TÓM TẮT:
Trong xu thế phát triển hiện nay, các hoạt động kinh tế thường gắn liền với môi trường. Ở Việt Nam, tín dụng xanh cũng được nhà nước quan tâm và tập trung phát triển thông qua những văn bản quản lý của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, cả nước có khoảng 31 tổ chức tín dụng có phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp những khó khăn do thiếu những văn bản pháp lý về quản lý liên quan đến đánh giá rủi ro, các tiêu chuẩn và đối tượng được cấp tín dụng xanh… Trên cơ sở đó, bài viết tập trung vào việc thống kê và phân tích các chính sách đối với hoạt động này, thông qua những vướng mắc thực tế khuyến nghị các chính sách quản lý vĩ mô, tiến tới phát triển bền vững.
Từ khóa: tín dụng xanh, chính sách phát triển.
1. Quan niệm về tín dụng xanh
Tín dụng xanh được hiểu là những khoản cấp tín dụng dưới dạng tài trợ vốn, cho vay và các hình thức cấp tín dụng khác mà ngân hàng cấp cho các dự án không gây rủi ro hoặc nhằm bảo vệ môi trường. Chẳng hạn cho vay các công ty để đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng, nước, nhiên liệu; giảm chất thải hoặc ô nhiễm; xây dựng và khai thác các cơ sở năng lượng tái tạo (địa nhiệt, năng lượng sinh học, thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời...). Các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng được các ngân hàng xanh ưu tiên cấp tín dụng gồm: (i) Cơ sở hạ tầng môi trường như dự án năng lượng tái tạo, dự án cấp nước sạch, nhà máy xử lý nước thải, nhà máy xử lý chất thải rắn và độc hại, nhà máy khí sinh học, nhà máy phân bón sinh học nên được khuyến khích và tài trợ bởi các ngân hàng xanh; (ii) Thúc đẩy các chương trình tín dụng xanh, qua đó tăng cường thói quen bảo vệ môi trường giữa các khách hàng. Tín dụng ngân hàng xanh sẽ từ chối cấp tín dụng đối với các dự án gây tác động xấu cho môi trường.
Tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội ban hành, lần đầu tiên khái niệm tín dụng xanh được quy định (khoản 1 Điều 149). Theo đó, “Tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sau đây: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tạo ra lợi ích khác về môi trường”.
Sự chuyển dịch hoạt động tín dụng của ngân hàng hướng tới “xanh hóa” không chỉ có tác động tích cực đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế, mà còn có ý nghĩa đối với các vấn đề xã hội và môi trường. Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trong 3 năm qua, đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả thị trường nhiều loại nguyên nhiên liệu như dầu mỏ, khí, than đá... tăng mạnh. Do đó, để thích ứng với tình hình mới, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần chuyển hướng hoạt động từ việc dựa chủ yếu vào tài nguyên, lao động sang theo hướng đổi mới dựa vào công nghệ, sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu sử dụng tài nguyên và giảm khí thải độc hại để tiết kiệm chi phí sản xuất hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Như vậy, trong bối cảnh gia tăng các hoạt động tác động tiêu cực đến môi trường như hiện nay và sự khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động cấp tín dụng xanh của ngân hàng sẽ góp phần đáng kể tạo sự thay đổi trong hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế xanh để chống biến đổi khí hậu, nuôi dưỡng và bảo vệ môi trường.
2. Chính sách pháp lý cho tín dụng xanh ở Việt Nam
Tình trạng môi trường ở Việt Nam trong những năm gần đây rất đáng báo động và dễ bị tổn thương, nhất là do biến đổi khí hậu, thể hiện qua sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường (bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, triều cường,...) cả về số lượng và cường độ. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 1994 - 2010, tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam tăng hơn 2 lần, từ 103,8 lên 246,8 triệu tấn CO2 tương đương. Ước tính đến năm 2020 tăng hơn 4 lần và năm 2030 tăng hơn 7 lần so với năm 1994. Theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, với mô hình kinh tế như hiện nay, nếu GDP Việt Nam tăng gấp đôi, thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần; cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. Nhận thức được được tầm quan trọng của việc thúc đẩy tín dụng xanh nhằm góp phần tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng ban hành nhiều văn bản, chính sách và triển khai thực hiện. Cụ thể:
(i) Khung pháp lý liên quan tín dụng ngân hàng xanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 kèm theo các Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021. Theo đó, mục tiêu của Chiến lược: Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
- Tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì thực hiện hành động số 37 “Hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh giai đoạn 2013 - 2020” với 3 nhiệm vụ chủ yếu: (i) Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; (ii) Tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các NHTM và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính - tín dụng xanh; (iii) Xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.
- Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tại phần mục tiêu cụ thể của Chiến lược có quy định: "Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển "tín dụng xanh", "ngân hàng xanh" để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng".
(ii) Các quy định của NHNN liên quan tín dụng ngân hàng xanh
- Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội (MT&XH) trong hoạt động cấp tín dụng với mục tiêu hoạt động cấp tín dụng của ngành Ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.
- Tại Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 đã đưa ra mục tiêu nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.
- Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, trong đó có quy định nguyên tắc cho vay của TCTD đối với khách hàng phải phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, trong đó xác định mục tiêu hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường.
- Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ban hành kèm theo Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018 của Thống đốc NHNN đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan như: (i) Khuyến khích các TCTD thiết kế và triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với đặc thù của các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; (ii) Các TCTD phát triển các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng có tính tới lợi ích về môi trường; ưu tiên phát triển sản phẩm huy động và cho vay vốn tín dụng vào các dự án hoặc doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng.
- Ban hành Sổ tay Hướng dẫn đánh giá rủi ro MT&XH đối với 10 ngành có rủi ro cao, đồng thời đã tổ chức đào tạo nâng cao năng lực thẩm định rủi ro MT&XH trong hoạt động tín dụng cho cán bộ tín dụng của các NHTM.
3. Thực trạng tình hình thực hiện chính sách và những vấn đề đặt ra
Thực tiễn hoạt động tín dụng xanh đã được một số ngân hàng đưa vào áp dụng, triển khai và đã đạt được một số kết quả khả quan ở bước đầu, đơn cử như Sacombank với hệ thống quản lý rủi ro môi trường hay Techcombank thực hiện tài trợ một số dự án về tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã và đang nỗ lực đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nhằm thực hiện tốt công tác phát triển ngân hàng theo hướng xanh hóa, bền vững. Có thể thấy, Sacombank và Techcombank là hai ngân hàng thương mại cổ phần đã xây dựng sớm nhất hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Thêm vào đó, các ngân hàng khác cũng mạnh tay rót vốn đầu tư phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, cũng như đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi trong việc cấp tín dụng nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như: HDBank cũng dành nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển ngân hàng xanh, cụ thể ngân hàng đã đưa ra gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành có các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên cả nước; Nam A Bank cũng đã ký kết với Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) về việc triển khai chương trình tín dụng xanh tại Việt Nam với lãi suất ưu đãi khoảng 5% - 6%/năm... Các ngân hàng còn đưa ra các chính sách cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án góp phần thúc đẩy giảm bớt khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng. Nhờ vào việc các ngân hàng thực hiện các chính sách tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững, đã góp phần giúp cho dư nợ tín dụng xanh tăng đều đặn qua các năm. Tính đến năm 2022, Việt Nam có 31 tổ chức tín dụng có phát sinh dư nợ đối với các dự án xanh với dư nợ trên 285.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp sạch và năng lượng tái tạo.
Mặc dù dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam hiện nay có xu hướng ngày càng tăng nhanh theo từng năm, nhưng nhìn chung, quy mô dư nợ vẫn còn tương đối nhỏ so với tổng tín dụng hệ thống. Cụ thể, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tăng tương ứng từ 1,55% năm 2015 lên mức 3,69% năm 2021, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm gần 40%, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, chiếm hơn 30%; lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn từ 5 - 8%/năm, trung và dài hạn từ 9 - 12%/năm. Với xu hướng mở rộng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh theo hướng đa dạng về đối tượng, các ngân hàng đang ngày càng tăng cường các chính sách ưu đãi tín dụng đối với các dự án có yếu tố bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Đáng chú ý, vào tháng 11/2021, tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Việt Nam đã đưa ra một cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cam kết này sẽ giúp cho các dòng vốn đầu tư ngoài nước cho các lĩnh vực xanh chảy Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đồng thời, điều này cũng giúp cho các ngân hàng và doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đẩy mạnh cho vay và đầu tư vào các dự án xanh, bảo vệ môi trường. Các ngân hàng thương mại trong nước cho biết sẽ đồng hành cùng với Chính phủ thực hiện tốt mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như đã cam kết ở trên thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các dự án xanh, bảo vệ môi trường. Điển hình như HSBC Việt Nam đã công bố cam kết thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững đến năm 2030.
Như vậy, có thể thấy, với những chính sách, định hướng từ Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng trong quá trình xanh hóa ngành Ngân hàng, hướng tới phát triển bền vững đã góp phần đưa tín dụng xanh, ngân hàng xanh có những chuyển biến tích cực và ngày càng phát triển. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nên việc triển khai thực hiện tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định, cần được nhanh chóng, kịp thời khắc phục. Theo đó, một số lý do có thể kể đến như sau:
- Chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, là cơ sở phát triển quy định quản lý rủi ro do biến đổi khí hậu trong hoạt động ngân hàng.
- Thiếu quy định, tiêu chuẩn cụ thể về các ngành/lĩnh vực xanh khuyến khích các TCTD cấp tín dụng, dẫn tới việc thiếu cơ sở để các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
- Việc tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi của các TCTD còn hạn chế; nhận thức và năng lực của các TCTD trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở giai đoạn đầu, còn chưa tập trung và đa dạng.
- Các TCTD chưa có bộ phận riêng, chuyên trách được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro các dự án xanh; quản lý rủi ro MT&XH trong hoạt động cấp tín dụng xanh thường được lồng ghép trên cơ sở các quy định về quản lý các rủi ro chung đối với các khoản cấp tín dụng.
- Thiếu các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, công cụ đo lường tác động, phân loại mức độ đối với các dự án cấp tín dụng xanh để giúp các TCTD có thể đo lường và quản lý rủi ro phù hợp.
- Nhận thức, năng lực của các ngân hàng, khách hàng trong việc quản lý rủi ro MT&XH và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh chưa thực sự rõ ràng. Công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong việc phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh còn chưa được đẩy mạnh.
4. Kiến nghị chính sách
NHNN cần phối hợp các bộ, ngành liên quan: (i) Sớm ban hành quy định về quản lý rủi ro MT&XH trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, là cơ sở phát triển, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ thể kinh tế tham gia hoạt động cấp tín dụng; trên cơ sở đó, có thể phát triển thêm quy định quản lý rủi ro do biến đổi khí hậu trong hoạt động ngân hàng; (ii) Xây dựng danh mục khuyến khích, hạn chế và cấm đầu tư tín dụng; (iii) Xây dựng danh mục các dự án xanh khuyến khích TCTD tập trung cấp tín dụng. Đồng thời, tăng cường các phối hợp chính sách liên ngành để phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam như phối hợp chính sách trong việc thúc đẩy phát triển các ngành/lĩnh vực xanh; phối hợp chính sách trong thực hiện các giải pháp quản trị rủi ro MT&XH trong hoạt động cấp tín dụng.
- Thúc đẩy các giải pháp huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam. Tăng cường huy động từ các nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế lớn như KfW, WB, ADB, IFC...; từ các quỹ tài chính khí hậu quốc tế để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp thông qua hệ thống các TCTD tại Việt Nam; phát hành trái phiếu xanh nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lớn, thời gian dài, phân tán và giảm thiểu rủi ro, cũng như phù hợp với quy định về giới hạn cấp tín dụng của TCTD, trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.
- Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro MT&XH trong hoạt động cấp tín dụng và quản lý rủi ro MT&XH của hệ thống ngân hàng Việt Nam để áp dụng nội bộ tại đơn vị; định hướng khuyến khích phát triển các sản phẩm tín dụng xanh. Các TCTD phải thẩm định khách hàng và nhu cầu vay, kiểm soát mục đích sử dụng vốn, quản lý rủi ro tín dụng trong cho vay được thực hiện một cách đầy đủ, chặt chẽ.
- Xây dựng các chương trình tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng Việt Nam; các ngân hàng cần bổ sung bản hướng dẫn cụ thể hơn để đánh giá và giám sát tác động tới môi trường của các dự án, doanh nghiệp vay vốn tín dụng xanh.
- Chú trọng phát triển mô hình ngân hàng xanh tại Việt Nam để theo kịp xu hướng chung trên thế giới, áp dụng những biện pháp và quy trình về quản lý rủi ro MT&XH xuất phát từ yêu cầu khách quan, từ cộng đồng, khách hàng và trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường.
- Đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền về tín dụng xanh, ngân hàng xanh thông qua mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của đội ngũ lãnh đạo, quản lý/hoạch định chính sách của các TCTD; các cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến chính sách phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nhóm tác giả - Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) (2015), Báo cáo “Ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam”, Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh GIZ.
- Lê Thị Anh Quyên (2022), “Thực trạng tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, truy cạp tại: https://thitruongtaichinhtiente.vn/thuc-trang-tin-dung-xanh-tai-cac-ngan-hang- thuong-mai-viet-nam-40481.html.
- Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghi ̣ sự 21 của Việt Nam).
- Thủ tướng Chính phủ (2008), Quyết định số 158/2008/QĐTTg ngày 02/12/2008 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
- Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
- Lê Minh Trường (2021), “Phát triển bền vững là gì ? Quy định pháp luật về phát triển bền vững”, truy cập tại: https://luatminhkhue.vn/phat-trien-ben-vung-la-gi---quy-dinh-phap-luat-ve-phat- trien-ben-vung.aspx.
Policies for the development of green credit system in Vietnam
Master. Vu Ngoc Tu
Thuongmai University
Abstract:
In the current development trend, economic activities are often associated with the environment. In Vietnam, green credit is receiving attention from the government and the State Bank of Vietnam has promulgated regulations on green credit. Vietnam has 31 credit institutions having outstanding green credit. However, the enforcement of regulations on green credit in Vietnam is facing some difficulties due to the lack of provisions for risk assessment, standards and beneficiaries of green credit. This paper analyzes Vietnam’s policies for the green credit through practical problems. Based on the paper’s findings, some macro management policies towards sustainable development are proposed.
Keywords: green credit, development policy.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 2 năm 2023]