TÓM TẮT:
Nghiên cứu này nhận diện và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời đề xuất các hàm ý quản trị nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong ngành. Kết quả cho thấy, nhân tố chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp ảnh hưởng mạnh nhất đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh với hệ số Beta chuẩn hóa = 0.355; nhân tố kinh nghiệm làm việc tác động mạnh thứ hai với hệ số Beta chuẩn hóa = 0.341; nhân tố chính sách quản lý của doanh nghiệp tác động mạnh thứ ba với hệ số Beta chuẩn hóa = 0.209; nhân tố tiếp theo tính cách cá nhân của kế toán viên tác động mạnh thứ tư với hệ số Beta chuẩn hóa = 0.139; nhân tố văn hóa doanh nghiệp có tác động thấp nhất với hệ số Beta chuẩn hóa = 0.128.
Từ khóa: đạo đức nghề nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, TP. Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
Kỷ nguyên số đã thay đổi mạnh mẽ cách thức vận hành doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng áp lực về minh bạch tài chính và đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt trong ngành kế toán. Tại TP. Hồ Chí Minh, các DNNVV đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức về quản lý tài chính và đạo đức nghề nghiệp.
Do vậy, bài nghiên cứu xác định các nhân tố và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho nhà quản lý và doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bền vững.
2. Mô hình nghiên cứu
Qua nghiên cứu từ các nghiên cứu đi trước, kết hợp với mục tiêu của bài nghiên cứu, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu có 5 biến độc lập như sau:
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
![đạo đức nghề nghiệp](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/cac-nhan-to-anh-huong-den-dao-duc-nghe-nghiep-cua-ke-toan-tai-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-thanh-pho-ho-chi-minh_679733081621b.jpg)
Nguồn: Tác giả xây dựng
Các giả thuyết nghiên cứu đề xuất:
H1 (+): Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp có tác động cùng chiều đối với đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh.
H2 (+): Kinh nghiệm làm việc có tác động cùng chiều đối với đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh.
H3 (+): Chính sách quản lý của doanh nghiệp có tác động cùng chiều đối với đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh.
H4 (+): Văn hóa doanh nghiệp có tác động cùng chiều đối với đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh.
H5 (+): Tính cách cá nhân của kế toán viên có tác động cùng chiều đối với đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng để đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh. Dữ liệu để thực hiện mô hình được tác giả khảo sát bằng cách sử dụng bảng câu hỏi và phát một cách thuận tiện cho 250 người đang làm kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh và họ được yêu cầu trả lời tất cả các câu hỏi một cách tự nguyện.
Thang đo Likert 5 mức được triển khai trong bảng câu hỏi từ hoàn toàn không đồng ý (điểm 1) đến rất đồng ý (điểm 5). Tác giả sử dụng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha để kiểm định mức độ chặt chẽ mà các mục hỏi trong thang đo tương quan với nhau. Phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng để kiểm định các nhân tố ảnh hưởng và nhận diện các nhân tố được cho là phù hợp; đồng thời sử dụng phân tích hồi qui tuyến tính đa biến xác định các nhân tố và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến đạo đức nghề nghiệp kế toán viên tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh.
3. Kết quả nghiên cứu và bàn luận
3.1. Kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu
3.1.1. Kiểm định độ tin cậy thang đo
Kiểm định độ tin cậy thang đo hệ số Cronbach Alpha > 0,6, chứng tỏ thang đo lường này là tốt và xét hệ số tương quan biến - tổng thì không có biến bị loại khỏi mô hình vì có giá trị nhỏ hơn 0,3. Vì vậy, tất cả 28 biến đo lường của 5 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc được sử dụng trong phân tích nhân tố khám phá tiếp theo.
Bảng 1. Kết quả phân tích chất lượng thang đo bằng hệ số Cronbach's alpha
![đạo đức nghề nghiệp](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/cac-nhan-to-anh-huong-den-dao-duc-nghe-nghiep-cua-ke-toan-tai-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-thanh-pho-ho-chi-minh_6797331dbd528.jpg)
Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS 26.0
3.1.2. Phân tích khám phá EFA
Kiểm định hệ số KMO và kiểm định Barlett:
Bảng 2. Hệ số KMO and Bartlett's
![đạo đức nghề nghiệp](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/cac-nhan-to-anh-huong-den-dao-duc-nghe-nghiep-cua-ke-toan-tai-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-thanh-pho-ho-chi-minh_6797332be7b01.jpg)
Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS 26.0
Khi phân tích EFA cho các thang đo biến độc lập, tác giả sử dụng phương pháp trích Principal Component Analysis với phép xoay Varimax và điểm dừng trích các yếu tố có Eigenvalue > 1. Kết quả EFA cho thấy:
Hệ số KMO = 0.881 và kiểm định Barlett có Sig.= 0,000 (< 0,05) cho thấy phân tích EFA là thích hợp.
Kiểm định hệ số phương sai trích:
Bảng 3. Hệ số phương sai trích
![đạo đức nghề nghiệp](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/cac-nhan-to-anh-huong-den-dao-duc-nghe-nghiep-cua-ke-toan-tai-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-thanh-pho-ho-chi-minh_6797333a3da51.jpg)
Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS 26.0
Kết quả phân tích cho thấy, có 5 nhân tố được trích dựa vào tiêu chí Eigenvalues 1.350> 1, như vậy 5 nhân tố này tóm tắt thông tin của 23 biến quan sát đưa vào EFA một cách tốt nhất. Tổng phương sai các nhân tố này trích được là 61.228% > 50%, như vậy, 5 nhân tố được trích giải thích được 61.228% biến thiên dữ liệu của 23 biến quan sát tham gia vào EFA.
Phân tích sự thích hợp mô hình:
Bảng 4. Hệ số R2 và hệ số R2 hiệu chỉnh
![đạo đức nghề nghiệp](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/cac-nhan-to-anh-huong-den-dao-duc-nghe-nghiep-cua-ke-toan-tai-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-thanh-pho-ho-chi-minh_6797334b4c97c.jpg)
Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS 26.0
Giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.689, điều này có nghĩa 68.9% sự thay đổi của vận dụng KTQTCL tại các CTNY trên SGDCK TP. Hồ Chí Minh được giải thích bởi 5 biến độc lập là: (1) Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; (2) Kinh nghiệm làm việc; (3) Chính sách quản lý của doanh nghiệp; (4) Văn hóa doanh nghiệp và (5) Tính cách cá nhân của kế toán viên. Còn 31.1% là sai số và do các nhân tố khác gây ra.
Phân tích hồi quy:
Bảng 5. Hệ số hồi quy (Coefficientsa)
![đạo đức nghề nghiệp](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/cac-nhan-to-anh-huong-den-dao-duc-nghe-nghiep-cua-ke-toan-tai-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-thanh-pho-ho-chi-minh_6797336a4d66b.jpg)
Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS 26.0
Kết quả kiểm định hệ số hồi quy được thể hiện trong tất cả các biến đều có giá trị Sig. < 0.05. Như vậy, mô hình nghiên cứu gồm 5 biến độc lập: Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; Kinh nghiệm làm việc; Chính sách quản lý của doanh nghiệp; Văn hóa doanh nghiệp; Tính cách cá nhân của kế toán viên và biến phụ thuộc là đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh đảm bảo có ý nghĩa thống kê với mức độ tin cậy cao (99%).
Phương trình hồi quy chuẩn hóa:
DD = 0.355*CM + 0.341*KN + 0.209*CS + 0.139TC + 0.128*VH
3.2. Thảo luận
Theo kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu, có 5 nhân tố ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó nhân tố chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp ảnh hưởng mạnh nhất đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh với hệ số Beta chuẩn hóa = 0.355; nhân tố kinh nghiệm làm việc tác động mạnh thứ hai với hệ số Beta chuẩn hóa = 0.341; nhân tố chính sách quản lý của doanh nghiệp tác động mạnh thứ ba với hệ số Beta chuẩn hóa = 0.209; nhân tố tiếp theo văn hóa doanh nghiệp tác động mạnh thứ tư với hệ số Beta chuẩn hóa = 0.139; nhân tố tính cách cá nhân của kế toán viên có tác động thấp nhất với hệ số Beta chuẩn hóa = 0.128.
Thứ nhất, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp ảnh hưởng cùng chiều đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả này cho thấy nghiên cứu thỏa mãn được giả thuyết nghiên cứu H1 đã đặt ra. Phù hợp với nhiều nghiên cứu như: Cẩm Giang (2017), Laptes (2019), Rogosic & Perica (2022), Seifert & LaMothe (2022). Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp không chỉ đơn thuần là các quy định hoặc hướng dẫn, mà còn đóng vai trò như một cơ chế kiểm soát mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến cách người làm kế toán hành xử và làm việc trong doanh nghiệp. Có thể kết luận giả thuyết này đang giải thích rõ ràng rằng nhận thức về đạo đức có thể ảnh hưởng nặng nề đến hành vi, động thái làm việc của người làm kế toán.
Thứ hai, kinh nghiệm làm việc ảnh hưởng cùng chiều đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả này cho thấy nghiên cứu thỏa mãn được giả thuyết nghiên cứu H2 đã đặt ra, tuy trái ngược với nghiên cứu của Conroy et. al. (2010), nhưng khá phù hợp với kết quả nghiên cứu của Cẩm Giang (2017), Emerson & Pons (2010), Trần Phước và Ccộng sự (2022). Qua đó thấy rằng thời gian làm việc lâu dài giúp kế toán viên tiếp xúc với nhiều tình huống thực tế, từ đó hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm đạo đức trong nghề nghiệp. Kinh nghiệm thực tiễn giúp kế toán viên phát triển khả năng xử lý tình huống một cách chính trực và phù hợp hơn với các chuẩn mực đạo đức.
Thứ ba, chính sách quản lý của doanh nghiệp ảnh hưởng cùng chiều đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả này cho thấy nghiên cứu thỏa mãn được giả thuyết nghiên cứu H3 đã đặt ra. Phù hợp với nhiều nghiên cứu như Simushi & Mwanza (2022), Seifert & LaMothe (2022), Thúy Nga (2023). Trên thực tế chính sách quản lý hiệu quả khuyến khích kế toán viên không chỉ tuân thủ quy định mà còn ý thức được vai trò của mình trong việc đảm bảo tính minh bạch tài chính. Chính sách công bằng và rõ ràng giúp kế toán viên đối mặt với các xung đột lợi ích một cách chính trực, tránh các hành vi gây tổn hại đến doanh nghiệp. Các quy định cụ thể trong chính sách quản lý là cơ sở giúp kế toán viên xử lý các tình huống nghề nghiệp phức tạp một cách phù hợp và hiệu quả.
Thứ tư, tính cách cá nhân của kế toán viên ảnh hưởng cùng chiều đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả này cho thấy nghiên cứu thỏa mãn được giả thuyết nghiên cứu H5 đã đặt ra. Phù hợp với nhiều nghiên cứu như Cẩm Giang (2017), Mubako et. al. (2020), Thúy Nga (2023), Emerson & Pons (2010). Tính cách cá nhân là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của kế toán, những đặc điểm tích cực như trung thực, trách nhiệm và chính trực giúp kế toán viên thực hiện công việc đúng chuẩn mực.
Cuối cùng, văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng cùng chiều đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả này cho thấy nghiên cứu thỏa mãn được giả thuyết nghiên cứu H4 đã đặt ra. Phù hợp với nhiều nghiên cứu như Cẩm Giang (2017), Thu Hà (2021), Trần Phước và cộng sự (2022), Kaptein (2011). Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là nền tảng phát triển tổ chức, mà còn là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh. Một văn hóa doanh nghiệp mạnh, tích cực, sẽ định hình hành vi, giá trị và trách nhiệm của nhân viên, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của cả cá nhân lẫn tổ chức trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh.
4. Kết luận và hàm ý ý quản trị
4.1. Kết luận
Với mục tiêu xác định đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh, qua nghiên cứu cho thấy trong 5 nhân tố ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh, bao gồm nhân tố chuẩn mực đạo đức nghề; Kinh nghiệm làm; Chính sách quản lý của doanh nghiệp; Tính cách cá nhân của kế toán viên; cuối cùng là Nhân tố văn hóa doanh.
4.2. Hàm ý quản trị
Từ kết quả nghiên cứu về việc xây dựng mô hình, đo lường các nhân tố trong mô hình có ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của kế toán tại các DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh này là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp có thể điều chỉnh, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, nhằm đáp ứng sự tín nhiệm của xã hội về tính minh bạch và chất lượng thông tin thông tin kinh tế, tài chính của người làm kế toán, cung cấp cho nhà đầu tư, chủ nợ, chủ doanh nghiệp và cả các cho cơ quan của Chính phủ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hồ Thị Thúy Nga (2023). Nghiên cứu ý định thực hiện hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhân viên kế toán. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 312, 29-37.
2. Lê Thị Thu Hà (2021). Tổng quan nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp kế toán - kiểm toán. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, 227, 54-64.
3. Thái Thị Cẩm Giang (2017). Các nhân tố tác động đến đạo đức nghề nghiệp kế toán - nghiên cứu tại tỉnh Bình Dương. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Thủ Dầu Một.
4. Trần Phước và Cộng sự (2022). Các nhân tố ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp người làm kế toán kiểm toán - Nghiên cứu thực nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm, 22(3), 407-418.
5. Andrijana Rogosic & Ivana Perica (2022). Affective professional commitment and accounting ethics principles: Examining the mediating role of the code of ethics. Economic Research-Ekonomska Istraživanja, 1-19.
6. Conroy, S., Emerson, T., & Pons, F. (2010). Ethical attitudes of accounting practitioners: Are rank and ethical attitudes related? Journal of Business Ethics, 91, 183-194.
7. Nalukui Simushi & Bupe Getrude Mutono Mwanza (2022). Factors Influencing Adherence to Ethical Values: A Case Study of Accountants in the Zambian Public Sector. International Journal of Engineering and Management Research, 43-56.
8. Ramona Laptes (2019). Ethics and Integrity of the professional Accountant. Bulletin of the Transilvania University of Bra#ov.
9. Spenser G. Seifert & Ethan G. LaMothe (2022). Perceptions of the Ethical Infrastructure, rofessional Autonomy, and Ethical Judgments in Accounting Work Environments. Journal of Business Ethics, 1-30.
FACTORS AFFECTING THE PROFESSIONAL
ETHICS OF ACCOUNTANTS IN SMALL
AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES IN HO CHI MINH CITY
• PHAM THI GIA HAN
Master’s student, Ho Chi Minh City University of Technology
ABSTRACT:
This study investigates and quantifies the impact of various factors on the professional ethics of accountants working in small and medium-sized enterprises (SMEs) in Ho Chi Minh City. It further provides managerial implications for enhancing ethical practices in the field. The findings reveal that Professional Ethical Standards exert the strongest influence on accountants’ professional ethics, with a standardized beta coefficient of 0.355. Work Experience follows as the second most impactful factor, with a coefficient of 0.341. Company Management Policies ranks third (b = 0.209), while Personal Characteristics of Accountants (b = 0.139) and Corporate Culture (b = 0.128) have relatively lower levels of influence. These insights offer a foundation for targeted strategies to strengthen ethical standards in SMEs.
Keywords: professional ethics, small and medium-sized enterprises, professional ethical standards, Ho Chi Minh City.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 12 năm 2024]