Đánh giá thực trạng công nghệ ngành Công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Quảng Trị trong bối cảnh hội nhập

TS. LÊ NỮ MINH PHƯƠNG (Giảng viên Khoa Kinh tế và Phát triển - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế) và QUỐC HỒ HIỆP NGHĨA (Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu đã sử dụng các chỉ tiêu đánh giá trình độ công nghệ theo Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ hao mòn cao, cường độ máy móc thiết bị và tỷ lệ tự động hóa thấp, máy móc thiết bị xuất xứ từ thị trường nội địa chiếm đến 80%. Dự báo kế hoạch đầu tư vào công nghệ 70 tỷ đồng trong thời gian tới là con số cần các cơ quan ban ngành quan tâm hỗ trợ trong vấn đề về vốn và nguồn thông tin để đầu tư công nghệ.

Từ khóa: Ngành Công nghiệp chế biến gỗ, công nghệ, tỉnh Quảng Trị, Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN, hội nhập.

1. Giới thiệu

Nhu cầu đồ gỗ đang ngày càng gia tăng, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ ước đạt 7,27-7,3 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 8-10% và là mặt hàng đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2016 (Gỗ Việt, 2016). Ngành Công nghiệp chế biến gỗ được biết đến là ngành Công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên mức độ hiện đại hóa công nghệ của ngành Công nghiệp chế biến gỗ (NCNCBG) Việt Nam được biết đến là mang tính chất thủ công. Qui mô của các doanh nghiệp chế biến gỗ (DNCBG) chỉ dừng lại ở qui mô vừa và nhỏ nên trang thiết bị và công nghệ chế biến khá lạc hậu, vì vậy, không đáp ứng yêu cầu đối với mặt hàng công nghệ cao. Việt Nam với lợi thế thuế xuất khẩu thấp so với các nước trong khu vực, do đó hướng thị trường xuất khẩu là tất yếu.

Đứng trước thách thức hội nhập, nhiều nghiên cứu và nhiều bài báo đã đề cao vai trò xây dựng nguồn nguyên liệu, tuy nhiên thời gian để lên kế hoạch và thực thi chính sách xây dựng nguồn nguyên liệu có chứng chỉ và khai thác được phải mất 10 năm trở lên. Sử dụng công nghệ cao cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên liệu…, từ đó có thể tăng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đầu tư vào công nghệ là giải pháp trong điều kiện nguồn nguyên liệu hạn chế, làm gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu và khẳng định thị trường trong nước. Vì vậy, nghiên cứu này thực hiện giải quyết 2 vấn đề: (1) Thực trạng trình độ công nghệ của NCNCBG tỉnh Quảng Trị (2) Kế hoạch đầu tư công nghệ và đề xuất giải pháp hỗ trợ.

2. Tác động của máy móc thiết bị công nghệ đến phát triển trong ngành Công nghiệp chế biến gỗ

Các nhà sản xuất chế biến gỗ đang phải đối mặt với vấn đề nâng cao hiệu quả sản xuất và năng suất để duy trì tính cạnh tranh. Trong khi nguồn nguyên liệu chế biến gỗ đang ngày càng trở nên khan hiếm so với nhu cầu về mặt hàng gỗ, cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến gỗ (DNCBG) không chỉ trong phạm vi quốc gia mà qui mô toàn cầu thì cải tiến thiết bị công nghệ (TBCN) sử dụng qui trình tự động, tăng hiệu quả, tăng sản lượng, cải tiến cách thức trao đổi thông tin đang trở thành tầm quan trọng đối với NCNCBG.

Năng suất là yếu tố quan trọng nhất của quá trình sản xuất đối với hầu hết sản phẩm rừng. Huber và các cộng sự (1985) đã khẳng định, cải thiện năng suất là chìa khóa thành công của các nhà máy chế biến gỗ, các nhà máy phải tìm ra phương án tối ưu để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu đầu vào. Giải pháp cuối cùng để cải tiến năng suất và giảm phế liệu và giảm sai sót từ người lao động, đó là ứng dụng công nghệ tự động hoặc sử dụng công nghệ có sự hỗ trợ máy tính (Huber và các cộng sự 1985). Các nhà sản xuất cũng nhận ra rằng, kiểm soát chính xác các hoạt động bằng cách sử dụng hệ thống điều khiển tự động có thể tăng năng suất gỗ xẻ và điều chỉnh chính xác theo nhu cầu thị trường.

Gần 58% giá trị xuất khẩu toàn cầu là sản phẩm công nghệ cao hay trung bình (Industrial Development Report, 2016), vì vậy, muốn mở rộng thị trường và gia tăng lợi nhuận thì xuất khẩu là điều kiện cần thiết và đầu tư công nghệ là phương tiện để tiếp cận thị trường thế giới.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Số liệu

Mặc dù trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị, hộ sản xuất cá thể chiếm qui mô lớn, tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ tập trung đến những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh có khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập. Theo số liệu từ niên giám thống kê năm 2014, toàn tỉnh có 70 DNCBG, nghiên cứu đã khảo sát 63 DN.

3.2. Các chỉ tiêu đánh giá trình độ công nghệ

Để đánh giá trình độ công nghệ của các DNCBG, nghiên cứu này dựa trên các chỉ tiêu đánh giá trình độ công nghệ của Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN.

Tiêu chí 1: Mức độ hao mòn thiết bị, công nghệ

Hao mòn thiết bị, công nghệ (sau đây viết tắt là TBCN) là sự giảm dần giá trị sử dụng của TBCN theo thời gian.

Tiêu chí 2: Cường độ vốn thiết bị, công nghệ

Cường độ vốn TBCN đặc trưng cho vốn đầu tư vào TBCN của DN. Hệ số cường độ vốn TBCN được tính tổng giá trị TBCN hiện tại chia tổng số lao động hiện tại.

Tiêu chí 3: Mức độ đổi mới thiết bị, công nghệ

Đổi mới TBCN là sự đầu tư bổ sung TBCN nhằm thay thế và nâng cấp hệ thống TBCN của DN. Hệ số đổi mới TBCN được tính bằng tổng giá trị TBCN mới lắp đặt và vận hành sản xuất trong 05 năm, chia cho tổng giá trị TBCN hiện tại.

Tiêu chí 4: Xuất xứ của thiết bị, công nghệ

- Xuất xứ TBCN từ các nước G7 3 điểm

- Xuất xứ TBCN từ các nước phát triển hoặc các nước mới phát triển 2 điểm

- Xuất xứ TBCN từ các nước còn lại 1 điểm

Tiêu chí 5: Mức độ tự động hóa

Mức độ tự động hóa đặc trưng cho mức độ hiện đại của TBCN. Hệ số tự động hóa được xác định bằng tỷ lệ giữa giá trị các thiết bị tự động hóa trên tổng giá trị của TBCN.

4. Đánh giá trình độ công nghệ của ngành Công nghiệp chế biến gỗ

4.1. Thực trạng công nghệ

Tiêu chí 1: Mức độ hao mòn thiết bị, công nghệ

Bảng 1. Đánh giá mức độ hao mòn TBCN theo qui mô DN

Dựa trên kết quả của Bảng 1 cho thấy, đối với mức hao mòn “từ 75%” phân bố cho cả 4 nhóm DN. Đối với nhóm DN lớn thì hao mòn TBCN chỉ tập trung ở 2 mức độ hao mòn từ 75% và mức độ hao mòn dưới 15%, trong trường hợp DN lớn có mức hao mòn cao thì đều kèm theo kế hoạch thay đổi công nghệ trong tương lai. Đối với nhóm DN mức hao mòn tài sản phân bố đều, các mức thể hiện sự phân bố đều về mức độ hao mòn tài sản. Tuy nhiên, đối với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ hao mòn tài sản dưới 30% thấp. Hao mòn bình quân của toàn NCNCBG là 51,6% phù hợp trên tổng thể của ngành. Tuy nhiên, mức hao mòn cao ở những DN nhỏ và siêu nhỏ và mức hao mòn thấp ở các DN vừa và lớn.

Tiêu chí 2: Cường độ vốn thiết bị, công nghệ (Kcđ)

Bảng 2. Giá trị bình quân và cơ cấu cường độ TBCN so với chuẩn ngành phân theo qui mô

Cường độ vốn TBCN của NCNCBG là 200 triệu đồng/lao động. Bảng 2 cho thấy 89,29% số lượng DN đều thấp hơn qui mô chuẩn của ngành. Tỷ lệ DN cao hơn mức chuẩn của ngành chỉ chiếm khoảng hơn 10%, tuy nhiên cường độ vốn TBCN trên lao động của toàn ngành là 433,25 triệu đồng/lao động. Giá trị bình quân cường độ vốn TBCN cũng thể hiện sự phân hóa lớn theo qui mô, chỉ đối với nhóm DN vừa và lớn có cường độ vốn TBCN cao hơn mức chung của ngành, còn đối với DN nhỏ và siêu nhỏ thì cường độ vốn TBCN lại có giá trị thấp.

Tiêu chí 3: Mức độ đổi mới thiết bị, công nghệ

Bảng 3. Hệ số đổi mới TBCN theo qui mô doanh  nghiệp

Bảng 3 cho thấy hệ số đổi mới TBCN dưới 10% chiếm dưới 25% trên tổng số DN. Hệ số đổi mới TBCN ở mức 10 đến 15% và mức 15% đến 20% chiếm khoảng 3%. Ngược lại hệ số đổi mới TBCN từ 25% trở lên chiếm hơn 70% trên tổng số. Về mặt khái quát, chỉ có các DN qui mô siêu nhỏ và nhỏ dùng máy móc thiết bị cũ, còn đối với DN vừa và lớn thì máy móc thiết bị đều được đầu tư trong vòng 5 năm trở lại tức là từ 2010 đến 2015 là hợp lý.

Tiêu chí 4: Xuất xứ của thiết bị, công nghệ

Bảng 4. Xuất xứ của TBCN theo qui mô DN

Bảng 4 cho thấy, gần 80% TBCN từ Việt Nam, trong khi đó TBCN từ các nước phát triển chỉ chiếm khoảng 8%, phần còn lại hơn 10% từ các nước Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc. Máy móc thiết bị xuất xứ từ các nước phát triển tập trung vào lĩnh vực gỗ xẻ, gỗ dán và chế biến gỗ công nghiệp; xuất xứ TBCN từ các nước, còn lại tập trung vào các lĩnh vực đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến bột giấy, giấy, chế biến than gỗ và các lĩnh vực khác.

Tiêu chí 5: Mức độ tự động hóa

Bảng 5. Hệ số tự động hóa TBCN phân theo qui mô

Theo Thông tư 04 thì phân nhóm mức độ tự động hóa chia làm 3 nhóm, tuy nhiên kết quả tính toán của nghiên cứu này cho thấy hệ số tự động hóa của NCNCBG tỉnh Quảng Trị chỉ dừng lại ở 3 mức thấp nhất “hệ số tự động hóa từ 30% đến dưới 45%”, “hệ số tự động hóa từ 45% đến 60%” và “hệ số tự động hóa từ 45% đến dưới 60%”. Trong đó, mức độ tự động hóa tập trung ở nhóm tự động hóa dưới 30% và từ 30% đến 45% duy nhất chỉ có 1 DN qui mô lớn nằm trong nhóm tự động hóa cao từ 60 đến 75% thuộc lĩnh vực chế biến gỗ công nghiệp.

4.2. Kế hoạch đổi mới công nghệ

Kết quả của đánh giá trình độ công nghệ của NCNCBG tỉnh Quảng Trị cho thấy mức độ hao mòn cao, cường độ vốn máy móc thiết bị thấp; tuy nhiên, chỉ có một vài DN có mức đầu tư cao kéo giá trị của chỉ số này cao hơn mức trung bình của ngành, xuất xứ máy móc thiết bị chủ yếu từ nội địa và các nước đang phát triển, tỷ lệ tự động hóa chỉ nằm ở 3 mức thấp nhất. Mặc dù trình độ công nghệ của NCNCBG tỉnh Quảng Trị thấp nhưng kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới của ngành đã mang dấu hiệu khả quan. Có đến 42,2% DN lên kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới trong những năm sắp đến. Bảng 6 cho thấy, DN siêu nhỏ không có kế hoạch đầu tư công nghệ, trong khi đó khoảng ½ DN khác đều có kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới.

Bảng 6. Kế hoạch đầu tư công nghệ

Mức vốn đầu tư TBCN cho 3 năm tới dự kiến là 69.703 triệu đồng. Vốn đầu tư cho TBCN bình quân đối với mỗi nhóm DN có sự khác biệt lớn theo qui mô. Mức vốn đầu tư đối với nhóm DN nhỏ chỉ 125 triệu đồng, trong khi đó đối với nhóm DN vừa và lớn vốn đầu tư công nghệ lần lượt là: 4.277 triệu đồng và 6.100 triệu đồng. Kế hoạch đầu tư công nghệ khả quan cũng hứa hẹn tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian đến của ngành.

Bảng 7. Điểm đánh giá mức độ ưu tiên lựa chọn công nghệ

So sánh 6 tiêu chí lựa chọn TBCN thì tiêu chí nhập khẩu từ châu Âu được ưu tiên lựa chọn nhất có điểm bình quân (3,26) cao nhất. Tiếp đến là các tiêu chí ngoại nhập từ châu Á, công nghệ tiên tiến nhất, công nghệ trung bình nhưng đảm bảo năng lực cạnh tranh. Trong điều kiện trình độ công nghệ trong nước không đáp ứng yêu cầu thì nhập khẩu TBCN là cách thức giúp DN rút ngắn khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Ngoài ra, các tiêu chí còn lại như phù hợp với khả năng tài chính, công nghệ trong nước có mức độ ưu tiên thấp hơn so với nhóm các tiêu chí trên.

5. Kết luận, kiến nghị

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, NCNCBG có nhiều cơ hội song cũng có nhiều thách thức đặt ra đối với DN thiếu nguồn lực. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các DN chế biến gỗ ở tỉnh Quảng Trị có qui mô nhỏ và trình độ công nghệ thấp, máy móc thiết bị lạc hậu. Đối với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ mức độ hao mòn TBCN cao, cường độ thiết bị công nghệ rất thấp so với chuẩn ngành Công nghiệp chế biến gỗ, hệ số đổi mới công nghệ nằm ở thang điểm thấp nhất, TBCN của nhóm này xuất xứ từ Việt Nam hoặc các nước đang phát triển và mức độ tự động hóa TBCN thấp. Cùng với đặc điểm TBCN lạc hậu, nhóm DN siêu nhỏ không có kế hoạch đầu tư công nghệ, nhóm DN nhỏ có kế hoạch đầu tư vào công nghệ trong thời gian 3 năm sắp đến nhưng mức vốn bình quân là 125 triệu đồng. Đối với nhóm DN vừa và lớn, trình độ công nghệ cải thiện hơn đáng kể, chỉ tiêu cường độ công nghệ của 2 nhóm này cao hơn mức chuẩn của NCNCBG theo Thông tư 04/2014/TT-BKHCN. Đồng thời các chỉ tiêu khác như mức độ hao mòn, mức độ đổi mới, xuất xứ và tự động hóa đều có mức điểm cao hơn so với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ. Kế hoạch đầu tư công nghệ từ 2017-2020 với 63 DN tiến hành khảo sát với mức vốn khoảng 70 tỷ đồng, như vậy nhu cầu vốn đầu tư vào công nghệ trong 3 năm đến là lớn. Sự đầu tư vào công nghệ cao hứa hẹn tốc độ tăng trưởng mạnh trong thời gian sắp tới. Để tạo thuận lợi cho DN tiến hành nghiên cứu đề xuất một số giải pháp hỗ trợ nâng cao trình độ TBCN sau:

- Đưa chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào chương trình phát triển của tỉnh, chỉ đạo Sở Công Thương và Sở Khoa học Công nghệ chịu trách nhiệm thực hiện chương trình.

- Xây dựng chương trình hỗ trợ vay vốn đối với các DN có nhu cầu đầu tư công nghệ trong thời gian sắp tới.

- Các sở, ban ngành phối hợp thành lập kênh thông tin hỗ trợ DN trong tìm kiếm TBCN nhập khẩu từ châu Âu hay các nước phát triển khác, nắm bắt thông tin hội chợ công nghệ thông tin đến DN, tạo cơ hội DN tiếp cận, cập nhật công nghệ các nước tiên tiến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Gỗ Việt (2016) Xuất khẩu gỗ và sản phẩm năm 2015 và dự báo 2016, http://vietfores.org.vn/tin-tuc/xuat-khau-go-va-san-pham-nam-2015-va-du-bao-2016

2. Thông tư 04/2014/TT-BKHCN “Hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất”.

3. Huber, Henry A., C. W. McMillin, and J. P. McKinney. 1985. Lumber Defect Detection Abilities of Furniture Rough Mill Employees. Forest Products Journal. Vol. 35, No. 11/12, pages 79-82.

4. Industrial Development Report (2016) The role of technology and innovation in inclusive and sustainable Industrial Development, United Nations Industrial Development Organization.

ASSESING THE CURRENT TECHNOLOGY OF THE WOOD

PROCESSING INDUSTRY OF QUANG TRI PROVINCE

IN THE CONTEXT OF INTEGRATION

Ph.D. Le Nu Minh Phuong

Lecturer, Faculty of Economics and Development,

College of Economics, Hue University

Quoc Ho Hiep Nghia

Deputy Director, Department of Industry and Trade of Quang Tri Province

ABSTRACT:

This study is to assess the current techonology of the wood processing industry of Quang Tri province by using criteria for evaluating technology according to the Circular No.04/2014/TT-BKHCN. The results of this study show that the provincial wood processing industry is facing with high levels of depreciation of machines, low intensity of machines and low ratio of using automatic machines. These results also reveal that dometic machines account for up to 80% total machines of the provincial wood processing industry.

Key words: Wood processing industry, technology, Quang Tri province, the Circular No.04/2014/TT-BKHCN, integration.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây