Các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thành phố Cần Thơ

ThS. NGUYỄN HOÀNG THANH TRÚC (Trường Đại học Nam Cần Thơ) - ThS. HUỲNH MINH ĐOÀN (Trường Đại học Cửu Long)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thành phố Cần Thơ thông qua số liệu được thu thập từ năm 2005 đến năm 2019. Hàm sản xuất Cobb-Douglas được sử dụng để xác định mức đóng góp của từng nhân tố tới tốc độ tăng trưởng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố đóng góp cho tăng trưởng nông nghiệp thành phố Cần Thơ có xu hướng thay đổi theo thời gian. Nếu năm 2006, yếu tố vốn đầu tư và lao động quyết định tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, thì năm 2019, yếu tố vốn đầu tư và khoa học công nghệ lại đóng vai trò quan trọng. Như vậy, để đạt được mức tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay, thành phố Cần Thơ cần chú trọng đầu tư thêm vốn và khoa học kỹ thuật.

Từ khóa: đầu tư phát triển kinh tế, tăng trưởng nông nghiệp, vốn đầu tư.

1. Đặt vấn đề

Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, nhưng vẫn còn bộ phận lớn người dân có thu nhập chủ yếu dựa vào nghề nông. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi: tình hình dịch bệnh trên nhiều loại cây trồng vật nuôi diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan, hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt dẫn đến chi phí sản xuất đầu vào tăng. Trong khi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn mang tính nông hộ, nhỏ lẻ, liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ, tiêu thụ hàng hóa nông sản gặp nhiều khó khăn; các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Điều này đặt ra cho thành phố thách thức lớn trước yêu cầu đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ (GRDP - Gross Regional Domestic Product) có xu hướng tăng dần qua các năm, nhưng mức tăng còn thấp. Trong giai đoạn 2005 - 2019, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân ở mức 3,62%.

Bài viết phân tích tác động của các nhân tố đến tăng trưởng kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu nhằm giải thích mức độ tác động của các nhân tố đầu vào đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn 2005 - 2019.

2. Phương pháp nghiên cứu

Hàm sản xuất Cobb-Douglas được sử dụng để xác định mối quan hệ giữa tăng trưởng nông nghiệp và các yếu tố đầu vào. Hàm Cobb-Douglas có các nguồn lực đầu vào bao gồm: vốn đầu tư nông nghiệp, số lượng lao động nông nghiệp và yếu tố công nghệ sẽ tác động đến tổng sản phẩm nông nghiệp được thể hiện dưới dạng công thức sau:

            Y = TFPLαKβ               (1)

Trong đó, gọi Y: GRDP nông nghiệp là biến phụ thuộc; K: vốn đầu tư nông nghiệp và L: số lượng lao động nông nghiệp là 2 biến độc lập; TFP: năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity), yếu tố tổng hợp này chủ yếu là yếu tố khoa học công nghệ không được đo lường trực tiếp mà sẽ tính gián tiếp bằng cách lấy GRDP nông nghiệp trừ đi các yếu tố đầu vào đã nêu trên.

Tổng hệ số co giãn (α + β) cho biết xu hướng của hàm sản xuất về suất sinh lợi theo quy mô. Nếu (α + β) = 1, năng suất biên ổn định, khi tăng thêm 1 đơn vị đầu vào (vốn và lao động), đầu ra (GRDP nông nghiệp) sẽ tăng thêm 1 đơn vị. Nếu (α + β) > 1, năng suất biên tăng dần, khi tăng thêm 1 đơn vị đầu vào (vốn và lao động), đầu ra (GRDP nông nghiệp) sẽ tăng thêm hơn 1 đơn vị. Nếu (α + β) < 1, năng suất biên giảm dần, khi tăng thêm hơn 1 đơn vị đầu vào (vốn và lao động), đầu ra (GRDP nông nghiệp) sẽ tăng thêm nhỏ hơn 1 đơn vị.

Từ phương trình (1), lấy Logarith 2 vế, sẽ có phương trình tương đương:

LnY = LnTFP + αLnL + βLnK           (2)

Lấy đạo hàm phương trình (2) theo thời gian t, ta được:

CT (3)

Nghiên cứu này sử dụng phần mềm SPSS để ước lượng a và b bằng phương pháp bình phương bé nhất (OLS - Ordinary Least Square).

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Phân tích hồi quy

Mục tiêu chính của bài viết này là trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến GRDP nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ nên nhóm tác giả đã sử dụng hàm sản xuất Cobb-Douglas để phân tích. Kết quả phân tích của mô hình được thể hiện tại Bảng 1.

Bảng 1. Kết quả hồi quy

Kết quả hồi quy

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu thu thập bằng SPSS

Trong Bảng 1, R2 hiệu chỉnh = 0,559; như vậy 55,9% thay đổi của GRDP nông nghiệp được giải thích bởi các biến vốn đầu tư nông nghiệp và lao động nông nghiệp. Bên cạnh đó Sig. < 0,01, như vậy mô hình đưa ra phù hợp với dữ liệu thực tế. Các biến độc lập có tương quan tuyến tính biến phụ thuộc với mức độ tin cậy là 99%.

Trong cột hệ số hồi quy chưa được chuẩn hóa, ta biết được hệ số co giãn của hàm Cobb-Douglas. Đối với biến vốn đầu tư nông nghiệp, hệ số co giãn là 0,390. Đối với biến lao động nông nghiệp, hệ số là 1,110. Như vậy α = 1,11 và β = 0,39. Đồng thời ở cột mức ý nghĩa (Sig.) cho thấy: biến K có Sig. < 0,01, có nghĩa vốn đầu tư nông nghiệp tương quan có ý nghĩa với GRDP nông nghiệp với độ tin cậy 99%. Biến L có Sig. < 0,1, có nghĩa lao động nông nghiệp tương quan có ý nghĩa với GRDP nông nghiệp với độ tin cậy 90%. Đồng thời thông qua Bảng 1, độ phóng đại phương sai (VIF - Variance Inflation Factor) đều nhỏ hơn 10. Như vậy, các biến độc lập không có tương quan với nhau, không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra.

3.2. Xác định mức đóng góp của từng nhân tố đối với tốc độ tăng trưởng nông nghiệp

Bảng 2. Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp và các nhân tố đầu vào năm 2006 và năm 2019

Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp và các nhân tố đầu vào năm 2006 và năm 2019

Bảng 3. Đóng góp của các nhân tố đến tăng trưởng ngành Nông nghiệp (%)

Đóng góp của các nhân tố đến tăng trưởng ngành Nông nghiệp (%)

Nguồn: Tính toán của tác giả

Giai đoạn 2005 - 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố Cần Thơ đạt 10,43%, trong đó khu vực Nông nghiệp chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân ở mức 3,62%. Điều này được giải thích do đặc trưng của sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, trong những năm gần đây cường độ và tính biến động cực đoan của các hiện tượng thời tiết như khô nóng, lũ, xâm nhập mặn, sâu bệnh, dịch bệnh làm giảm năng suất và sản lượng của cây trồng, vật nuôi; đầu tư phát triển cho ngành còn ít; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn hạn chế; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp còn thấp.

Trong năm 2006, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu do vốn đầu tư và lao động, còn yếu tố công nghệ (dấu âm) chưa phát huy tác dụng cho thấy ngành Nông nghiệp có xu hướng phát triển theo chiều rộng nhiều hơn.

Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu do vốn đầu tư và công nghệ, còn lao động tác động âm. Theo xu hướng phát triển lĩnh vực nông nghiệp, đóng góp của số lượng lao động cho phát triển nông nghiệp giảm dần, thay vào đó là sự tăng lên của khoa học công nghệ, chất lượng lao động.

4. Kết luận và đề xuất

Từ kết quả nghiên cứu trên, rút ra một số kết luận như sau:

- Nhân tố vốn có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp; Đóng góp của nhân tố lao động ngày càng giảm dần, do việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; Công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được quan tâm, có nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào trong sản xuất.

- Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp trong những năm gần đây rất thấp và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của ngành Công nghiệp và Xây dựng, dịch vụ. Tuy tỷ trọng của GRDP nông nghiệp trong cơ cấu GRDP của thành phố Cần Thơ giảm dần qua các năm và năm 2019 chỉ còn khoảng 9,42%, nhưng sản xuất nông nghiệp lại có vai trò rất quan trọng, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa là nhân tố cân bằng môi trường, giữ gìn cảnh quan sinh thái cho một đô thị xanh, sạch, đẹp.

Từ những nhận định trên, tác giả đưa ra một vài đề xuất nhằm gia tăng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp như sau:

Thứ nhất, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao:

+ Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ - kỹ thuật cao; Tăng cường hợp tác, liên kết với Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, các trung tâm nghiên cứu khoa học để hỗ trợ kinh phí cho các công trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp; Xây dựng các mô hình sản xuất tổng hợp; Gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến; Phối hợp giữa các ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

+ Tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

+ Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ; tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác ở nông thôn; xây dựng các vùng sản xuất nông sản công nghệ cao để tạo ra nông sản đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.     

Thứ hai, huy động vốn đầu tư để phát triển nông nghiệp:

+ Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp thành phố Cần Thơ hàng năm rất lớn so với khả năng, nguồn lực của Thành phố. Do vậy, cần có các giải pháp đa dạng trong huy động vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp, vừa ưu tiên đầu tư vốn nhà nước, vừa khuyến khích thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác tham gia, thực hiện tốt chủ trương hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong huy động vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn đầu tư công tập trung cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp.

+ Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, huy động vốn Trung ương, viện trợ đầu tư của nước ngoài, huy động đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố Cần Thơ.

+ Tuyên truyền, kêu gọi toàn dân thực hành tiết kiệm tiêu dùng, ưu tiên đầu tư cho phát triển để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030, thành phố Cần Thơ là thành phố xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam bộ; thuộc nhóm các thành phố phát triển hàng đầu Đông Nam Á; là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long về công nghiệp, dịch vụ phục vụ công nghiệp chế biến và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Cần Thơ là thành phố xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam bộ; thuộc nhóm các thành phố phát triển hàng đầu châu Á.

Thứ ba, chú trọng triển khai, thực hiện tốt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đầu tư phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời giao lưu hợp tác nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đầu tư phát triển nông nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê thành phố Cần Thơ (2019). Niên giám thống kê 2019. TP. Cần Thơ: Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Đinh Phi Hổ (2012). Phương pháp nghiên cứu định lượng và những nghiên cứu thực tiễn trong kinh tế phát triển - nông nghiệp. Tỉnh Cà Mau: Nhà xuất bản Phương Đông.
  3. Huỳnh Trường Huy (2009). Phân tích tốc độ tăng trưởng nông nghiệp và các nhân tố đầu vào theo mô hình tăng trưởng của Solow. Tạp chí Nghiên cứu - trao đổi, 24(1+2/2009).
  4. Nguyễn Đình Thọ (2018). Giáo trình phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. Hà Nội: Nhà xuất bản Tài chính.
  5. UBND thành phố Cần Thơ (2020), Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tài liệu hội thảo.
  6. A.K. Salgotra, Ajay Singh Manhas, Pawan Deep Singh. (2018). Agricultural growth and productivity in India. International Journal of Applied Social Science, 5(3&4), 192-199.
  7. S.H. Baba, A.S. Saini, K.D Sharma and D.R. Thakur. (2010). Impact of Investment on Agricutural Growth and Rural Development in Himachal Pradesh: Dynamics of Public and Private Investment. Indian Journal of Agricultural Economics, 65(1), 1-24.
  8. Therese Bjarstig, Camilla Sandstrom. (2016). Public - private partnerships in a Swedish rural context - A policy tool for the authorities to achieve sustainable rural development. Journal of rural studies, 49, 58-68.

FACTORS AFFECTING CAN THO CITY’S ECONOMIC

AGRICULTURAL GROWTH

• Master. NGUYEN HOANG THANH TRUC1

• Master. HUYNH MINH DOAN2

1Nam Can Tho University

2University of Cuu Long

ABSTRACT:

The study analyzes the factors affecting Can Tho City’s agricultural growth over the period from 2005 to 2019. Cobb-Douglas production function is used to determine the contribution of factors to the growth. The study’s results show that there are changes in contribution of factors to the growth over time. For example, the factors of investment capital and labor were major drivers of Can Tho City’s agricultural growth in 2006. However, factors of investment capital, scientific and technical applications played important roles in the city’s agricultural development in 2019. As a result, Can Tho City should increase its investment capital and promote the application of high technology to achieve a higher agricultural growth rate.

Keywords: economic development investment, agricultural growth, investment capital.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]