TÓM TẮT:
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (CCKTNN) theo hướng xuất khẩu (XK) bền vững là một xu hướng tất yếu ở tất cả các nước trong điều kiện an ninh lương thực rất được coi trọng và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Một CCKTNN hợp lý sẽ góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước và XK. Bởi vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm về chuyển dịch CCKTNN theo hướng XK bền vững là vấn đề hết sức cần thiết và đang rất được quan tâm. Bài viết sẽ tập trung nghiên cứu một số kinh nghiệm trong và ngoài nước của một số địa phương về chính sách chuyển dịch CCKTNN theo hướng XK bền vững để rút ra những bài học kinh nghiệm cho một địa phương cấp tỉnh có điều kiện phát triển nông nghiệp như tỉnh Thái Bình.
Từ khóa: nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xuất khẩu bền vững, tỉnh Thái Bình.
1. Đặt vấn đề
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp (cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng lãnh thổ, cơ cấu thành phần kinh tế) là một bộ phận của cơ cấu kinh tế quốc dân. Theo đó, CCKTNN được chia thành 3 phân ngành: nông nghiệp (ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi, dịch vụ), lâm nghiệp và thủy sản. Chuyển dịch CCKTNN được hiểu là sự thay đổi CCKTNN từ trạng thái này sang trạng thái khác cho phù hợp với phân công lao động xã hội, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong mỗi giai đoạn cụ thể. Chuyển dịch CCKTNN theo hướng XK bền vững của một địa phương cấp tỉnh thực chất là quá trình điều chỉnh tỷ trọng, số lượng hoặc chủ thể tham gia các phân ngành kinh tế nông nghiệp, để các phân ngành sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung vào các lĩnh vực, mặt hàng phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, đồng thời bảo đảm các mục tiêu của phát triển bền vững.
Thái Bình là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế như vậy, nông nghiệp của tỉnh Thái Bình đã, đang và sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Tỉnh. Xác định rõ lợi thế trong phát triển kinh tế của Tỉnh, những năm qua, Thái Bình rất chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình (2015) đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030) [4]. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã gặt hái được những thành tựu đáng khích lệ, với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2010 - 2020 đạt 5,86%/năm [1], góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, nông nghiệp tỉnh Thái Bình vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững. Chính vì những lý do nêu trên, việc nghiên cứu kinh nghiệm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của một số địa phương trong và ngoài nước sẽ giúp tỉnh Thái Bình có kinh nghiệm trong việc hoạch định các chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh đúng hướng và đạt được mục tiêu.
2. Kinh nghiệm quốc tế về chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững
2.1. Kinh nghiệm của tỉnh Chachoengsao, Thái Lan
Chachoengsao là một tỉnh miền Đông của Thái Lan. Đây là tỉnh đã có nhiều thành tựu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững với nhiều chính sách hiệu quả đặc biệt là chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, cùng với các chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững chung của đất nước [2], tỉnh đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Tỉnh Chachoengsao - Thái Lan đã thực hiện các chính sách nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng xuất khẩu bền vững bao gồm: (1) chính sách hỗ trợ nông nghiệp, trợ giá nông sản nhằm bảo đảm mục tiêu về xã hội và phát triển sản xuất nông nghiệp: Tỉnh đã thực hiện chính sách trợ giá cho mặt hàng gạo từ năm 2004 đến năm 2014, bên cạnh đó còn thực hiện trợ giá cho hàng nông sản đối với cao su, trái cây (Sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt, chôm chôm…). (2) Chính sách công nghiệp hóa nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, nhằm bảo đảm mục tiêu về bảo vệ môi trường bên cạnh việc phát triển nông nghiệp.
Xác định vai trò quan trọng của việc cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, Tỉnh đã từng bước chủ động sản xuất máy móc nông nghiệp và thiết bị nông nghiệp. (3) Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ chế biến thực phẩm đảm bảo nâng cao giá trị sản phẩm, đạt được mục tiêu kinh tế của phát triển bền vững. (4) Chính sách thiết lập hệ thống bảo đảm rủi ro cho nông dân, nhằm đạt được mục tiêu xã hội trong sản xuất nông nghiệp. (5) Chính sách nổi bật trong các chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của tỉnh Chachoengsao là chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhằm đạt mục tiêu môi trường của phát triển bền vững.
2.2. Kinh nghiệm của thành phố Holon, Israel
Honlon là một thành phố trên dải bờ biển trung tâm của Israel, có diện tích nhỏ, đa số là diện tích đất sa mạc, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, không phù hợp với phát triển nông nghiệp [2]. Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững, thời gian qua, Honlon đã triển khai thực hiện tốt một số chính sách, cụ thể như: (1) chính sách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm phát triển nông nghiệp hiệu quả nhất đối với điều kiện hiện có, bảo đảm các mục tiêu của phát triển bền vững. (2) Chính sách đầu tư cho khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp, đồng thời bảo đảm mục tiêu về môi trường. (3) Chính sách phát triển công nghệ cao và các dịch vụ công nghệ hiện đại phục vụ nông dân nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đồng thời bảo đảm mục tiêu xã hội, môi trường của phát triển bền vững. (4) Chính sách phối hợp chặt chẽ giữa 5 nhà: nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà tư vấn - nhà nông. So với Việt Nam, chính sách phối hợp giữa các “nhà” trong sản xuất nông nghiệp của thành phố Holon có điểm mới đó là có thêm nhà tư vấn, nhằm bảo đảm kết hợp hài hòa của phát triển bền vững. (5) Chính sách phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp là chính sách đặc trưng của thành phố Holon, Isarael. Đây là mô hình nông nghiệp với tính cộng đồng cao, nhằm đạt được mục tiêu kinh tế và xã hội của phát triển bền vững.
3. Kinh nghiệm của một số địa phương trong nước về chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững
3.1. Kinh nghiệm của tỉnh Hà Nam
Hà Nam là tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng Sông Hồng có nhiều nét tương đồng với Thái Bình, phía Bắc tiếp giáp với thành phố Hà Nội, phía Đông giáp với Hưng Yên và Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình, phía Đông Nam giáp tỉnh Nam Định và phía Tây giáp tỉnh Ninh Bình. Hà Nam có diện tích 860,5 km2, dân số là 802.200 người. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2019 tỉnh Hà Nam đạt 7.900 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2018. Năng suất lúa cả năm đạt 62 tạ/ha tăng 0,8% so với năm 2018, tổng sản lượng lương thực đạt trên 422 nghìn tấn; thủy sản đạt 23.137 tấn, tăng 2,7% so với năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 46 triệu đồng/người/năm tăng 13 triệu đồng so với năm 2010 (33 triệu đồng/người). Để có được những thành tựu này trong phát triển kinh tế nông nghiệp, trong những năm vừa qua, tỉnh Hà Nam đã thực hiện một số chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp như: (1) Chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát triển nông nghiệp, đồng thời bảo đảm được mục tiêu về môi trường: chính sách này đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 nhiệm kỳ 2016-2020 của tỉnh; (2) Chính sách chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất gắn với thực hiện tích tụ ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp bền vững nhằm đạt mục tiêu về kinh tế.
Việc tích tụ ruộng đất có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn. Xác định được vấn đề trên, tỉnh Hà Nam đã đưa ra chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất. Cách làm này đã giúp tỉnh Hà Nam tích tụ tập trung được trên 1.841 ha, vượt 22,8% kế hoạch với 5.618 hộ và 161 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch, trong đó có 33 mô hình có quy mô từ 3ha/mô hình trở lên; (3) Chính sách phát triển mạnh chăn nuôi nông hộ, nhóm hộ theo hướng hợp tác xã kiểu mới gắn với các Đề án ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, xử lý môi trường nhằm đạt mục tiêu về môi trường bên cạnh việc phát triển nông nghiệp. Hà Nam đã phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời tập trung phát triển gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao như bò sữa, bò sinh sản, bò thịt…, tập trung công tác vệ sinh môi trường trong quá trình chăn nuôi; (4) Chính sách tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Israel, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm học tập công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để phát triển nông nghiệp đồng thời hướng tới bảo đảm các mục tiêu của phát triển bền vững; (5) Chính sách tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực xây dựng nông thôn mới; có cơ chế hỗ trợ mạnh cho khu vực nông thôn, điều chỉnh phương thức hỗ trợ từ cấp phát sang thực hiện theo đề án cụ thể, nhằm hướng tới mục tiêu kinh tế và xã hội của phát triển bền vững [3],
3.2. Kinh nghiệm của tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng với diện tích tự nhiên là 1.231 km2, dân số toàn tỉnh là 1.079.500. Năm 2019, Vĩnh Phúc xếp thứ 15 về GRDP, xếp thứ 9 về thu nhập bình quân đầu người (105 triệu đồng). Tuy nhiên, cơ cấu nông lâm thủy sản trong GDP của Vĩnh Phúc rất thấp (năm 2019 chỉ chiếm 5,45%). Giai đoạn 2000-2010, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đã bộc lộ những hạn chế như: lao động nông nghiệp dịch chuyển nhiều sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ dẫn đến việc thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã triển khai một số chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hướng đến mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, cụ thể như sau: (1) Chính sách ưu tiên phát triển các ngành có lợi thế của tỉnh nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững (Quyết định số 3216/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc) [5]; (2) Chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông dân đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm đạt mục tiêu về kinh tế và xã hội; (3) Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn (Nghị quyết số 202/2015/NQ-HĐND ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020); (4) Quy hoạch, định hướng các ngành sản xuất nông nghiệp theo địa bàn (phát triển chăn nuôi ở địa bàn trung du, miền núi, bò sữa ở vùng ven sông, vùng đồng bằng phát triển ngành trồng trọt, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái,…): Để phát triển và dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo định hướng nhất định mà Tỉnh đề ra, trước hết, cần quy hoạch các ngành sản xuất nông nghiệp. Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt các quy hoạch, bao gồm: Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn đến năm 2020 trên diện tích 3.127ha; Quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm của 7/9 huyện, thành phố, bao gồm 34 xã chăn nuôi lợn, 38 xã chăn nuôi gia cầm, 21 xã chăn nuôi bò thịt và 22 xã chăn nuôi bò sữa,…
4. Những bài học về chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững từ kinh nghiệm trong và ngoài nước cho tỉnh Thái Bình
Từ những kinh nghiệm về chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của 2 tỉnh trong nước là Hà Nam, Vĩnh Phúc và 2 tỉnh ngoài nước, dựa trên lợi thế tự nhiên, có thể rút ra một số bài học cho việc xây dựng, thực thi chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững của địa phương cấp Tỉnh có lợi thế trong phát triển nông nghiệp như sau:
Thứ nhất, khuyến khích đẩy mạnh đầu tư cho khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao và các dịch vụ công nghệ hiện đại phục vụ nông dân nhằm đạt mục tiêu về môi trường và xã hội của phát triển bền vững.
Thứ hai, xây dựng và thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm phát triển nông nghiệp bên cạnh đó bảo đảm mục tiêu môi trường.
Thứ ba, xây dựng và thực hiện hiệu quả chính sách đất đai nhằm tích tụ ruộng đất tạo nền tảng cơ sở cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ kinh nghiệm của Hà Nam cho thấy, việc thay đổi hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa là bước tiên quyết trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Thứ tư, xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu bền vững rất cần các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Cục Thống kê tỉnh Thái Bình (2010-2020), Niên giám thống kê tỉnh Thái Bình năm 2010-2020, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
- Phạm Thị Thanh Bình (2018), Nghiên cứu so sánh chính sách nông nghiệp ở Trung Quốc, Thái Lan, Israel và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Đảng bộ tỉnh Hà Nam (2015), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020, ngày 24 tháng 9 năm 2015, Hà Nam.
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình (2015), Quyết định số 3312/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (2015), Quyết định số 3216/QĐ-UBND ngày 10/11/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Domestic and foreign experiences in making policies supporting the agricultural restructure towards the sustainable export-oriented field and lessons for Thai Binh Province
Master. Ha Xuan Binh
Thuongmai University
ABSTRACT:
Restructuring the agricultural sector towards the sustainable export-oriented field is an inevitable trend of many countries when the food security and the international economic integration become serious issues. A reasonable structure of agricultural sector would promote the development of agricultural sub-fields to meet the needs of domestic consumption and exports. Therefore, it is necessaary to study the agricultural restructure towards the sustainable export-oriented field. This paper focuses on domestic and foreign experiences in making policies supporting the agricultural restructure towards the sustainable export-oriented field in order to gain lessons for Thai Binh Province which has favorable conditions for agricultural growth.
Keywords: agriculture, economic restructuring, agricultural restructuring, sustainable export, Thai Binh Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 3 năm 2021]