Cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm rau an toàn của tỉnh Thái Nguyên

ThS. NGUYỄN THỊ HƯƠNG - TS. NGUYỄN THANH MINH (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Bài viết đã hệ thống những vấn đề lý luận về chuỗi giá trị, chuỗi giá trị nông sản, rau an toàn (RAT) và đặc trưng chuỗi giá trị sản phẩm RAT, trong đó có đề cập đến các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm RAT. Bài viết cũng tổng hợp kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm RAT của một số nước trên thế giới (Nhật Bản, Israel), một số địa phương trong nước (Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh) và rút ra 5 bài học kinh nghiệm cho tỉnh Thái Nguyên. Thông qua phân tích thực trạng để xác định những khó khăn của từng khâu, từ đó xây dựng chiến lược phát triển và xác định được các nút thắt cần hỗ trợ đối với các tác nhân trong các khâu của chuỗi giá trị RAT của tỉnh Thái Nguyên.

Từ khóa: rau an toàn, chuỗi giá trị, chuỗi giá trị nông sản, tỉnh Thái Nguyên.

1. Đặt vấn đề

Ngành Nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu để phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc đáp ứng yêu cầu chất lượng nông sản sạch ở Việt Nam hiện còn rất khó khăn. Mặt khác do thói quen canh tác lạc hậu, thiếu sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua, phân phối,… đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, trong đó có sản phẩm RAT.

Tỉnh Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực Đông Bắc, toàn tỉnh có khoảng 70 nghìn héc-ta đất trồng cây hàng năm. Năm 2020 toàn tỉnh trồng được 15.017 héc-ta rau các loại, sản lượng đạt 257.876 tấn. Trên địa bàn tỉnh có nhiều vùng sản xuất rau chuyên canh, như: Túc Duyên, Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), Linh Sơn (Đồng Hỷ), Nhã Lộng (Phú Bình), thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ),...[1] Tuy nhiên, sản xuất RAT ở tỉnh Thái Nguyên đang còn tồn tại một số vấn đề như: sản lượng thấp, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Hoạt động sản xuất RAT mang tính tự phát của các hộ nông dân và chưa thể tham gia tiêu thụ tại các hệ thống bán lẻ hiện đại và thường bị ép giá; các sản phẩm RAT chưa có chứng thực đầy đủ mức độ an toàn của sản phẩm.

Để góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên thì cần phải đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm RAT. Vì vậy, nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về chuỗi giá trị và phân tích chuỗi giá trị sản phẩm RAT để rút ra bài học kinh nghiệm cho tỉnh Thái Nguyên là có tính cấp thiết.

2. Cơ sở lý luận chuỗi và phân tích chuỗi giá trị sản phẩm RAT

2.1. Chuỗi giá trị và chuỗi giá trị nông sản

2.1.1. Chuỗi giá trị

Thuật ngữ “chuỗi giá trị” và “phương pháp phân tích chuỗi giá trị” được các học giả của Pháp đề cập lần đầu trong lý thuyết về phương pháp chuỗi (filière) vào những năm 50 của thế kỷ XX. Chuỗi giá trị là một hoạt động kinh doanh có quan hệ với nhau, từ việc cung cấp các đầu vào cho một sản phẩm, đến sơ chế, vận chuyển, tiếp thị, đến việc cuối cùng là bán sản phẩm đó cho người tiêu dùng [5].

Hình 1: Phân đoạn chuỗi giá trị cho một sản phẩm

Phân đoạn chuỗi giá trị cho một sản phẩm

Tác dụng của phân tích chuỗi giá trị: Giúp xác định những khó khăn của từng khâu trong chuỗi, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường và phát triển bền vững đồng thời xây dựng chiến lược phát triển chuỗi giá trị liên quan đến những gì mà tác nhân tham gia chuỗi giá trị phải làm để trở nên cạnh tranh hơn và để giá trị gia tăng lớn hơn trong tương lai. Phân tích chuỗi còn giúp các nhà hỗ trợ xác định được các nút thắt cần hỗ trợ đối với các tác nhân trong các khâu của chuỗi và có những tác động hỗ trợ phát triển chuỗi khi doanh nghiệp bắt đầu một quá trình thay đổi; nhằm cung cấp thông tin; thiết kế và chuẩn bị một chiến lược nâng cấp và xác định cơ sở cho hoạt động theo dõi [4].

2.1.2. Chuỗi giá trị nông sản

Theo FAO (2010): “Chuỗi giá trị nông sản bao gồm tập hợp các tác nhân và hoạt động đưa một sản phẩm nông sản từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, theo đó, giá trị của sản phẩm được gia tăng trong mỗi khâu trung gian. Một chuỗi giá trị có thể là một liên kết dọc hay một mạng lưới các tác nhân độc lập với nhau vào các khâu chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển và phân phối”.

Hình 2: Sơ đồ chuỗi giá trị nông sản [9]

Sơ đồ chuỗi giá trị nông sản

2.2. RAT và đặc trưng chuỗi giá trị sản phẩm RAT

2.2.1. Khái niệm rau an toàn

RAT là những sản phẩm rau tươi (bao gồm tất cả các loại rau ăn lá, thân, củ, hoa, quả, hạt, các loại nấm thực phẩm,…) được sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bao gói, bảo quản theo quy định kỹ thuật bảo đảm tồn dư về vi sinh vật, hóa chất độc hại dưới mức giới hạn tối đa cho phép [7].

Theo Tổ chức Y tế thế giới, RAT là rau cần phải đạt được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, kim loại nặng, và vi sinh vật trong rau phải đạt dưới mức tiêu chuẩn cho phép. Nếu vi phạm một trong bốn tiêu chuẩn trên thì không được gọi là RAT. RAT của Việt Nam được nói tới chủ yếu để phân biệt với rau được canh tác bằng các kỹ thuật thông thường.

Do vậy, có thể hiểu chuỗi giá trị RAT là tập hợp hoạt động của các tác nhân tham gia vào các khâu của chuỗi giá trị gồm: đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến, thương mại, tiêu dùng và các hoạt động hỗ trợ của tổ chức thúc đẩy chuỗi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên minh hợp tác xã,…).

2.2.2. Các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm RAT

- Tác nhân cung cấp đầu vào: Các nhà cung cấp, đầu tư đầu vào cho trồng RAT là tác nhân cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lao động nghèo,...

- Tác nhân sản xuất: bao gồm hộ nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã trồng RAT thực hiện việc làm đất, gieo rau, chăm sóc, thu hoạch.

- Tác nhân thu gom: được thực hiện bởi hệ thống thương lái tại địa phương hay được gọi là các đại lý thu mua, đảm bảo chức năng thu mua RAT từ nông dân và cung cấp lại cho các cơ sở chế biến rau.

- Tác nhân sơ chế: được thực hiện bởi các cơ sở sơ chế tại địa phương, các cơ sở sơ chế này có chức năng thu mua RAT từ thương lái trung gian hoặc hộ nông dân, sau đó sẽ phân loại rau và thực hiện công đoạn làm sạch, đóng gói. Cơ sở sơ chế này sẽ bán lại cho người tiêu dùng, người bán buôn, bán lẻ hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu.

- Khách hàng tiêu dùng sản phẩm RAT bao gồm 2 nhóm. Khách hàng cá nhân: là người tiêu dùng mua sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của gia đình; khách hàng tổ chức: là các bếp ăn tập thể, nhà trẻ, bệnh viện, trường học,… Nhóm khách hàng này đòi hỏi cao về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.

2.3. Nội dung nghiên cứu và phân tích chuỗi giá trị sản phẩm RAT

2.3.1. Lập sơ đồ chuỗi giá trị

Sơ đồ thể hiện các hoạt động, các khâu, các tác nhân chính trong chuỗi và những mối liên kết của họ. Lập sơ đồ chuỗi giá trị có nghĩa là vẽ một sơ đồ có thể quan sát trực tiếp về hệ thống kênh phân phối sản phẩm RAT. Sơ đồ này có nhiệm vụ xác định chức năng các hoạt động kinh doanh của mỗi tác nhân, các nhà vận hành chuỗi, dòng chảy và những mối liên kết của họ với các nhà hỗ trợ chuỗi. Thể hiện qua Hình 3 Sơ đồ chuỗi giá trị.

Hình 3: Sơ đồ chuỗi giá trị

Sơ đồ chuỗi giá trị

Nguồn: GTZ (2007)

2.3.2. Phân tích hoạt động và mối liên kết các tác nhân tham gia chuỗi giá trị

(1) Các hoạt động được thực hiện trong chuỗi giá trị RAT: Mô tả các hoạt động của các tác nhân trong chuỗi, hoạt động nào được thực hiện trước. Mỗi hoạt động sẽ tạo ra chi phí và xác định tỷ trọng (%) trong tổng chi phí, từ đó tìm ra hiệu quả của mỗi hoạt động.

(2) Xác định các bên tham gia chuỗi giá trị RAT hay còn gọi là các nhà vận hành chuỗi giá trị RAT: Xác định ai là người tham gia vào chuỗi, mô tả ai thực hiện các hoạt động này. Tuy nhiên, một hoạt động có thể được thực hiện bởi nhiều thành viên tham gia chuỗi và một thành viên của chuỗi có thể thực hiện nhiều hoạt động.

(3) Xác định những dòng chảy trong chuỗi giá trị RAT: Một chuỗi giá trị RAT có rất nhiều dòng chảy: dòng sản phẩm, hàng hóa, dòng tiền, thông tin, dịch vụ,... Mục tiêu phân tích chuỗi giá trị RAT là phân tích các dòng chảy đó để có thông tin tốt giúp các mắt xích trong chuỗi phối hợp đồng bộ hơn và từ đó giảm được lượng dự trữ/tồn kho không mong muốn trong chuỗi.

(4) Xác định mối liên kết trong chuỗi giá trị RAT: Mối liên kết phản ánh cách thức phối hợp các nhà vận hành chuỗi trong tất cả các giai đoạn của chuỗi. Phân tích mối liên kết bao gồm không chỉ việc xác định tổ chức và người tham gia nào liên kết với nhau mà còn xác định nguyên nhân của những liên kết này và những liên kết này có mang lại lợi ích hay không. Việc củng cố các mối liên kết giữa những tác nhân tham gia sẽ tạo nên nền móng cho việc cải thiện chuỗi giá trị.

2.3.3. Phân tích kinh tế chuỗi giá trị

Phân tích kinh tế chuỗi giá trị là phân tích kết quả hoạt động của chuỗi giá trị được biểu hiện thông qua các chỉ tiêu doanh thu, chi phí, lợi nhuận của từng tác nhân và của toàn chuỗi bao gồm:

Một là, phân tích phải đánh giá được giá trị của toàn bộ chuỗi giá trị RAT hay chính là toàn bộ giá trị gia tăng được sản sinh ra bởi chuỗi và tỷ trọng của nó ở các giai đoạn khác nhau.

Hai là, đánh giá được chi phí sản xuất tại mỗi giai đoạn trong chuỗi, xác định cấu trúc của chi phí trong các giai đoạn của chuỗi giá trị RAT và xác định tiềm năng giảm chi phí của các tác nhân tham gia.

Ba là, xác định việc phân phối lợi ích của các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị RAT.

2.3.4. Phân tích hoạt động quản lý chuỗi giá trị

Quản lý chuỗi giá trị là quá trình tổ chức các hoạt động này để phân tích chúng một cách chính xác.

Kết quả hoạt động của chuỗi giá trị RAT còn thể hiện ở mức độ mà một chuỗi giá trị RAT đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng cuối cùng bằng các chỉ tiêu về thời gian, sản phẩm. Để phân tích đánh giá chuỗi giá trị RAT về mặt quản lý cần phân tích đánh giá được: i) Khả năng đáp ứng; ii) Tính linh hoạt; iii) Chất lượng sản phẩm.

3. Cơ sở thực tiễn về phát triển chuỗi giá trị sản phẩm RAT

3.1. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới

(1) Kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị RAT ở Nhật Bản [3]:

Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật Bản làm nông nghiệp nhưng lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người và xuất khẩu nhờ nền nông nghiệp có hệ thống công nghệ cao với chuỗi giá trị hiệu quả.

Nông dân không sản xuất chạy theo phong trào, tất cả phải theo kế hoạch gắn với tiêu thụ trong vùng và liên vùng, được các cơ quan quản lý của ngành hướng dẫn và giám sát. Sản xuất được chuyên môn hóa sâu, vì vậy đã tạo được thương hiệu sản phẩm cho từng vùng, ví dụ như trồng và thu hoạch hành lá ở Ibaraki,… Sản phẩm khi thu hoạch đưa vào siêu thị phải đảm bảo độ đồng đều cao.

Chính sách điều tiết liên vùng của Nhật Bản rất tốt và khi vùng nào đó mất mùa do gặp thiên tai, Nhà nước sẽ điều tiết và huy động từ các vùng khác, nhập khẩu và từ nguồn dự trữ. Còn trường hợp dư thừa, Nhà nước trả tiền cho nông dân để có thể tiêu hủy, cày vùi luôn một phần diện tích rau làm phân bón. Họ để đất nghỉ, bỏ hóa và có thể gieo trồng mạch, kê hay cây họ đậu rồi cày vùi cải tạo đất được làm luân phiên, vì vậy đất của họ rất tốt, tơi xốp và rất giầu mùn.

Để ổn định giá cả thị trường, nhất là với rau, quỹ ổn định giá nông sản được chính phủ thành lập và giao cho một đơn vị điều hành có tên “Agricultural and Livestock corporation” viết tắt là “ALIC” thực hiện.

Khâu bán và phân phối sản phẩm của Nhật Bản khá đa dạng. Hiện nay nhiều hợp tác xã tổ chức các cửa hàng bán sản phẩm nông sản cho xã viên, xã viên mang sản phẩm tới bày trên kệ hàng đã được hợp đồng, mỗi hộ có mã số, mã vạch riêng để truy nguyên nguồn gốc và cửa hàng thu tiền, giúp nông dân, giá tùy thuộc chất lượng, mẫu mã để người tiêu dùng có thể chấp nhận. Đây là hình thức bán hàng ủy thác hiện đang mở rộng.

Một kiểu bán trực tiếp cũng được áp dụng. Theo đó một nhóm người tiêu dùng đặt hàng trực tiếp với nông hộ, trang trại để lấy nông sản hàng tuần. Hình thức bán hàng này được đánh giá là có độ tin cậy vì quen biết và địa chỉ rõ ràng, giám sát được song lại đỡ công chứng nhận, bao gói.

(2) Kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị RAT ở Israel [10]:

Ở quốc gia này, nông nghiệp là lĩnh vực mà 95% nguyên nhân thành công là nhờ khoa học và chỉ có 5% nhờ sức lao động của con người. Họ sử dụng phương pháp khử mặn đất, phát minh ra công nghệ tưới nhỏ giọt hiệu quả và thậm chí trồng ngay trên sa mạc cằn cỗi để cải tạo đất và tăng năng suất nông sản.

Israel cũng là quốc gia duy nhất mà sa mạc đang được đẩy lùi. Quốc gia này đứng đầu thế giới về tái chế nước, với tỉ lệ đến 70% nước được tái chế. Nông nghiệp thông minh thực sự là thế mạnh, làm nên nét khởi sắc về kinh tế cho Israel.

Họ kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học: lai tạo ra các giống côn trùng có ích nhằm giải quyết vấn đề kiểm soát sâu bệnh tuân theo các nguyên lý sinh thái học tự nhiên, lai tạo các giống côn trùng chuyên biệt thực hiện thụ phấn tự nhiên trong môi trường nhà kính.

Họ xây dựng hệ thống kiến thức nông nghiệp trực tuyến thuận lợi cho người nông dân truy cập nhằm học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, tư vấn phương pháp, giải pháp nông nghiệp từ các chuyên gia hàng đầu, các nhà sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp. Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới, Chính phủ nước này cũng chủ trương đẩy mạnh quảng cáo, tiếp thị trực tiếp sản phẩm sang các thị trường tiềm năng thông qua mạng Internet.

Bảo quản sau thu hoạch là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của nềnnông nghiệp thông minh Israel. Các nhà khoa học nước này đã nghiên cứu, phát minh nhiều công nghệ bảo quản giúp nông sản được tươi ngon lâu mà vẫn giữ giá trị dinh dưỡng cao.

Lĩnh vực nông nghiệp hiện nay của nước này hầu như gắn chặt với sự liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nông dân và các doanh nghiệp).

3.2. Kinh nghiệm phát triển RAT theo chuỗi giá trị của một số địa phương trong nước

(1) Kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị RAT ở Lâm Đồng [8]: Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên có độ cao trung bình từ 800 - 1.000 m so với mặt nước biển. Chất lượng đất đai của Lâm Đồng rất tốt, khá màu mỡ phù hợp cho việc trồng chè, cà phê, rau, hoa. Khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao. Nắm bắt được nhu cầu thị trường hướng tới ưu tiên sử dụng nguồn nông sản, thực phẩm sạch, an toàn và có nguồn gốc rõ ràng nên hiện nay nông dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ý thức cùng nhau thành lập chuỗi sản xuất RAT rồi cung ứng trực tiếp cho các nhà tiêu thụ, thay vì sản xuất manh mún thiếu định hướng như trước. Hầu hết các mô hình liên kết sản xuất có tính ổn định cao, vì chủ động được đầu ra và giá cả không phụ thuộc thị trường như trước đây. Mô hình liên kết trồng và cung ứng rau sạch khá đa dạng gồm các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác,… đóng vai trò đầu tàu trong việc cung ứng cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và ký kết hợp đồng tiêu thụ rau với chuỗi siêu thị, nhà hàng lớn tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ,…

(2) Kinh nghiệm phát triển RAT ở TP. Hồ Chí Minh [2]: Mục đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, tạo mối liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các thành phần tham gia chuỗi, từ đó nâng cao nhận thức, hành vi của người sản xuất, chế biến và tiêu dùng. UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu phát triển RAT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. Nhờ định hướng trên, việc sản xuất rau trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã đi vào ổn định, nhiều hộ nông dân đã tham gia thực hành sản xuất tốt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý ở các vùng RAT. Cụ thể, xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất rau; các lớp cơ sở dữ liệu bổ sung một số thông tin như: vùng rau, vùng rau VietGAP, hộ sản xuất rau, điều kiện sản xuất (mẫu đất, nước), cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng,… Đồng thời, xây dựng phần mềm phục vụ công tác quản lý và cập nhật dữ liệu các vùng sản xuất RAT. Mặt khác, để hỗ trợ tiêu thụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai đề án truy xuất nguồn gốc tại các đơn vị sản xuất RAT.Đồng thời, định kỳ tổ chức một số chợ phiên nông sản an toàn nhằm giới thiệu, kết nối cung cầu sản phẩm an toàn cho đông đảo người dân được biết. Tuy nhiên hoạt động này vẫn còn hạn chế về cơ sở vật chất, công nghệ, sự hợp tác giữa các tác nhân còn lỏng lẻo.

3.3. Thực trạng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm RAT của tỉnh Thái Nguyên

Xác định tầm quan trọng của việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm RAT, lãnh đạo tỉnh đã ban hành nhiều quyết định xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm RAT gắn với phát triển hợp tác xã nhằm thúc đẩy sản xuất và đảm bảo đầu ra cho tiêu thụ RAT trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu thống kê của của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, tính hết năm 2021 toàn tỉnh có trên 400 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có khoảng trên 20 hợp tác xã chuyên về trồng, sản xuất rau, củ, quả an toàn. Toàn tỉnh hiện có 132 ha sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận, trong đó diện tích còn hiệu lực chứng nhận VietGAP là 63,3 ha; đăng ký chứng nhận rau vụ Đông 2021 là 20 ha cho 4 hợp tác xã.

Diện tích gieo trồng rau các loại trên địa bàn toàn tỉnh hàng năm đạt trên 14.700 ha, sản lượng 260.400 tấn, năng suất bình quân đạt 177 tạ/ha. Giá trị sản xuất rau ước đạt 1.600 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 13% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Sản lượng rau có xu hướng tăng qua các năm gần đây, và tăng chủ yếu trong vụ Đông - Xuân và sản lượng năm sau cao hơn năm trước bình quân khoảng 5%. Cơ cấu, chủng loại rau của tỉnh khá phong phú và đa dạng (nhóm rau ăn lá chiếm 70%; rau lấy quả chiếm 22,3%; rau lấy thân, củ, rễ chiếm 7,7 % so với tổng sản lượng). Nhằm kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, từng bước quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm rau, đến nay cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn, hỗ trợ cấp xác nhận cho 05 chuỗi cung ứng sản phẩm RAT chủ yếu cung cấp cho hệ thống quầy hàng bán lẻ và các bếp ăn tập thể, định kỳ giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và quản lý việc sử dụng tem xác nhận điện tử truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code.

Dù đã ghi nhận nhiều kết quả tốt trong việc phát triển chuỗi giá trị sản xuất RAT, tuy nhiên việc phát triển còn tồn tại một số khó khăn như: Đất sản xuất nhỏ lẻ, phân tán chủ yếu quy mô nông hộ, thiếu quỹ đất để phát triển sản xuất rau tập trung chuyên canh, hệ thống tưới tiêu chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; Thiếu lao động ở những vùng có khả năng chuyên canh rau do dịch chuyển lao động sang phi nông nghiệp cho thu nhập cao hơn, tốc độ đô thị hoá nhanh diện tích sản xuất thu hẹp, vùng rau chủ yếu xen kẽ với các khu đông dân cư gây khó khăn trong sản xuất RAT, GAP, hữu cơ;...

4. Bài học kinh nghiệm cho tỉnh Thái Nguyên

Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và các địa phương trong nước về phát triển bền vững vùng RAT, bài viết đưa ra bài học kinh nghiệm cho tỉnh Thái Nguyên như sau:

- Phát huy thế mạnh của mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nông dân và các doanh nghiệp), coi trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Cần có quy hoạch, kế hoạch gắn với tiêu thụ RAT ở trong vùng và liên vùng; thậm chí phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển RAT trên địa bàn và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý ở các vùng RAT.

- Xây dựng thương hiệu, hình thành các mối liên kết đa chiều với sự tham gia hợp tác của nông dân sản xuất quy mô nhỏ, làm dịch vụ hỗ trợ cung ứng các dịch vụ đầu vào và đầu ra của sản phẩm cho hộ trồng RAT. Cho phép họ tham gia vào mối quan hệ trực tiếp với các nhà xuất RAT.

- Tăng cường truy xuất nguồn gốc và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, thông qua hệ thống kiểm tra nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ở các thị trường nước ngoài.

- Giải quyết tốt các lợi ích giữa các thành viên tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm RAT, loại bỏ các trung gian không cần thiết nhằm tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi ích cho người tiêu dùng.

5. Kết luận

Rau là sản phẩm tiêu dùng không thể thiếu của con người, rau cung cấp rất nhiều vitamin, dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể con người, nhưng không đơn thuần đủ về số lượng mà cần đảm bảo cả về mặt chất lượng và an toàn thực phẩm tức là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gọi tắt là RAT. Từ lý luận cơ bản về RAT, chuỗi giá trị, chuỗi giá trị sản phẩm RAT, phân tích chuỗi giá trị sản phẩm RAT sẽ làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân, đặc biệt là các tác nhân tham gia chuỗi giá trị sản phẩm RAT. Kết hợp giữa lý luận và kinh nghiệm phát triển RAT theo chuỗi giá trị của một số nước trên thế giới và của một số địa phương trong nước bài viết đã rút ra 5 bài học làm tài liệu tham khảo cho địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên (2019). Báo cáo số 17/BC-SNN, ngày 06/01/2019 về kết quả thực hiện nhiệm vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019.
  2. H. Chung (2018). Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển rau an toàn thành sản phẩm chủ lực. Truy cập tại https://dantocmiennui.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-phat-trien-rau-an-toan-thanh-san-pham-chu-luc/182402.html
  3. Trần Xuân Định. Chuỗi rau an toàn, nhìn từ Nhật Bản. Truy cập tại http://market.giavang.com.vn/ article/6234/chuoi-rau-toan-nhin-tu-nhat-ban
  4. Cẩm nang ValueLinks (2007). Phương pháp luận để thúc đẩy chuỗi giá trị, GTZ Eschborn.
  5. Lambert, D.M. and Cooper, M.C. (2000). Issues in supply chain management. Industrial Marketing Management, 29, 65-83.
  6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2007). Quyết định số 04/2007/QĐ-BNN, ngày 19 tháng 01 năm 2007 về "Quy định về quản trị sản xuất và chứng nhận RAT".
  7. Lâm Viên (2016). Các nước ASEAN nghiên cứu chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn tại Lâm Đồng. Truy cập tại http://baolamdong.vn/kinhte/201605/cac-nuoc-asean-nghien-cuu-chuoi-lien-ket-san-xuat-rau-an-toan-tai-lam-dong-2698571/
  8. VITIC (2017). Báo cáo: Chuỗi giá trị nông sản và những vấn đề về logistics trong ngành nông sản. Truy cập tại https://logistics.gov.vn/nghien-cuudao-tao/bao-cao-chuoi-gia-tri-nong-san-va-nhung-van-de-ve-logistics-trong-nganh-nong-san
  9. Mô hình nông nghiệp thông minh ở Israel. Truy cập tại http://www.vacvina.org.vn/xem-tin-tuc/mo-hinh-nong-nghiep-thong-minh-o-israel.html

SCIENTIFIC BASIS AND PRACTICAL EXPERIENCE

TO DEVELOP THE FULL VALUE OF SAFE VEGETABLE

PRODUCTS OF THAI NGUYEN PROVINCE

Master. NGUYEN THI HUONG1

Ph.D NGUYEN THANH MINH1

1Thai Nguyen University of Economics and Business Administration

ABSTRACT:

This study presents an overview of theoretical issues relating to the value chain, the value chain of agricultural products, safe vegetables and characteristics of the value chain of safe vegetables. The study also points out the factors in the value chain of safe vegetables. The study identifies the difficulties at each stage of the value chain of safe vegetables, develops a development strategy and identifies bottlenecks that need to be solved in all stages of the value chain. This study presents experiences of some countries such as Japan and Israel and some localities in Vietnam such as Lam Dong province and Ho Chi Minh City in developing the value chain of safe vegetables.

Keywords: safe vegetables, value chain, value chain of agricultural products, Thai Nguyen province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]