Chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 tại các quốc gia và thực tế của Việt Nam

ThS. ĐỖ THỊ KIM THU (Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam bao gồm vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của nước ta. Ước tính, số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Đây là một mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động. Để đối mặt và khắc phục hậu quả Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động dựa trên cơ sở tham khảo chính sách của các nước trên thế giới.

Từ khóa: hỗ trợ tài chính, người lao động, bảo hiểm, thuế.

1. Chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 tại các quốc gia

1.1. Chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của Mỹ

Mỹ là quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 kể từ khi công bố ca dương tính đầu tiên vào ngày 21/01/2020. Mỹ chịu tổn thất về người và gây khủng hoảng về việc làm đối với người dân. Chỉ sau chưa đầy 2 tháng kể từ ngày công bố ca dương tính đầu tiên, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 14 triệu người dân Mỹ rơi vào tình trạng thất nghiệp (U.S. Department of the Treasury, 2020). Ngày 27/03/2020, Quốc hội Hoa Kỳ đã ký ban hành Luật CAREs (The Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security Act) trị giá 2.000 tỷ USD nhằm kích thích kinh tế và hỗ trợ người dân trong bối cảnh đại dịch. Theo đó, gói cứu trợ bao gồm: i) gia hạn bảo hiểm thất nghiệp thêm 13 tuần; ii) trợ cấp 600 USD/người dân/tháng trong vòng 04 (bốn) tháng; iii) hỗ trợ gia đình có thu nhập rất thấp một khoản 1.200 USD/người lớn và 500 USD/trẻ em dưới 17 tuổi (Library of Congress, 2020).

1.2. Chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của Singapore

 Số ca nhiễm và mắc bệnh tại Singapore không trầm trọng như Mỹ nhưng người lao động cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ. Do đó, ngày 24/1/2020, Chính phủ đưa gói cứu trợ trị giá khoảng 100 tỷ SGD (tương đương 20% GDP) và giải ngân thành công vào ngày 13/05/2020. Các chính sách hỗ trợ người lao động bao gồm: i) hỗ trợ trả lương người lao động (tối đa 4.000 SGD tới 5.000 SGD cho năm 2019 và 2020) ii) miễn phí Foreign Worker Levy (FWL) cho người lao động nước ngoài có tay nghề thấp hoặc không có tay nghề vào tháng 4 và tháng 5/2020; iii) xây dựng chương trình hỗ trợ tạo ra trên 100.000 cơ hội việc làm mới, thực hiện chương trình dạy nghề cho người lao động, đào tạo và nâng cao kỹ năng cho hơn 30.000 người đang tìm việc với hỗ trợ 1,2000 SGD/tháng từ 6 - 12 tháng, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thuê người lao động đã tham gia chương trình đào tạo (40% lương cho lao động trên 40 tuổi trở lên (tối đa 12.000 SGD) hoặc 20% lương cho lao động dưới 40 tuổi (tối đa 6.000 SGD). Cuối cùng, người lao động bị mất việc hoặc thiệt hại trên 30% tiền lương được nhận trợ cấp lên tới 500 USD/tháng vào tài khoản ngân hàng. Việc xét duyệt được thực hiện trên nền tảng trực tiếp kết hợp của Văn phòng Dịch vụ Xã hội (KPMG, 2021c).

1.3. Chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của Hàn Quốc

 Trong năm 2020, kết quả đáng sợ xảy ra khi Hàn Quốc ghi nhận 218.000 việc làm bị mất, đặc biệt trong nhà hàng và du lịch. Hai tháng sau ca nhiễm đầu tiên, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ tài chính đầu tiên và tiếp đó đã có 4 lần bổ sung ngân sách ứng phó với dịch Covid-19. Cụ thể, Hàn Quốc hỗ trợ người lao động thông qua 2 nguồn: (i) Thông qua doanh nghiệp: Chính sách nhằm trợ cấp giữ chân người lao động với tổng gần 325 triệu USD cho tất cả các ngành từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Gói hỗ trợ này sẽ được trao cho người sử dụng lao động, người lao động nhằm thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh doanh, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh thay vì sa thải nhân viên hoặc cho nhân viên nghỉ việc; (ii) Trực tiếp tới người lao động: Theo đó, mỗi người lao động gặp khó khăn kinh tế khi phải nghỉ không lương do đại dịch Covid-19 sẽ được chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 500.000 won/tháng (khoảng 407 USD) và kéo dài tối đa 3 tháng. Tổng quy mô gói hỗ trợ này là 480 tỷ won (khoảng 389,9 triệu USD), số người được thụ hưởng là 320.000 người (IMF, 2021).

Có thể thấy, ngay khi dịch bệnh xảy ra, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ bởi Covid chính là người lao động. Tỷ lệ người mất việc gia tăng, đời sống người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, những chính sách của các quốc gia trên thế giới hầu hết đều cố gắng hướng đến duy trì công ăn việc làm cho người lao động, tạo thêm công ăn việc làm mới cho họ khi nơi làm việc của họ bị đóng cửa. Đồng thời quốc gia nào cũng hỗ trợ một phần chi phí duy trì cuộc sống cho người lao động như Singapore, Hàn Quốc. Đối với Mỹ, quốc gia này đã mở rộng thêm chính sách hỗ trợ về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và bổ sung hỗ trợ tài chính cho các đối tượng thu nhập chịu ảnh hưởng là các hộ gia đình.

2. Chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam

2.1. Hướng đến giảm bớt các khoản phí và hỗ trợ tiền mặt cho người lao động ảnh hưởng bởi Covid-19

Tại điều 5, Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định:

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

Tại điều 6 quy định:

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Tại điều 8 quy định:

+ Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0), từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.

+ Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.

Tại điều 9:

+ Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

+ Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, tính đến hết ngày 21/12/2021, toàn ngành BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 842 đơn vị với 159,9 nghìn lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.111,4 tỷ đồng tại 57 tỉnh, thành phố. Hiện đã xác nhận danh sách cho 2,9 triệu lao động của trên 70 nghìn đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó gồm: 1,9 triệu lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của trên 62 nghìn đơn vị; 609 nghìn lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 5,8 nghìn đơn vị; 4.125 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm; 84,5 nghìn lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; 228,7 nghìn người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động); 35,2 nghìn người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng),…

2.2. Hướng đến hỗ trợ người lao động bám trụ với công việc

Đối với người lao động đang tạm hoãn hợp đồng, qui định cụ thể người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

Về phía người lao động, đối tượng áp dụng là những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp (tại thời điểm 30/9/2021) hoặc đã tham gia và dừng trong thời điểm từ tháng 1/2020 đến 9/2021. Những lao động trên sẽ nhận được hỗ trợ bằng tiền với các mức từ 1,8 triệu đồng/người đến 3,3 triệu đồng/người tùy theo thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp. Ước tính gói hỗ trợ tiền mặt có trị giá 30.000 tỷ đồng. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 21/12/2021, BHXH các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 12,79 triệu lao động (trong đó: đang tham gia BHTN là 11,7 triệu lao động; đã dừng tham gia BHTN 1,09 triệu lao động) với tổng số tiền hỗ trợ là 30,31 nghìn tỷ đồng.

2.3. Hướng đến giảm chi phí cơ bản đối với người lao động

Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạthỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngày 18/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1409/QĐ-TTg về việc xuất cấp 4.117.800 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Phước để hỗ trợ cho 274.520 người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thiếu lương thực và có nguy cơ thiếu đói. Ngày 20/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1415/QĐ-TTg (Quyết định 1415/QĐ-TTg) về việc xuất cấp 130.175.670 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, thành phố để hỗ trợ cho 8.678.378 người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thiếu lương thực và có nguy cơ thiếu đói.

3. Kết luận

Các chính sách phòng chống dịch mà Việt Nam đưa ra đi theo hướng chung của các quốc gia khác trên thế giới. Thậm chí các giải pháp tại Việt Nam được đánh giá là chủ động, quyết liệt và linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù đất nước. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chủ động, quyết liệt và linh hoạt phối hợp các bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ.

Nổi bật là Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện nhiều giải pháp, ban hành nhiều gói hỗ trợ kịp thời hỗ trợ người người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. GSO (2021), Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2020.
  2. KPMG (2021c), Singapore- Measures in response to Covid-19 - KPMG Global, https:// home.kpmg/xx/en/home/insights/2020/04/singapore-government-and-institution-measuresin-response-to-covid.html.
  3. Park Hanna (2021), South Korean job losses hit 22-year high amid pandemic, http://www. koreaherald.com/view.php?ud=20210113000898.

Financial support policies for workers affected by the COVID-19 pandemic of countries in the world and the current situation in Vietnam

Master. Do Thi Kim Thu

Faculty of Finance and Banking, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

The Covid-19 pandemic has severely impacted the socio-economic development of Vietnam and it has worsened the country’s labor, employment and social security issues. It is estimated that the number of people who lost their jobs accounted for about 5%, the number of people who had their working hours cut or were forced to take time off from work accounted for about 50% of the total employed people in Vietnam. This isse is weakening the purchasing power and negatively affecting the lives of workers. To overcome the challenges of COVID-19 pandemic, the Government of Vietnam has developed and implemented many financial support policies for workers based on experiences from other countries around the world.

Keywords: financial support, employee, insurance, tax.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2022]