TÓM TẮT:
Trong mọi nền văn hóa, trẻ em có năng khiếu cần có phương tiện để học tập, bao gồm cơ sở vật chất, chương trình học và sự giảng dạy tập trung vào việc thử thách và sự khuyến khích để theo đuổi ước mơ của chúng. Tuy nhiên, trong việc giáo dục năng khiếu, sự khác biệt lớn giữa các phương pháp, chương trình và mô hình giáo dục của các nền văn hóa khác nhau sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau.[1] Ngoài hệ thống giáo dục dành riêng cho trẻ em tài năng, vẫn có quan điểm cho rằng giáo dục những học sinh với khả năng học thuật tốt sẽ củng cố bất bình đẳng và cho rằng học sinh năng khiếu có thể tự phát triển mà không cần can thiệp. Thế nhưng, định hướng này là không đúng, sự xuất hiện của trường chuyên là phù hợp, chỉ là lập luận có nên giữ hay bỏ trường chuyên cấp THCS. Bài viết này là một phần của nghiên cứu toàn diện đặc biệt thảo luận về mô hình giáo dục chuyên hệ trung học ở một số quốc gia phương Tây và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Từ khóa: giáo dục năng khiếu, khung pháp lý, trường chuyên, các nước phương Tây.
1. Đặt vấn đề
Khái niệm “trường chuyên” (specialist/ specialized school) đã tồn tại trên thế giới từ xã hội cổ đại, được định nghĩa là những trường tạo ra với một mục đích đặc biệt và được thiết kế như là các trường tiểu học, trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, tập trung vào một số lĩnh vực môn học cụ thể hoặc tài năng đặc biệt. [2] Tuy nhiên, khái niệm tương đương về “trường chuyên” trên thế giới hiểu dưới góc nhìn rộng hơn, như Selective School (Úc), Magnet School “Mỹ”, Gymnasium (Đức và một số nước), Realschule (Đức, Thuỵ Sỹ).[3] Điểm chung của các mô hình này là tập trung bồi dưỡng nhân tài, phát triển tài năng và thế mạnh học thuật của học sinh trong những lĩnh vực chuyên biệt và độ tuổi tập trung ngày càng được giảm thấp để phát huy tối đa tiềm năng của học sinh.
Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, việc xây dựng khung pháp lý cho hệ THCS trường chuyên đang trở thành vấn đề gây tranh cãi trong xã hội. Các quốc gia phương Tây, đặc biệt như Úc, Mỹ, Đức đã xây dựng và phát triển được những mô hình giáo dục cấp trung học hiệu quả, không chỉ với mục đích giúp học sinh phát triển năng khiếu nổi trội trong một số môn học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn đề cao quyền tự do được lựa chọn giáo dục của học sinh thông qua giáo dục chuyên. Ở Việt Nam, vấn đề nằm ở việc phân khúc giáo dục trung học cho đại đa số học sinh (giáo dục đại trà) có cách vận hành thiếu hiệu quả bởi lí do hạn chế về nguồn lực (cùng với một số yếu tố khác) để giúp cho học sinh năng khiếu cấp THCS phát huy năng lực riêng của người đó tốt nhất, nên việc bỏ hệ THCS trường chuyên trông giống như mong đợi "cào bằng" hơn là mục đích tạo ra thế giới đồng đẳng. Nhìn vào thực tế, việc nghiên cứu chính sách, mô hình giáo dục chuyên hệ THCS của các quốc gia phương Tây sẽ làm giàu thêm nền tảng các ứng dụng về mô hình chuyên biệt này cũng như giúp nhận diện những yếu tố có thể áp dụng vào bối cảnh Việt Nam trong một giải pháp thiết lập khung pháp lý hệ THCS trường chuyên.
2. Thực trạng các trường chuyên hệ trung học ở một số nước phương Tây
2.1. Thực trạng các trường chuyên hệ trung học ở Úc
Tại Úc, mặc dù bị ảnh hưởng bởi các chính sách giáo dục đang phát triển của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, nhưng cách tiếp cận của Úc nhằm đáp ưng nhu cầu của học sinh có năng lực cao rất khác biệt. Điểm độc đáo được thể hiện ở những chương trình mẫu mực khác biệt trong cả trường công và trường tư với sự chú trọng và niềm tin vào các nguyên tắc hỗ trợ tính toàn diện và chủ nghĩa quân bình trong các chính sách giáo dục dành cho học sinh năng khiếu. Theo các thỏa thuận hiến pháp của Úc, chính phủ tiểu bang chịu trách nhiệm cung cấp giáo dục trường học, do đó mức tài trợ trường tuyển công minh dựa vào nhiều yếu tố như số học sinh, số giáo viên và cơ sở vật chất.[4] Bên cạnh đó, hầu hết các trường chuyên ở Úc đều nhận được nguồn tài trợ lớn từ phụ huynh học sinh và thường cao hơn so nhiều với các trường bình thường.
Ở bang New South Wales, Bang New South Wales đã xây dựng khung pháp lý cho giáo dục chuyên từ năm 1991, với các văn bản pháp lý quan trọng như "Chính sách giáo dục cho học sinh năng khiếu và tài năng" (1991) và "Chính sách và thực hiện chiến lược giáo dục cho học sinh có năng khiếu và tài năng" (2004).[5] Mới nhất, Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục ban hành văn bản "Chính sách giáo dục năng khiếu và tiềm năng cao" (High Potential and Gifted Education Policy - gọi tắt là HPGE) năm 2019, với mục tiêu “thúc đẩy sự tham gia và thách thức đối với mọi học sinh, bất kể hoàn cảnh, ở mọi trường học trên khắp lĩnh vực trí tuệ, sáng tạo, cảm xúc xã hội và thể chất”.[6] Theo đó, Văn bản HPGE yêu cầu tất cả các trường công lập trong bang phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Giáo dục về mô hình giáo dục chuyên biệt cho học sinh có năng khiếu, không được tự thiết kế mô hình riêng. Theo đó, các trường công phải đảm bảo 4 yếu tố cơ bản: tiếp cận công bằng và phát huy sự xuất sắc cá nhân của học sinh; kỳ vọng cao đối với mọi học sinh; môi trường học tập tối ưu và phát triển tiềm năng liên tục.[7] Điều này có nghĩa các trường đều phải tạo điều kiện cho học sinh có năng khiếu tiếp cận cơ hội học tập phù hợp với khả năng và trình độ của học sinh, thiết kế khung giáo án phù hợp từng môn học, đầu tư cơ sở vật chất và đảm bảo các yếu tố hỗ trợ sự phát triển toàn diện của học sinh. Đồng thời, các trường cần hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong việc đào tạo giáo viên và học sinh để đảm bảo chất lượng giáo dục ở các trường là đồng đều và hiệu quả. Ngoài ra, giáo viên truyền đạt thông tin đánh giá và nhận dạng được những học sinh có tiềm năng và năng khiếu cao để hỗ trợ các em trong “sự chuyển tiếp” - tức là học vượt lên các lớp trình độ cao hơn. Đặc biệt đối với giáo viên cấp trung học, do đây là giai đoạn các học sinh phát triển mạnh mẽ nhất về cả thể lực và trí lực, nên giáo viên cấp học này cần được các trường quan tâm trong việc thực hiện các quy định của HPGE nhằm hỗ trợ học sinh phát huy được toàn bộ tiềm năng của mình.[8]
Ở bang Victoria, không có khung pháp lý hiện hành quy định về giáo dục năng khiếu, tuy nhiên trước đây đã có một số chính sách hỗ trợ như "Tương lai tươi sáng" (Bright Futures) vào năm 1995 với mục tiêu nhằm tăng cường các lựa chọn giáo dục cho học sinh có năng khiếu, hỗ trợ giáo viên xác định và giáo dục học sinh năng khiếu và thúc đẩy mạng lưới giáo dục năng khiếu giữa các trường. [9] Chính phủ Victoria bắt đầu triển khai các mô hình giáo dục chuyên từ năm 2011, các chương trình và quy định hiện tại của bang Victoria dành cho học sinh năng khiếu và tài năng tập trung nhiều ở cấp THCS. Đặc biệt, một số trường trung học cơ sở đã phát triển các chương trình năng khiếu chuyên biệt cho những học sinh học vượt cấp như các trường tuyển sinh chọn lọc (Selective Entry School), Chương trình học vượt cấp SEAL (Select Entry Accelerated Learning Program - SEAL). Thêm vào đó, có các trường học chuyên biệt trong các lĩnh vực khoa học, toán học, công nghệ, thể thao và nghệ thuật (Trường Khoa học John Monash, Cao đẳng Maribyrnong, Trường Trung học Nghệ thuật Victoria). [10]
Một trong những ưu điểm của hệ thống giáo dục chuyên của Úc là sự linh hoạt và đa dạng trong chính sách giáo dục. Mặc dù không có một chính sách quốc gia thống nhất, mỗi bang có quyền tự quyết định về mô hình giáo dục chuyên, điều này giúp tạo ra những chương trình học phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của từng địa phương. Các trường cũng được quyền tự chủ trong việc thiết kế chương trình học, từ đó cung cấp nhiều lựa chọn cho học sinh, giúp họ có thể tiếp cận giáo dục chuyên theo năng lực và sở thích của bản thân.
Tuy nhiên, sự thiếu vắng một chính sách quốc gia đồng nhất lại là một hạn chế lớn đối với giáo dục chuyên ở Australia. Việc các bang tự quyết định chính sách dẫn đến sự thiếu thống nhất trong việc triển khai các mô hình giáo dục, gây khó khăn trong việc duy trì và phát triển các chương trình như SEAL (Chương trình giáo dục nâng cao cho học sinh có năng khiếu). Bên cạnh đó, mô hình giáo dục chuyên chỉ áp dụng chủ yếu tại các trường công lập, trong khi các trường tư thường không áp dụng, khiến cho không phải học sinh nào cũng có cơ hội tiếp cận với các chương trình giáo dục chuyên này.
2.2. Thực trạng các trường chuyên hệ trung học ở Đức
Tại Đức, 16 bang liên bang chịu trách nhiệm về hệ thống giáo dục của mình. Giáo dục cho học sinh năng khiếu được đề cập trong luật pháp của một số bang, nhưng tất cả các bang đều thúc đẩy hệ thống trường học linh hoạt, bao gồm việc nhập học sớm ở trường tiểu học và học vượt lớp. Nhìn chung, các mô hình áp dụng đối với học sinh năng khiếu bao gồm việc nhập học sớm ở trường tiểu học, học tăng tốc, học vượt lớp, tham gia các lớp học với các khối lớp cao hơn, hợp tác với các trường đại học, chương trình giảng dạy ngoại khóa, các cuộc thi và trại hè, … [11]Trong đó, Hệ thống giáo dục trung học chuẩn bị cho học sinh thi vào đại học (Gymnasium) được thiết kế đặc biệt dành cho những học sinh xuất sắc, đạt thành tích cao có từ thế kỷ 18. Truyền thống của Gymnasium vẫn tồn tại cho đến nay trên toàn nước Đức và cung cấp chất lượng học thuật xuất sắc.[12] Chính sách Hòa nhập Xã hội châu Âu và các đạo luật giáo dục đã tạo ra nền tảng cho các trường năng khiếu, khuyến khích học sinh tài năng phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bất kể nguồn gốc, giới tính hay địa vị xã hội của học sinh.
Mỗi bang ở Đức cũng có những chương trình giáo dục đặc biệt dành cho học sinh năng khiếu. Chẳng hạn, ở bang Bavaria, theo Điều 128, Khoản 2 của Hiến pháp bang Bavaria, mọi cư dân của Bavaria có quyền được nhận một nền giáo dục phù hợp với khả năng và nguyện vọng nghề nghiệp của mỗi cá nhân.[13] Trên cơ sở đó, việc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em và thanh thiếu niên có năng khiếu được quy định trong các luật và quy định liên quan như Đạo luật Khuyến khích Tinh hoa Bavarian (BayEFG).[14] Theo đó, trẻ em có năng khiếu được phép theo học tại các trường học và cơ sở giáo dục bằng nguồn vốn công, nếu cần. Ví dụ, tại bang Bavaria, học sinh tài năng có thể tham gia vào các lớp học đặc biệt để phát triển kiến thức chuyên môn và các kỹ năng nhận thức, xã hội. Các lớp học tài năng cũng được cung cấp tại một số trường trung học, chỉ có ở Bavaria chẳng hạn như Deutschhaus Gymnasium Würzburg, Maria Theresia Gymnasium München. Tại đây, khả năng của học sinh được thách thức bằng các lớp học bổ sung và các kỳ thi ngôn ngữ đặc biệt.[15]
Theo Luật Trường học Hessen (HSchG), trường học "cần được thiết kế sao cho việc giáo dục chung và việc học chung của tất cả học sinh được thực hiện ở mức độ cao nhất có thể và mỗi học sinh, với sự xem xét đến tình hình cá nhân trong phát triển thể chất, xã hội, cảm xúc cũng như nhận thức, sẽ được hỗ trợ phù hợp. […] Học sinh năng khiếu sẽ được hỗ trợ trong sự phát triển của mình thông qua tư vấn và các chương trình giáo dục bổ sung.[16] Bên cạnh đó, Bang Hessen cung cấp các chương trình hỗ trợ học sinh năng khiếu và có các trường đạt "Con dấu Chất lượng về Năng khiếu".[17] Hessen chỉ có một trường trung học đặc biệt dành cho học sinh năng khiếu là Trường nội trú Schloss Hansenberg, được hỗ trợ bởi chính quyền bang và các công ty tư nhân.
Tại Berlin, có các lớp học tăng tốc chuyên biệt giúp học sinh tiết kiệm thời gian học và tham gia các chương trình chuyên sâu. Điều này có được bởi ở một số trường trung học ở bang Berlin có các lớp học chuyên biệt bỏ qua lớp 8, giúp giảm tổng thời gian học tập tại trường. Ngoài ra, Berlin có những trường chuyên biệt tập trung phát triển các tài năng cụ thể như thể thao, âm nhạc hoặc ngoại ngữ. Một số trường khác thành lập các lớp học đặc biệt để hỗ trợ và thách thức học sinh có năng khiếu toán học ví dụ như Herder-Gymnasium Charlottenburg và Heinrich-Hertz-Gymnasium Friedrichshain.[18]
Ở bang Hamburg, theo Luật Trường học Hamburg (HmbSG), tất cả các trường học ở Hamburg đều có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài năng.[19] Hamburg có một mạng lưới hỗ trợ giáo dục năng khiếu và phát triển tài năng mang tên “Butterflies” là sự hợp tác giữa các trường tiểu học, trung học nhằm phát triển tài năng. Từ năm 2004 - 2007 và từ năm 2010 - 2012, các trường tham gia vào dự án này và được chứng nhận là các trường có khả năng chẩn đoán và hỗ trợ học sinh năng khiếu. Ngoài ra, một số trường ở Hamburg cung cấp các lớp học đặc biệt cho học sinh tài năng. Trong một số trường hợp, có các lớp học “vượt” cho phép học sinh có năng lực cao học vượt lớp.
Có thể thấy, một trong những ưu điểm lớn của hệ thống giáo dục Đức là sự đa dạng và linh hoạt của các chương trình dành cho học sinh tài năng. Bên cạnh đó, Đức là một quốc gia có nền kinh tế mạnh với nhiều nguồn lực sẵn có, tạo ra một cơ hội giáo dục cho người dân, không phân biệt điều kiện kinh tế, nơi sinh sống, ngôn ngữ. Giáo dục ở Đức hoàn toàn miễn phí, đặc biệt ở giáo dục năng khiếu công, mô hình cần không ít sự đầu tư về cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình giảng dạy, những học sinh năng khiếu đều được tạo điều kiện và không mất chi phí kể học tập, sách vở, giấy bút, phương tiện công cộng đến trường,...
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục năng khiếu ở Đức cũng tồn tại một số hạn chế. Sự đa dạng của các mô hình giáo dục giữa các bang đôi khi dẫn đến thiếu sự kết nối và hợp tác giữa các bang cũng như các nhà nghiên cứu giáo dục, khiến cho việc xây dựng một chiến lược giáo dục quốc gia chung còn gặp khó khăn. Hơn nữa, việc xác định, phát hiện học sinh năng khiếu ở các trường chuyên ở Đức chưa thực sự hiệu quả, do không có kỳ thi tuyển chọn chính thức mà chủ yếu dựa vào thành tích học tập trong hai năm cuối cấp một. Điều này cũng lý giải vì sao Đức không đạt được thứ hạng cao trong các kỳ thi quốc tế như PISA (bài thi đánh giá kỹ năng Đọc hiểu, Khoa học và Toán), vì hệ thống giáo dục không quá chú trọng đến việc tạo ra sự cạnh tranh về thành tích học tập.
2.3. Thực trạng các trường chuyên hệ trung học ở Hoa Kỳ
Từ những ngày đầu thành lập, Hoa Kỳ đã coi trọng giáo dục. Bởi lẽ, một mục tiêu quan trọng trong giáo dục tại Hoa Kỳ là xác định những học sinh có khả năng đóng góp đáng kể cho xã hội.[20] Trong bối cảnh vì hệ thống giáo dục Hoa Kỳ có tính chất phân quyền cao, việc cung cấp chương trình cho học sinh năng khiếu và tài năng hoàn toàn tùy thuộc vào các bang ở Hoa Kỳ. Mỗi bang trong số 50 bang của Hoa Kỳ có các luật riêng quy định về giáo dục. Mặc dù các luật này có thể tương tự nhau từ bang này sang bang khác, nhưng một số luật có thể hoàn toàn khác biệt.
Theo Viện Davidson (2020), có 13 bang trên toàn nước Mỹ không bắt buộc phải có chương trình giáo dục năng khiếu, bao gồm Massachusetts, New Hampshire, Vermont và Connecticut. Những bang khác như Texas, California, Virginia và New Jersey, đều có chương trình năng khiếu nhưng chỉ có bốn bang (Florida, Georgia, Iowa và Oklahoma) được cấp ngân sách đầy đủ bởi bang để tài trợ cho chương trình này. Mỗi bang có chính sách khác nhau để xác định tiêu chuẩn cho học sinh năng khiếu và tài năng, quy trình khác nhau để đưa những học sinh này vào chương trình. Cụ thể ở các bang như sau:
Ở Bang Florida, Florida định nghĩa học sinh năng khiếu là những học sinh có phát triển trí tuệ vượt trội và có khả năng đạt thành tích cao.[21] Theo đó, học sinh năng khiếu cần có IQ cao hơn hai độ lệch chuẩn so với trung bình để tham gia các chương trình giáo dục đặc biệt (điều này thường tương đương với việc xác định rằng học sinh có IQ 130 trở lên). Florida cung cấp các khóa học nâng cao bao gồm các khóa học học thuật nâng cao, cũng như các khóa học nâng cao khác như Khoa học Toàn diện Nâng cao 3 ở cấp Trung học/Cấp 2 và các trường chuyên (Magnet School) tập trung vào các lĩnh vực như STEM, Mỹ thuật và Nghệ thuật biểu diễn, Tú tài quốc tế, Nghiên cứu quốc tế, Giáo dục nghề nghiệp và kỹ thuật (CTE) và Ngôn ngữ.
Ở New York, mặc dù không nằm trong các bang yêu cầu phải cung cấp các chương trình dành cho học sinh được xác định là năng khiếu, nhưng các quận có quyền tự quyết định và quản lý các chương trình giảng dạy phù hợp theo cách mà họ xác định là tốt nhất cho học sinh của họ. New York có hệ thống các trường chuyên biệt dành cho học sinh có năng khiếu trong các lĩnh vực như toán, khoa học và nghệ thuật. Hệ thống trường chuyên công lập này có tên là “The specialized high schools of New York City”, được thành lập và quản lý bởi Sở Giáo dục thành phố New York. Các trường thuộc hệ thống này được đánh giá có tỷ lệ chọi gắt gao hơn cả Đại học Harvard danh giá. Đánh giá về các chương trình giáo dục chuyên ở hệ trung học của Hoa Kỳ về mặt ưu điểm, các chương trình giáo dục cho học sinh năng khiếu ở Hoa Kỳ mang lại cơ hội tiếp cận môi trường học tập chất lượng cao và giúp học sinh có cơ hội nhận học bổng vào các trường đại học danh tiếng như Harvard, Stanford và Yale. Hệ thống trường chuyên công lập ở Mỹ cũng rất phát triển với hơn 4.300 trường chuyên, phục vụ khoảng 3,5 triệu học sinh trên toàn quốc.[22] Vậy nên có thể thấy, ở Mỹ đáp ứng đủ nhu cầu học tập tại môi trường chất lượng cao và chương trình dạy học nâng cao cho các học sinh có năng khiếu trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, dù các bang có luật giáo dục năng khiếu, nhưng sự đa dạng trong các quy định và tài trợ cho các chương trình này không đồng đều. Nhiều bang chỉ yêu cầu xác định học sinh năng khiếu mà không cung cấp dịch vụ và một số bang không có ngân sách đầy đủ để triển khai các chương trình chuyên biệt. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục chất lượng cao giữa các khu vực khác nhau.
3. Kinh nghiệm rút ra cho các trường chuyên hệ trung học ở Việt Nam
Qua việc nghiên cứu các hệ thống giáo dục dành cho học sinh năng khiếu ở các quốc gia phương Tây, chúng tôi nhận thấy hầu hết các chương trình năng khiếu được thiết kế cho những cá nhân được xác định cụ thể là có năng lực cao và rộng, có thành tích cao trong quá trình học tập trước đó. Đối với các nước phương Tây như Úc, Đức và Hoa Kỳ không tồn tại khung pháp lý được ban hành cụ thể bởi các cơ quan hành chính cấp trung ương. Điều này hoàn toàn phù hợp với hình thức cấu trúc của các quốc gia này: hình thức liên bang. Theo đó, cả 3 quốc gia đều có khung pháp lý riêng biệt của từng bang hoặc các chính sách hỗ trợ giáo dục chuyên, phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa và hệ thống chính trị của từng nước, từng bang. Đức nổi bật với sự phân hóa sớm trong hệ thống giáo dục; Úc nhấn mạnh quyền tự chủ của từng bang; và Hoa Kỳ phát triển các chính sách linh hoạt, phân quyền mạnh mẽ cho từng bang. Ngoài ra, các chương trình học chuyên biệt không chỉ dừng lại ở các môn học thuật truyền thống mà còn mở rộng sang các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, công nghệ. Đặc biêt, các nước phương Tây đều hướng đến mục địch giáo dục chuyên là đề cao quyền tự do được lựa chọn giáo dục của học sinh, đảm bảo học sinh năng khiếu từ các hoàn cảnh khác nhau đều có cơ hội tham gia các chương trình giáo dục chuyên biệt.
Có thể thấy, ở Việt Nam và các nước trên thế giới, giáo dục chuyên hệ THCS là nội dung quan trọng cần có một định hướng cụ thể, phù hợp, khi xây dựng chính sách pháp luật cho mô hình này ở Việt Nam, Do đó, trong quá trình nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý hệ THCS trường chuyên tại Việt Nam, trên cơ sở kinh nghiệm của các quốc gia phương Tây, cần quan tâm một số vấn đề chính sau:
Một là, cùng với việc hình thành các ngôi trường chuyên biệt hệ THCS có chức năng đào tạo, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, cần ghi nhận địa vị pháp lý của mô hình này (là một cơ sở giáo dục, một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân hay là một mô hình đào tạo nhân tài). Tức là cần phải định danh được hệ THCS trường chuyên và xác định chính sách pháp luât, để từ đó đưa vào Luật Giáo dục nhằm đảm bảo hợp pháp và tính chính danh cho mô hình này.
Hai là, cần có chiến lược cụ thể trong giáo dục liên quan đến học sinh PTCS; từ đó xây dựng những tiêu chí cụ thể xác định học sinh năng khiếu, và xác định từ sớm, bởi tài năng thường không dễ nhận thấy. Một số quan điểm cho rằng trách nhiệm xác định học sinh năng khiếu được giao cho các trường học, giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, giáo viên thường không được đào tạo đầy đủ về các vấn đề liên quan đến học sinh năng khiếu trong quá trình đào tạo giáo viên. Do đó, họ không phải lúc nào cũng nhận ra được tài năng của học sinh. Kết luận, việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực học sinh là cần thiết, nên được tham khảo từ các nhà tâm lý học, những chuyên gia về năng khiếu hiểu rõ các vấn đề liên quan đến tài năng cùng với sự phức tạp, nhạy cảm trong tính cách của học sinh cấp trung học. Tuy nhiên, cần lồng ghép tính linh hoạt, cho phép các địa phương tự thiết kế và triển khai chương trình xác định học sinh năng khiếu phù hợp với điều kiện thực tế, văn hóa, đặc trưng riêng biệt của từng vùng tương tự như cách tiếp cận của Hoa Kỳ và Úc. Vì thế, thiết nghĩ cách tiếp cận về việc mở rộng định nghĩa về năng khiếu để bao gồm các tiêu chí như khả năng sáng tạo, kỹ năng xã hội hoặc năng lực đặc biệt khác có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào các bài kiểm tra có khả năng chứa đựng thiên kiến.
Na là, trên cơ sở xác định hệ THCS trường chuyên là cơ sở giáo dục phổ thông đặc thù, hệ thống giáo dục chuyên tại Việt Nam cần mạnh dạn mở rộng các chương trình chuyên không chỉ tập trung vào học thuật như Toán, Lý, Hóa,… mà còn là các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, công nghệ và các kỹ năng xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của học sinh. Đặc biệt ở cấp THCS, đây là thời kỳ quá độ từ tuổi thơ sang tuổi trường thành, thời kỳ trẻ ở “ngã ba đường” của sự phát triển.[23] Như vậy, đây là giai đoạn chuyển đổi then chốt, nơi mỗi sự hỗ trợ và định hướng sẽ góp phần xây dựng nền móng cho sự trưởng thành toàn diện. Điều này cũng giúp phá vỡ định kiến về giáo dục năng khiếu chỉ dành cho học sinh giỏi học thuật, để “luyện gà chọi” đi thi đấu các giải quốc gia, quốc tế và tạo cơ hội bình đẳng hơn cho những em có năng khiếu khác.
Trong phần phân tích ở trên, Úc và Đức đã thành công với mô hình mở rộng các lĩnh vực chuyên biệt trong trường học, như các trường chuyên về nghệ thuật (Sydney Conservatorium High School), thể thao (Eliteschulen des Sports), âm nhạc (Musikgymnasium). Để triển khai hiệu quả những mô hình này, các trường vẫn phải bảo đảm việc thực hiện đầy đủ kế hoạch giáo dục chung theo quy định Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT về chương trình và kế hoạch giáo dục tại trường chuyên. Qua đó, bảo đảm các môn học nghệ thuật, thể thao, công nghệ và kỹ năng xã hội không làm gián đoạn việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chung (Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018).[24]
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Australian Government Department of Education, Cách các trường học được tài trợ https://www.education.gov.au/schooling/how-schools-are-funded
2 Kronborg, L, Foreword. In W. Vialle & J. G. Geake (Eds.), The gifted enigma: A collection of articles (pp. vixxi). Hawker Brownlow Education, 2002.
3 New South Wales Department of Education and Training, High Potential and Gifted Education Policy, 2019.
4 Australian Government Department of Education, Cách các trường học được tài trợ https://www.education.gov.au/schooling/how-schools-are-funded
5 Kronborg, L, Foreword. In W. Vialle & J. G. Geake (Eds.), The gifted enigma: A collection of articles (pp. vixxi). Hawker Brownlow Education, 2002.
6 New South Wales Department of Education and Training, High Potential and Gifted Education Policy, 2019.
7 New South Wales Department of Education and Training, HPGE Policy’s Guiding Principles, 2019.
8 New South Wales Department of Education, Specialized education teacher
https://education.nsw.gov.au/teach-nsw/explore-teaching/types-of-teachers/specialist-teachers
9 Frances A. Karnes, The Application of an Individual Professional Development Plan to Gifted Education, 2004.
10 Cook, Henrietta, Young, gifted, and backed: Select entry students' great expectations, 2019.
11 Christian Fischer and Kerstin Mülle, Gifted Education and Talent Support in Germany.
12 Encyclopaedia Britannica, Gymnasium (German school), 2024.
https://www.britannica.com/topic/Gymnasium-German-school
13 Free State of Bavaria, Constitution of the Free State of Bavaria, Article 128
14 The Bavarian Act to Promote Elite Students (BayEFG)
15 Bos, W., Tarelli, I., Bremerich-Vos, A., & Schwippert, K,. IGLU 2011 Lesekompetenzen von
Grundschulkindern in Deutschland im internationalen Vergleich. Münster: Waxmann, 2012.
16 Hessisches Schulgesetz (HSchG), §3, Abs. 6-7.
17 Christian Fischer and Kerstin Müller, Gifted Education and Talent Support in Germany, 2014, p 23.
18 Jugend und Wissenschaft, Senatsverwaltung für Bildung, 2014.
19 1997 School Act (HmbSG), amended in 2024.
20 McClain, M., & Pfeiffer, S. I, Identifying gifted students. In The Encyclopedia of Gifted Education, 2021, p11.
21 Florida Department of Education, Special instructional programs for students who are gifted (Rule 6A-6.03019), 1977.
22 Magnet Schools of America, Magnet Schools of America Annual Report, 2017.
23 Nguyễn Thị Tuyết, Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh THCS
https://giasutrongtin.vn/dac-diem-tam-sinh-ly-cua-hoc-sinh-thcs
24 Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
I. Tài liệu tham khảo tiếng Việt
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.
2. Bùi Diệu Quỳnh, Hoàng Phương Hạnh, Bùi Thị Thao, Đỗ Quyên (2021). Đào tạo trong trường trung học phổ thông chuyên từ góc nhìn của học sinh chuyên, Tạp chí khoa học giáo dục Việt Nam, số 39 tháng.
3. Nguyễn Thị Tuyết (2024). Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh THCS
https://giasutrongtin.vn/dac-diem-tam-sinh-ly-cua-hoc-sinh-thcs
II. Tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài
4. Freeman, J, Counselling the gifted and talented, Gifted Education International, 2015, 3-5.
5. McClain, M., & Pfeiffer, S. I, Identifying gifted students. In The Encyclopedia of Gifted Education, 2012, 12-18.
6. New South Wales Department of Education and Training High Potential and Gifted Education Policy, 2019.
7. New South Wales Department of Education and Training HPGE Policy’s Guiding Principles, 2019.
8. Florida Department of Education, Special instructional programs for students who are gifted (Rule 6A-6.03019), 1977.
9. Magnet Schools of America. Magnet Schools of America Annual Report, 2017.
10. Hertberg-Davis, H. L., & Callahan, C. M. Introduction. In H. L. Hertberg-Davis & C. M. Callahan (Eds.), Fundamentals of gifted education New York, NY: Routledge, 2013. 1-10.
Secondary gifted education models in Western countries and implications for Vietnam
Tran Dao Viet Hung1
Nguyen Thi Hong Hanh2
1Student, Hanoi Law University
2Lecturer, Hanoi Law University
Abstract
This study explores the importance of a supportive learning environment for gifted children, which includes adequate physical facilities, specialized curricula, and teaching methods that challenge and encourage them to pursue their potential. It highlights how cultural differences in educational methods, programs, and models can lead to varying outcomes in gifted education. While some argue that focusing on gifted students may exacerbate inequalities and that these students can thrive independently, this perspective overlooks the value of specialized education. The study discusses the relevance of specialized schools for gifted children, specifically examining secondary education models in several Western countries and drawing lessons for Vietnam's educational system.
Keywords: gifted education, legal framework, gifted school, Western countries.