài sản được chỉ định. Trái phiếu có thể được chuyển đổi thành lượng cổ phiếu phổ thông được xác định từ trước của công ty. Trái phiếu sẽ có xếp hạng tín dụng của đơn vị phát hành.

Ví dụ: Sumitomo Forestry Co., LTD có trụ sở tại Nhật Bản đã phát hành trái phiếu chuyển đổi xanh đầu tiên vào tháng 9/2018 để tài trợ cho việc mua lại 30.000 ha đất rừng trồng đạt chứng nhận FSC ở Nelson, New Zealand. Quyền mua lại Cổ phiếu cung cấp cho trái chủ quyền chọn mua cổ phiếu phổ thông của công ty.

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng ở Việt Nam.

- Trái phiếu dự án xanh: Là số tiền thu được được phân bổ cho các dự án và tài sản được chỉ định. Xếp hạng tín dụng dựa trên chất lượng của các tài sản xanh đang bảo đảm và dòng lợi nhuận của dự án liên quan đến chứng khoán.

Ví dụ: Vào tháng 2/2016, AP Renewables (Philippines) trở thành đơn vị phát hành trái phiếu xanh đầu tiên của khu vực với một trái phiếu xanh trị giá 10,7 tỷ peso (226 triệu USD), được chứng nhận theo Tiêu chí Địa nhiệt của Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu. Trái phiếu dự án đã tài trợ cho công tác cải tạo Dự án Năng lượng Địa nhiệt Tiwi - Makban.

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng ở Việt Nam.

- Trái phiếu phát hành riêng lẻ: Là trái phiếu xanh được phát hành trực tiếp cho các nhà đầu tư. Nội dung chi tiết về giao dịch có thể được giữ bí mật, nhưng đơn vị phát hành dự kiến sẽ công bố chi tiết về các dự án và tài sản được chỉ định sẽ được tài trợ.

Ví dụ: Ngân hàng TMB có trụ sở tại Thái Lan đã phát hành riêng lẻ trái phiếu xanh kỳ hạn 7 năm trị giá 60 triệu USD vào tháng 6/2018 để tài trợ cho các dự án điện mặt trời, sinh khối và đốt chất thải để thu hồi năng lượng. IFC là nhà đầu tư duy nhất trong giao dịch này.

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng ở Việt Nam.

- Khoản vay xanh, khoản vay hợp vốn và hạn mức tín dụng: Cung cấp cho vay để khuyến khích phát triển thị trường trong các lĩnh vực điều chỉnh theo khí hậu phù hợp với nguyên tắc phân loại Trái phiếu khí hậu và tuân thủ các nguyên tắc Tín dụng xanh.

Ví dụ: Fraser Property Limited (Singrapore) đã phát hành khoản vay xanh kỳ hạn 5 năm trị giá 1,2 tỷ SGD (876 triệu USD) để tái tài trợ cho các khoản vay hiện có liên quan đế việc xây dựng Fraser Tower.

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng trong các dự án xanh ở Việt Nam.

- Nợ không tài sản đảm bảo và nợ có thứ tự ưu tiên thanh toán thấp: Là số tiền thu được được phân bổ cho các dự án và tài sản được chỉ định. Các khoản vốn đầu tư hỗn hợp, từ các ngân hàng phát triển đang tìm cách hỗ trợ việc đầu tư tư nhân vào khoản nợ cấp cao hoặc từ các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn.

Ví dụ: Công ty quản lý đầu tư toàn cầu AMP Capital đã cung cấp khoản tín dụng tài chính hạng 2 trị giá 245 triệu EUR cho Neoen, một công ty cung cấp năng lượng tái tạo tại Pháp. Vào tháng 5/2018, Công ty Bảo hiểm Canada Manulife Financial đã phát hành một trái phiếu bảo đảm bổ sung xanh kỳ hạn 10 năm trị giá 600 triệu CAD (464 triệu USD).

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng ở Việt Nam.

4.2. Các công cụ vốn xanh

- Quan hệ đối tác công - tư: Là hợp đồng dài hạn giữa một thực thể nhà nước và một bên tư nhân nhằm xây dựng, hỗ trợ một tài sản hoặc dịch vụ công. Bên tư nhân đảm nhận trách nhiệm quản lý các rủi ro đáng kể, thù lao gắn liền với việc thực hiện hợp đồng.

Ví dụ: Nhà máy Sử lý nước mặt sông Đuống là một dự án lớn được thực hiện thông qua quan hệ đối tác công - tư từ năm 2016. Dự án là quan hệ hợp tác giữa Công ty Cổ phần Nước AquaOne và chính quyền thành phố Hà Nội. Dự án này không được gắn nhãn riêng và giao dịch xanh. Tuy nhiên, dự án đã được EDGE chứng nhận là dự án xanh.

- Công ty liên doanh, công ty hợp danh: Là thỏa thuận kinh doanh giữa 2 hoặc nhiều bên tham gia góp vốn, sử dụng kỹ năng và nguồn lực để giành được một dự án hoặc hoạt động kinh doanh cụ thể.

Ví dụ: Công ty Xuân Cầu của Việt Nam và Công ty B. Grimm Power Public Company LTD của Thái Lan, dưới hình thức công ty liên doanh, đã đầu tư 391 triệu USD vào cụm năng lượng mặt trời Dầu Tiếng kể từ năm 2018. Thỏa thuận kinh doanh này không được gắn nhãn riêng là giao dịch xanh; tuy nhiên, giao dịch này đang tài trợ cho một dự án xanh.

- Góp vốn tư nhân, vốn đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư cổ phần chưa niêm yết: Phân bổ quỹ cho các dự án đổi mới xanh quy mô thí điểm bao gồm cả cơ sở hạ tầng xanh đủ điều kiện. Điều này giúp các đơn vị phát triển dự án và doanh nhân khởi nghiệp bảo đảm nguồn tài trợ cho các dự án xanh.

Ví dụ: Xe bus điện Vinfast là dự án xe bus điện thí điểm đầu tiên tại Việt Nam. Dự án được tài trợ 100% bởi Vingroup thông qua vốn đầu mạo hiểm. Chi phí ước tính của dự án là 43 triệu USD (Hoạt động đầu tư này không được gắn nhãn riêng là giao dịch xanh; tuy nhiên, giao dịch này đang tài trợ cho một dự án xanh).

- Nợ không tài sản đảm bảo/thứ cấp và cổ phiếu ưu đãi (cổ phiếu B): Tài trợ hỗn hợp thường là từ các ngân hàng phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế được hỗ trợ bởi thứ tự ưu tiên thanh toán thấp hơn các đợt vốn chủ sở hữu.

Ví dụ: Khoản đầu tư hạng hai trị giá 37 triệu GBP của AMP Capital trong khoảng cấp vốn 247 triệu GBP cho các công viện điện mặt trời tại Vương Quốc Anh.

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng ở Việt Nam.

- Công ty con/công ty tài trợ dự án/Yield Co: Sử dụng tiền thu được để tài trợ cho danh mục dự án xanh (ngoài bảng cân đối kế toán). Phương tiện giao dịch tư nhân hoặc công khai bao gồm các nhóm tài sản xanh tạo tiền mặt dài hạn, có thể có lợi thế về thuế.

Ví dụ: City Developments Limited (CDL) đã phát hành Trái phiếu Khí hậu đạt chứng nhận cấp có bảo đảm trị giá 100 triệu SGD (71 triệu USD) vào tháng 4 năm 2017 thông qua công ty con thuộc sở hữu toàn bộ CDL Properties LTD để tài trợ khoản vay liên công ty cho CDLP cung cấp cho CDLP liên quan đến Republic Plaza.

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng trong các dự án xanh ở Việt Nam.

- Ủy thác đầu tư: Là sử dụng tiền thu được để tài trợ cho danh mục các dự án xanh. Phương tiện giao dịch công khai bao gồm các nhóm tài sản xanh tạo tiền mặt dài hạn, có thể có lợi thế về thuế.

Ví dụ: Công ty Ủy thác đầu tư Hanno Armstrong của Mỹ đã phát hành ABS trị giá 100 triệu USD đầu tiên vào 2013. Giao dịch thỏa thận được bảo đảm bằng các khoản phải thu từ cho thuê ruộng đất của 78 trang trại điện mặt trời và điện gió.

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng trong các dự án xanh ở Việt Nam.

- Cơ sở hạ tầng/quỹ đầu tư bất động sản: Là quỹ đầu tư trực tiếp vào các dự án cơ sở hạ tầng được chỉ định. Các quỹ có thể có cơ cấu tài trợ hỗn hợp bằng cả đầu tư trực tiếp vào tài sản và thông qua đặt mua chứng khoán nợ.

Ví dụ: Glennmont Partners là một công ty quản lý quỹ có trụ sở tại châu Âu tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Vào tháng 10 năm 2017, quỹ đã hoàn thành các khoản tái cấp vốn trị giá 190 triệu USD cho một danh mục đầu tư gồm các tuabin gió đang hoạt động tại Sicily và Puglia, Ý.

→ Tuy nhiên, công cụ này chưa được sử dụng trong các dự án xanh tại Việt Nam.

5. Kết luận

TCX sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, cũng như thu hút sự đầu tư của các nhà đầu tư muốn tham gia vào lĩnh vực đầu tư xanh. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam mới có rất ít công cụ nhằm huy động vốn, làm giảm sự thu hút của các nhà đầu tư. Do đó, Chính phủ cần tiến hành tính toán và cân nhắc đưa ra thị trường thêm các loại công cụ để vừa đảm bảo tính đa dạng, khả năng cạnh tranh và khả năng thu hút vốn của các nhà đầu tư. Các công cụ nợ xanh mà Việt Nam có thể triển khai trong thời gian sắp tới là: trái phiếu chính phủ xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh, trái phiếu doanh thu xanh, trái phiếu dự án xanh,… Bên cạnh đó, Chính phủ có thể cân nhắc triển khai một số công cụ vốn xanh là: công ty con/công ty tài trợ dự án, ủy thác đầu tư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2015). Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
  2. Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
  3. Chính phủ (2014). Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.
  4. Kristiane Davidson, Phi Thị Minh Nguyệt, Nabilla Gunawan (2019). Báo cáo Cơ hội đầu tư xanh ở Việt Nam. Climate Bonds Intiative.
  5. Lại Thị Thanh Loan (2019). Thị trường tài chính xanh tại Việt Nam: Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và giải pháp. Truy cập tại https://thitruongtaichinhtiente.vn/thi-truong-tai-chinh-xanh-tai-viet-nam-thuc-trang-kinh-nghiem-quoc-te-va-giai-phap-25485.html
  6. Phan Thị Hoàng Yến, Trần Thị Châu (2020). Đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Truy cập tại https://thitruongtaichinhtiente.vn/day-manh-hoat-dong-tin-dung-xanh-tai-cac-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam-36044.html

INSTRUMENTS OF GREEN FINANCE

• Master. DUONG THI THANH TAN

Department of Finance - Accounting

Faculty of Economics and Business Administration

Vietnam National Forestry University 

ABSTRACT:

Green finance has become a popular global trend  in attracting investment capital into activities that reduce impacts of climate change. Green finance can only maximize its effectiveness in attracting capital from investors when innovative credit instruments are developed to attract investors. Currently, green finance in Vietnam has some shortcomings, lowering the effectiveness of this financial tool in attracting capital. This study introduces some green finance instruments which are applied in some countries, thereby making some recommendations for Vietnam to develop suitable green finance instruments in order to better attract capital for the countrys green development.

Keywords: green finance, tool, credit.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]