Các hình thức của lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và ảnh hưởng đối với mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015

Đề tài Các hình thức của lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và ảnh hưởng đối với mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 do Lê Quang Huy (Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 đã lược bỏ đi yếu tố lỗi là yếu tố quy định làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vậy, một người dù có lỗi hay không có lỗi trong việc phát sinh thiệt hại đều sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho bên bị thiệt hại. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu các hình thức của lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và ảnh hưởng của các hình thức đó đối với mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Từ khóa: bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Bộ luật Dân sự,…

1. Đặt vấn đề

Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, của xã hội, những hiện tượng tiêu cực xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, các các nhân trong xã hội ngày càng nhiều. Đó không chỉ dừng ở những hành vi vi phạm thỏa thuận giữa các bên đã giao kết mà còn là hành vi xâm phạm đến tính mạnh, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân không có những giao kết nào với nhau mà dẫn đến những thiệt hại thực tế xảy ra. Vấn đề đặt ra là khi không có những giao kết, những điều khoản ngay từ đầu như vậy, khi thiệt hại thực tế xảy ra thì phải xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và ai là người sẽ phải có trách nhiệm đó? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được giải quyết phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật cũng như bảo đảm được sự công bằng không chỉ cho người phải nhận thiệt hại mà với cả những người gây ra thiệt hại. Khác với việc giải quyết tranh chấp khi hai bên đã có những giao kết, những điều khoản nhất định từ trước, giải quyết việc bồi thường thiệt hại khi hai bên không có giao kết (hợp đồng) luôn gặp nhiều khó khăn về sự hợp tác của các bên do không xuất phát từ sự vi phạm nghĩa vụ được các bên thiết lập từ trước. Đến lúc này, rất nhiều các chủ thể theo bản năng vẫn đưa yếu tố "lỗi" để giải thích, biện mạnh nhằm hạn chế những trách nhiệm pháp lý mà mình phải chịu.

2. Hình thức của yếu tố lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Hình thức của yếu tố lỗi được quy định tại Điều 364 BLDS 2015 như sau "Lỗi trong trách nhiệm dân sự bao gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được."

Như vậy, khi xem xét về hình thức lỗi này trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, có thể xem xét ở các khía cạnh chủ quan và khách quan.

2.1. Lỗi cố ý

Thứ nhất, về mặt khách quan

Quy định trên đã dự liệu trường hợp người gây thiệt hại nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn cố thực hiện, cho dù người đó mong muốn hoặc không mong muốn nhưng chỉ cần có thái độ để mặc cho hậu quả xảy ra thì người đó vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Thứ hai, về mặt chủ quan

Về lý trí: Chủ thể nhận thức được rõ tính chất gây thiệt hại của hành vi mà mình sẽ thực hiện và hậu quả thiệt hại chắc chắn hoặc có thể xảy ra nhưng vẫn quyết định lựa chọn cách xử sự đó. Nhận thức rõ được tính chất gây thiệt hại của hành vi, thấy trước hậu quả của hành vi đó nghĩa là khi thực hiện hành vi đó, chủ thể biết được hành vi của mình có hại cho xã hội và đi ngược lại với lợi ích, những chuẩn mực của cộng đồng nhưng vẫn làm.

Về ý chí: Chủ thể mong muốn hoặc không mong muốn với hậu quả đã xảy ra những vẫn chấp nhận và điều khiển hành vi trái pháp luật của mình. Nếu người đó mong muốn hậu quả xảy ra từ việc thực hiện hành vi đó thì đó là lỗi cố ý trực tiếp. Nếu người đó không mong muốn hậu quả xảy ra, tuy nhiên vẫn để mặc cho thiệt hại xảy ra thì lỗi của họ là lỗi cố ý gián tiếp.

2.2. Lỗi vô ý

Lỗi vô ý là trong trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại, tuy nhiên lại cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Theo đó, khi chủ thể bị coi là có lỗi vô ý thì chủ thể đó sẽ thường rơi vào hai trường hợp sau:

Trường hợp đầu tiên, chủ thể đó có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Thứ nhất, về mặt khách quan

Chủ thể trên có thể đã dự liệu rằng cách xử sự của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng chủ thể lại loại trừ khả năng đó trong khi chủ thể có đầy đủ khả năng khách quan và chủ quan để quyết định và thực hiện một xử sự không gây thiệt hại. Tính gây thiệt hại cho xã hội được chủ thể nhận thức một cách chung chung, chưa mang tính cụ thể, nên tin là hậu quả đó sẽ không xảy ra, hoặc nếu có xảy ra vẫn có thể bị ngăn chặn kịp thời.

Thứ hai, về mặt chủ quan:

(i) Về lý trí, chủ thể gây thiệt hại nhận thức được hậu quả có thể xảy ra, hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại. Nhìn thấy trước hậu quả gây thiệt hại cho xã hội có thể xảy ra cũng có nghĩa là chủ thể nhận thức được tính chất gây nguy hại cho xã hội của chính hành vi mình thực hiện. Tuy nhiên, nhận thức này khá mơ hồ, vì đứng trước 2 khả năng: hậu quả có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra, chủ thể lại lựa chọn tin vào khả năng hậu quả sẽ không xảy ra, hoặc xảy ra thì cũng có thể kịp thời ngăn chặn được nên đã quyết định các xử sự trái pháp luật.

(ii) Về ý chí, trường hợp thứ nhất, chủ thể không hề mong muốn hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho xã hội và cũng không có ý thức để mặc cho hậu quả thiệt hại xảy ra, họ có tính toán, cân nhắc và hy vọng hậu quả sẽ không xảy ra, hoặc có thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, niềm tin đó lại dựa trên những dấu hiệu không chắc chắn và không thể nhìn thấy được, nên hậu quả nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra. Khi thực hiện hành vi, họ không có điều kiện để bộc lộ ý chí, do không thấy được ý nghĩa xã hội của hành vi, tức là không thấy được việc mình làm là vi phạm và sẽ gây thiệt hại. Nghĩa là trong trường hợp này,  không thể thấy được ý chí mong muốn thiệt hại sẽ xảy ra của chủ thể hành vi.

Trường hợp thứ hai, chủ thể không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại mặc dù phải biết trước thiệt hại sẽ xảy ra.

Thứ nhất, về mặt khách quan:

Trong trường hợp này, chủ thể có hành vi gây thiệt hại đã lựa chọn xử sự mà không hề ý thức được tính chất gây thiệt hại của hành vi mà mình đã lựa chọn. Nguyên nhân của việc thiếu trách nhiệm như vậy là do cẩu thả, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu sự chú ý cần thiết, nên dù bản thân hành vi đã chứa đựng nguy cơ gây ra thiệt hại, nhưng chủ thể lại không nhận thức được, hoặc về mặt thực tế hành vi chưa mang tính chất gây thiệt hại và do thiếu sự tôn trọng thực sự đối với các mối quan hệ xã hội mà chủ thể không thấy trước được khả năng gây thiệt hại xảy ra trong thực tế. Chủ thể buộc phải suy xét một cách cẩn thận, kỹ càng tất cả các khả năng có thể dẫn đến hậu quả của hành vi trước khi thực hiện hành vi.

Thứ hai, về mặt chủ quan:

(i) Về lý trí, chủ thể gây thiệt hại không thấy trước tính chất gây thiệt hại của hành vi mà mình đã lựa chọn trong khi chủ thể có nghĩa vụ phải thấy trước điều đó.

Nghĩa vụ này tuân thủ các quy tắc an toàn chung của đời sống cộng đồng phát sinh từ địa vị pháp lý cụ thể của từng chủ thể trong xã hội. Điều đó có nghĩa là nghĩa vụ xuất phát từ tính chất nghề nghiệp, từ chức trách được giao đến nhiệm vụ và nghĩa vụ phổ biến của công dân. Với địa vị cụ thể của mình, chủ thể càng phải cẩn trọng trong từng hành vi của mình, bắt buộc phải tuân thủ các quy tắc đã được đặt ra để tránh gây thiệt hại cho xã hội. Dấu hiệu "phải thấy" là dấu hiệu để xem một người có bị coi là có lỗi trong hành vi của mình hay không.

(ii) Về mặt ý chí, cũng giống như trường hợp trên, chủ thể không có điều kiện bộc lộ ý chí của mình khi thực hiện hành vi gây thiệt hại. Chủ thể không mong muốn hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho xã hội và cũng không có ý thức để mặc cho hậu quả thiệt hại sẽ xảy ra.

Mức độ ý chí của người gây thiệt hại trên thực tế là điều khó xác định vì như đã biết, đây được xem là diễn biến nội tâm của con người. Bên cạnh đó, có những trường hợp bồi thường thiệt hại nằm ngoài ý muốn của người gây thiệt hại, dù họ có đủ khả năng để nhận thức về hậu quả của hành vi, đó là trường hợp gây thiệt hại khi phòng vệ chính đáng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015, người rơi vào trường hợp phòng vệ chính đáng là khi họ chống trả trong phạm vi cần thiết để bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức. Khi chống trả hành vi xâm phạm của người khác, người phòng vệ chính đáng có thể sẽ gây thiệt hại nằm ngoài ý muốn của họ, do đó theo quy định tại Điều 594 Bộ luật Dân sự năm 2015 về việc gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng sẽ không phải bồi thường.

3. Ảnh hưởng của hình thức lỗi đối với mức bồi thường của chủ thể trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

 3.1. Hình thức của yếu tố lỗi là căn cứ giảm mức bồi thường

Trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 được thông qua, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng ghi nhận lỗi là yếu tố được xem xét để giảm mức bồi thường cho người gây thiệt hại. Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự năm 2005, việc giảm mức bồi thường thiệt hại (nếu có) lại chỉ đặt ra đối với trường hợp người gây thiệt hại có lỗi vô ý mà không đặt ra đối với trường hợp người gây thiệt hại không có lỗi. Mặc dù vậy, trong khi thực tiễn xét xử, Tòa án lại có nhiều quyết định giảm mức bồi thường cả trong trường hợp chủ thể "không có lỗi". Quy định này mang tính nhân đạo cao, bởi trong thực tế, việc căn cứ vào mức độ lỗi và thiệt hại xảy ra so với khả năng kinh tế của người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại để giảm mức bồi thường là cần thiết.

Khắc phục những điểm bất cập đó trong Bộ luật Dân sự năm 2005, những quy định về giảm mức bồi thường thiệt hại trong quy định của Bộ luật Dân sự  năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung tương đối nhiều. Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình (khoản 2 Điều 585). Nhà làm luật cũng đã bổ sung thêm một trường hợp cần xem xét lỗi để giảm mức bồi thường, đó là trường hợp không có lỗi ngoài trường hợp có lỗi vô ý.

3.2. Hình thức của yếu tố lỗi ảnh hưởng đến mức bồi thường

Trong chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (BTTHNHĐ), nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời là một nguyên tắc quan trọng và được áp dụng xuyên suốt để bảo vệ tối đa quyền dân sự của người bị thiệt hại. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm,… phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trong trường hợp cụ thể đó, thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, từ đó bù đắp thỏa đáng cho bên bị thiệt hại. Một trong những yếu tố không thể bỏ qua đó là yếu tố lỗi của các chủ thể, lỗi để định mức bồi thường có thể là lỗi của bên gây thiệt hại và có thể là lỗi của bên bị thiệt hại.

3.2.1. Tác động từ lỗi của bên gây thiệt hại tới mức bồi thường

Về nguyên tắc, bên gây thiệt hại khi thực hiện hành vi trái pháp luật làm tổn thất cho người bị thiệt hại về mặt tài sản hay tinh thần đều phải chịu trách nhiệm bồi thường “toàn bộ”. Tuy nhiên, mức bồi thường “toàn bộ” sẽ được xác định phù hợp cả về không gian, thời gian, mức độ lỗi và khả năng kinh tế của người gây thiệt hại. Thậm chí, pháp luật dân sự cũng có quy định những trường hợp được giảm mức BTTH. Ngoài trường hợp các bên có thỏa thuận mức bồi thường trên sự tự nguyện thì pháp luật cũng có quy định trong trường hợp bên gây thiệt hại không có lỗi hoặc lỗi vô ý. Để có thể giảm mức bồi thường theo khoản 2 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015, người gây thiệt hại có đủ 2 điều kiện:

(i). Không có lỗi hoặc có lỗi vô ý mà gây thiệt hại;

(ii). Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại.

Như vậy, việc xác định người gây thiệt hại không có lỗi hoặc có lỗi vô ý sẽ góp phần giúp định mức bồi thường cho họ hợp lý hơn. Lỗi vô ý được quy định rõ là trường hợp người gây thiệt hại không nhìn thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại mặc dù họ phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại có xảy ra, nhưng họ chủ quan cho rằng thiệt hại không thể xảy ra, hoặc có thể ngăn chặn được.

3.2.2. Tác động từ lỗi của bên bị thiệt hại tới mức bồi thường

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, lỗi vẫn còn là căn cứ không thể thiếu để xác định trách nhiệm bồi thường trong nhiều trường hợp, đặc biệt là quy định về trách nhiệm bồi thường khi bên bị thiệt hại có lỗi.

Theo tinh thần của Bộ luật Dân sự năm 2015, khi bên bị thiệt hại có “đóng góp” phần lỗi dẫn đến sự việc gây thiệt hại thì đây chính là cơ sở để Tòa án xác định mức bồi thường của người gây thiệt hại. Lỗi của bên bị thiệt hại sẽ tác động đến mức bồi thường của bên gây thiệt hại ở 2 mức độ: Nếu thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại; nếu bên bị thiệt hại có lỗi một phần thì chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường sẽ được giảm mức bồi thường, không phải bồi thường phần thiệt hại do lỗi của bên bị thiệt hại.

Bên bị thiệt hại có lỗi một phần: Khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại xảy ra một phần do lỗi bên bị thiệt hại, còn một phần do lỗi của bên gây thiệt hại, như vậy, người bị thiệt hại vẫn được bồi thường phần thiệt hại không phải do lỗi của mình và họ phải chịu trách nhiệm tương ứng với mức độ lỗi của mình. Để có thể buộc bên bị thiệt hại phải chịu trách nhiệm khi họ có lỗi, vẫn cần có đủ các điều kiện để trách nhiệm BTTHNHĐ phát sinh, như: (1) có thiệt hại xảy ra; (2) có hành vi gây thiệt hại của bên bị thiệt hại; (3) hành vi gây thiệt hại của bên bị thiệt hại phải là một phần nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại. Điểm đặc biệt khi xác định trách nhiệm này là phải có phần lỗi của bên bị thiệt hại trong việc gây ra thiệt hại này.

Bên bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi: Theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, người gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đây là quy định về trường hợp miễn trách nhiệm BTTHNHĐ đối với chủ thể chịu trách nhiệm BTTHNHĐ. Điều này là hợp lý, bởi để đảm bảo nguyên tắc công bằng xã hội, khi thiệt hại thực chất xuất phát từ chính bên bị thiệt hại gây ra, họ phải tự chịu thiệt hại này, không thể bắt một chủ thể khác bồi thường.

Tuy nhiên, hiện nay, quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có quy định rõ ràng về như thế nào là “hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại”?

“Hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại” là thiệt hại xảy ra mà nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ bên bị thiệt hại, dù họ có lỗi vô ý hay cố ý. Theo đó, người gây thiệt hại phải là người hoàn toàn không có lỗi. Vì vậy, để miễn trách nhiệm BTTHNHĐ theo trường hợp này, Tòa án cần đánh giá về quan hệ nhân - quả và yếu tố lỗi của cả bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Như đã đề cập ở trên, trên thực tế khi giải quyết các vụ án, yếu tố “lỗi” của bên bị thiệt hại được đánh giá là khi người bị thiệt hại có hành vi trái pháp luật dẫn đến thiệt hại. Do vậy, để khẳng định thiệt hại hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, thì cần phải chỉ rõ chỉ tồn tại hành vi trái pháp luật, lỗi của bên bị thiệt hại và thiệt hại thực tế mà bên bị thiệt hại đang gánh chịu không phải do bên kia gây ra; hoặc nếu bên kia có gây ra, thì bên kia đã không có lỗi, hay nói đúng hơn là bên kia không có hành vi trái luật gây ra thiệt hại. Điều này không dễ dàng để chứng minh, nhất là khi Bộ luật Dân sự năm 2015 yêu cầu trách nhiệm BTTHNHĐ ngay cả khi không có lỗi của chủ thể chịu trách nhiệm hay người gây thiệt hại.

Như vậy, khi đánh giá lỗi của các bên trong trường hợp bên bị thiệt hại cũng có hành vi tác động dẫn đến thiệt hại, để có căn cứ và lập luận, cần xác định hành vi của bên bị thiệt hại là có trái pháp luật không? Hành vi đó có là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thiệt hại xảy ra hay không?

Quy định về “hoàn toàn do lỗi của bên bị hại” cũng được nhắc đến trong trường hợp BTTHNHĐ cụ thể tại điểm a khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt tại quy định này, để được miễn trách nhiệm thì cần chứng minh được rằng người bị thiệt hại phải có lỗi “cố ý” và việc xảy ra thiệt hại “hoàn toàn” do lỗi của người bị thiệt hại. Quy định này có phần khác biệt đối với nguyên tắc chung về miễn trách nhiệm BTTHNHĐ khi bên bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi, tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Như vậy, “lỗi hoàn toàn” thuộc về bên bị thiệt hại là trường hợp thiệt hại xảy ra có tác nhân duy nhất là hành vi trái pháp luật của bên bị thiệt hại hoặc nếu có những sự kiện khác gây ra thiệt hại thì tác nhân đó phải do lỗi của bên bị thiệt hại. Khi xem xét căn cứ này, không chỉ dựa trên nhận thức của bên bị thiệt hại, mà còn cần phải xem xét toàn diện các mặt, các chủ thể, các tình tiết của vụ án.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  2. Quốc hội (1995), Bộ luật Dân sự (Luật số: 44-L/CTN).
  3. Quốc hội (2005), Bộ luật Dân sự (Luật số 33/2005/QH11).
  4. Quốc hội (2015) Bộ luật Dân sự (Luật số 91/2015/QH13).
  5. Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập I, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội.
  6. Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập II, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội.

Forms of fault in non-contractual compensation liability and the impacts of these faults on the level of compensation for non-contractual damage according to the Civil Code 2015

Le Quang Huy

Hanoi Law University

Abstract:

The Civil Code 2015 has omitted the element of fault as a regulatory element as the ground for arising liability for non-contractual damages. Therefore, an individual, whether at fault or not for causing damage, will have to bear full responsibility for the aggrieved party. This paper studies the forms of fault in non-contractual compensation liability and the impacts of these faults on the level of compensation for non-contractual damage according to the Civil Code 2015.

Keywords: compensation for non-contractual damages, the Civil Code.

Tạp chí Công Thương