TÓM TẮT:
Bài nghiên cứu phân tích thực trạng, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và thách thức trong phát triển, mở rộng diện tích cây mắc ca (Macadamia) ở tỉnh Lai Châu. Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu là thu thập, xử lí và phân tích tài liệu, thực địa, quan sát thực tiễn và xin ý kiến của một số chuyên gia. Từ đó, đánh giá những thách thức và đề xuất một số giải pháp có giá trị cao trong thực tiễn phát triển cây mắc ca tại tỉnh Lai Châu.
Từ khóa: cây mắc ca, tỉnh Lai Châu, thách thức, giải pháp, phát triển bền vững.
1. Đặt vấn đề
Cây mắc ca được mệnh danh “nữ hoàng” của các loại hạt khô, là loại cây trồng mang lại nhiều giá trị xã hội. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vùng sâu vùng xa xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, với ưu thế vòng đời lên đến hơn 60 năm, mắc ca còn là cây lâm nghiệp góp phần ổn định dân cư, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững.
Lai Châu là tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Tổng diện tích đất nông nghiệp rất lớn với: 640.572,19 ha, chiếm 70,63% diện tích đất tự nhiên; diện tích đất lâm nghiệp 524.062,94 ha, chiếm 57,78% diện tích đất tự nhiên (số liệu thống kê, kiểm kê đất đai đến ngày 31/12/2022). Trên cơ sở đặc điểm sinh học và các yêu cầu về sinh thái của cây mắc ca cho thấy khí hậu của Lai Châu là lợi thế lớn để phát triển mắc ca và diện tích đất có điều kiện phù hợp để phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Kết quả khảo sát, đánh giá năm 2015 cho thấy tỉnh còn có khoảng trên 180.000 ha đất thích hợp cho phát triển mắc ca, trong đó có trên 15.000 ha rất thích hợp. UBND tỉnh Lai Châu xác định cây mắc ca chính là một trong những sản phẩm đặc hữu, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu phát triển kinh tế, phấn đấu đến năm 2030 tổng diện tích mắc ca toàn tỉnh khoảng 35.000 ha, đưa địa phương trở thành “thủ phủ” mắc ca của cả nước.
Trong nước đã có một số công trình nghiên cứu liên quan đến phát triển cây mắc ca. Nguyễn Công Tạn [13] đã cung cấp tổng quan và khá toàn diện thông tin, tư liệu về cây mắc ca cả trên thế giới và trong nước. Chuyên đề “Cây mắc ca - Hiện trạng và định hướng phát triển” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn [4] tổng quan về cây mắc ca; cung cấp một số thông tin về tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ hạt mắc ca trên thế giới và trong nước. Nghiên cứu của Nguyễn Đức Kiên và cộng sự [8] tập trung đánh giá khả năng thích nghi, sinh trưởng và phát triển của mắc ca cũng như xác định được giống mắc ca có sản lượng quả cao cho vùng Tây Bắc. Cao Đình Sơn và nhóm nghiên cứu [10] đã tổng hợp các địa điểm, diện tích, nguồn gốc cây giống và nơi cung cấp giống gây trồng mắc ca chủ yếu trên địa bàn tỉnh Sơn La. Các loại giống mắc ca chủ yếu được trồng tại Sơn La và một số giải pháp trong công tác nhân giống cây mắc ca tại Sơn La. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Vân Anh [1], Đào Thanh Vân, Nguyễn Văn Biển [18] đã đánh giá, xác định được các dòng có sinh trưởng tốt, năng suất quả, hạt cao, chất lượng tốt làm cơ sở cho việc xác định giống trồng phù hợp và đề xuất các biện pháp kỹ thuật phù hợp cho cây mắc ca tại tỉnh Lai Châu... Các công trình này có giá trị rất lớn đối với từng địa phương trong việc mở rộng diện tích cây mắc ca. Tuy nhiên, chưa có những công trình nghiên cứu đánh giá đầy đủ những thách thức, đề xuất giải pháp để phát triển cây mắc ca tại tỉnh Lai Châu một cách bền vững. Bài nghiên cứu này sẽ nêu, phân tích thực trạng, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và thách thức trong phát triển, mở rộng diện tích cây mắc ca ở tỉnh Lai Châu và đề xuất giải pháp phát triển cây mắc ca theo hướng bền vững.
2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu nghiên cứu chủ yếu dựa trên nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, phát triển cây mắc ca và các báo cáo về tình hình phát triển kinh tế tỉnh Lai Châu của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các báo cáo của các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện; kỷ yếu các hội thảo khoa học liên quan đến cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ngoài ra, tác giả nghiên cứu trên thực tiễn qua việc thực địa ở một số địa bàn tại thành phố Lai Châu và các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ. Trên cơ sở các văn bản, tài liệu, cùng với kết quả khảo sát thực địa, tác giả phân tích, so sánh, đối chiếu kết quả mở rộng diện tích, kết quả sản xuất, tiêu thụ qua các năm, đánh giá thuận lợi, khó khăn, dự báo xu hướng phát triển, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển cây mắc ca bền vững ở tỉnh Lai Châu.
Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu là thu thập, xử lí và phân tích tài liệu, thực địa, quan sát thực tiễn và xin ý kiến của một số chuyên gia, nhất là các chuyên gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ một số trang trại, doanh nghiệp trồng, chế biến mắc ca. Đánh giá những thách thức và đề xuất một số giải pháp trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia. Bởi thế các giải pháp được đề xuất sẽ có giá trị cao trong thực tiễn phát triển cây mắc ca tại tỉnh Lai Châu.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Thực trạng phát triển cây mắc ca tại tỉnh Lai Châu
Thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tháng 11/2022, tỉnh Lai Châu đã xây dựng dự thảo Kế hoạch với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng diện tích mắc ca toàn tỉnh khoảng 35.000 ha, đến năm 2050 phấn đấu đạt khoảng 60.000 ha; thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng 3 cơ sở, nhà máy sơ chế, chế biến sản phẩm mắc ca (dự kiến địa điểm xây dựng nhà máy tại các huyện Phong Thổ, Than Uyên, Mường Tè) và căn cứ vào diện tích cho thu hoạch, sản lượng thu hoạch mắc ca để làm căn cứ xác định phát triển quy mô, số lượng các cơ sở sơ chế, chế biến phù hợp.
Thực hiện các Đề án của tỉnh, của Trung ương, diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh. Trong giai đoạn 2017 - 2023, toàn tỉnh đã trồng mới thêm trên 7.053 ha cây mắc ca (gần 4.500 ha trồng thuần mật độ 300 cây/ha và trên 2.550 ha trồng xen mật độ 100 cây/ha), gấp 26,8 lần tổng diện tích cây mắc ca trồng trong giai đoạn 6 năm đầu từ 2011 - 2016.
Giống cây mắc ca đã trồng trên địa bàn tỉnh Lai Châu chủ yếu gồm các dòng như OC, 816, 246, 842, 849, ngoài ra còn một số dòng khác như 741, 900, 695, Daddow, QN… Qua theo dõi, đánh giá tại các địa phương một số dòng mắc ca đã trồng từ năm 2011 đến năm 2015 như OC, 816, 246, QN… cây sinh trưởng và phát triển tương đối tốt, cây ra hoa nhiều và tỷ lệ đậu quả cao, cho thấy sự phù hợp với điều kiện khí hậu sinh thái của tỉnh. (Bảng 1)
Bảng 1. Diện tích trồng cây mắc ca tại Lai Châu giai đoạn 2017 - 2023
Nguồn: Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
Đến năm 2020, Lai Châu đã gây dựng thành công vườn cây giống mắc ca, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận là vườn cây đầu dòng với lượng là 200 cây. Các dòng đã được công nhận nguồn giống gồm 5 dòng là: dòng 246, dòng 842, dòng OC, dòng 816 và dòng 849. Tuổi cây của nguồn giống đã được công nhận từ 6-7 tuổi. Khả năng cung cấp giống của cây đầu dòng đã cấp: cung cấp vật liệu giống là 200.000 hom/năm; sản lượng cây giống 120.000 cây/năm.
Cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch ở tuổi cây từ năm thứ 4 trở đi; năng suất trung bình 6-8kg quả tươi/1cây và tăng dần qua từng năm; cá biệt tại một số vườn mắc ca có những cây cho năng suất đạt 60 kg quả tươi/cây. Tổng sản lượng mắc ca năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước khoảng 1.500 tấn.
Theo Nguyễn Thị Vân Anh và cộng sự [1], kết quả đánh giá năng suất quả và hàm lượng các chất trong nhân của một số dòng mắc ca 6 năm tuổi đã khảo nghiệm tại Lai Châu, như sau: (Bảng 2)
Bảng 2. Năng suất một số dòng mắc ca 6 năm tuổi tại Lai Châu
Nguồn: Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
Như vậy, tại tuổi 6, dòng H2 cho năng suất quả triển vọng nhất, trung bình đạt 8,1 kg/cây, tiếp theo là các dòng OC, 816 và 246 trung bình trên 4,1 - 4,8 kg/cây, tỷ lệ đậu quả trung bình 0,52%. Các dòng 849 và 842 có năng suất thấp nhất chỉ đạt trung bình 2,6 - 3,5 kg/cây.
Về thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và nước ngoài để chế biến thành các sản phẩm hạt mắc ca khô đóng gói hoặc dùng cho công nghiệp bánh kẹo, đồ uống (sữa hạt mắc ca). Về hiệu quả kinh tế ước tính thu được khoảng 45-60 triệu đồng/ha/năm đối với trồng thuần và từ 14-18 triệu đồng/ha/năm đối với trồng xen.
Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tỉnh Lai Châu cũng đã chủ động đảm bảo nguồn cung, hướng đến tiêu thụ bền vững. Theo đó, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ một cách bài bản, thận trọng. Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Mắc ca Việt Nam được UBND tỉnh chủ trương cấp đầu tư 9 dự án với tổng diện tích 9.978,05 ha; đến giữa năm 2023 diện tích đất đã được cho thuê 5.268,72 ha (đạt 52,8%); đã trồng được 2.831,6ha (đạt 28,4% tổng diện tích các dự án; đạt 53,7% diện tích đất được giao, cho thuê). Riêng Công ty cổ phần Liên Việt Lai Châu được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án (4 dự án trồng và 1 dự án nhà máy chế biến mắc ca).
3.2. Những khó khăn, thách thức trong việc phát triển cây mắc ca ở tỉnh Lai Châu
- Diện tích đất trống, đồi trọc còn nhiều nhưng phân tán trên địa hình cao, dốc, mùa mưa lại tập trung và kéo dài nên rất dễ bị xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất đặc biệt là vào mùa mưa và gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng diện tích để tạo ra các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, xây dựng các cơ sở chế biến mắc ca, suất đầu tư cao.
- Lai Châu là tỉnh có xuất phát điểm thuộc tốp thấp trong cả nước, nhiều địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, kinh tế phát triển chậm, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Vì vậy, đầu tư sản xuất có nhiều khó khăn, việc tự huy động vốn để đầu tư, phát triển mắc ca là không thể trong khi tỉnh chưa hỗ trợ được nhiều. Do đó, một số mô hình mắc ca có hiệu quả tốt tại địa phương là do các doanh nghiệp chủ động đầu tư từ khâu giống, vốn, kỹ thuật, trang thiết bị vật tư phục vụ tưới tiêu, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Lai Châu cũng coi việc doanh nghiệp đầu tư để phát triển các vùng trồng cây mắc ca là chiến lược phát triển. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn hoặc biến động về nhân sự, hoặc một số doanh nghiệp cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động, năng lực quản trị yếu, phương thức hoạt động còn lúng túng, chưa thật sự hiệu quả nên gián đoạn, chậm tiến độ các hoạt động liên kết, đầu tư theo kế hoạch. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do một số sở, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt chức năng quản lý trong việc hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo của dự án, một số dự án vướng mắc trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng và việc thuê đất ở địa phương.
- Sản lượng, chất lượng quả mắc ca phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng yếu tố giống đầu vào là quan trọng nhất. Tuy vậy, do tình trạng phát triển mắc ca tự phát ở một số nơi, trồng theo phong trào, thiếu tìm hiểu cẩn trọng nên một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh mua giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trồng giống cây thực sinh dẫn đến một số diện tích cây sinh trưởng kém, sản lượng quả thấp.
- Mắc ca là cây lâm nghiệp, cây dài ngày, việc chăm sóc, đòi hỏi đúng quy trình kỹ thuật chặt chẽ mới có năng suất, sản lượng cao. Tuy nhiên trình độ sản xuất của người dân trên địa bàn còn hạn chế, mắc ca lại là cây trồng mới, bà con chưa có kinh nghiệm trong canh tác, xử lý dịch bệnh, thu hái, sơ chế và cả tiêu thụ. Ngoài ra, do địa hình đồi núi cao, cắt xẻ mạnh nên Lai Châu có nhiều tiểu vùng thời tiết, đòi hỏi việc lựa giống và kỹ thuật chăm sóc phải phù hợp với từng tiểu vùng, không thể áp dụng đại trà các vùng như nhau.
Trong quá trình chăm sóc, các biện pháp bón phân, tưới nước và tỉa cành đúng kỹ thuật đóng một vai trò quan trọng cho sinh trưởng và năng suất mắc ca. Tuy nhiên, tại Lai Châu, việc áp dụng các biện pháp còn hạn chế nên năng suất quả còn chưa ổn định. Qua điều tra cho thấy, tại Lai Châu việc trồng mắc ca chủ yếu đang trong giai đoạn kiến thiết vườn cây, do vốn đầu tư lớn, khó xây dựng công trình tưới nước (phần lớn diện tích Mắc ca trồng trên đồi), hầu hết các hộ chưa thực hiện việc tưới nước cho cây. Trong khi đó, theo Quinlan, K. & Wilk. P [18], năm thứ nhất sau khi trồng trong điều kiện khô hạn cây mắc ca cần tưới 40 lít nước/cây/tuần và tăng dần cho đến khi cây đạt 4 tuổi. Phần lớn các hộ trồng mắc ca bón phân hữu cơ với lượng phân trên 15 - 20 kg/cây/năm.
- Hiện tại, công tác sau thu hoạch chưa được quan tâm, chưa có nghiên cứu đầy đủ về công nghệ sau thu hoạch mắc ca. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có rất ít cơ sở sơ chế, bảo quản và chưa có cơ sở chế biến mắc ca, công tác chế biến mắc ca còn đơn giản, sản phẩm chưa tinh và chất lượng chưa cao, do đó chưa thúc đẩy được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Những yếu kém trong thu hoạch, sơ chế và bảo quản dẫn đến tỷ lệ hư hao nhiều, làm giảm hiệu quả sản xuất mắc ca. Thị trường tiêu thụ hạt mắc ca còn rất hẹp, chủ yếu bán tại địa phương. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, chưa hình thành được chuỗi giá trị, sự phối hợp giữa nhà quản lí, các doanh nghiệp, người nông dân còn chưa chặt chẽ, thiếu những quy định cụ thể dẫn đến việc mở rộng diện tích trồng mắc ca còn hạn chế.
- Việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức.
3.3. Giải pháp phát triển cây mắc ca theo hướng bền vững tại Lai Châu
Để phát triển cây mắc ca như một trong những nông sản chủ lực của Lai Châu, đưa tỉnh trở thành thủ phủ cây mắc ca trong tương lai, cần có nhiều cơ chế, chính sách cụ thể như chiến lược và quy hoạch phát triển cây mắc ca, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ cây giống, trồng trọt, chăm bón, đến thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, đảm bảo nguồn lực tài chính tín dụng và hỗ trợ về tài chính khác trong giai đoạn đầu phát triển. Các giải pháp dưới đây cần được tỉnh Lai Châu tập trung ưu tiên thực hiện, đó là:
3.3.1. Giải pháp về quy hoạch và đất đai
- Tiếp tục thực hiện triệt để việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp gắn với giao rừng đến các tổ chức, hộ gia đình theo quy định của Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29 tháng 01 năm 2011 về việc Hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp. Đặc biệt là đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý chưa giao cho chủ cụ thể để giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh. Trước mắt ưu tiên thực hiện công tác giao đất tại các vùng thích hợp và rất thích hợp với cây mắc ca để có cơ sở đầu tư sản xuất mắc ca và có cơ sở pháp lý để vay vốn sản xuất.
- Rà soát, điều chỉnh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất đảm bảo thống nhất đồng bộ giữa giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp.
3.3.2. Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển mắc ca theo hướng hiệu quả, bền vững, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành; chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025 và các cơ chế, chính sách khác có liên quan.
3.3.3. Giải pháp về nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Tận dụng nguồn lao động đang sản xuất cho các loài cây khác vì mùa chăm sóc, thu hoạch cây mắc ca ít trùng với các mùa vụ chăm sóc, thu hoạch cây công nghiệp trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập cho lao động.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, đặc biệt là ở cấp xã và những hộ dân, doanh nghiệp trực tiếp tham gia phát triển cây mắc ca. Cử lao động người địa phương đi đào tạo các chuyên ngành phù hợp để họ sẽ trở về địa phương là lực lượng lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất. Mở các lớp tập huấn ở tại các địa phương để người lao động có thể được học tập trực tiếp. Cho các hộ nông dân tham quan các mô hình tiên tiến ở các địa phương khác, từ đó có thể vận dụng vào chính địa phương mình.
- Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm bằng việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và xử lý, bảo quản sản phẩm, phòng trừ sâu bệnh, học tập các mô hình sản xuất trồng cây mắc ca. Cán bộ khoa học kĩ thuật, cán bộ khuyến nông cần “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cụ thể từng khâu từ trồng đến chăm sóc, thu hoạch cho người nông dân.
- Đầu tư cho nhân lực nghiên cứu chuyên sâu, trình độ cao để trở thành các chuyên gia, nhà tư vấn về cây mắc ca một cách đồng bộ các khâu sản xuất, chế biến, phòng trừ sâu bệnh.
- Đầu tư thỏa đáng cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
3.3.4. Giải pháp về huy động nguồn vốn
- Huy động và phát huy tối đa các nguồn lực tài chính và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn, chương trình phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển mắc ca...; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo hướng xã hội hóa (các nguồn vốn của của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình; huy động các thành phần kinh tế trong nước theo cơ chế liên doanh, liên kết giữa các hộ nông dân và doanh nghiệp cùng góp vốn để phát triển mắc ca, hình thành vùng nguyên liệu mắc ca, xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mắc ca...).
- Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển mắc ca và đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến mắc ca. Cân đối, huy động các nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch.
Ngành ngân hàng cần hỗ trợ cho sản phẩm này bằng cách đề xuất chính sách tín dụng chuyên biệt cho mắc ca. Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại khác cần ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn và xây dựng các gói sản phẩm cho vay tín dụng, lãi suất thấp dành cho việc phát triển cây mắc ca trên toàn quốc nói chung và Lai Châu nói riêng, bao gồm các chính sách ưu đãi về lãi suất và kỳ hạn vay tái cấp vốn.
3.3.5. Giải pháp về tổ chức sản xuất
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phát triển mắc ca theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tới nhân dân, các cơ quan, đoàn thể, thông tin đại chúng; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong việc phổ biến, quán triệt, tuyên truyền chủ trương, chính sách, mục tiêu thực hiện phát triển mắc ca tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi cá nhân.
- Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
- Đối với hộ gia đình, cần liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung; thiết lập mã số vùng trồng truy suất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm.
- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật để nối liền vùng sản xuất với chế biến tiêu thụ.
- Khuyến khích các hợp tác xã, các doanh nghiệp hướng tới xây dựng nhà máy chế biến mắc ca để khép kín quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
3.3.6. Giải pháp về giống, khoa học, công nghệ
- Với cây mắc ca, yếu tố quan trọng nhất quyết định đến năng suất là nguồn giống, do đó cần tạo dựng nguồn giống chất lượng cao. Nghiên cứu, áp dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chọn tạo, khảo nghiệm các giống mắc ca có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích nghi tốt với điều kiện sinh thái của tỉnh; xây dựng hệ thống nguồn giống mắc ca đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ theo quy định; nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm mắc ca phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế, tạo tiền đề cho công tác quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm mắc ca trên địa bàn tỉnh. Theo một số nghiên cứu, khảo sát, có thể sử dụng các dòng mắc ca H2, OC và 816 để trồng rừng tại một số huyện của tỉnh Lai Châu như huyện Tam Đường, Tân Uyên và thành phố Lai Châu. Đồng thời nên trồng hỗn hợp nhiều dòng vô tính như 246, H2, OC, 816 trong mô hình để tăng khả năng thụ phấn chéo nhằm tăng năng suất quả, chất lượng hạt mắc ca.
- Tổ chức, hướng dẫn trồng, chăm sóc cây mắc ca đảm bảo đúng kỹ thuật, quy trình canh tác. Nên áp dụng các biện pháp chăm sóc, tỉa cành và bón phân để tăng năng suất và chất lượng mắc ca. Cần nghiên cứu nhằm xác định được loại phân và liều lượng phân bón phù hợp với nhu cầu theo từng giai đoạn phát triển của cây nhằm kinh doanh rừng trồng mắc ca đạt hiệu quả cao nhất.
- Xây dựng và chuyển giao quy trình trồng thuần, trồng xen mắc ca cho từng tiểu vùng; quy trình sản xuất mắc ca theo hướng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP,...), nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm mắc ca chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh.
3.3.7. Giải pháp về xây dựng, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ
- Hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý sản phẩm từ mắc ca; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm mắc ca.
- Sử dụng đa dạng các phương thức truyền thông để xây dựng và phát triển thương hiệu hạt mắc ca Lai Châu. Ngoài ra, có thể tài trợ các trường học, trẻ em nghèo, suy dinh dưỡng, các hộ nông dân nghèo. Hoạt động xã hội - từ thiện không tư lợi là cách xây dựng thương hiệu tốt cho cây mắc ca Lai Châu với ý nghĩa làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ nông dân. Tổ chức các hội chợ thương mại giới thiệu các loại sản phẩm từ mắc ca ở các tỉnh thành, các khu vực trong cả nước.
- Xây dựng các mô hình trồng cây mắc ca gắn với phát triển du lịch sinh thái. Xây dựng đường vào khu trồng cây, phát triển thêm một số sản phẩm du lịch khác để thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm với vườn cây mắc ca. Có biện pháp quảng bá, nhất là đến mùa thu hái để thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm và tiêu thụ.
- Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, liên kết với các cơ sở chế biến để chế biến các loại mỹ phẩm, nước uống, bánh kẹo có thành phần mắc ca.
- Thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm mắc ca chế biến sâu. Quan tâm thành lập các công ty chuyên thu mua, xuất khẩu cho người nông dân. Như vậy, đảm bảo việc bao tiêu đầu ra ổn định, giá mua có lãi hợp lý, khuyến khích người nông dân đẩy mạnh công tác phát triển trồng cây mắc ca. Giải pháp hiệu quả đó là tăng cường tìm kiếm các đối tác xuất khẩu có uy tín thương hiệu trên thế giới, từng bước giới thiệu sản phẩm và xuất khẩu vào các thị trường nhiều tiềm năng.
4. Kết luận
Khai thác thế mạnh để đưa Lai Châu trở thành thủ phủ cây mắc ca của cả nước là mục tiêu phấn đấu của tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều thách thức, cần có các giải pháp căn cơ mang tính tổng thể, toàn diện, để phát triển cây mắc ca tại Lai Châu theo hướng bền vững, như: quy hoạch, phát triển hợp lí và cơ chế, chính sách đủ mạnh tạo ra sự chuyển biến rõ nét; nâng cao hiệu quả sử dụng và chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu, từ tạo giống, trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ; huy động nguồn vốn, đầu tư về cơ sở hạ tầng, đa dạng các sản phẩm chế biến; tăng cường quảng bá, giới thiệu mắc ca Lai Châu để xây dựng, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Thị Vân Anh và nhóm nghiên cứu (2018). Sinh trưởng, năng suất và chất lượng hạt của một số dòng mắc ca tại Lai Châu. Tạp chí khoa học Lâm nghiệp số 4, 54-63.
- Ban Kinh tế Trung ương (phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và tỉnh ủy Lâm Đồng, 2015). Kỷ yếu Hội thảo nghiên cứu “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2011). Danh mục giống Macadamia được công nhận giống tiến bộ kỹ thuật. Quyết định số 2040/QĐ-BNN-TCLN ngày 01/9/2011.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Chuyên đề Cây mắc ca - Hiện trạng và định hướng phát triển.
- Cục Thống kê tỉnh Lai Châu, Niên giám thống kê tỉnh Lai Châu năm 2014, 2017, 2019, 2021.
- Phạm Thu Hà, Đặng Thị Thu Hà (2021). Đánh giá mức độ biến dị của các dòng vô tính mắc ca ở các khảo nghiệm tại một số tỉnh miền Bắc. Tạp chí Công Thương, truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/danh-gia-muc-do-bien-di-cua-cac-dong-vo-tinh-mac-ca-o-cac-khao-nghiem-tai-mot-so-tinh-mien-bac-81780.htm.
- Bùi Thị Hằng và nhóm nghiên cứu (2014). Kết quả bước đầu khảo nghiệm một số dòng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Tạp chí khoa học Lâm nghiệp số 3, tr. 3373-3391.
- Nguyễn Đức Kiên và nhóm nghiên cứu (2013). Kết quả đánh giá khả năng thích nghi và năng suất quả các dòng mắc ca ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Tạp chí khoa học Lâm nghiệp, số 4, tr. 2988-2993.
- Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (2014). Báo cáo nghiên cứu cây mắc ca và khả năng phát triển tại Việt Nam.
- Cao Đình Sơn và nhóm nghiên cứu (2021). Đánh giá công tác giống cây mắc ca tại tỉnh Sơn La. Tạp chí khoa học - Đại học Tây Bắc, số 22, tr.85-92.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu, báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn các năm 2020, 2021, 2022, 2023.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu. Báo cáo tình hình phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lai Châu, số 1448/BC/SNN, ngày 21/7/2020.
- Nguyễn Công Tạn (2003). Cây mắc-ca - cây quả khô quý hiếm, dự báo khả năng phát triển ở các vùng miền núi Việt Nam. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
- Lương Đức Toàn, Nguyễn Xuân Lai (2017). Đặc điểm đất đai và vấn đề sử dụng đất cho vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại Tây Bắc. Truy cập tại: https://www.thiennhien.net/2017/09/02/dac-diem-dat-dai-va-van-de-su-dung-dat-cho-vung-san-xuat-nong-nghiep-hang-hoa-tai-tay-bac/.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu (2017). Quyết định số 1655/QĐ-UBND, ngày 26/12/2017 về việc phê duyệt Đề án Khuyến khích phát triển cây mắc ca tập trung trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2021.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu (2023). Báo cáo ngày 25/12/2023 về Tình hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp tỉnh Lai Châu (Tài liệu làm việc với Đoàn công tác Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luông Pha Bang, nước bạn Lào).
- Đào Thanh Vân, Nguyễn Văn Biển (2017). Kết quả bước đầu nghiên cứu đặc điểm sinh học của một số dòng mắc ca (macadamia integrifolia maiden & betche) tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp, số 3 (2017), tr. 78-84.
- Quinlan K. & Wilk. P. (2005). Macadamia culture in New South Wales. PrimeFact 5. USA: New South Wales Department of Primary Industries.
- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (2009). Kỹ thuật gây trồng cây mắc ca. Truy cập tại: https://vafs.gov.vn/vn/ky-thuat-gay-trong-cay-mac-ca/.
Solutions for the sustainable development of macadamia trees in Lai Chau province
Master. Dang Thu Hieu1
Master. Nguyen Thi Nhu Tam2
1Lai Chau Provincial School of Politics
2International School, Vietnam National University - Hanoi
ABSTRACT:
This study analyzed the current situation and evaluated the advantages and difficulties of developing and expanding the macadamia-growing area in Lai Chau province. The main research methods are collecting, processing, and analyzing documents; fieldwork; practical observations; and consulting with some experts. The study also proposed some solutions for facilitating the growth of macadamia trees in Lai Chau province.
Keywords: macadamia trees, challenges, solutions, sustainable development.