Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực
Ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ và nghe báo cáo về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM.
Thủ tướng yêu cầu Thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo theo thẩm quyền, làm việc với các nhà đầu tư để thúc đẩy triển khai.
Theo Thủ tướng, cảng Cần Giờ có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, không cạnh tranh với Cái Mép - Thị Vải mà bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã chính thức trình UBND TP.HCM về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Cảng được thiết kế cho phép tiếp nhận tàu mẹ với kích thước lên đến 250.000 tấn (tương đương sức chở 24.000 TEUs). Tổng diện tích bến cảng khoảng 571 ha, diện tích mặt nước khoảng 477,63 ha với công suất khoảng 16,9 triệu TEUs.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng hơn 5 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng) thực hiện phân kỳ theo 7 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 dự kiến khai thác năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045.
Theo Đề án, khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ đóng góp cho ngân sách từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm thông qua thu thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, đồng thời tạo ra 6.000 - 8.000 việc làm cho nhân viên, lao động làm việc tại cảng và hàng chục ngàn lao động khác làm dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics, khu phi thuế quan…
Đẩy nhanh tiến độ để khởi công Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trong năm 2025
Ngày 11/7/2023, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM, Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết Thành phố đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh cục bộ Khu đô thị dư lịch lấn biển Cần Giờ, đồng thời đã trao đổi trực tiếp và yêu cầu nhà đầu tư cố gắng hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh để năm 2025 khởi công dự án này.
Với mục tiêu xây dựng thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn... Dự án được kỳ vọng sẽ biến Cần Giờ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư đủ sức cạnh tranh với các khu lấn biển trên thế giới như ở Singapore, Miami (Mỹ), Australia...
Trước đó, năm 2018, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 3800/QĐ-UBND ngày 05/9/2018 phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP.HCM).
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Theo đó, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng.
Tháng 2/2021, UBND TP.HCM đã ban hành 4 quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đối với các phân khu A, B, C, D, E.
Theo đó, phân khu A Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có quy mô khoảng 771,05ha. Về vị trí, phía Đông giáp phân khu B và E; phía Tây giáp biển Đông (cửa sông Đồng Tranh); phía Nam giáp biển Đông; phía Bắc một phần giáp hành lang cây xanh cảnh quan đường dọc Biển Đông 1, đường dọc Biển Đông 2 và đường nội bộ ven biển Khu du lịch 30/4.
Về tính chất quy hoạch phân khu A là khu vui chơi, giải trí (công viên chuyên đề, sân gôn…), du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu ở (nhà ở liền kề, biệt thự, chung cư), thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu sử dụng hỗn hợp và an ninh quốc phòng được bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 đã được UBND Thành phố phê duyệt. Quy mô dân số tối đa 65.113 người.
Theo phê duyệt của UBND TP.HCM, phân khu B Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có quy mô khoảng 586,88 ha. Phân khu B có phía Đông giáp Biển Đông; phía Tây giáp phân khu A; phía Nam giáp phân khu E; phía Bắc giáp hành lang cây xanh cảnh quan đường dọc Biển Đông và đường nội bộ ven biển khu du lịch 30/4. Tính chất khu vực quy hoạch là khu ở, khu du lịch nghĩ dưỡng, khu công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng…), khu cây xanh đô thị và khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo định hướng đô thị hiện đại và thông minh. Quy mô dân số khoảng 71.268 người.
Phân khu C Khu đô thị lấn biển Cần Giờ theo phê duyệt có quy mô khoảng 303,47 ha. Về vị trí, phía Bắc giáp phân khu E, B; phía Nam giáp Biển Đông; phía Đông giáp biển Đông (Vịnh Gành Rái); phía Tây giáp phân khu E, D thuộc quy hoạch Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Về tính chất khu vực quy hoạch, phân khu C là khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liền kề, biệt thự, nhà ở cao tầng) hiện đại, văn minh. Quy mô dân số khoảng 26.246 người.
UBND TP.HCM cũng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 phân khu D, E Khu đô thị lấn biển Cần Giờ với diện tích 1.208,60 ha. Phân khu D, E có phía Bắc giáp phân khu A, B; phía Nam giáp biển Đông, phía Đông giáp phân khu B, C; phía Tây giáp phân khu A. Về tính chất khu vực quy hoạch phân khu D, E là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liền kề, biệt thự) đảm bảo tiêu chí hiện đại và thông minh; bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch phân khu đã được UBND Thành phố phê duyệt. Quy mô dân số tối đa 65.879 người.
Ngày 10/4/2023, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1331/QĐ-UBND về thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch (điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500) Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ, quyền hạn tham gia góp ý, phản biện nội dung quy hoạch và các vấn đề liên quan Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Kết luận của hội đồng là một trong các cơ sở để cơ quan thẩm định tổng hợp và yêu cầu cơ pháp luật hiện hành, trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định.
Dự kiến cuối năm nay trình thông qua chủ trương đầu tư cầu Cần Giờ
Thực hiện hoạt động giám sát trực tiếp, trả lời chất vấn của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM về tiến độ xây dựng và thời gian khởi công Dự án cầu Cần Giờ, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã được UBND Thành phố giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hiện Sở Giao thông vận tải đã cơ bản hoàn chỉnh báo cáo, tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn và xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Đây là công trình rất lớn với chiều dài 3,4km, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 10.000 tỉ đồng. Sở đang nghiên cứu hình thức PPP hoặc phương thức đầu tư công.
Đại diện Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông tin, về kỹ thuật dự án cơ bản đã xong, Sở đang cùng địa phương rà soát lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự kiến sẽ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay, khởi công vào 30/4/2025.
Theo phương án thiết kế, cầu Cần Giờ dự kiến phân từ 4-6 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55m, sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển Dự án khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Về phương án kiến trúc công trình, cầu Cần Giờ có thiết kế dây văng một trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước là đặc trưng của huyện Cần Giờ, sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.
Phát triển theo hướng thành phố trong rừng, rừng trong thành phố
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM giáp biển với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch.
Tại cuộc làm việc ngày 18/7/2023 với TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao TP.HCM phối hợp với các cơ quan đẩy nhanh công tác xây dựng quy hoạch Thành phố gắn với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và bổ sung quy hoạch Cần Giờ theo hướng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược cho TP.HCM và cả khu vực; quan tâm công tác bảo vệ môi trường; chú trọng giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp; sử dụng, khai thác tối đa không gian ngầm trong lòng đất trong khu vực. Quy hoạch Cần Giờ cần tính tới hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, các dự án dân cư, du lịch lấn biển…
Thủ tướng lưu ý khi triển khai quy hoạch mới cần quan tâm việc sắp xếp, bố trí dân cư, hạ tầng xã hội cho Cần Giờ và tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân ở mức cao hơn hiện nay. Các nhà đầu tư đã có các dự án cần bám sát quy hoạch mới để điều chỉnh phù hợp, tiếp tục triển khai.
Thủ tướng nhấn mạnh, Cần Giờ có tiềm năng rất lớn, tinh thần là phải đổi mới tư duy, hành động nhanh, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, triển khai các công việc theo hướng "vừa chạy vừa xếp hàng", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nâng sự phát triển của Cần Giờ lên tầm cao mới, góp phần vào sự phát triển của TP.HCM và khu vực.
"Chú trọng phát triển hạ tầng trước, phát triển thuận thiên, theo hướng thành phố trong rừng, rừng trong thành phố", Thủ tướng lưu ý. Với tư duy mới, động lực mới, cách tiếp cận mới, huy động nguồn lực qua hợp tác công tư, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt, chúng ta sẽ biến Cần Giờ giàu tiềm năng thành một đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của TP.HCM và cả vùng Đông Nam Bộ.
Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Thành ủy TP.HCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 xác định xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường, trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân nâng cao, bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương được tổ chức tinh gọn, hiệu quả.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 - 2030 tăng 20,7%/năm; đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 74,7% tổng giá trị sản xuất; thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 40%; giảm hộ nghèo theo chuẩn của thành phố còn dưới 3%.
Để thực hiện được các mục tiêu cụ thể nêu trên, TP.HCM xác định đa dạng hóa các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đi trước một bước nhằm tạo đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng; nguồn lực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định; tăng cường hợp tác quốc tế về kinh tế biển, liên kết chặt chẽ với các địa phương giáp ranh, bảo đảm cho Cần Giờ phát triển nhanh, hài hòa, bền vững. Phát triển kinh tế Cần Giờ trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của địa phương ven biển, trong đó chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản chất lượng cao. Có chính sách thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn có trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch. Thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác cảng biển tổng hợp, chuyên dùng, cảng hành khách quốc tế, cảng container trung chuyển quốc tế, gắn với các dịch vụ hỗ trợ tại các vị trí tiếp giáp sông Lòng Tàu, luồng Sài Gòn - Vũng tàu, luồng Cái Mép - Thị Vải nhằm hình thành hạ tầng logistics kết nối liên thông các địa phương trong nước và quốc tế. Nghiên cứu phát triển đường trên cao dọc tuyến đường Rừng Sác vào Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, bảo đảm phát triển giao thông với bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan, môi trường khu vực...