Các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp ngành Viễn thông

TRẦN THỊ KIM PHƯỢNG (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang) - TRẦN THỊ MỸ HẠNH (Công ty cổ phần Giáo dục và Tư vấn LV&F)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu nhằm làm rõ các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị (KTQT) tại các doanh nghiệp ngành Viễn thông của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những nhân tố có tác động đến việc vận dụng KTQT của các doanh nghiệp, bao gồm: Văn hóa doanh nghiệp, Trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán, Quy mô doanh nghiệp, Nhận thức về KTQT của người chủ/người điều hành, Đối thủ cạnh tranh và Chiến lược kinh doanh.

Từ khóa: kế toán quản trị, vận dụng kế toán quản trị, doanh nghiệp viễn thông.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, việc vận dụng KTQT tại các doanh nghiệp ngành Viễn thông (DN NVT) chưa thực sự được chú trọng. Thêm vào đó, các DN NVT đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin. Do vậy, việc tìm hiểu các nhân tố tác động việc vận dụng KTQT sẽ giúp các nhà lãnh đạo thúc đẩy giao tiếp giữa các nhà quản lý và nhân viên, tăng năng suất của họ, cải thiện khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của tổ chức cũng như củng cố vị trí thị trường của mình [6].

2. Lý thuyết

2.1. Tổng quan về kế toán quản trị

Có nhiều định nghĩa khác nhau về KTQT, như: IMA (Institute of management Accountants - Viện KTQT Hoa Kỳ, 1981), IFAC (Liên đoàn kế toán quốc tế - International Federation of Accountant, 1998), CIMA (Chartered Institute of Management Accountants - Viện KTQT công chứng, 2008). Theo Luật Kế toán Việt Nam năm 2015, KTQT là “việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán” (Khoản 10, Điều 3, Luật Kế toán số 88/2015/QH13) [10].

Vai trò của KTQT được thể hiện tập trung ở 4 khía cạnh: (1) Lập kế hoạch để phân tích đánh giá và đưa ra dự báo về tình hình tài chính của DN; (2) Trong quá trình tổ chức thực hiện giúp DN rà soát, kiểm tra, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác nhau và báo cáo một cách rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu ra quyết định kinh doanh; (3) Trong quá trình kiểm tra đánh giá giúp nhà quản lý đối chiếu, so sánh giữa số liệu thực tế với kế hoạch, đưa ra điều chỉnh cần thiết và đề xuất giải pháp để đảm bảo sự hiệu quả của kế hoạch kinh doanh; và (4) Trong quá trình ra quyết định giúp nhà lãnh đạo có cái nhìn toàn diện về sức khỏe và hoạt động kinh doanh của DN, định hình và đưa ra các đường lối, quyết định kinh doanh đúng đắn.

Có 3 cách thức tiếp cận KTQT  nhằm hình thành hệ thống thông tin để đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý, tạo ra giá trị và quản lý các nguồn lực, gồm: (1) theo chức năng thông tin để có được thông tin đáp ứng chức năng hoạch định, định hướng hoạt động kinh doanh; (2) theo quy trình công việc để có được thông tin hỗ trợ cho nhu cầu nhà quản trị nội bộ ở những hoạt động, lĩnh vực khác nhau; và (3) theo hệ thống trách nhiệm xem kế toán như là các trung tâm về chi phí, doanh thu, lợi nhuận và đầu tư.

2.2. Đặc điểm của ngành Viễn thông

Viễn thông là một trong những lĩnh vực có công nghệ biến đổi nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay, công nghệ viễn thông phát triển theo hướng hội tụ công nghệ viễn thông, vô tuyến, cùng với sự xuất hiện của các công nghệ đa phương tiện. Công nghệ viễn thông đã tiến bộ vượt bậc trong 2 lĩnh vực là công nghệ băng thông rộng (ADSL), viễn thông di động và một số công nghệ khác nữa.

Dịch vụ viễn thông ở Việt Nam hiện nay đã được ghi trong Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông năm 2002 bao gồm các loại dịch vụ, như: Dịch vụ cơ bản, Dịch vụ giá trị gia tăng, Dịch vụ kết nối internet, Dịch vụ truy cập internet, và Dịch vụ ứng dụng internet trong bưu chính, viễn thông [11].

2.3. Lý thuyết nền

Lý thuyết ngẫu nhiên: lý thuyết này giả định hoạt động hiệu quả của DN phụ thuộc vào mức độ phù hợp của cấu trúc DN với các sự kiện ngẫu nhiên xảy ra trước đó [9]. Do đó, việc vận dụng KTQT phải thích hợp với đặc thù của DN, môi trường bên trong và bên ngoài mà DN đó đang hoạt động. Vì thế, lý thuyết này giải thích cho các nhân tố: Quy mô doanh nghiệp (QMDN), Chiến lược kinh doanh của DN và Văn hóa doanh nghiệp (VHDN).

Lý thuyết đại diện: được phát triển bởi Jensen và Meckling (1976) và giải thích vì sao phải vận dụng hệ thống kế toán trách nhiệm trong DN. Việc vận dụng lý thuyết đại trong nghiên cứu này giải thích cho nhân tố Trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán và nhân tố Nhận thức về KTQT của người chủ/người điều hành DN.

Lý thuyết xã hội học: xem xét hệ thống KTQT về mặt thực tiễn xã hội hơn là chỉ về mặt kỹ thuật để đưa ra quyết định nội bộ và hiệu quả tổ chức. Và vận dụng lý thuyết này trong nghiên cứu giải thích cho nhân tố VHDN, nhân tố Trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán và nhân tố Nhận thức về KTQT của người chủ/người điều hành DN.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Giả thuyết nghiên cứu

Nhân tố QMDN là một nhân tố quan trọng có tác động đến hoạt động kinh doanh trong việc tổ chức, quản lý, điều hành, kiểm soát DN. Theo lý thuyết bất định QMDN phụ thuộc vào cấu trúc, khi quy mô một DN lớn thì sẽ có nguồn lực lớn và sẽ vận dụng được hệ thống KTQT tốt hơn. Do đó, nhân tố QMDN có liên hệ chặt với việc vận dụng KTQT [1-2]. Qua đó, giả thuyết được tác giả đề xuất như sau:         

Giả thuyết H1 - Nhân tố QMDN có tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT trong các DN NVT.

Nhân tố Chiến lược kinh doanh là một vũ khí rất quan trọng của các DN nhỏ và vừa để cạnh tranh trên thị trường [4]. Điều này, theo các chuyên gia sẽ tác động đến vận dụng KTQT trong việc lựa chọn các công cụ kỹ thuật hỗ trợ để đạt được chiến lược kinh doanh linh hoạt. Và ngược lại, trường hợp DN sử dụng chiến lược kinh doanh linh hoạt sẽ phát sinh nhu cầu cao về vận dụng KTQT [1, 5]. Từ đó, tác giả tin rằng:

Giả thuyết H2 - Nhân tố chiến lược kinh doanh linh hoạt có tác động cùng chiều vận dụng KTQT trong các DN NVT.

Việc vận dụng KTQT chịu ảnh hưởng bởi văn hóa tại các DN. Vì khi vận dụng các công cụ kỹ thuật KTQT đòi hỏi có sự hiểu biết và hợp tác từ các phòng ban, nhân viên trong DN [7]. Một DN có tổ chức văn hóa, tinh thần làm việc đồng đội sẽ thúc đẩy nhanh chất lượng công việc cũng như vận dụng KTQT. Ngoài ra, một doanh nghiệp có văn hóa tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh tốt [1]. Vì vậy, tác giả đưa ra giả thuyết:

Giả thuyết H3 - Nhân tố VHDN có tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT trong các DN NVT.

Trình độ nhân viên kế toán càng cao thì khả năng thành công càng cao khi vận dụng KTQT (Ismail and King, 2007). Ngoài ra, lý thuyết xã hội học cũng đưa ra các yếu tố thuộc về năng lực của người lao động có tác động đến các hoạt động trong một tổ chức. Do đó, vận dụng KTQT vào DN cũng chịu ảnh hưởng bởi trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán. Hay nói cách khác, Trình độ nhân viên kế toán giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc vận dụng KTQT [1-2]. Vì thế, tác giả đề xuất:

Giả thuyết H4 - Nhân tố trình độ chuyên môn nhân viên KTQT có tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT trong các DN NVT.

Đối thủ cạnh tranh thị trường càng cao đòi hỏi kỹ thuật vận dụng KTQT phải càng phức tạp [8]: Như cạnh tranh về giá cả, chất lượng hàng hóa, chất lượng dịch vụ, đổi mới công nghệ,… Với sự cạnh tranh này đòi hỏi các doanh nghiệp phải vận dụng KTQT để đưa ra các chiến lược kinh doanh đúng đắn kịp thời [1]. Do vậy, giả thuyết được đề xuất:

Giả thuyết H5 - Nhân tố đối thủ cạnh tranh thị trường của doanh nghiệp có tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT trong các DN NVT.

Trong DN người chủ điều hành có kiến thức về KTQT thì khả năng vận dụng KTQT càng thành công [1-2]. Đồng thời, theo lý thuyết xã hội, khi chủ DN nhận thức được lợi ích từ việc vận dụng các công cụ kỹ thuật KTQT mang lại, họ sẽ phát sinh nhu cầu về việc vận dụng KTQT để đạt được các lợi ích này [3]. Do vậy, tác giả đề xuất giả thuyết:

Giả thuyết H6 - Nhân tố nhận thức về KTQT của người chủ/người điều hành DN có tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT trong các DN NVT.

3.2. Mô hình nghiên cứu và thu thập dữ liệu

Trên cơ sở các giả thuyết được xây dựng, mô hình nghiên cứu đề xuất như tại Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Nguồn: Đề xuất của các tác giả

Từ mô hình nghiên cứu, phương trình hồi quy chuẩn hóa có dạng như sau:

Y = β1QM + β2CL + β3TD + β4VH + β5DT + β6NT

Trong đó: Y là Việc vận dụng KTQT trong các DN NVT; βi (i=1,2,3,4,5,6) là hệ số các biến độc lập; QM là QMDN; CL là Chiến lược kinh doanh của DN; TD là Trình độ chuyên môn nhân viên KTQT; VH là VHDN; ĐT là Đối thủ cạnh tranh thị trường của DN; và NT là Nhận thức về KTQT của người chủ/người điều hành DN.

Dữ liệu dùng cho phân tích kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua bảng khảo sát được gửi trực tiếp cho các Giám đốc/Phó Giám đốc/Trưởng - Phó phòng/Kế toán trưởng của các DN NVT tại Việt Nam, nhằm đảm bảo đáp viên có đủ trình độ và hiểu biết đối với vấn đề nghiên cứu của tác giả.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Trong số 154/164 khảo sát được thu thập, tương ứng với tỷ lệ 94%, được kiểm tra và loại bỏ các phản hồi không phù hợp như trả lời không đầy đủ; có cùng một trả lời cho tất cả các quan sát;… số phản hồi phù hợp được đưa vào phân tích là 146 (> cỡ mẫu tối thiểu của nghiên cứu này là 140). Đặc điểm của đối tượng khảo sát được được thể hiện như sau:

- Về loại hình: Theo khảo sát doanh nghiệp tư nhân có số lượng 32 DN, chiếm 21,9%; doanh  nghiệp nhà nước có 112 DN, chiếm 76,7%; Tập đoàn có 2, chiếm 1,4%.

- Về doanh thu: dưới 55 tỷ đồng có 6 DN, chiếm 4,1%; Từ trên 55 đến 270 tỷ đồng có 109 DN, chiếm 74,7%; trên 270 tỷ đồng có 31 DN, chiếm 21,2%.

- Về vốn kinh doanh: đến 10 tỷ đồng có 20 DN, chiếm 13,7%; trên 10 đến 20 tỷ đồng có 41 DN, chiếm 28,1%; trên 20 đến 100 tỷ đồng có 82 DN, chiếm 56,2%; trên 100 đến 500 tỷ đồng có 3 DN, chiếm 2,1%.

Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha

Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả kiểm định tại Bảng 1 phản ánh 27/28 biến quan sát đạt yêu cầu và 01 quan sát thuộc biến độc lập Đối thủ cạnh tranh bị loại vì có hệ số tương quan biến tổng < 0,3. Như vậy, có 27 quan sát đảm bảo độ tin cậy thang đo được đưa vào thực hiện EFA.

Bảng 2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho các biến độc lập\Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho các biến độc lập

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả kiểm định KMO tại Bảng 2 thể hiện hệ số KMO = 0,840 và kiểm định Barlett có giá trị Sig. = 0,000. Đồng thời, kết quả phân tích phương sai trích phản ánh giá trị Eigenvalue của 6 nhóm biến độc lập đều > 1 (thấp nhất là 1,199) và tổng giá trị phương sai trích là 70,708 (với 27 quan sát) cho thấy 70,708% sự biến thiên của dữ liệu được giải thích bởi 6 nhân tố và 29,292% còn lại được giải thích bởi các nhân tố khác chưa được đề cập trong mô hình nghiên cứu.

Kết quả kiểm định EFA cũng thể hiện các trọng số nhân tố của các thang đo đều > 0.5 và có ý nghĩa thống kê. Vì vậy, các thang đo này thực sự đo lường cho nhân tố vận dụng KTQT trong các DN NVT.

Bảng 3. Kết quả kiểm định tương quan

Kết quả kiểm định tương quan

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả Bảng 3 cho thấy, với hệ số tương quan từ 0,317 đến 0,621 và độ tin cậy là 99% cho thấy 6 biến độc lập đều có tương quan thuận chiều (tích cực) với biến phụ thuộc vận dụng KTQT trong các DN NVT.

Bảng 4. Kết quả hồi quy

Kết quả hồi quy

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Bảng 4 phản ánh giá trị Sig. của 6 biến độc lập đều nhỏ hơn 0,05 tương ứng với độ tin cậy 95%. Do vậy, phương trình hồi quy chuẩn hóa về các nhân tố tác động đến việc vận dụng KTQT trong các DN NVT như sau:

Y = 0,205QM + 0,142CL + 0,258TD + 0,349VH+ 0,164ĐT + 0,178NT

Đồng thời, kết quả kiểm định ANOVA với Sig. = 0,000b < 0,05 phản ánh mô hình nghiên cứu là phù hợp và có thể suy rộng cho tổng thể. Chỉ số R2 hiệu chỉnh = 0,596 thể hiện 6 biến độc lập giải thích được 59,6% sự biến thiên của biến phụ thuộc, và 40,4% còn lại là do các nhân tố khác. Hơn nữa, hệ số VIF của 6 biến độc lập đều < 2 nên hiện tượng đa cộng tuyến không xảy ra trong mô hình.

Từ các kết quả trên, khẳng định cả 6 nhân tố được đề cập đều có tác động đến việc vận dụng KTQT trong các DN NVT. Trong đó, nhân tố VHDN (β = 0,349) có mức tác động mạnh nhất, tác động mạnh thứ hai là Trình độ chuyên môn nhân viên kế toán (β = 0,258), tác động mạnh thứ ba là QMDN (β = 0,205), tác động mạnh thứ tư là Nhận thức về KTQT của chủ DN/người điều hành (β = 0,178), tác động mạnh thứ năm là Đối thủ cạnh tranh thị trường (β = 0,164), và nhân tố có mức tác động yếu nhất là Chiến lược kinh doanh của DN (β = 0,142).

5. Kết luận và kiến nghị

Kết quả nghiên cứu phản ánh có 6 nhân tố tác động đến việc vận dụng KTQT trong các DN NVT tại Việt Nam. Trong đó, tác động mạnh nhất là nhân tố VHDN và tác động yếu nhất là nhân tố Chiến lược kinh doanh của DN. Nhìn chung, nghiên cứu này mở rộng sự hiểu biết về các nhân tố tác động đến việc vận dụng KTQT đối với đặc thù kinh doanh ngành Viễn thông. Tuy nhiên, mức độ giải thích của mô hình là 59,6% cho thấy còn nhiều nhân tố khác tác động đến việc vận dụng KTQT tại các DN cần được khám phá trong tương lai.

Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số kiến nghị:

- Một là, Sở Công Thương cần tạo điều kiện cho các DN tiếp xúc và học hỏi về KTQT, như thông qua các chương trình kết nối DN, câu lạc bộ khởi nghiệp, mở các lớp tập huấn về KTQT dành riêng cho chủ DN.

- Hai là, các DN NVT cần chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng VHDN phù hợp với đặc thù của đơn vị. Bên cạnh, các chiến lược kinh doanh lâu dài là cần thiết, tăng cường quy mô để tăng năng lực đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như đào tạo huấn luyện về KTQT là vô cùng thiết yếu. Vì vậy, các DN cũng cần chú ý nhiều hơn đến các khía cạnh này để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Ngọc Hùng (2016). Các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  2. Trần Thị Yến (2017). Nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Định. Tạp chí Công Thương, 7, 438-442.
  3. Ahmad K. (2014). The Adoption of Management Accounting Practices in Malaysian Small and Medium-Sized Enterprises. Asian Social Science, 10(2), 236-249.
  4. Chenhall, R.H (2003). Management control systems design within its organizational context: findings from contingency-based research and directions for the future. Accounting, Organizations and Society, 28(2-3), 127-168.
  5. Chudovets, V. (2013). Current State and Prospects of Cost Accounting Development for Sugar Industry Enterprises. Accounting and Finance, 2013(1), 61-65.
  6. David, F.R. (2011). Strategic Management: Concepts and Case 13st ed. USA: Pearson/Prentice Hall.
  7. Erserim A. (2012). The impacts of organazation culture, firms characteristics and external environment of firms on management accounting practices: An empirical research on industrial firms in Turkey. Procedia - Social and behavioral Sciences, 62, 372-376.
  8. Hutaibat, K. A. (2005). Management accounting practices in Jordan: A contingency approach. Doctoral dissertation, University of Bristol, UK.
  9. Mullins, L. (2013). Management and Organisational Behaviour 10th ed. USA: FT Publishing International.
  10. Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13.
  11. Quốc hội (2002), Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông năm 2002.

FACTORS AFFECTING

THE MANAGEMENT ACCOUNTING ADOPTION

IN VIETNAMESE TELECOMMUNICATIONS COMPANIES

• TRAN THI KIM PHUONG1

• TRAN THI MY HANH2

1Faculty of Accounting - Auditing, Van Lang University

2LV&F Education and Consulting Joint Stock Company

ABSTRACT:

This study identifies the factors affecting the management accounting adoption in Vietnamese telecommunications companies. The study’s resuls show that factors of organization culture, professional qualifications of accountants, size of companies, owners/operators awareness of management accounting, competitors and business strategy all affect the adoption of management accounting in telecommunications companies in Vietnam.

Keywords: management accounting, management accounting adoption, telecommunications company.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]