Các nhân tố ảnh hưởng đến việc tổ chức công tác kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành Xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh

VŨ QUỐC THÔNG (Giảng viên Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) - LÊ MINH HOÀNG (Học viên Khoa Sau đại học, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc tổ chức công tác kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong ngành Xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng cùng chiều đến việc tổ chức công tác kế toán của các DNNVV trong ngành Xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh theo thứ tự giảm dần là: Trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán (CMNV), Môi trường hệ thống pháp lý (HTPL), Sự quan tâm đến công tác kế toán của chủ doanh nghiệp (QL), Lĩnh vực hoạt động (LVHĐ), Quy mô doanh nghiệp (QMDN) và 1 nhân tố ảnh hưởng ngược chiều là Đặc điểm ngành xây dựng (NXD). Từ đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng của việc tổ chức công tác kế toán tại các DNNVV trong ngành Xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh.

Từ khóa: công tác kế toán, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành Xây dựng.

1. Đặt vấn đề

Có thể thấy trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, DNNVV là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của nhiều ngành nghề, ngành Xây dựng cũng bị tác động ảnh hưởng một cách nặng nề, các nguồn vốn ban đầu được đầu tư vào Ngành bắt đầu giảm dần vì để duy trì hoạt động được cần số lượng lớn vốn, mà các chủ đầu tư lại không thể bán ngay được các sản phẩm bất động sản nhằm thu hồi vốn hoặc tình hình thu hồi công nợ chậm hơn so với dự kiến, dẫn đến dòng tiền này không thể xoay vòng về với các doanh nghiệp ngành Xây dựng. Ngoài ra, chi phí nhân công, chi phí lãi vay ngân hàng là những chi phí chiếm tỷ trọng lớn và là những chi phí bắt buộc phải duy trì mỗi tháng. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp ngành Xây dựng nhỏ và vừa (Trần Thị Tuyết, 2021). Những khó khăn trên dẫn đến việc các DNNVV trong lĩnh vực ngành Xây dựng phải buộc đưa ra lựa chọn phương án tạm ngừng hoạt động một thời gian hoặc bàn giao lại cho các doanh nghiệp khác, khi việc triển khai các dự án hoạt động thi công đã không có đủ nguồn vốn để tiếp tục duy trì trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để có thể quản lý rõ ràng minh bạch về những rủi ro phát sinh này thì việc tổ chức công tác kế toán được coi là yếu tố quan trọng nhằm hỗ trợ quản lý các vấn đề về tài chính, chi phí trong doanh nghiệp và được coi như là xương sống cốt lõi của một doanh nghiệp. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần phải cải thiện hoạt động của các phòng ban nhằm có thể tổng hợp, kiểm tra nhân sự có trình độ chuyên môn cao để thực hiện tập hợp, kiểm tra số liệu thành một báo cáo hợp nhất có tính chất hỗ trợ đưa ra quyết định tốt nhất trong việc dự toán, tạo lợi thế trong việc cạnh tranh giữa môi trường cạnh tranh khốc liệt này.

Từ những vấn đề nêu trên, tác giả chọn nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu các nhân tố tác động đến tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành Xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh”.

2. Mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Qua lý thuyết nền và một số nghiên cứu liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

tổ chức công tác kế toán

Dựa theo mô hình đề xuất, nhóm tác giả đưa ra các giả thuyết nghiên cứu như sau:

H1: NXD tác động tiêu cực đến việc tổ chức công tác kế toán tại các DNVVN trong ngành xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh.

H2: HTPL tác động tích cực đến việc tổ chức công tác kế toán tại các DNVVN ngành xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh.

H3: QL tác động tích cực đến việc tổ chức công tác kế toán tại các DNVVN ngành xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh.

H4: CMNV tác động tích cực đến việc tổ chức công tác kế toán tại các DNVVN ngành xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh.

H5: QMDN tác động tích cực đến việc tổ chức công tác kế toán tại các DNVVN ngành xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

H6: LVHĐ tác động tích cực đến việc tổ chức công tác kế toán tại các DNVVN ngành xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Bước 1: Thu thập và tìm hiểu tài liệu lý thuyết, các nghiên cứu liên quan đến đề tài.

- Bước 2: Xây dựng mô hình, các giả thuyết nghiên cứu từ các dữ liệu thu thập được.

- Bước 3: Tiến hành nghiên cứu định tính. Thu thập dữ liệu chi tiết về đối tượng, bao gồm: định hình bảng hỏi và thang đo chính thức, phát khảo sát đến các doanh nghiệp để thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu (thống kê mô tả số liệu, đánh giá độ tin cậy của thang đo và phân tích EFA, phương pháp hồi quy đa biến).

- Bước 4: Thực hiện nghiên cứu định lượng. Thu thập dữ liệu dưới dạng số học, có tính chất thống kê, phân tích.

- Bước 5: Kết quả.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thống kê mô tả

Từ kết quả khảo sát, tác giả thu về được 206 phiếu hợp lệ trong 220 phiếu khảo sát đã được gửi đi. Kết quả thống kê mô tả cho thấy:

Về Giới tính: có 87 người trả lời là nam chiếm 42,2% và có 119 người trả lời là nữ chiếm 57,8%.

Về Chức vụ: có 42 người đang là Tổng giám đốc/Giám đốc chiếm 20,4%, có 49 người đang là Phó tổng giám đốc/Phó giám đốc chiếm 23,8%, có 77 người là Kế toán trưởng chiếm 37,4% và còn lại 32 người là kế toán viên chiếm 18,4%.

Về Loại hình công ty: có 18 người làm trong Công ty cổ phần (10,2%), 150 nhười làm trong Công ty TNHH (85,2%), 2 người làm trong doanh nghiệp tư nhân (1.13%), 6 người làm trong loại hình doanh nghiệp khác (3,47%).

Về Quy mô doanh nghiệp: Đối với doanh nghiệp nhỏ dưới 10 người chiếm 2,9%. Đối với doanh nghiệp từ 10-30 người chiếm 35%. Đối với doanh nghiệp từ 30-50 người chiếm 54,4%. Đối với những doanh nghiệp trên 50 người chiếm 7,8%.

Về Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp: Tư vấn thiết kế chiếm 10,2%; Trang trí nội thất chiếm 33,5%; Xây dựng các công trình dân dụng chiếm 49,5%; Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác chiếm 6,8%.

3.2. Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Theo Hoàng Trọng và Mộng Ngọc (2008), tiêu chuẩn chọn thang đo là khi có độ tin cậy Cronbach’s Alpha > 0.6. Đồng thời, hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đo lường cho nhân tố đạt sẽ lớn hơn 0.3 (Hair et al., 2005).

Kết quả cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của tất cả các biến đều lớn hơn chỉ số 0.6 vầ hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đo lường cho các nhân tố đều hầu hết có chỉ số lớn hơn 0,3. Nhưng ở nhân tố QMDNcó một biến quan sát, biến quan sát QMDN5 có nhỏ hơn 0.3 gây tác động dẫn đến việc hệ số Cronbach's Alpha if Item Deleted của biến đó thay đổi lớn hơn so với hệ số Cronbach's Alpha = 0.841 > 0.785. Vì vậy, tác giả kết luận, thang đo của nhân tố QMDN vẫn chưa được đạt yêu cầu về độ tin cậy. Do vậy, tiến hành loại bỏ biến quan sát (QMDN5) và chạy lại lần 2.

Bảng 1. Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha của nhân tố QMDN lần 2

tổ chức công tác kế toán

Kết quả Bảng 1 cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha = 0.841 > 0.6, đồng thời các biến quan sát còn lại đều có hệ số tương quan biến tổng > 0.3. Ngoài ra, kết quả kiểm định cho thấy tất cả các biến quan sát có hệ số Cronbach's Alpha if Item Deleted đều nhỏ hơn hệ số Cronbach's Alpha của nhóm là 0.841. Do vậy, thang đo của nhân tố QMDN tại lần chạy 2 đạt yêu cầu về độ tin cậy và thích hợp đưa vào phân tích những bước tiếp theo.

3.3. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

3.3.1. Phân tích nhân tố EFA cho các biến độc lập

Sau khi thực hiện đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, thang đo các biến quan sát còn lại trong mô hình nghiên cứu là 29 biến quan sát các nhân tố được đưa vào phân tích.

Kiểm định EFA lần 1: hệ số sig = 0,000 < 0,05 cho thấy biến quan sát có tương quan với nhau, hệ số KMO = 0,865 > 0,5 cho thấy phân tích nhân tố khám phá phù hợp.Nhưng biến LVHĐ3 có hệ số tải lên ở cả 2 nhân tố, biến HTPL2 có hệ số tải nhân tố = 0.485 bị loại do chưa đạt yêu cầu (< 0.5). Do đó, tiến hành loại 2 biến chưa đạt yêu cầu và chạy lại lần 2.

Bảng 2. Kiểm định KMO & Bartlett's các biến độc lập lần 2

tổ chức công tác kế toán

Kết quả tại Bảng 2 cho thấy hệ số KMO = 0,870 > 0,5, do vậy phân tích nhân tố là phù hợp, hệ số Sig. = 0,000 < 0,05, chứng tỏ các biến quan sát tham gia vào phân tích EFA có tương quan với nhau.

3.3.2. Phân tích hệ số tương quan

Chạy phân tích tương quan Pearson nhằm kiểm tra kỹ về mối tương quân tuyến tính giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập trong mô hình nghiên cứu. Kết quả cho thấy tất cả các giá trị sig tương quan Pearson giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc đều nhỏ hơn 0.05. Do vậy, không cần loại biến độc lập nào để đưa vào phân tích hồi quy, hay 5 biến độc lập đưa vào mô hình đều có thể giải thích cho biến phụ thuộc.

3.3.3. Phân tích hồi quy tuyến tính bội

Thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính bội để đánh giá sự tác động của các biến độc lập này lên biến phụ thuộc. Kết quả phân tích hồi quy thể hiện ở các Bảng 3.

Bảng 3. Model Summaryb

tổ chức công tác kế toán

Kết quả tại Bảng 3 cho thấy R2 hiệu chỉnh (Adjusted R Square) = 0,687 cho thấy các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy ảnh hưởng 68,7% sự thay đổi của biến phụ thuộc. Giá trị Durbin-Watson = 2.080, nằm trong khoảng 1.5 đến 2.5 nên kết quả không vi phạm giả định tự tương quan chuỗi bậc nhất (Yahua Qiao, 2011).

Kiểm định ANOVAa cho giá trị Sig của kiểm định F = 0.000 < 0.05. Do đó, mô hình hồi quy này là phù hợp.

Bảng 4. Coefficientsa

tổ chức công tác kế toán

Kết quả tại Bảng 4 cho thấy tất cả các biến độc lập đều có sig < 0.05 nên đều có ý nghĩa thống kê và tác động lên biến phụ thuộc. Hệ số phóng đại phương sai - VIF của 06 biến độc lập đều cho kết quả < 10 nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

Từ các hệ số hồi quy, phương trình hồi quy chuẩn hóa như sau:

TOCHUC = 0.379*CMNV + 0.311*HTPL + 0.144*QL + 0.128*LVHĐ + 0.115*QMDN - 0.141*NXD + e

4. Kết luận

Kết quả của bài nghiên cứu cho thấy có 5 nhân tố tác động cùng chiều đến việc tổ chức công tác kế toán tại các DNNVV ngành Xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với thứ tự giảm dần như sau: CMNV (β = 0,379), HTPL (β = 0,311), QL (β = 0,144), LVHĐ (β = 0,128), QMDN (β = 0,155) và chỉ có một nhân tố độc lập tác động nghịch chiều đối nhân tố phụ thuộc đó là nhân tố NXD (β = - 0.141).

Do vậy, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng của việc tổ chức công tác kế toán tại các DNNVV trong ngành Xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh như sau:

- Về Trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán: Để hoài hòa cân đối trong môi trường làm việc, các doanh nghiệp nên kết hợp những nhân sự có tuổi đời kinh nghiệm phong phú về thực tiễn và những nhân sự trẻ với những kiến thức chuyên môn được đào tạo trong quá trình tổ chức công tác kế toán. Từ đó, tạo điều kiện cho nhân tố “trình độ chuyên của nhân viên kế toán” tác động đến việc tổ chức công tác kế toán một cách hiệu quả nhất.

- Về Môi trường hệ thống pháp lý: Để DNNVV hoạt động được thuận lợi, hiệu quả và tăng cường khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần xây dựng và áp dựng bộ chuẩn mực kế toán áp dụng cho DNNVV ở Việt Nam, dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế dành cho DNNVV nhưng không tách rời và không mâu thuẫn với các chuẩn mực kế toán đang áp dụng, dựa trên kết quả nghiên cứu từ các chuẩn mực kế toán này, chọn lọc và kế thừa những nội dung phù hợp với đặc điểm về quy mô và hoạt động của DNNVV.

- Về Sự quan tâm đến công tác kế toán của chủ doanh nghiệp: Các nhà quản lý - chủ doanh nghiệp cần thường xuyên hỗ trợ nhân viên kế toán tham gia vào các khóa đào tạo và bồi dưỡng kiến thức kế toán, cũng như có kế hoạch đào tạo kiến thức cho nhà quản lý - chủ doanh nghiệp trong việc đưa ra các nhận định và chính sách phù hợp cho doanh nghiệp, phải có chiến lược xây dựng đội ngũ nhân viên được đào tạo đầy đủ năng lực và đạo đức đối với hành nghề kế toán đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Cùng với đó, mỗi một bản thân nhà quản lý - chủ doanh nghiệp phải ý thức được kế toán là một kênh thông tin hữu ích, từ đó không ngừng học hỏi, nâng cao sự hiểu về kế toán tài chính, biết cách đưa kế toán trở thành một công cụ đắc lực giúp thuận lợi hơn trong việc quản lý tại doanh nghiệp.

- Về Lĩnh vực hoạt động: Cần phải đánh giá rõ ràng, kỹ lưỡng hơn về các tiêu chí đối với “lĩnh vực hoạt động” của DN, đặc biệt đối với các DNVVN, gồm: Thứ tự “lĩnh vực hoạt động” thường xuyên nhất; Thứ tự “lĩnh vực hoạt động” mang lại doanh thu cao nhất; Thứ tự “lĩnh vực hoạt động” sử dụng chi phí nhiều nhất; Độ phức tạp về việc tổng hợp số liệu của từng “lĩnh vực hoạt động”. Từ đó, sẽ giúp doanh nghiệp quyết định chính sách hỗ trợ tốt nhất, phù hợp với quy mô, phạm vi của DNVVN, cũng như doanh nghiệp hiểu rõ về tầm quan trọng của mức độ am hiểu, kiến thức thực tiễn của các nhân viên khi tổ chức công tác kế toán tại các DNVVN trong ngành Xây dựng.

- Về Quy mô doanh nghiệp: Do ảnh hưởng của nhiều vấn đề phát sinh ở nhiều yếu tố khác nhau trong quá trình hoạt động (như: ảnh hưởng từ môi trường, điều kiện khắc nghiệt từ các dự án), các doanh nghiệp càng phải đòi hỏi một quy trình quản lý phức tạp, rõ ràng để có thể đảm bảo được nguồn vốn được phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả. QMDN càng phát triển thì việc tổ chức công tác kế toán ngày càng quan trọng, các nhà quản lý - chủ doanh nghiệp càng phải nhanh chóng triển khai, đưa ra những chính sách dựa trên chế độ kế toán sao cho có thể triển khai việc tổ chức công tác kế toán một cách phù hợp dựa trên quy mô mà doanh nghiệp phát triển theo thời gian. Ngoài ra, các doanh nghiệp khi tận dụng nhân tố quy mô sẽ có thể khai thác được yếu tố nguồn nhân lực cả bên trong và ngoài doanh nghiệp, có trình độ kiến thức chuyên môn và am hiểu về việc tổ chức cũng như vận hành quản lý công tác kế toán và nội bộ công ty.

- Cuối cùng là Đặc điểm ngành Xây dựng: doanh nghiệp không thể thay đổi sự tác động của đặc điểm ngành Xây dựng, mà chỉ có thể dùng một số biện pháp để cải thiện làm giảm sự tác động của yếu tố này, như: trong quá trình thi công cần tổ chức quản lý lao động, vật tư chặt chẽ, đảm bảo thi công nhanh, đúng tiến độ khi điều kiện môi trường thời tiết thuận lợi.

* Nội dung bài hội thảo công bố dựa trên kết quả nghiên cứu thuộc đề tài luận văn của học viên Lê Minh Hoàng, khoa Sau Đại học, Trường Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) TP. Hồ Chí Minh. Đề tài được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Giảng viên Vũ Quốc Thông, khoa KT-KT, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

  1. Nguyễn Thị Huyền Trâm (2007). Tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  2. Huỳnh Thu Minh Thư (2012). Xây dựng mô hình tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở tỉnh Phú Yên. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  3. Huỳnh Nguyễn Thanh Trúc (2015). Đánh giá các nhân tố tác động đến tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành Xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sĩ Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
  4. Phan Thanh Huyền (2018). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chứccông tác kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Trà Vinh. Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
  5. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc. (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Hà Nội: Nhà xuất bản Hồng Đức.

Tiếng Anh

  1. Williams, P. F. and Ravenscroft, S. P. (2015). Rethinking decision usefulness. Contemporary Accounting Research Journal, 32(2), 763-788.
  2. Michael Chidiebere Ekwe & Chigozie Kenneth Abuka (2014). Accounting skills for sustainable development of small and medium scale enterprises in Taraba state of Nigeria. International Journal of Education Learning and Development, 2(2), 39-49.
  3. Mariana Gurau. (2014). Three types of accounting policies reflected in financial statements: case study for Romania. Global Economic Observer, 2(1), 209-221.

FACTORS AFFECTING THE ORGANIZATION OF ACCOUNTING

WORKS OF SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES IN THE

 CONSTRUCTION INDUSTRY IN HO CHI MINH CITY

• VU QUOC THONG1

• LE MINH HOANG2

1Lecturer, Faculty of Accounting - Auditing, Ho Chi Minh City Open University

2Student, Graduate School, Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

This study explores the factors affecting the organization of accounting works of small and medium-sized enterprises (SMEs) in the construction industry in Ho Chi Minh City. This study finds out that there are five factors affecting the the organization of accounting works of these SMEs. These factors listed in the descending order of impacting level are: professional qualifications of accountants, legal environment and framework, attention of business owners for accounting works, business sector, business size. In addition, the characteristics of the construction industry has negative correlation with the organization of accounting works of SMEs in the construction industry. Based on the study’s findings, some recommendations are made to improve the quality of ccounting work organization of SMEs in the construction industry in Ho Chi Minh City.

Keywords: accounting work, small and medium-sized enterprises, construction industry.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 12 năm 2022]