TÓM TẮT:
Trong những năm vừa qua, do những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, thị trường mua, bán nợ xấu vẫn chưa thực sự phát triển và thiếu sự cạnh tranh giữa các bên mua nợ, kinh nghiệm xử lí nợ chưa cao, chưa đáp ứng được kì vọng của thị trường với lượng nợ xấu cần xử lí rất lớn. Điều này phần nào khiến cho nhu cầu mua, bán nợ của các ngân hàng thương mại (NHTM) có nợ xấu bị giảm, kìm hãm sự phát triển của thị trường mua, bán nợ của NHTM. Trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ một số quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động mua, bán nợ của NHTM tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số định hướng, kiến nghị nhằm phát triển hoạt động này tại Việt Nam.
Từ khóa: nợ xấu, mua, bán nợ xấu, ngân hàng thương mại.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, ngành Ngân hàng Việt Nam đã ghi nhận nhiều cải cách tích cực phù hợp với thực tiễn, đóng góp vào việc tạo ra của cải cho xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Hoạt động tín dụng giữ vai trò như cầu nối giữa những người có thừa vốn và những nơi cần vốn, vẫn là hoạt động chính và truyền thống của các NHTM. Do đó, sự gia tăng nợ xấu của bất kỳ NHTM nào trong hệ thống có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động, khả năng cạnh tranh và cả uy tín của ngân hàng. Với bản chất lây lan của hiệu ứng đám đông, việc không kiểm soát được rủi ro tín dụng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính trong nền kinh tế quốc gia.
Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là giai đoạn 2020 - 2023 do phải chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế khó khăn vì dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp và cá nhân gặp khó khăn trong việc trả nợ. Xu hướng này buộc các NHTM tăng cường các giải pháp để xử lý nợ xấu, trong đó việc chuyển nhượng nợ xấu cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu được coi là giải pháp khả thi nhất. Điều này dẫn đến việc hình thành mối quan hệ mua bán nợ giữa NHTM (đóng vai trò bên bán) và các tổ chức, cá nhân (đóng vai trò bên mua). Hiện tại, nhiều quy định của pháp luật Việt Nam về quan hệ mua bán nợ của NHTM còn thiếu tính đồng bộ và có nhiều điều khoản khó áp dụng trong thực tế. Do đó, để hoàn thiện hoạt động mua bán nợ của NHTM tại Việt Nam, cần nhận diện rõ những vấn đề hiện tại đang tồn tại, từ đó cải thiện và xây dựng một hệ thống pháp luật điều chỉnh đồng bộ hơn về quan hệ mua, bán nợ, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của các quy định liên quan.
2. Quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động mua, bán nợ của NHTM tại Việt Nam
Theo pháp luật Việt Nam, mua bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản chuyển nhượng quyền thu hồi nợ từ các giao dịch vay hoặc bảo lãnh. Bên bán nợ phải chuyển giao quyền sở hữu cho bên mua và nhận tiền thanh toán. Thông thường, bên bán là tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khoản nợ đủ điều kiện theo Thông tư số 18/2022/TT-NHNN, ban hành ngày 26/12/2022, chỉnh sửa Thông tư số 09/2015/TT-NHNN, ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước. Bên mua nợ có thể là tổ chức hoặc cá nhân, bao gồm TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận, tổ chức, cá nhân cư trú và không cư trú. Bên nợ là tổ chức hoặc cá nhân phải thanh toán nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký. Hoạt động mua bán nợ của TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần tuân thủ các nguyên tắc: việc mua bán nợ không được vi phạm các điều khoản trong hợp đồng tín dụng và bảo đảm trước đó; việc này phải dựa trên thỏa thuận tự nguyện và theo quy định pháp luật liên quan. Các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo phân loại gần nhất của NHNN. Điều này liên quan đến việc phân loại tài sản, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro. Những TCTD dưới kiểm soát đặc biệt không cần xin phép khi bán nợ.
Ngoài ra, chỉ khi được NHNN chấp thuận qua Giấy phép hoạt động và vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, các TCTD mới được phép mua nợ trước khi ký hợp đồng. Một số trường hợp cụ thể cũng được quy định trong Thông tư số 18/2022/TT-NHNN. Trước khi tiến hành mua bán nợ, các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần thiết lập quy định nội bộ rõ ràng. Cần xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm ở từng giai đoạn thẩm định và quyết định mua bán nợ để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Bên bán nợ không được quyền mua lại khoản nợ đã chuyển nhượng, trừ một số trường hợp: Thứ nhất, TCTD có thể mua lại nợ đã chuyển nhượng cho ngân hàng kiểm soát đặc biệt; Thứ hai, tổ chức tín dụng có thể hỗ trợ mua lại nợ đã bán cho ngân hàng đó theo kế hoạch phục hồi đã được phê duyệt. TCTD không được chuyển nhượng nợ cho công ty con của mình, trừ trường hợp đặc biệt. Cụ thể, TCTD có thể bán nợ cho công ty quản lý nợ nếu có phương án tái cơ cấu được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, trong trường hợp nhận chuyển giao bắt buộc, việc bán nợ cho NHTM cũng phải dựa trên phương án đã được chấp thuận. Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là chi nhánh của TCTD, chỉ được mua nợ từ TCTD khác hoặc ngân hàng nước ngoài nếu nợ xấu của TCTD mẹ dưới 3%. Việc mua nợ này không áp dụng cho các phương án tái cơ cấu đã phê duyệt.
Khi bán một phần khoản nợ cho nhiều bên, các bên phải thống nhất về tỷ lệ tham gia, cách thực hiện, quyền lợi và nghĩa vụ. Họ cũng cần quy định rõ về việc phân chia tài sản đảm bảo (nếu có) liên quan đến khoản nợ mua bán và thông tin khác trong hợp đồng để tuân thủ pháp luật. Tất cả khoản nợ mua bán cần được giám sát chặt chẽ, ghi chép đầy đủ và báo cáo đúng luật. Các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cho khách hàng vay để mua nợ của chính họ. Có hai phương thức chính để các TCTD và ngân hàng nước ngoài thực hiện mua bán nợ. Phương thức thứ nhất là thỏa thuận trực tiếp giữa bên mua và bên bán, hoặc qua trung gian. Phương thức thứ hai là đấu giá, nơi bên bán ký hợp đồng với tổ chức làm đấu giá và phải tuân thủ quy định pháp luật về đấu giá tài sản. Phương thức thỏa thuận cho phép các bên thương lượng linh hoạt về giá và điều khoản, trong khi đấu giá tìm mức giá tốt nhất qua cạnh tranh. Hợp đồng mua bán nợ phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp hoặc cá nhân được ủy quyền. Nội dung quan trọng trong hợp đồng bao gồm: thời gian ký kết, thông tin các bên, danh tính và chức vụ người đại diện, cùng với thông tin bên nợ và các bên liên quan đến khoản nợ.
Thông tin về khoản nợ cần rõ ràng, bao gồm giá trị vay, thời hạn, mục đích sử dụng và giá trị ghi sổ hiện tại. Nếu có, cần ghi rõ biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên nợ. Hợp đồng cũng phải làm rõ giá bán nợ, phương thức và thời gian thanh toán, chuyển nhượng tài liệu liên quan đến khoản nợ và tài sản bảo đảm (nếu có), thời điểm bên mua nợ trở thành người kế thừa nghĩa vụ của bên bán. Hợp đồng cần rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên.
3. Thực trạng hoạt động mua, bán nợ của NHTM Việt Nam hiện nay
Tổng hợp báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024 tại 29 NHTM quốc nội (bao gồm 27 ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán và PVcomBank, BaoViet Bank) cho thấy, nợ xấu toàn ngành Ngân hàng tiếp tục tăng mạnh so với quý 1/2024 và quý 2/2024, cũng như cuối năm 2023. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, số dư nợ xấu các ngân hàng đã tăng thêm 27,9%, tương ứng với 56.485 tỷ đồng so với cuối năm 2023, đạt 259.186 tỷ đồng. So với thời điểm kết thúc quý 2/2024, nợ xấu của 29 ngân hàng đã tăng thêm 21,2%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đạt mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp 2 lần so với mức 2% của năm 2022.
Hình 1: Tỷ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2024
![mua, bán nợ](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/28/thuc-trang-hoat-dong-mua--ban-no-tai-cac-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam-va-mot-so-kien-nghi_6798a5f2f17c5.jpg)
Cùng chiều với dư nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành Ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đã tăng 0,3% so với thời điểm cuối năm 2023, đạt 2,27%. So với quý liền kề trước đó, nợ xấu đã “nhích” thêm 0,04%. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước gia hạn áp dụng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, nhưng thực trạng nợ xấu của hệ thống tiếp tục tăng so với đầu năm là cảnh báo về rủi ro của hệ thống ngân hàng. Lý giải nguyên nhân nợ xấu tại một số NHTM có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, có một số yếu tố do kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột địa chính trị tại nhiều quốc gia ngày càng căng thẳng, lạm phát tại một số quốc gia chưa được kiểm soát và tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, hoạt động kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thiên tai,… Điều này đã dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chưa phục hồi vững chắc, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng.
Để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cùng với chính quyền đã triển khai các biện pháp cần thiết nhằm làm giảm tỷ lệ nợ xấu. Cụ thể, Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 phê duyệt Đề án Tái cấu trúc tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/01/2013 đưa ra các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng được yêu cầu tích cực tự xử lý nợ xấu bằng cách đánh giá, cơ cấu lại nợ và dùng quỹ dự phòng để giải quyết nợ xấu, đồng thời kiểm soát nợ xấu mới. Nâng cao chất lượng đánh giá thị trường nợ xấu và hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan cũng rất quan trọng cho việc xử lý nợ nhanh chóng. Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh từ năm 2013 - 2020, với mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu của NHTM xuống dưới 3%. Ngày 18/5/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về Công ty Quản lý tài sản (VAMC). VAMC là tổ chức phi lợi nhuận, được hưởng ưu đãi thuế để hỗ trợ mua bán nợ. Để xử lý nợ xấu, VAMC sử dụng nguồn vốn điều lệ và phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ từ NHTM. VAMC chú trọng đến nợ xấu của tổ chức tín dụng có tỷ lệ trên 3% tổng dư nợ, đặc biệt nợ có tài sản bảo đảm liên quan bất động sản. Dù đã đạt một số thành công trong xử lý nợ xấu, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng. Các khoản nợ tại VAMC chủ yếu là nợ bán lại từ các ngân hàng lớn, không chỉ tập trung vào ngân hàng hoạt động chưa hiệu quả. Điều này khiến nhiều ngân hàng phải trích lập dự phòng nợ xấu lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Mặt khác, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023 đã tạo ra khoảng trống pháp lý, không có cơ chế cho phép tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm, chính quyền địa phương và cơ quan công an không có cơ sở pháp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý tài sản bảo đảm như trước đây. Thực tế cho thấy khi triển khai Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, bước đầu xuất hiện những hạn chế, khó khăn; một số quy định trọng tâm của Nghị quyết 42 không được luật hóa tại Luật Các tổ chức tín dụng làm hạn chế đến quyền của các chủ thể xử lý nợ, từ đó tác động đến phạm vi hoạt động cũng như hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu.
4. Một số bất cập, hạn chế trong hoạt động mua bán nợ
Hiện nay, hoạt động mua, bán nợ của các NHTM cổ phần ở Việt Nam còn có một số điểm bất cập sau:
Một là, hoạt động mua, bán nợ đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật, áp dụng riêng cho từng đối tượng, dẫn đến sự không nhất quán và gây khó khăn trong giao dịch, giải quyết tranh chấp hợp đồng. Điều này làm giảm khả năng tham gia của các bên vào thị trường mua, bán nợ. VAMC gặp khó khăn trong xử lý nợ xấu do vướng mắc về cơ chế pháp lý và thẩm quyền, khiến tiến độ xử lý không đạt yêu cầu. Hiệu quả hoạt động của các công ty quản lý tài sản (AMC) cũng còn hạn chế, chủ yếu phục vụ cho ngân hàng mẹ, khiến nợ xấu chưa được loại bỏ hoàn toàn khỏi báo cáo tài chính.
Thứ hai, còn nhiều hạn chế trong quy định về thẩm định giá trị khoản nợ của NHTM. Để bán nợ, ngân hàng cần xác định giá trị khoản nợ, điều này quyết định đến thành công giao dịch mua, bán nợ. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là hiện nay chưa có tiêu chuẩn riêng cho việc định giá khoản nợ. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng, VAMC và doanh nghiệp thẩm định giá phải dựa vào tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản chung. Khoản nợ xem như một tài sản, nhưng giá trị của nó ảnh hưởng bởi các yếu tố đặc thù như tình hình tài chính khách hàng và tình trạng tài sản bảo đảm. Do đó, cần có quy định riêng cho thẩm định giá khoản nợ tín dụng.
Thứ ba, một trong những điều kiện để thực hiện quyền thu giữ tài sản theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 là tài sản không tranh chấp hoặc chưa bị áp dụng biện pháp khẩn cấp của Tòa án. Tuy nhiên, các NHTM không có cơ chế hỗ trợ để tìm kiếm thông tin này. Hiện tại, Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự chưa có hệ thống dữ liệu cho phép NHTM tra cứu thông tin liên quan đến tài sản đang được giải quyết. Thêm vào đó, vẫn thiếu hướng dẫn cụ thể về việc xác định tài sản tranh chấp hay bị áp dụng biện pháp khẩn cấp, dẫn đến hiểu nhầm giữa các cơ quan tố tụng và khó khăn trong việc thu giữ tài sản.
Với thực trạng mua, bán nợ xấu như trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật như sau:
Một là, cần nhanh chóng hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tín dụng. Việc này sẽ hỗ trợ các bên trong giao dịch mua bán nợ và đơn vị thẩm định giá dễ dàng hơn khi xác định giá trị khoản nợ. Tuy nhiên, cần chú ý đến những đặc điểm riêng của nợ tín dụng so với tài sản thông thường. Đặc biệt, phải xem xét tình hình kinh doanh và khả năng thanh toán nợ của khách hàng, cùng các nguồn thu hồi khác ngoài tài sản bảo đảm.
Để đánh giá tình hình kinh doanh, cần quy định rõ các tài liệu mà thẩm định viên cần thu thập, như báo cáo tài chính, báo cáo thuế và báo cáo xếp hạng tín nhiệm. Những tài liệu này nên được lấy trong thời gian không quá 02 năm trước thời điểm thẩm định để phản ánh đúng thực trạng.
Theo quy định tại Dự thảo Thông tư ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá đối với khoản nợ tín dụng, việc xác định này sẽ dựa trên xác nhận của tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, dẫn đến thực trạng các chủ thể bán nợ vì muốn khoản nợ được định giá cao hơn mà cung cấp xác nhận không chính xác, không phù hợp với tình trạng thực tế của khách nợ. Do đó, cần điều chỉnh quy định này để nguyên tắc xác định khả năng thanh toán phải dựa trên tình hình thực tế của khách nợ. Một số tổ chức thẩm định hiện nay thường sử dụng cam kết thanh toán từ khách nợ để đánh giá khả năng thanh toán. Cần hoàn thiện cơ chế đăng ký biện pháp bảo đảm cho các cá nhân, tổ chức không phải NHTM. Đăng ký lại biện pháp bảo đảm cho người mua nợ sau khi giao dịch với NHTM rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi của họ. Do đó, cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham gia mua bán nợ từ NHTM.
Cuối cùng, cần hoàn thiện pháp luật về mua, bán nợ từ hợp đồng tín dụng của NHTM để phát triển thị trường mua bán nợ. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện các quy định về xây dựng thị trường mua bán nợ lành mạnh, thúc đẩy các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ; xây dựng bộ tiêu chí, công thức định giá nợ xấu; quy định để việc thành lập, hoạt động của các tổ chức có chức năng thẩm định giá khoản nợ xấu; xây dựng chính sách ưu đãi miễn/giảm thuế đối với hoạt động mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng; tổ chức quản lý giám sát hoạt động của thị trường mua bán nợ. Mua, bán nợ cũng là công cụ để Nhà nước điều tiết hoạt động tài chính, hướng tới một nền kinh tế ổn định. Nợ xấu của ngân hàng có tác động tiêu cực đến kinh tế, nên cần giải quyết nợ xấu thông qua mua bán nợ, không chỉ là trách nhiệm của NHTM hay NHNN. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội cần huy động nhiều nguồn vốn khác nhau tham gia, giảm áp lực ngân sách nhà nước và kích thích huy động vốn trong xã hội. Cải thiện pháp luật cũng đảm bảo độc lập cho chính sách tiền tệ của NHNN, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu, tác động đến mọi lĩnh vực, bao gồm tài chính và ngân hàng. Xu thế này vừa thúc đẩy hợp tác nhưng cũng tạo ra cạnh tranh và thách thức cho mỗi quốc gia.
5. Kết luận
Khung pháp lý về mua, bán nợ của NHTM đang dần hoàn thiện, với quy định ngày càng cụ thể và đầy đủ, góp phần phát triển kinh doanh và quản lý nguồn vốn hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định này vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế. Hệ thống quy định chưa đồng bộ và rõ ràng, dẫn đến sự thiếu nhất quán và khó khăn trong quản lý. Công tác xây dựng pháp luật cũng chưa gắn kết chặt chẽ với thực tiễn, ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành. Do đó, hoàn thiện quy định pháp luật về mua, bán nợ của NHTM không những giúp hoạt động này diễn ra dễ dàng, thuận lợi, mà còn hỗ trợ giải quyết nợ xấu, thúc đẩy sự phát triển thị trường mua, bán nợ và làm cho hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2022). Thông tư số 18/2022/TT-NHNN, ban hành ngày 26/12/2022, sửa đổi một số điều thuộc Thông tư số 09/2015/TT-NHNN, ban hành ngày 17/7/2015, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động mua bán nợ của TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 254/QĐ-TTg ban hành vào ngày 1/3/2012 đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015
3. Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành vào ngày 7/1/2013 về một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường cũng như giải quyết vấn đề nợ xấu.
4. Quyết định số 689/QĐ-TTg năm 2022 đã phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025".
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam(2020). Thông tư số 06/VBHN-NHNN quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản thuộc các tổ chức tín dụng Việt Nam.
6. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2018). Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn việc áp dụng các quy định pháp luật trong giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân.
7. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015). Bộ luật Dân sự 2015, ban hành ngày 24/11/2015.
8. Chính phủ (2021). Nghị định số 21/2021/NĐ-CP về việc thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
9. Đông Triều (2022), Hoàn thiện chính sách liên quan đến xử lý nợ xấu, Tạp chí Công Thương, Tạp chí Công Thương, truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/hoan-thien-chinh-sach-lien-quan-den-xu-ly-no-xau-88909.htm
10. Tiến Phát (2023), Thúc đẩy hợp tác giữa VAMC và các TCTD trong xử lý nợ xấu, truy cập tại https://happy.live/thuc-day-hop-tac-giua-vamc-va-cac-tctd-trong-xu-ly-no-xau/
11. Nguyễn Xuân Thanh (2023), Xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, Tạp chí Công Thương, truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/xu-ly-no-xau-trong-hoat-dong-cho-vay-cua-ngan-hang-thuong-mai-113674.htm
12. Nguyễn Hoài Phương (2023), Khung pháp lý về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Công Thương, truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/khung-phap-ly-ve-xu-ly-no-xau-cua-cac-to-chuc-tin-dung-tai-viet-nam-hien-nay-108249.htm
THE CURRENT STATE OF DEBT BUYING AND SELLING
ACTIVITIES AT VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS:
CHALLENGES AND RECOMMENDATIONS
• Master. VU THI MINH HANG
Hanoi Law University
ABSTRACT:
In recent years, the debt buying and selling market in Vietnam has faced significant challenges, exacerbated by the severe impacts of the Covid-19 pandemic. This has led to a lack of competition among debt buyers, limited experience in debt resolution, and an inability to meet market expectations despite the substantial volume of bad debt that needs to be addressed. Consequently, demand for debt buying and selling among commercial banks has stagnated, hindering the development of the market. This study examines the legal regulations governing the debt-buying and -selling activities of commercial banks in Vietnam and provides recommendations to foster the growth and efficiency of this market.
Keywords: bad debt, buy and sell bad debt, commercial bank.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]