TÓM TẮT:Từ nguồn nguyên liệu là bã hạt Mắc ca sau ép dầu, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình sản xuất bột protein isolate với các quá trình chính bao gồm chuẩn bị nguyên liệu bột mắc ca tách béo, trích ly protein và thu hồi bột protein bằng phương pháp điều chỉnh pH. Các điều kiện trích ly tối ưu đã được xác định bao gồm tỉ lệ nguyên liệu/dung môi: 1/20 (w/v), pH: 9, thời gian trích ly là 1.5 giờ ở nhiệt độ 40°C. Nhóm nghiên cứu cũng đã thực hiện trích ly quy mô phòng thí nghiệm với hiệu suất thu hồi protein đạt 52,70% so với dịch trích ly và đạt 27,33% so với nguyên liệu ban đầu. Sản phẩm thu được có hàm lượng protein đạt 94,91±2,21%. Nghiên cứu đã bước đầu chứng minh được giá trị của phụ phẩm từ quá trình chế biến dầu từ hạt Mắc ca có thể tận dụng hiệu quả để trở thành nguồn protein có giá trị cao.
1. Đặt vấn đề
Mắc ca (Macadamia) là tên gọi chung của các loài cây thuộc chi Macadamia, thuộc họ Proteaceae. Tại Việt Nam, Mắc ca được nhập nội, khảo sát và trồng thử nghiệm tại một số vùng sinh thái. Đến năm 2021, cả nước đã có 29 tỉnh trồng Mắc ca, với tổng diện tích là 18,840 ha, sản lượng ước đạt 8,840 tấn hạt tươi/năm. Một số nghiên cứu đã cho thấy hạt Mắc ca là nguồn giàu lipid, protein và các vi chất quan trọng như K, Mg, Ca, P, một lượng nhỏ sắt, kẽm, selen, mangan, đồng và các thành phần vitamin như vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin E. Ngoài chất béo, Hạt mắc ca còn là nguồn cung cấp protein tiềm năng có thể so sánh với các loại protein hạt khác như hạnh nhân, hạt dẻ, hạt điều. Các nghiên cứu đã ghi nhận sự có mặt của 18 loại axit amin, trong đó có 7 loại thiết yếu chiếm tỷ lệ 22,46% (không phát hiện Tryptophan), đặc biệt là Glam, Arg, Asp và Gly có hàm lượng lên tới 164,35 mg/g, 117,77 mg/g, 96,72 mg/g và 67,19 mg/g.
Ngày nay có nhiều phương pháp khác nhau đã được nghiên cứu để trích ly protein từ thực vật gồm trích ly bằng kiềm, kết tủa acid và bằng muối. Trong đó, phương pháp trích ly bằng kiềm, kết tủa bằng điều chỉnh pH là phương pháp được dùng phổ biến. Quá trình này bao gồm các bước xử lý sơ bộ nguyên liệu chứa protein (nghiền, tách béo), trích ly protein bằng dung môi, tinh sạch, cô đặc và sấy để tạo ra chế phẩm protein. Trong nghiên cứu này chúng tôi tiến hành khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình trích ly protein bằng dung dịch kiểm và kết tủa bằng cách điều chỉnh acid với nguyên liệu bã mắc ca sau khi đã được ép để lấy dầu.
2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Nguyên vật liệu
Bã mắc ca sau khi đã được ép để lấy dầu được được cung cấp bởi Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Maca Đại Việt, được xay nhuyễn bằng máy xay inox trong phòng thí nghiệm được rây qua rây kích thước 0,1mm và được xác định thành phần các nhóm chất chính trước khi sử dụng. Mẫu nguyên liệu được hút chân không, lưu trữ và bảo quản ở nhiệt độ phòng cho các nghiên cứu tiếp theo.
n- Hexan được sử dụng để trích ly dầu trong bã hạt; các hóa chất H3BO3, NaOH, HCl được sử dụng để điều chỉnh pH; Ống chuẩn HCl 0.1N (Merck, Đức) và các hóa chất phân tích khác với độ tinh khiết 99% được sử dụng gồm: NaOH, HCl, NaCl đều đạt tiêu chuẩn dùng để phân tích.
Thiết bị sử dụng nghiên cứu: Bộ chiết Soxhlet, Máy phá mẫu 12 vị trí Velp - Ý, thiết bị chưng cất đạm bán tự động (UDK129, Velp - Italy), bể ổn nhiệt Memmert - Đức; Hệ thống GC-MS/MS (TSQ 9000 triple quadrupole, Thermo Scientific).
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Các thí nghiệm được khảo sát bằng phương pháp luân phiên từng biến, mức tối ưu trong các điều kiện trước được lựa chọn làm thông số khảo sát của các thí nghiệm tiếp theo.
Nguyên liệu sau khi xử lý chiết béo và sấy đuổi dung môi được xay nhuyễn và thêm nước cất ở các tỷ lệ nguyên liệu:dung môi theo các mức khảo sát 1:10, 1:15, 1:20, 1:25, 1:30 (w/v). Sử dụng NaOH (0,1N) để điều chỉnh môi trường đến pH khảo sát 7, 8, 9, 10, 11, 12. Nhiệt độ bể ổn nhiệt được điều chỉnh tại các nhiệt độ khảo sát (oC) lần lượt là 35, 40, 45, 50, 55, 60oC trong thời gian 0,5 1 - 1,5 - 2 - 2,5 - 3 (giờ). Hỗn hợp thu được sẽ ly tâm tách bã với tốc độ 5000 vòng/phút trong 20 phút. Dịch thu được định mức 200ml đến vạch bằng nước cất và phân tích hàm lượng protein bằng phương pháp Kjeldah (AOAC 2001.11, 2005).
2.3. Phương pháp phân tích
Thành phần hóa học của nguyên liệu được xác định theo các phương pháp sau: độ ẩm được xác định bằng phương pháp sấy đến khối lượng không đổi (AOAC 925.10, 2005); Lipid: phương pháp Soxhlet (AOAC 945.16, 2005); Glucid tổng: phân tích theo phương pháp Lane - Eynon (AOAC 968.28-1969, 2000); Tro: phương pháp nung ở nhiệt độ cao (AOAC 923.03, 2005); Protein tổng số: xác định bằng phương pháp Kjeldahl (AOAC 2001.11, 2005). Hàm lượng protein thu được tính bằng công thức, với hệ số chuyển đổi protein là 6,25. Hàm lượng hexan trong mẫu sau chiết béo và mẫu bột protein thành phẩm được xác định theo phương pháp đề xuất bởi Jeong (2017).
Xác định hiệu suất trích ly protein: Hiệu suất thu hồi (H) được tính bằng tỷ lệ giữa hàm lượng protein trích được trong 1g mẫu (h) với hàm lượng protein tổng trong 1g bã (h0)
Trong đó:
h là hàm lượng protein trích được trong 1g mẫu
h0 là hàm lượng protein tổng trong 1g bã ban đầu.
2.4. Phương pháp xử lý số liệu
Trong nghiên cứu này, mỗi thí nghiệm được lặp lại 3 lần, kết quả được tính trung bình và trình bày dưới dạng giá trị trung bình ± SD. Số liệu được phân tích phương sai oneway (anova) và so sánh khác biệt dựa theo kiểm định LSD (Least Significant Difference Test). Các kết quả được xử lý và tính toán bằng phần mềm Microsoft Excel 2019 và Minitab 19.
3. Kết quả và bàn luận
3.1. Thành phần hóa học của nguyên liệu
Bảng 1. Thành phần hóa học của nguyên liệu
(% theo khối lượng chất khô)
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Nguyên liệu |
Sau tách béo |
Hàm lượng tinh bột |
% |
32,54 0,37 |
40,10 3,23 |
Hàm lượng đường tổng |
% |
12,06 0,36 |
13,37 0,09 |
Hàm lượng đường khử |
% |
0,53 0,02 |
0,68 0,02 |
Hàm lượng protein |
% |
30,06 0,42 |
34,18 0,43 |
Hàm lượng béo |
% |
12,96 0,02 |
1,06 0,04 |
Hàm lượng tro |
% |
5,14 0,02 |
5,89 0,04 |
Hàm lượng n-Hexan |
ppm |
- |
4,56 0,12 |
Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện
Từ kết quả phân tích ở Bảng 1, với hàm lượng protein cao, nguyên liệu bã hạt Mắc ca sau ép dầu là một nguồn nguyên liệu tiềm năng, tuy nhiên hàm lượng chất béo cao cần được loại bỏ có thể giúp tăng hiệu quả cho quá trình trích ly protein ở giai đoạn tiếp theo.
Quá trình loại béo bằng n-Hexan cũng đã được thực hiện hiệu quả với hiệu suất loại béo đạt 91,82% so với tổng hàm lượng chất béo có trong bã nguyên liệu. Phương pháp chiết shoxlet với n-Hexan cho thấy giá trị tương đương với nghiên cứu của Sandra L. B. Navarro (2018) khi thực hiện phương pháp trích ly béo 4 giai đoạn với ethanol với hiệu suất 92 ± 1% nhưng thấp hơn đáng kể so với khi sử dụng phương pháp tương tự khi sử dụng dung môi là isopropanol 96,3 ± 0,1 %.
Sự lo ngại về sự tồn dư n-Hexan trong nguyên liệu đã đảm bảo khi so sánh với tiêu chuẩn trong dược điển Việt Nam 5 (được tham chiếu từ CPMP ICH:283.95) cho thấy sự tồn dư lượng n-Hexan trong bột mắc ca sau tách béo là an toàn và có thể chấp nhận được.
3.2. Kết quả khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất trích ly protein
3.2.1. Ảnh hưởng của tỷ lệ nguyên liệu:dung môi
Ảnh hưởng của tỷ lệ nguyên liệu:dung môi đến hiệu suất thu hồi protein được thể hiện ở Hình 1.
Hình 1: Kết quả khảo sát ảnh hưởng của tỉ lệ nguyên liệu/dung môi đến hiệu suất trích ly
Dữ liệu được trình bày dưới dạng X ± SD (n=). Các mức tỷ lệ được đánh dấu bằng các ký tự khác nhau (a - c) thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P p < 0,05). Các số liệu có kí tự chung thì khác biệt không có ý nghĩa
Kết quả cho thấy khi tăng tỷ lệ từ 1/10 - 1/20 hiệu suất trích ly tăng và đạt giá trị cao nhất (43,58 0,59%). Điều này được giải thích do tỉ lệ nguyên liệu/dung môi càng thấp, protein trong bã mắc ca tách béo sẽ được trích ly vào dung môi dễ dàng hơn [10] và tỷ lệ 1/20 cũng là một tỷ lệ được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu trích ly bởi vừa đạt được hiệu quả trích ly cao đồng thời phù hợp trong việc sử dụng ở quy mô công nghiệp khi tỷ lệ nguyên liệu/dung môi phổ biến là 1/5(w/v) - 1/20(w/v).
Tuy nhiên, khi lượng protein có thể trích ly đã được giải phóng hoàn toàn vào dung môi, việc tăng tỷ lệ dung môi sẽ không làm tăng hiệu quả trích ly mà chỉ làm loãng dung dịch trích ly. Trong nhiều nghiên cứu cho thấy khi tăng tỷ lệ nguyên liệu/dung môi lên mức 1/50 cũng không giúp gia tăng hiệu suất của quá trình trích ly.
Vì vậy, tỷ lệ nguyên liệu:dung môi phù hợp cho quá trình trích ly protein từ bã hạt mắc ca là 1:20.
3.2.2. Ảnh hưởng của pH đến hiệu suất trích ly protein
Ảnh hưởng của pH trong quá trình trích ly đến hiệu suất trích ly từ bã mắc ca được thể hiện ở Hình 2.
Hình 2: Kết quả khảo sát ảnh hưởng của pH đến hiệu suất trích ly protein
Dữ liệu được trình bày dưới dạng X ± SD. Các mức tỷ lệ được đánh dấu bằng các ký tự khác nhau (a - d) thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05). Các số liệu có kí tự chung thì khác biệt không có ý nghĩa.
Kết quả cho thấy pH có ảnh hưởng đến hiệu suất thu hồi protein từ bã mắc ca (p <0.05). Theo nghiên cứu trước đây, khoảng pH thích hợp để trích ly protein mà không làm thay đổi nhiều các tính chất chức năng và giá trị dinh dưỡng của chế phẩm protein thành phẩm là pH 7 đến 10. Trong nghiên cứu này khảo sát giá trị pH huyền phù ban đầu trong khoảng từ 7 đến 12. ở pH 9 thì hiệu suất trích ly cao nhất (43,34 1,28%), ở mức pH 7 (19,79 1,06%) hiệu suất trích ly protein thấp nhất. Điều này được giải thích bởi trong quá trình trích ly protein khi độ pH càng gần điểm đẳng điện thì hiệu suất thu hồi càng thấp, tại điểm đẳng điện (pI) protein không mang điện tích làm giảm lực đẩy tĩnh điện, xảy ra hiện tượng kết tủa protein; khi pH tăng khả năng hòa tan của protein sẽ được cải thiện do sự thay đổi trạng thái từ trung hoa sang trạng thái mang điện giúp protein hòa tan dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, khi pH ở giá trị cực cao hoặc cực thấp cũng ảnh hưởng đến sự ổn định của protein, các phân tử protein sẽ chuyển từ trạng thái gấp sang trạng thái mở để tối ưu về mật độ điện tích, đồng thời hiện tượng biến tính protein cũng gia tăng do sự suy giảm khả năng tạo thành các cầu ion tích điện, điều này làm giảm hiệu suất trích ly do làm giảm khả năng hydrate hoá các phân tử protein trong dung dịch.
Do vậy, đối với nghiên cứu này, pH 9 được lựa chọn để dùng cho các thí nghiệm tiếp theo.
3.2.3. Ảnh hưởng của thời gian đến hiệu suất trích ly protein
Ảnh hưởng của thời gian siêu âm đến hiệu suất trích ly protein từ bã mắc ca được thể hiện ở Hình 3.
Hình 3: Kết quả khảo sát Ảnh hưởng của thời gian đến hiệu suất trích ly protein
Dữ liệu được trình bày dưới dạng X ± SD. Các mức tỷ lệ được đánh dấu bằng các ký tự khác nhau (a - b) thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05). Các số liệu có kí tự chung thì khác biệt không có ý nghĩa.
Kết quả cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa của hiệu suất trích ly protein (%) ở các mức thời gian sau: 0,5 giờ, 1,0 giờ, 1,5 giờ, 2,0 giờ, 2,5 giờ, 3,0 giờ với độ tin cậy 95%. Qua đó thấy, khi tăng thời gian trích ly từ 0,5 giờ lên 1,0 giờ hiệu suất trích ly có sự gia tăng từ 39,39 0,47% lên mức 43,85 0,29%. Khi tiếp tục tăng thời gian lên 1,5 giờ hiệu suất trích ly tăng nhưng không có sự khác biệt ý nghĩa.
Điều này hoàn toàn có thể được giải thích bởi cơ chế của quá trình trình trích ly bằng dung môi, theo đó dung môi cần có thời gian thẩm thấu vào khối cấu trúc của vật liệu để quá trình trích ly. Khi kéo dài thời gian trích ly, hiệu suất trích ly không có sự gia tăng do dung dịch đã bão hòa chất tan và quá trình trích ly đã đạt được hiệu suất tối đa. Trong một số nghiên cứu còn cho thấy, khi kéo dài thời gian trích ly có thể làm giảm hiệu suất trích ly làm tăng khả năng biến tình protein do tác động của nhiệt và hay đặc tính chống oxi hóa khi hay do gia tăng khả năng tiếp xúc giữa các cấu trúc peptide có hoạt tính chống oxi hóa với tác nhân oxi hóa có trong môi trường.
Trong trường hợp này để giảm thiểu sai số do thời gian nhóm nghiên cứu chọn thời gian trích ly protein là 1,5 giờ để thực hiện các thí nghiệm khảo sát tiếp theo.
3.2.4. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến hiệu suất trích ly protein
Ảnh hưởng của nhiệt độ đến hiệu suất trích ly protein từ bã mắc ca được thể hiện ở Hình 4.
Hình 4: Kết quả khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ đến hiệu suất trích ly
Dữ liệu được trình bày dưới dạng X ± SD. Các mức tỷ lệ được đánh dấu bằng các ký tự khác nhau (a - e) thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05). Các số liệu có kí tự chung thì khác biệt không có ý nghĩa.
Kết quả cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa của hiệu suất trích ly protein (%) ở các nhiệt độ trích ly protein khác nhau 35°C, 40°C, 45°C, 50°C, 55°C, 60°C với độ tin cậy 95%. Qua đó thấy hiệu suất trích tăng từ nhiệt độ 35°C đến 40°C và đạt hiệu suất trích ly cao nhất (51,87 0,59%). Khi tiếp tục gia tăng nhiệt độ, hiệu suất trích ly protein giảm dần với các giá trị tương ứng ở nhiệt độ 45°C (48,42 0,17%), 50°C (46,44 1,53%), 55°C (44,12 0,36%), 60°C (39,76 0,59%).
Sự gia tăng hiệu suất trích ly khi tăng nhiệt độ có thể được lý giải do khi tăng nhiệt độ, làm tăng độ hòa tan và tốc độ truyền khối của dung môi, độ nhớt và sức căng bề mặt giảm tăng hiệu quả trích ly. Tuy nhiên hiệu suất trích ly protein giảm ở nhiệt độ cao là do một số phân tử protein bị biến tính bất thuận nghịch.
Từ kết quả nghiên cứu này cho thấy 40°C là điều kiện nhiệt độ tối ưu cho quá trình trích ly.
3.3. Thu hồi protein bằng phương pháp kết tủa
Tiến hành trích ly protein từ bã hạt mắc ca theo quy trình như sau: bã hạt mắc ca sau ép dầu được nghiền bằng máy xay inox, được rây qua rây kích thước 0,1mm. Tiến hành chiết béo trong nguyên liệu theo phương pháp chiết Soxhlet với dung môi là n-Hexan trong 6 giờ, sau đó tiến hành sấy đuổi dung môi thu bột mắc ca tách béo.
Bột mắc ca tách béo được tiến hành trích ly protein với dung môi kiềm có điều kiện pH 9, với điều kiện trích ly tối ưu đã chỉ ra ở trên (tỉ lệ nguyên liệu/dung môi: 1/20 (w/v), hệ huyền phù được ổn định nhiệt bằng bể điều nhiệt trong thời gian 1,5 giờ ở nhiệt độ 40°C. Sau 1,5 giờ, tiến hành ly tâm thu dịch chiết, điều chỉnh pH về 5,5 - 6,0 để kết tủa protein, ly tâm thu tủa. Sấy kết tủa ở nhiệt độ 40oC trong 4 giờ, sau đó mẫu sản phẩm được bảo quản trong túi kín, hút chân không.
Kết quả ghi nhận hiệu suất thu hồi protein đạt 52,70% so với dịch trích ly và đạt 27,33% so với nguyên liệu ban đầu. Bột protein thành phẩm được xác định hàm lượng protein theo phương pháp Kjeldahl với kết quả đạt 94,91±2,21%. Mẫu sản phẩm cũng được gửi phân tích tại Công ty TNHH Intertek Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ cho thấy sản phẩm có hàm lượng protein đạt 96,6%. Hàm lượng protein trong sản phẩm cao hơn tiêu chuẩn tối thiểu 90% theo tiêu chuẩn protein isolate của Tiêu chuẩn Việt Nam. Với hàm lượng protein cao mở ra cơ hội tiềm năng cho sản phẩm.
Sản phẩm cũng được phân tích tồn dư n-Hexan. Kết quả ghi nhận sự hiện diện của của n-Hexan với hàm lượng là 0,82±0,05 ppm. Lượng hexan này là thành phần còn tồn dư từ nguồn nguyên liệu sau quá trình xử lý loại béo với n-Hexan. Việc tồn dư dung môi n-Hexan gây một số lo ngại về sức khoẻ. Tuy nhiên khi xem xét với tiêu chuẩn được quy định trong Dược điển Việt Nam 5, cho thấy hàm lượng n-Hexan trong sản phẩm thấp hơn rất nhiều lần giới hạn tối đa là 290 mg/g theo tài liệu này.
4. Kết luận
Qua các khảo sát các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình trích ly protein như tỉ lệ nguyên liệu/dung môi, pH, thời gian, nhiệt độ đã chọn được tỉ lệ nguyên liệu/dung môi trích ly protein 1/20 (w/v) là thích hợp nhất, pH trích ly là 9, nhiệt độ trích ly là 40°C trong thời gian 1,5 giờ. Với phương pháp trích ly ngâm tĩnh, cùng điều kiện trên hiệu suất trích ly protein trong dịch đạt 51,87%; hiệu suất thu hồi bằng phương pháp điều chỉnh pH cho hiệu suất thu hồi đạt 52,70%.
Sản phẩm thu được có hàm lượng protein là 94,91 ± 2,21%; kết quả kiểm nghiệm hàm lượng hexan cho thấy sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đối với chỉ tiêu này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn Quốc gia (2015). TCVN 11016:2015 CODEX STAN 175-1989 Các sản phẩm Protein đậu tương. Tiêu chuẩn Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Bộ Y tế (2017). Dược điển Việt Nam 5. Hà Nội, Nhà xuất bản Y học.
- Cao Đăng Nguyên (2007). Công nghệ Protein, Huế: Nhà xuất bản Đại học Huế.
- Ngô Minh Ngọc (2017). Nghiên cứu điều kiện tách và tinh sạch Peptide có hoạt tính chống oxy hóa từ sản phẩm đậu nành thủy phân. Luận văn Thạc sĩ, Hà Nội: Đại học Bách Khoa Hà Nội.
- Nguyễn Thị Hiền (2017). Thu nhận Protein isolate, protein concentrate từ đậu phộng (Arachis hypogagea Linn.). Luận án Tiến sĩ, TP. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia - TP. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Thị Thoa (2023). Dầu từ hạt Mắc ca (Macadamia integrifolia): Thành phần dinh dưỡng, phương pháp tách chiết và tiềm năng ứng dụng. Tạp chí Đại học Tây Nguyên, 60, 9-24.
- Nguyễn Văn Lợi (2016). Xác định thành phần hóa học của quả mắc ca thu hoạch ở các thời điểm khác nhau. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 22, 78-82.
- G L Li (2018). Isolation of protein from Residues of Macadamia Nuts after Oil Extraction. IOP Conference Series: Materials Science and Engineering, 392.
- H. U. K. Matsumoto (2005). Food and Nutritional Analysis: Sample Preparation. Encyclopedia of Analytical Science, Elsevier, 211-217.
- Ismail Y.S. Rustom (1991). Optimization of extraction of peanut proteins with water by response surface methodology. Journal of Food Science, 56, 1660-1663.
- John E. Prevost (2005). De-fatted soy production process and value added by-products from de-fatted soy flour. United States Patent US8093023B1.
- K A Dill (1990). Dominant forces in protein folding. Biochemistry, 29.
- Kanitha Tananuwong (2019). Macadamia Flours: Nutritious Ingredients for Baked Goods, Flour and Breads and their Fortification in Health and Disease Prevention. Elsevier Inc, 2011, 223-233.
- Lisa G Wood (2011). Macadamia Nuts (Macadamia integrifolia and tetraphylla) and their Use in Hypercholesterolemic Subjects, Nuts and Seeds in Health and Disease Prevention. Academic Press, 717-725.
- N K Jørgensen (1981). n-Hexane and its toxicologic effects. A review, Scandinavian Journal of Work, Environment & Health, 7(3), 157-68.
- Sandra L. B. Navarro (2018). Macadamia Oil Extraction with Alcoholic Solvents: Yield and Composition of Macadamia Oil and Production of Protein Concentrates from Defatted Meal, European Journal of Lipid Science and Technology, 120(7).
- Siwaporn Jitngarmkusol (2018). Chemical compositions, functional properties, and microstructure of defatted macadamia flours. Food Chemistry, 110(1), 23-30.
- W. Wang (1999). Instability, stabilization, and formulation of liquid protein pharmaceuticals. International Journal of Pharmaceutics, 185(2), 129-188.
- Z. Berk (1992). Technology of production of edible flours and protein products from soybeans. Rome: Food and Agriculture Organization of the United Nations Rome.
A study on extraction and isolation of protein from macadamia oil presscake after oil pressing process
Huynh Trong Nguyen1Le Quoc Huy1Tran Thi Quynh Giang1Ho Que Chi1Huynh Thai Nguyen1 1Ho Chi Minh City University of Industry and TradeABSTRACT:
This study developed a process for producing protein isolate powder from macadamia oil presscake, comprising the preparation of defatted macadamia powder, protein extraction, and isolation using pH adjustment. Optimal extraction conditions were identified as a material-to-solvent ratio of 1:20 (w/v), pH 9, an extraction time of 1.5 hours, and a temperature of 40°C. Laboratory-scale extraction achieved a protein recovery efficiency of 52.70% from the extracted solution and 27.33% from the original material. The final product contained a protein concentration of 94.91±2.21%. These findings highlight the potential for valorizing macadamia oil processing byproducts into a high-value protein source, offering significant implications for sustainable resource utilization.
Keywords: protein, Macadamia, Macadamia integrifolia, macadamia nuts, macadamia oil presscake.