Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến mô hình canh tác nông nghiệp tại vùng đệm vườn quốc gia Tà Đùng

NGUYỄN VĂN HIỆP (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) - VÕ ĐÌNH LONG (Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) - LÊ HUY BÁ (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh) - NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Vùng đệm của Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng nằm trong khu vực Tây Nguyên trên địa bàn 7 xã giáp ranh với vườn quốc gia, thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Nghiên cứu được thực hiện qua quá trình khảo sát các hộ gia đình, thu thập và xử lý các số liệu liên quan và đánh giá thực trạng các mô hình canh tác nông nghiệp tại vùng đệm khu VQG Tà Đùng. Kết quả cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến mô hình canh tác nông nghiệp tại VQG Tà Đùng bao gồm nguồn nước tưới, phân bón, đất đai và dịch bệnh, trong đó yếu tố đất đai và khí hậu ảnh hưởng lớn nhất. Các kết quả nghiên cứu sẽ làm cơ sở để đưa ra các giải pháp nhằm góp phần hình thành nền nông nghiệp bền vững cho người dân vùng đệm.

Từ khóa: mô hình canh tác nông nghiệp, vùng đệm, Vườn Quốc gia Tà Đùng.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới về đa dạng sinh học. Nhiều VQG và khu bảo tồn đã và đang được xây dựng. Phần lớn các khu vực này thường nằm xen với khu dân cư và chịu sức ép nặng từ phía ngoài. VQG Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) nằm ở phía Đông của cao nguyên Đắk Nông, phía Tây của cao nguyên Di Linh và phía Tây Nam của vùng núi cao Chư Yang Sin, trên diện tích liền vùng 20.973 ha. Khu VQG Tà Đùng là nơi giao thoa về địa lý - sinh học của khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Trong những năm qua, ngành Du lịch phát triển mạnh đã phần nào tác động tới môi trường tự nhiên, đặc biệt là mô hình canh tác nông nghiệp của VQG đã làm cho vẻ đẹp tự nhiên của Tà Đùng và các vùng xung quanh có nguy cơ tiếp tục bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc đánh giá các mô hình canh tác nông nghiệp hiện hữu và các yếu tố ảnh hưởng đến VQG Tà Đùng sẽ làm cơ sở cho việc lựa chọn một số loại hình canh tác phù hợp.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: các mô hình canh tác nông nghiệp thuộc vùng đệm tại VQG Tà Đùng.

- Phạm vi nghiên cứu: nghiên cứu được triển khai tại 3 xã: Phi Liêng, Đa KNang, Đắk Som, thuộc vùng đệm VQG Tà Đùng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập thông tin: thu thập báo cáo tổng kết tình hình canh tác nông nghiệp vùng đệm của VQG Tà Đùng, thông tin về hiện trạng môi trường, thông tin về hiện trạng tài nguyên VQG của các xã thuộc huyện Di Linh.

- Phương pháp điều tra phỏng vấn: Tiến hành điều tra từng hộ gia đình trong 3 xã thuộc vùng đệm, mỗi xã 120 phiếu.

- Phương pháp chuyên gia, kế thừa số liệu.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Đánh giá các mô hình canh tác nông nghiệp hiện hữu tại VQG Tà Đùng

3.1.1. Mô hình trồng trọt

Các loài cây trồng chủ yếu tại VQG Tà Đùng gồm: cà phê, bắp lai, khoai mì, đậu, lúa,... Trong đó, cà phê là loại cây trồng chủ lực, lúa rẫy và lúa nước phục vụ nhu cầu tại chỗ. Một số loài cây trồng ở quy mô diện tích nhỏ, như: ngô, khoai mì, lúa nước,... Các loại cây trồng đều có năng suất thấp, do trình độ canh tác lạc hậu. Cây nông sản chính là cà phê có năng suất bình quân khoảng 2 tấn/ha/năm. Đa phần người dân sử dụng cây cà phê là giống cây trồng chính và cho sản lượng đạt năng suất hiệu quả hơn các giống cây khác.

- Mô hình canh tác cây cà phê: Mô hình canh tác cây cà phê đang được người dân khu vực canh tác nhiều nhất trên địa bàn vùng đệm, đặc biệt là trong 3 khu vực xã Đăk Som, xã Phi Liêng và xã Đ Năng. Diện tích canh tác cây cà phê bao phủ hầu khắp bề mặt diện tích đất nông nghiệp của người dân. Kết quả khảo sát cho thấy, mô hình canh tác cây cà phê của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, giải pháp canh tác chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Người dân vẫn còn áp dụng hình thức canh tác cũ, dẫn đến năng suất tụt giảm. Hầu hết các vườn cà phê đã có dấu hiệu già cỗi, năng suất thấp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và tâm lý người dân sản xuất tại VQG. Nguyên nhân chính dẫn đến việc các hộ canh tác giống cây cà phê có tỷ lệ thành công chưa cao là do chưa nắm rõ các quy trình canh tác các mô hình nông nghiệp cải cách và chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình xử lý đất và chọn giống khi trồng. Trong những năm gần đây, người dân tại vùng đệm VQG Tà Đùng đã trồng xen kẽ giống cây cà phê với một số giống cây trồng khác như mì, bắp lai, đậu đỗ,… Việc trồng xen kẽ các giống cây như vậy đã tạo điều kiện cho cây trồng trong đất phát triển tốt, đồng thời cải thiện tình hình kinh tế cho bà con nông hộ. Người dân tại 3 xã vùng đệm VQG Tà Đùng còn đưa những giống cây mới về địa phương, nhằm cải thiện chất lượng của giống cây trồng, nâng cao năng suất, trong đó có mô hình canh tác giống cà phê xanh lùn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đang được nhiều người dân áp dụng.

Bên cạnh trồng cây cà phê, người dân tại 3 xã khu vực vùng đệm còn áp dụng phương thức trồng xen canh vào đất đang sử dụng cây mì, cây đậu đỗ và bắp lai. Tuy nhiên, việc trồng xen canh còn gây nhiều bất cập, vì chưa áp dụng đúng kỹ thuật quy trình, không phân chia loại đất phù hợp,... nên chưa được áp dụng phổ biến. Dưới sự giúp sức của các cán bộ địa phương và các kỹ sư nông nghiệp, 100 hộ tại 3 xã địa bàn tỉnh Dak Nông đã áp dụng hình thức trồng xen canh cây bắp với cây cà phê. Việc áp dụng hình thức trồng xen canh này không những mang lại lợi ích kinh tế, mà còn tiết kiệm diện tích đất, tránh những khoảng đất trống của cây cà phê không làm gì, tạo ra một mô hình xen canh hợp lý và cây còn hấp thụ được những chất dinh dưỡng có trong đất.

Bên cạnh việc xen lẫn những mô hình canh tác cũ, một số hộ dân đã đưa vào một vài mô hình canh tác mới, nhưng chỉ thí điểm đối với các hộ nằm gần khu vực trung tâm vùng đệm, dưới sự hướng dẫn của Ban quản lý VQG Tà Đùng. Tuy nhiên, đa phần người dân nơi đây vẫn sử dụng hình thức canh tác cũ, lạc hậu. Nhiều vườn cây của các hộ sinh sống sâu trong vùng đệm khá già cỗi và đạt năng suất sản lượng thấp trong một vài năm trở lại đây. Có những vườn cà phê đã có tuổi thọ đến hơn 10 năm, đang bị già đi, không đạt được hiệu quả kinh tế cao.

3.1.2. Mô hình chăn nuôi

Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn chưa thực sự phát triển và ít mang tính chất hàng hóa. Các loại gia súc, gia cầm được nuôi chủ yếu là bò, trâu, heo, gà, vịt,... Mục đích của việc nuôi bò, trâu là để lấy phân bón, cung cấp thịt cho nhu cầu gia đình và bán tại địa phương. Gia cầm được nuôi chủ yếu dùng làm thức ăn cho gia đình, không có các hoạt động nuôi gia cầm công nghiệp.

Các mô hình chăn nuôi hiện nay trên 3 xã vùng đệm chủ yếu là hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ từ các hộ gia đình, mật độ chuồng trại nhỏ hẹp, chủ yếu là chăn thả tự do và lấy thịt là chủ yếu. Hiện nay, tại các xã có sự mất cân bằng giữa gia súc và gia cầm. Người dân chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia súc được thả rong là chính, điều này vô tình làm mất kiểm soát sự tăng trưởng của hoạt động chăn nuôi nơi đây.

Hình 1: Kết quả điều tra số lượng gia súc và gia cầm tại 3 xã vùng đệm

(Đơn vị tính: con)

Kết quả điều tra số lượng gia súc và gia cầm tại 3 xã vùng đệm

Trước đây cũng có một vài hộ thực hiện chăn nuôi lớn đàn gia súc gia cầm để đem đi bán, nhưng không thành công, do chưa có kỹ thuật trong chăn nuôi, nênbị dịch bệnh mà chết. Từ đó, các hộ không còn chăn nuôi lớn nữa mà tập trung vào trồng cây nông nghiệp, chủ yếu là trồng cây cà phê để bán kiếm tiền, còn về chăn nuôi gia súc gia cầm thì chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ để phục vụ bà con trong các dịp lễ Tết và dùng để trao đổi thực phẩm qua lại giữa các hộ dân.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn chưa được phổ biến, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, với mục đích cung cấp lương thực cho địa phương là chính, chưa có các hoạt động chăn nuôi công nghiệp. Điều này đã làm mất cân bằng giữa hoạt động canh tác trồng trọt và hoạt động chăn nuôi, làm mất đi một phần thu nhập của người dân tại 3 xã vùng đệm.

3.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến mô hình canh tác nông nghiệp tại VQG Tà Đùng

3.2.1. Yếu tố đất đai

Khu vực vùng đệm VQG Tà Đùng là đất đỏ bazan, có chất dinh dưỡng cao có đồ phì nhiêu cao cây trồng lâu năm có thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng có trong đất rất cao, thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp lâu năm. Một số cây ăn quả, cây nông nghiệp như lúa nước không thích hợp cho loại đất này, cho sản lượng rất thấp. Tuy nhiên, sự khó khăn của cây trồng này lại là đặc điểm của cây trồng kia, tùy vào mỗi loại cây, vì những điều kiện tự nhiên mà đất đai mang lại. Vì vậy, trong 10 năm trở lại đây, người dân tại VQG Tà Đùng không chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào cây cà phê là cây trồng chính.

3.2.2. Yếu tố khí hậu

Khí hậu cũng là một trong những yếu quan trọng, quyết định đến sự phát triển của nông nghiệp. Nhiệt độ trung bình hàng năm tại VQG Tà Đùng rơi vào khoảng 22-230C, nhiệt độ trung bình cao nhất có lúc lên đến 350C. Khí hậu nơi đây được chia làm 2 mùa mưa và khô rõ rệt, phù hợp với điều kiện tự nhiên trồng cây lâu năm.

3.2.3. Yếu tố phân bón

Phân bón cũng chiếm giữ một vai trò vô cùng quan trọng đến mô hình canh tác nông nghiệp tại VQG Tà Đùng và là biện pháp kỹ thuật quan trọng quyết định trực tiếp tới năng suất của cây nông nghiệp. Nước tưới cũng chiếm giữ một vai trò vô cùng quan trọng, giúp duy trì sự sinh trưởng của cây nông nghiệp, đồng thời là điều kiện kiên quyết để cây ra hoa. Đặc biệt, khí hậu khu vực vùng đệm VQG Tà Đùng được chia làm mùa mưa và mùa khô, vì vậy nước tưới trong khu vực mùa khô cũng vô cùng quan trọng không thể thiếu trong quá trình canh tác nông nghiệp.

3.2.4. Yếu tố hệ sinh thái

Những năm gần đây, sự gia tăng dân số cùng với việc khai thác quá mức các nguồn lợi tự nhiên của người dân đã làm cho tính đa dạng sinh học của VQG Tà Đùng bị suy giảm về số lượng và chất lượng. Hiện nay, việc tìm kiếm các nguồn lợi từ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số sống xung quanh vùng đệm vẫn diễn ra. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học vẫn còn một số bất cập, như đội ngũ cán bộ có chuyên môn về bảo tồn đa dạng sinh học thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, do đó việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án còn hạn chế.Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn do người dân sống tại vùng đệm phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên rừng, trình độ, nhận thức hạn chế.

3.2.5. Chính sách của Nhà nước

Chính sách nông hộ cũng là một vấn đề còn bất cập hiện nay. Nhiều hộ gia đình nghèo sống dựa vào các sinh kế phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên, nên dễ bị tác động bởi thiên tai, hay những thay đổi theo mùa vụ. Biến đổi khí hậu có những rủi ro tiềm ẩn rất lớn đối với nhóm người nghèo sống ở khu vực ven rừng. Người nghèo thường có khả năng chống chịu, ứng phó, phục hồi thấp hơn những nhóm người giàu (với tiềm lực về vật chất, nguồn lực lớn hơn). Do đó, tình trạng khó khăn đang tồn tại trong các cộng đồng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong một thời gian dài.

4. Kết luận

Hiện nay, mô hình canh tác nông nghiệp chủ yếu tại VQG Tà Đùng là mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn, vì vậy nhiều hộ gia đình không có tiền để đầu tư chuồng trại, động vật nuôi vẫn thả rong tự nhiên. Ngoài ra, còn có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mô hình canh tác nông nghiệp tại VQG Tà Đùng, trong đó yếu tố đất đai và khí hậu chiếm 80%. Đặc thù VQG Tà Đùng nằm trên địa phận cao, nên chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể và phù hợp với vùng đệm VQG Tà Đùng để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của người dân nơi đây.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:           

  1. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN Việt Nam (2008). Hướng dẫn quản lý khu bảo tồn thiên nhiên - Một số kinh nghiệm và bài học quốc tế, Hà Nội.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định phê duyệt việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thành Vườn Quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đăk Nông.
  3. Nguyễn Hồng Hải (2017). Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng bảo tồn quần thể các loài động thực vật đặc hữu và quý hiếm bị đe dọa toàn quốc và toàn cầu. Truy cập tại https://daknong.gov.vn/thong-tin-kinh-te/-/view_content/1524724-khu-bao-ton-thien-nhien-ta-dung-dang-hanh-trinh-chuyen-loai-thanh-vuon-quoc-gia.html

ANALYZING THE FACTORS AFFECTING

THE AGRICULTURAL CULTIVATION MODELS

IN THE BUFFER ZONE OF TA DUNG NATIONAL PARK

• NGUYEN VAN HIEP1,2

• VO DINH LONG2

• LE HUY BA3

• NGUYEN THI HONG NHUNG4

1Department of Natural Resources and Environment of Dak Nong Province

2Industrial University of Ho Chi Minh City

3Ho Chi Minh City University of Food Industry

4Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

The buffer zone of Ta Dung National Park consists of 7 communes of Dak Nong Province and Lam Dong Province. By surveying households living in the buffer zone of of Ta Dung National Park, this study assesses the current agricultural cultivation models in this buffer zone. This study finds out that there are some major factors affecting the agricultural cultivation models in the national parks buffer zone such as irrigation water, climate, fertilizer, soil and diseases. In which, soil and climate factors play the most important role. These findings are expected to be served as th basis for solutions to develop sustainabl agricultural cultivation models for people living in Ta Dung National Parks buffer zone.

Keywords: agricultural cultivation model, buffer zone, Ta Dung National Park.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]