Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán nhằm nâng cao chất lượng thông tin kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Đồng Nai

ThS. LÝ THỊ THU HIỀN (Giảng viên Trường Đại học Lạc Hồng ), NGUYỄN THỊ MỸ TRINH - PHAN THỊ NHƯ Ý (Sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng)

TÓM TẮT:

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, yêu cầu và nhiệm vụ cung cấp thông tin kế toán cho các nhà quản lý đòi hỏi ngày càng đa dạng, phong phú để đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý và điều hành đạt hiệu quả cao. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại tỉnh Đồng Nai mặc dù đã quan tâm đến hệ thống tổ chức và các công cụ quản lý, trong đó có hệ thống kế toán nhưng vẫn chưa thực sự phù hợp. Bài viết nghiên cứu về tổ chức công tác kế toán nhằm nâng cao chất lượng thông tin kế toán tại các DNNVV tại tỉnh Đồng Nai.

Từ khóa: tổ chức công tác kế toán, chất lượng thông tin kế toán, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

1. Đặc điểm và quy mô hoạt động các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai nằm trong tam giác phát triển gồm: Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. Nhờ vị trí cửa ngõ, Đồng Nai trở thành đầu mối giao thông quan trọng của toàn khu vực phía Nam. Đồng Nai có nhiều cụm công nghiệp nghề truyền thống, hơn 32 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đi vào hoạt động như Long Thành, An Phước, Nhơn Trạch II, Biên Hòa II, Amata,... và 36 cụm công nghiệp với quy mô hơn 55.000 ha.

Đến nay, Đồng Nai có trên 38.000 doanh nghiệp (DN), trong đó DNNVV chiếm trên 86%. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN nói chung, DNNVV nói riêng càng gặp nhiều khó khăn. Để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN, UBND Tỉnh đang xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV đến năm 2025.

2. Thực trạng về tổ chức công tác kế toán các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Tổ chức bộ máy kế toán và nhân sự kế toán trong DNNVV

Phần lớn các DNNVV đều tổ chức bộ máy kế toán theo hình thức tập trung (chiếm 91,1%), một số ít DN sử dụng vừa tập trung vừa phân tán (có chi nhánh và đơn vị trực thuộc).

Nhân viên kế toán được đào tạo đúng chuyên ngành và có chuyên môn nghiệp vụ, đa số có trình độ cao đẳng trở lên. Tuy nhiên, cũng có một số DNNVV mang tính chất gia đình nên không ít kế toán viên là người thân trong gia đình, công việc kế toán chỉ mang tính chất đối phó.

  • Tổ chức hệ thống chứng từ kế toán và quy trình luân chuyển chứng từ

Hầu hết các DNNVV được khảo sát đều tuân thủ tính pháp lý đối với chứng từ kế toán như: Tất cả các chứng từ được kiểm tra nội dung và xác minh tính pháp lý trước khi ghi sổ, các chứng từ vi phạm chính sách, chế độ hoặc lập không đúng thủ tục, nội dung và chữ số không rõ ràng bị từ chối thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại DNNVV chưa thực hiện tốt kiểm soát nội bộ ở khâu chứng từ như:

- Một số thủ tục liên quan đến việc khảo sát mẫu chữ ký chưa được coi trọng. Có 36,5% các DN được khảo sát có mở sổ đăng ký mẫu chữ ký.

- Có 74,9% DN chưa xây dựng quy trình luân chuyển chứng từ, nguyên nhân là do hoạt động tại các DN tương đối đơn giản, ít nghiệp vụ, phần lớn là kế toán thuê dịch vụ ngoài nên việc xét duyệt, quy trình luân chuyển chứng từ chủ yếu thông qua chủ DN.

  • Tổ chức hệ thống tài khoản kế toán và ghi chép xử lý các giao dịch

Đa số các DN được khảo sát trả lời hệ thống tài khoản kế toán đều không tích hợp với hệ thống kế toán quản trị.

Có 59,6% DN sử dụng tài khoản kế toán có tối đa là 5 chữ số (chủ yếu là DN vừa) cho thấy, việc tích hợp thông tin của hệ thống tài khoản chỉ tạo được những báo cáo quản trị ở cấp độ khá, và mang tính hình thức, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản trị của DN.

  • Tổ chức lựa chọn hình thức kế toán và tổ chức hệ thống sổ kế toán

Đa số các DN lựa chọn hình thức kế toán là hình thức Nhật ký - Sổ cái và hình thức nhật kí chung, có 13,3% DN tự thiết kế theo yêu cầu quản lý, 3,94% DN lựa chọn hình thức kế toán trên máy vi tính, 1,48% DN lựa chọn hình thức Chứng từ ghi sổ, không thấy DN nào trong mẫu khảo sát lựa chọn hình thức Nhật ký chứng từ.

Có đến 98% DN có nhu cầu mở thêm các sổ sách ngoài doanh mục và chủ yếu là các sổ chi tiết để theo dõi chi tiết các đối tượng kế toán, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý của DN.

  • Tổ chức hệ thống báo cáo tài chính

Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các DNNVV được khảo sát đều không lập báo cáo để phục vụ cho yêu cầu quản trị và chưa phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu kinh tế, tài chính trên báo cáo tài chính (BCTC).

Các DN thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tổ chức hệ thống báo cáo và trình bày các chỉ tiêu kinh tế, tài chính phản ánh trên BCTC. Tuy nhiên thông tin trên báo cáo tài chính chưa cụ thể, thiếu tin cậy và minh bạch.

Hiện nay, báo cáo kế toán quản trị trong các DN không được quan tâm và chú trọng, chỉ có 19,2% DN chú trọng cũng như quan tâm đến và có đến 29,6% DN không chú trọng đến Báo cáo kế toán quản trị.

  • Tổ chức lưu trữ tài liệu, chứng từ và hệ thống sổ sách kế toán

Phần lớn các DN đều lưu trữ tài liệu, chứng từ kế toán theo hình thức Chứng từ điện tử và Hồ sơ chứng từ giấy (97%). Nhưng số lượng DN sử dụng hồ sơ chứng từ giấy không nhiều. Điều này cho thấy hồ sơ chứng từ giấy đã không còn phù hợp và dần bị loại bỏ.

  • Tổ chức kiểm tra kế toán

Theo kết quả khảo sát, với tỷ lệ 28,1% DN chưa thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ cho thấy công tác tổ chức kiểm tra kế toán chưa được chú trọng. Vì quy mô DN hoạt động trên địa bàn tương đối nhỏ nên giám đốc có thể quản lý trực tiếp cấp dưới, chỉ có 15,8% DN bao gồm DN vừa và DN nhỏ có quy mô tương đối rộng thì có việc kiểm tra, đối chiếu lẫn nhau giữa các bộ phận.

  • Ứng dụng công nghệ thông tin vào kế toán

Hầu hết DNVVN đều trang bị máy vi tính cho công tác kế toán, đa số DN cho biết  phần mềm kế toán đem lại nhiều lợi ích cho công tác kế toán. Phần mềm kế toán DN sử dụng đều là mua sẵn.

Theo thực tế việc phân quyền truy cập chưa được thực hiện tốt, điều này sẽ không đảm bảo tính bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu.

3. Một số giải pháp đề xuất

  • Hoàn thiện về tổ chức bộ máy kế toán

Tùy thuộc vào quy mô, đặc điểm cụ thể của DN để lựa chọn mô hình tổ chức bộ máy kế toán. Song, thực tế cho thấy, bộ phận kế toán của DN quy mô vừa có từ 3 đến 7 nhân viên kế toán, DN quy mô nhỏ có từ 2 đến 3 nhân viên kế toán. Do vậy, áp dụng mô hình tổ chức bộ máy kế toán tập trung kết hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị trong các phần hành của bộ máy kế toán là phù hợp nhất. Vì, thông tin của kế toán tài chính là một trong những nguồn cung cấp thông tin cho kế toán quản trị. Nếu hai bộ phận kế toán này thu thập thông tin riêng biệt sẽ tốn kém chi phí.

Qui mô hoạt động của DNVVN không lớn, nhu cầu cung cấp thông tin không nhiều, do đó, không nhất thiết phải tổ chức riêng hai hệ thống này. Để thực hiện điều này, cần giải quyết tốt các vấn đề về xác định khối lượng công việc kế toán cần thực hiện; xác định số lượng phần hành kế toán của bộ máy kế toán; xác định số lượng và chất lượng đội ngũ người làm kế toán trong từng phân hành hợp lý; tổ chức phân công, phân định nhiệm vụ của từng phần hành một cách hợp lý nhằm đảm bảo thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin phục vụ cho việc điều hành của nhà quản trị.

Để xây dựng một bộ máy kế toán hoạt động thật hiệu quả, cần chú trọng: Tìm kiếm những nhân viên kế toán có trình độ phù hợp với quy mô phát triển của công ty để tiết kiệm chi phí; Tìm kiếm kế toán trưởng - người có tầm nhìn tổng quát và sâu sắc nhất trong việc điều hành quản lý tổ chức công tác kế toán DN và tổ chức nhân sự trong công tác kế toán của DN, định kỳ luân chuyển nhân sự để không bị động trong công việc khi NV nghỉ đột xuất. Hiện nay, các DNNVV Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng còn thiếu cả lao động kế toán có khả năng ngoại ngữ. Do vậy, cần có lộ trình và kế hoạch cụ thể để nhân viên trong DN nâng cao kỹ năng, trình độ ngoại ngữ nhằm đáp ứng nhu cầu công việc.

  • Hoàn thiện về t chức hệ thống chứng từ kế toán và quy trình luân chuyển chứng từ

DN cần quy định trình tự luân chuyển chứng từ một cách hợp lý, khoa học, tránh được sự chồng chéo, ứ đọng. Riêng với các chứng từ điện tử, cần quy định chặt chẽ việc mã hóa dữ liệu, truyền dữ liệu, lưu trữ và bảo mật dữ liệu, khai thác, sử dụng dữ liệu và chữ ký điện tử của những người có liên quan.

Để nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của DN cũng như để phù hợp với đặc điểm kinh doanh, các loại chứng từ kế toán không cần thiết phải quy định mẫu thống nhất. Cần mở rộng phạm vi sử dụng chứng từ hướng dẫn và chứng từ nội bộ để phù hợp với yêu cầu thu thập và xử lý thông tin tại DN, miễn sao chứng từ kế toán chứa đựng đầy đủ các yếu tố cơ bản để tạo nên tính hợp lệ cho chứng từ. Ngoài ra, DN còn cần chú trọng đến một số chứng từ kế toán cần thiết phục vụ cho kế toán quản trị như: Bảng tính phân bổ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, bảng định mức chi phí, bảng dự toán,…

  • Hoàn thiện hệ thống tài khoản kế toán

Các DN nên xây dựng hệ thống tài khoản kế toán theo hướng đảm bảo tính tích hợp được hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị, nhưng phải tuân thủ hệ thống tài khoản kế toán theo quy định của Bộ Tài chính và phù hợp với yêu cầu quản lý của DN.

Đối tượng chủ yếu mà kế toán quản trị tập trung thu thập, xử lý và cung cấp thông tin bao gồm các loại chi phí và doanh thu. Báo cáo kế toán quản trị cũng tập trung chủ yếu cho các đối tượng này, nên trọng tâm của việc thiết kế hệ thống tài khoản được hướng vào các loại tài khoản phản ánh chi phí, doanh thu và thu nhập. Bên cạnh đó, hệ thống tài khoản phải được thiết kế hướng vào các trung tâm trách nhiệm để cung cấp các thông tin cần thiết, hữu ích cho việc đánh giá trách nhiệm quản lý và hiệu quả hoạt động của DN.

  • Hoàn thiện hệ thống sổ kế toán

Sổ kế toán bao gồm sổ tổng hợp và các sổ chi tiết. Các sổ kế toán tổng hợp được quy định tùy theo hình thức kế toán nhưng không cần quy định quá cụ thể về mẫu sổ mà nên đưa ra những kết cấu cơ bản phải có. Dựa vào đó, từng DN có thể gia công thêm để phù hợp với yêu cầu ghi nhận thông tin. Riêng các sổ kế toán chi tiết chỉ cần nêu danh mục các sổ cần mở để gợi ý cho DN trong quá trình mở sổ ghi chép.

Bên cạnh các sổ được sử dụng đồng thời với kế toán tài chính, DN cũng tự thiết kế các mẫu sổ theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý để phục vụ cho việc xử lý thông tin theo mục tiêu cung cấp số liệu để lập các báo cáo kế toán quản trị có liên quan.

Cần phải quy định chặt chẽ việc mở sổ, ghi sổ, sửa sổ và khóa sổ. Có quy định rõ người chịu trách nhiệm pháp lý về sổ kế toán khi mở, khi sử dụng và khi lưu trữ, bảo quản, kể cả các sổ kế toán được thực hiện bằng máy tính.

  • Hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán

Việc công khai tài chính của DN còn rất thiếu minh bạch. Báo cáo của DN không được kiểm toán hàng năm, do đó, không đủ độ tin cậy. Hơn thế nữa, các DN thường có song song hai hệ thống kế toán là kế toán thuế và kế toán nội bộ. Nếu dựa vào báo cáo thuế sẽ không phản ánh chính xác kết quả hoạt động kinh doanh của DNVVN. Vì vậy, những giải pháp sau đây sẽ giúp cải thiện những vấn đề trên:

- Nâng cao nhận thức và ý thức của DNNVV về tầm quan trọng đối với BCTC: Hầu hết các DNNVV có cổ đông là người trong gia đình, vì thế để nâng cao quản trị doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là DN phải thay đổi nhận thức về “gia đình trị” trong quản lý DN, trọng dụng và tạo điều kiện nhân viên kế toán học tập và bồi dưỡng, hạn chế thuê kế toán theo mùa vụ, dám chấp nhận cải cách và đổi mới DN.

- Hiện nay, có rất ít DN chú ý đến báo cáo kiểm toán, DN chỉ thực hiện việc này khi có yêu cầu từ phía ngân hàng. Do đó, các DN cần nhận thức và xem việc kiểm toán là điều quan trọng vì sẽ giúp DNNVV định hướng phát triển, không chỉ giúp DNNVV dễ dàng tiếp cận vốn vay, kiểm toán còn đóng vai trò rất lớn trong định hướng phát triển của DNNVV.

- Nâng cao chất lượng công tác lập BCTC: Cung cấp thông tin kế toán phải đa dạng, phải coi trọng việc xây dựng, khai thác hệ thống báo cáo nội bộ và phải thấy được ý nghĩa của báo cáo kế toán quản trị.

Các chỉ tiêu phản ánh trong báo cáo kế toán nội bộ phải thống nhất với các chỉ tiêu của các BCTC, các chỉ tiêu kế hoạch, dự toán và về phương pháp tính để đảm bảo so sánh được; cung cấp đầy đủ thông tin cho quản trị kinh doanh của đơn vị; số liệu của các chỉ tiêu có liên quan phản ánh trên các báo cáo nội bộ phải thống nhất, đầy đủ, chính xác và trung thực.

Trong việc ghi nhận, lập và trình bày các yếu tố trên BCTC của DNNVV cần bổ sung nguyên tắc “Xem trọng nội dung bản chất kinh tế hơn hình thức pháp lý”. Nội dung của nguyên tắc này nhằm đưa ra quy định thông tin phải trình bày đúng với bản chất chứ không phải chỉ căn cứ vào hình thức pháp lý để phản ánh trung thực các nghiệp vụ và sự kiện.

  • Hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức kế toán

Sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ giúp ngành Kế toán sử dụng nguồn lực của mình hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận gần hơn với hệ thống kế toán quốc tế. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vào công tác kế toán trong các DNNVV còn nhiều hạn chế. Để ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào công tác kế toán, DN cần tổ chức trang bị thiết bị, phương tiện kỹ thuật, đặc biệt cần trang bị kiến thức trong việc đào tạo những người làm công tác kế toán tại DN, sao cho họ có thể sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phần mềm kế toán, đảm bảo sự vận dụng là có hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, tăng độ chính xác đối với công tác kế toán tại DN.

4. Một số kiến nghị khác để thực hiện được giải pháp

  • Đối với nhà nước và hội nghề nghiệp kế toán

Hiện nay, Bộ tài chính đang soạn thảo bộ chuẩn mực kế toán mới theo hướng áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, do vậy cần một bộ phận soạn thảo và dịch thuật sao cho nội dung của từng chuẩn mực kế toán trình bày những vấn đề đơn giản. Những quy định về nguyên tắc và phương pháp kế toán trong chuẩn mực phải giảm bớt sự lựa chọn cho DN, dễ hiểu, dễ làm, phù hợp với tình hình hoạt động của các  DNNVV, đặc biệt những thông tin trình bày trên BCTC cần được quy định rõ ràng, đảm bảo thông tin trình bày trên báo cáo tài chính được trung thực, hợp lý và rõ ràng nhất.

- Hội nghề nghiệp kế toán cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo cho chủ DN, các nhà quản lý và kế toán viên không chỉ ở khía cạnh chuyên môn mà còn về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội.

- Đẩy mạnh việc phát triển các dịch vụ tư vấn kế toán - kiểm toán: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ có khoảng vài DN hoạt động trong lĩnh vực tư vấn kế toán - kiểm toán là do sự mới mẻ của dịch vụ này cộng với việc thiếu thông tin đến các cơ sở có nhu cầu về dịch vụ kế toán nên ban đầu dịch vụ này chưa được nhiều đơn vị biết đến.

  • Đối với cơ sở đào tạo

- Cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng và đào tạo ngắn hạn về kế toán và quản trị với chương trình học được xây dựng theo từng quy mô của DN với thời gian linh hoạt để các kế toán viên, các nhà quản lý DN có điều kiện tiếp cận, học tập và nâng cao trình độ.

- Chú trọng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn mực kế toán quốc tế IAS, IFRS. Đồng thời, tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế (ACCA, CPA Australia, CIMA...) dễ dàng hơn.

  • Đối với các DN

- Muốn nâng cao năng lực thì trước hết cần phải nâng cao nhận thức của nhà quản trị. Để đạt được mục đích này các nhà quản trị, chủ DN nên tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn về quản trị kinh doanh, quản trị chiến lược cũng như kế toán tài chính - quản trị cho nhà quản lý tại các trung tâm, cơ sở đào tạo có uy tín.

- Các DN cần tích cực tham gia vào hội nghề nghiệp để có thể cập nhật kịp thời những thay đổi về chính sách pháp luật có liên quan cũng như dễ dàng nhận được hỗ trợ khác từ hội nghề nghiệp, tạo mối quan hệ hợp tác, trao đổi, học hỏi với các DN khác.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2014). Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về việc ban hành Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp. Hà Nội.
  2. Bộ Tài chính (2016). Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/08/2016 về việc ban hành Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán DNNVV. Hà Nội.
  3. Bùi Phương Thanh (2018). Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Thương mại.
  4. Dương Thị Thanh Hiền, Thực trạng nhận thức về vai trò tổ chức công tác kế toán đối với DNNVV ở Việt Nam hiện nay. Trường Đại học Duy Tân.
  5. Đỗ Khắc Toàn (2014). Hoàn thiện công tác kế toán quản trị tại doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Mai Ngọc Anh (2020). Phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán. Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 04/2020.
  7. Nguyễn Thị Huyền Trâm (2007). Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán DNNVV tại Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  8. Nguyễn Ngọc Trâm (2015). Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  9. Nguyễn Linh Giang (2016). Một số giải pháp hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán trong các DNNVV. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học CITA 2016: “Công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực”, Đại học Đà Nẵng.
  10. Abiola, I. & Oyewhole, A. (2013). Internal control system on fraud detection: Nigeria experience. Journal of Accounting and Finance, 13 (5).
  11. (2015). Malaysia adopts framework for SMEs. Retrieved from: https://www2.deloitte.com/ng/en/misc/search.html?qr=Malaysia%20adopts%20framework%20for%20SMEs.
  12. (2010). Statement of Intent -- SFRS for Small Entities. Retrieved from: https://www2.deloitte.com/ng/en/misc/search.html?qr=Statement%20of%20Intent%20%E2%80%93%20SFRS%20for%20Small%20Entities.   &searchFacet=INDEXING_ARTICLES&page=2
  13. IFRS. (2009). A Guide for Micro-sized Entities Applying the IFRS for SMEs. Retrieved from: https://www.ifrs.org/supporting-implementation/supporting-materials-for-the-ifrs-for-smes/micros/
  14. Ram R and Newberry S. (2013). IFRS for SMEs: The IASB’s due process. Australian Accounting Review, 23(1).
  15. South African Institute of Chartered Accountants (2013). Preliminary results on usefulness of IFRS for SMEs. Johannesburg: SAICA.

 

IMPROVING THE ORGANIZATION OF ACCOUNTING WORK

IN ORDER TO ENHANCE THE ACCOUNTING INFORMATION QUALITY

OF SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES IN DONG NAI 

Master. LY THI THU HIEN 1

NGUYEN THI MY TRINH 2

PHAN THI NHU Y 2

1 Lecturer, Lac Hong University

2 Lac Hong University

ABSTRACT:

Along with the economic development, the requirements and duties of providing accounting information for managers are becoming increasingly various in order to improve the business performance. Although small and medium-sized enterprises (SMEs) in Dong Nai Province have paid attention to their organizational management systems and tools including the accounting system, their accounting systems still do not meet current economic development requirements. This paper analyzes the organization of accounting work of SMEs in Dong Nai Province in order to improve the quality of their accounting information.

Keywords: organization of accounting work, the quality of accounting information, SMEs, Dong Nai Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 13, tháng 6 năm 2021]