Đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến liên kết trường đại học công lập - trong bối cảnh tự chủ

TRẦN QUANG BÁCH (Trường Đại học Vinh)

TÓM TẮT:

Hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) công lập ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Trên cơ sở tổng quan các công trình liên quan, nghiên cứu đề xuất mô hình về các nhân tố ảnh hưởng đến liên kết trường đại học công lập - trong bối cảnh tự chủ, nhằm mở ra các định hướng trong nghiên cứu, từ đó giúp các các trường đại học vạch ra các chiến lược phù hợp trong việc xây dựng, duy trì và tăng cường các mối liên kết giữa các trường. Đồng thời, mở ra các định hướng cho các cơ quan quản lý trong quá trình hoạch định chính sách nhằm phát triển các trường đại học công lập ở Việt Nam, từng bước tiếp cận với các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Bài viết tập trung phân tích và đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến liên kết trường đại học công lập - trong bối cảnh tự chủ.

Từ khóa: liên kết, trường đại học công lập, tự chủ, giáo dục đại học, giá trị thương hiệu.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống giáo dục ở Việt Nam và đặc biệt là GDĐH cần có những thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương chính sách nhằm đổi mới giáo dục đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Một trong những chủ trương đó là tự chủ đại học, liên kết các trường đại học. Theo đó tại Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH, đã nêu rõ quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/19/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017, cho phép các cơ sở GDĐH công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện (hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính); Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành quy định quy chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định các vấn đề liên quan đến tự chủ như tài chính, thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và hội đồng quản lý; Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) triển khai 9 nhiệm vụ trung tâm của ngành GD&ĐT nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là: “Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GDĐH”, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Luật GDĐH (sửa đổi) 2018, tại điều 32 đã quy định: “Cơ sở GDĐH tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng GDĐH. Cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”.

Đến thời điểm cuối năm 2019, tại Việt Nam có 170 trường đại học công lập. Các trường đại học công lập ở Việt Nam dường như vẫn hoạt động theo cách riêng của từng trường, chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau về đào tạo, khoa học công nghệ, phục vụ cộng đồng. Vì vậy, các trường đại học công lập còn gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động, điều này đã dẫn đến khả năng cạnh tranh của các trường đại học công lập Việt Nam so với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới bị nhiều giới hạn. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của trường đại học tư thục, chủ trương tự chủ và quốc tế hóa giáo dục lại càng quan trọng đòi hỏi các trường cần phải triển khai thực hiện. Vì vậy, việc liên kết trường đại học công lập để thu hút người học, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường khả năng phục vụ cộng đồng đang là vấn đề sống còn của các trường đại học công lập ở Việt Nam.

2. Tổng quan nghiên cứu

Elizabeth (2007) cho rằng để bước vào thế kỷ XXI, đối với ngành Giáo dục đòi hỏi phải khắc phục nhiều yếu tố thể hiện sự yếu kém trước đây bằng việc chuẩn bị các yếu tố cho đổi mới trong lãnh đạo các nhà trường thông qua các chính sách của Nhà nước và để làm tốt điều này thì phải xây dựng quan hệ đối tác giữa nhà trường với các lĩnh vực khác và cuối cùng cần có sự quan tâm và hỗ trợ của Nhà nước. Trong nghiên cứu của mình, Jonathon (2008) coi khái niệm về khoa học và kỹ thuật bao hàm sự cộng tác liên bộ môn và đôi khi phải liên kết nhiều tổ chức. Nghiên cứu cũng trình bày những vấn đề thuộc về điều hành mối quan hệ liên kết này, chỉ ra phương thức điều hành để đạt hiệu quả cao. Để có cách tiếp cận đúng đắn khi xây dựng một quan hệ đối tác, người ta cũng cần xác định dạng thức của các quan hệ đối tác.

Liên kết quốc tế cũng là một xu hướng ngày càng có nhu cầu lớn và việc nghiên cứu về quan hệ liên kết quốc tế ngày càng quan trọng. Trong công trình nghiên cứu của mình, Thomas (2010) coi các tổ chức liên kết như một tổ chức khoa học mới. Cũng với quan điểm rằng mạng các quan hệ liên kết là một mạng tích hợp xã hội - kỹ thuật, Brian (2006) đặt ra nhiệm vụ đánh giá về cấu trúc và chức năng của các mạng nghiên cứu hàn lâm ở các lĩnh vực có liên quan (quản lý, kinh tế,…) ở một số nước như Úc, Châu Âu, Mỹ,… Bary (2009) nghiên cứu về việc quốc tế hóa trường đại học trên bình diện chung nhất. Trong đó, chú ý làm rõ những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc quốc tế hóa trường đại học; những biện pháp chủ yếu cho sự thành công; những hoạt động cần thiết cơ bản để nâng cao hiệu quả của việc quốc tế hóa này; vấn đề lập kế hoạch chiến lược cho việc quốc tế hóa; kiến thức, kỹ năng và thái độ cơ bản trong quốc tế hóa trường đại học; sự tương tác giữa quốc tế hóa và chủ nghĩa đa văn hóa; các mô hình quốc tế hóa thường gặp; những thách thức và cơ hội xung quanh việc nghiên cứu các chương trình nước ngoài và cuối cùng đã tổng quan về các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này của Mỹ.

Jiatao (2010) đã nghiên cứu để xác định xem trong hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và các trường đại học nước ngoài thường lựa chọn đơn vị khoa học nào để liên kết và chỉ rõ, các trường đại học và sau đó là các viện nghiên cứu thường là đối tượng được lựa chọn. Tác giả Ramanathan (2010) đã khẳng định, các viện nghiên cứu và các trường đại học là động lực thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, đồng thời ông cũng đề cập đến vấn đề xây dựng quan hệ đối tác Viện - Trường để chuyển giao công nghệ và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nhấn mạnh vai trò của hệ thống đổi mới quốc gia trong việc thúc đẩy và tạo ra các mối liên kết Viện - Trường và liên kết quốc tế. Susan (2010) đề cập đến quan hệ đối tác giữa các trường đại học và các trường trung học công, trong đó đã làm rõ những vấn đề đặt ra cần giải quyết cũng như những khả năng cho việc thiết lập và quản lý, điều hành hiệu quả mối quan hệ này. Nguyen (2013) cho thấy vai trò quan trọng của liên kết trong việc tạo ra sản phẩm mới, đổi mới sản phẩm để đáp ứng ứng nhu cầu của khách hàng tại mỗi nước. Tương tự, Judith (2002) cũng nhận ra tầm quan trọng của việc liên kết trong nghiên cứu và đào tạo, vì qua đó, nhà khoa học có thể sử dụng kiến thức và những nguồn lực của đơn vị khác một cách có hiệu quả. Yarime Masaru (2009) coi các trường đại học như nền tảng để liên kết.

Để làm rõ tại sao lại phải liên kết, Feng (2012) đã chỉ ra rằng các trường đại học rất khác với các viện nghiên cứu về chức năng, nhiệm vụ. Nhiều nghiên cứu khoa học và đổi mới đều đã được thực hiện tại trường đại học, từ đó có thể chuyển hóa thành sản phẩm để sử dụng trong sản xuất và đời sống xã hội thông qua quan hệ liên kết Viện - Trường. Với ý nghĩa đó, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu và các ngành công nghiệp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của khoa học và công nghệ. Paul (2009) đã khẳng định rằng trong liên kết viện - trường, nguồn lực của các thành viên được tích hợp một cách hài hòa; sự tích hợp tạo nên sức mạnh vượt trội so với tổng của các sức mạnh thành phần.

Đề cập đến tự chủ tài chính, Cazenvae (1992) cho rằng vấn đề tự chủ tài chính của trường đại học là trạng thái pháp lý; ngân sách của nhà trường; qui trình lập dự toán; việc bầu chọn và quyền quyết định của hiệu trưởng; chỉ định thủ quỹ; thành phần, nhiệm vụ của hội đồng trường và sự kiểm soát của nhà nước. Ngoài ra, Cazenvae (1992) cũng nhấn mạnh vấn đề liên quan trực tiếp tới tự chủ tài chính là quyền tuyển dụng nhân sự, quyền trả lương, quyền sở hữu cơ sở vật chất, khả năng mua hoặc xây mới và duy tu các tòa nhà bằng tiền của trường, hệ thống ngân sách nhà nước. Theo Yeager và cộng sự (2001), tự chủ tài chính bao gồm các nguồn lực của tổ chức, các chi phí, việc lập kế hoạch chiến lược, phân bổ nguồn lực và quản lý tài chính của tổ chức GDĐH. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng tự chủ tài chính có mối quan hệ với các nguồn lực, các chi phí, sự phân bổ nguồn lực và quản lý tài chính. Nói cách khác, tài chính liên quan tới cả nguồn lực tiền tệ và phi tiền tệ. Các tác giả Ashby và Anderson (1966); Sheehan (1997) và Rothblatt (2002) cho rằng tự chủ tài chính gồm 2 khía cạnh là quyền tự do phân bổ nguồn tài chính công và quyền tự do tạo ra, sử dụng các nguồn tài chính tư nhân. Trong khi Mc Daniel (1996) đề cập đến 3 khía cạnh là: Vay mượn trên thị trường vốn; Hoàn toàn định đoạt các hoạt động có liên quan tới những hợp đồng nghiên cứu và giảng dạy mang tính thương mại; Giữ lại lợi nhuận.

Với các trường đại học, các trường được giao quyền tự chủ từ rất sớm, đó là một xu thế tất yếu trong tương lai. Frazier (1997) cho rằng, việc xem xét khái niệm tự chủ cần gắn với đặc điểm của trường đại học. Ông đã chi tiết hóa quyền tự chủ thành 7 yếu tố: Trạng thái pháp lý của nhà trường; Thẩm quyền của nhà trường được hoạt động, cấp bằng như thế nào?; Sứ mạng; Điều hành; Thẩm quyền tài chính; Tuyển dụng; Phi tập trung hóa về học thuật (được quyết định tuyển sinh, thiết lập chương trình đào tạo). Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tới một điều kiện cần thiết của tự chủ là trách nhiệm giải trình.

Trong nghiên cứu của mình, Verhoest và cộng sự (2004) đề cập đến 2 vấn đề trong quyền tự chủ của một tổ chức giáo dục đào tạo là mức độ tự do được đưa ra các quyết định riêng và những điều bắt buộc một tổ chức GDĐH phải thực hiện trong việc sử dụng quyền tự do này. Tương tự, theo Berdahl (1990), quyền tự chủ trường đại học được chia thành 2 loại: Quyền tự chủ thực chất, nó nói đến quyền tự do của các trường đại học trong việc xác định các mục tiêu và các chương trình thực hiện như quyền xác định các chương trình học tập và mục đích của những chương trình này,... Điều này đề cập tới quyền tự chủ “cái gì”? Nó liên quan tới sứ mạng, các chương trình và chương trình giảng dạy của tổ chức GDĐH; Quyền tự chủ thủ tục, đề cập tới việc các trường đại học có quyền xác định các phương tiện cần thiết để hoàn thành các mục tiêu và các chương trình, hay nó nói tới việc các mục tiêu và các chương trình này được thực hiện như thế nào?. Ashby và Anderson (1966) cho rằng có 6 yếu tố cơ bản để tạo ra tự chủ của trường đại học gồm: Tự lựa chọn SV; Tự tuyển dụng; Tự đưa ra chuẩn mực; Tự quyết định cấp bằng cho ai; Tự thiết kế chương trình giảng dạy; Tự do quyết định sử dụng các nguồn thu từ nhà nước và tư nhân.

Theo Kohtamaki (2009), tự chủ là nói đến trạng thái chất lượng của một đối tượng hoặc một đơn vị như là nhà nước, chính quyền địa phương, một tổ chức, một cơ quan. Các nhân tố ảnh hưởng tới tự chủ, tự chủ tài chính bao gồm: cơ chế quản lý, kiểm soát, ngân sách tài trợ; sự năng động, sáng tạo; cơ cấu tổ chức; hình thức pháp lý; quyền sở hữu, trách nhiệm giải trình; sự đa dạng nguồn tài chính của các trường (Estermann và Pruvot, 2011).

Bàn về liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch, Nguyễn Ngọc Trung và cộng sự (2020) xây dựng mô hình liên kết trong đào tạo. Mô hình đề cập đến các khía cạnh trong hoạt động động liên kết bao gồm: Liên kết trao đổi nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp; Liên kết thực hiện các chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn; Liên kết tổ chức thực tập thực tế cho sinh viên; Liên kết thành lập hội đồng tư vấn đào tạo; Liên kết khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

Nghiên cứu của Hoàng Xuân Long (2009) về những nhân tố ảnh hưởng tới liên kết viện, trường với doanh nghiệp Việt Nam đã chỉ ra rằng mối quan hệ liên kết giữa viện, trường với doanh nghiệp ở nước ta còn khá hạn chế, thiếu chặt chẽ do gặp phải nhiều trở ngại về hành chính và cơ chế tài chính. Bên cạnh đó, những chuyển giao, đổi mới về công nghệ thời gian qua còn dừng lại ở khâu tiếp nhận, vận hành chứ chưa tạo ra được mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu và phát triển công nghệ. Tác giả cũng đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến liên kết viện, trường với doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có các yếu tố từ phía doanh nghiệp, như: Nhu cầu liên kết của doanh nghiệp không cao; Khả năng liên kết của doanh nghiệp với viện, trường hạn chế và hạn chế liên quan đến bảo mật của doanh nghiệp. Còn các ảnh hưởng tới liên kết từ phía viện, trường bao gồm: Nhu cầu và khả năng liên kết với doanh nghiệp của viện, trường không cao; Hạn chế liên quan tới vấn đề hàng rào chức năng và phi chức năng. Tác giả cũng đề cập đến các ảnh hưởng từ phía Nhà nước, bao gồm: 1) Quan hệ bao cấp, bảo hộ bất hợp lý, nhiều đặc quyền,… khiến viện, trường và doanh nghiệp không tích cực tìm đến nhau; các chính sách liên quan tới khuyến khích đổi mới công nghệ của Nhà nước còn tỏ ra thiếu hiệu quả. 2) Còn thiếu sự đảm bảo từ phía Nhà nước đối với việc thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ. 3) Mức độ ưu tiên đối với liên kết viện, trường với doanh nghiệp của các chính quyền địa phương chưa cao. 4) Mặc dù đã có các chương trình tác động đến liên kết thông qua Nghị định số 119/1999/NĐ-CP; Quyết định số 54/1998/QĐ-TTg ngày 3/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Kinh tế - Kỹ thuật,… nhưng các chính sách và văn bản này vẫn còn nhiều mặt hạn chế.

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã cập nhật đến những khía cạnh khác nhau liên kết trường đại học, tự chủ đại học. Các nghiên cứu cũng cho thấy được tầm quan trọng của liên kết trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, cho đến nay, các công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước dường như mới đề cập đến liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp, liên kết trong từng lĩnh vực riêng, chưa có công trình nghiên cứu nào của các nhà khoa học trong và ngoài nước về chủ đề liên kết trường đại học công lập ở Việt Nam - trong bối cảnh tự chủ (trên 3 lĩnh vực: đào tạo, khoa học công nghệ và phục vụ cộng đồng). Chủ đề này lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH năm 2018. Trong đó, quy định rõ Điều 5. Liên kết các trường đại học thành đại học; Điều 13. Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH.

3. Đề xuất mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở tổng quan các công trình nghiên cứu, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu với 8 biến độc lập: (1) Nguồn lực tài chính của các trường đại học; (2) Giá trị thương hiệu trường đại học; (3) Chia sẻ thông tin; (4) Niềm tin; (5) Sự cam kết; (6) Đồng thuận mục tiêu; (7) Chiến lược

phát triển của trường đại học; (8) Tầm nhìn, sứ mệnh trường đại học. Biến mục tiêu là Liên kết trường đại học công lập được đánh giá dựa trên 3 lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

                              Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

mo-hinh-nghien-cuu-de-xuat

Định hướng các nghiên cứu dựa trên mô hình

Mô hình đã xây dựng mở ra các định hướng nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn sâu các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách của các Bộ, ngành và trường đại học nhằm xác định bảng thang đo phù hợp. Từ đó, tiến hành định lượng cụ thể nhằm kiểm định các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết trường đại học công lập - trong bối cảnh tự chủ, xác định thứ tự cũng như chiều hướng ảnh hưởng của từng yếu tố.

Ngoài ra, mô hình nghiên cứu đã xây dựng có thể được phát triển bằng cách nghiên cứu bổ sung thêm các biến có ảnh hưởng đến liên kết trường đại học công lập - trong bối cảnh tự chủ. Đồng thời, phân tích sâu từng nhân tố đưa vào mô hình nhằm rõ hơn các khía cạnh cụ thể. Từ đó, làm cơ sở để các trường đại học vạch ra các chiến lược, chính sách phù hợp trong việc xây dựng, duy trì và tăng cường các mối liên kết giữa các trường. Đồng thời, mở ra các định hướng cho các bộ, ban, ngành trong quá trình xây dựng và phát triển các trường đại học công lập ở Việt Nam, tiếp cận với các trường đại học hàng đầu trên thế giới.

4. Kết luận

Hệ thống GDĐH công lập ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Liên kết trường đại học công lập trong bối cảnh tự chủ không chỉ giảm áp lực về chi ngân sách của Nhà nước mà còn góp phần đa dạng hóa hệ thống giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội. Đồng thời, phát huy lợi thế so sánh của mỗi trường để phát huy lợi thể trên các phương diện đào tạo, khoa học công nghệ, phục vụ cộng đồng. Từ đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, đất nước, đây là một yêu cầu cấp thiết đối với sự tồn tại và phát triển của các trường đại học công lập ở Việt Nam trong bối cảnh tự chủ hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Barry J. Morris. (2009). Internationalizing the University: Theory, Practices, organization and Execcution. Journal of Emerging knowledge on Emerging Markets, 1(1), 34-52.
  2. Berdahl, R. (1990). Academic Freedom, Autonomy and Accountability in British Universities.Studies in Higher Education, 15 (2), 169-180.
  3. Brian Wixted. (2006). The Structures, Purpose and Funding of Academic Research Networks. CPROST Report, 2006-2008.
  4. (2007). Preparing Schools Principals: A National Perspective on Policy and Program Innovation. USA: Institute of Educational Leadership, Inc. (IEL) and the Illinois Education Research Council (IERC), Edwardsville, IL.
  5. Eric Ashby, E., & Anderson, M. (1966). Universities: British, Indian, African. A Study in the Ecology of Higher Education. USA: Harvard University Press.
  6. Estermann, T. & Pruvot, E.B. (2011). Financially Sustainable Universities II European universities diversifying income streams. Belgium: European University Association.
  7. Frazier, C. (1997). Cold Mountain. UK: Atlantic Monthly Press.
  8. Hoàng Xuân Long (2008). Những nhân tố ảnh hưởng tới liên kết viện, trường với doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 6 (422).
  1. HU Feng (2012). Industry - academia - research, Universities and Technological Innovation in China. China: Zhejiang Gongshang University.
  1. Jiatao Li. (2010). Global R&D Alliances in China: Collaborations With Universities and Research Institutes. IEEE Transactions on engineering 2 management, 57(1).
  2. Judith Lamon (2002). Collaboration and R&D. KMWorld, 11(1).
  3. Ramanathan (2010). Liên kết và quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu & triển khai và các học viện để thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ. Hội thảo Quốc gia do APCTT-ESCAP và NASATI-MOST, Chính phủ Việt Nam 22-23/12/2010 (tiếng Anh).
  4. Kohtamaki, V. (2009). Financial Autonomy in Higher Education Institutions. Retrieved from: http://acta.uta.fi/pdf/978-951-44-7756-0.pdf.
  5. Nguyen, D.B (2013). The important of association in the work of creating new products, changing new products to meet the needs of customers in each country. Journal of emerging knowledge on emerging markets, 143-151.
  6. Nguyễn Ngọc Trung, Nguyễn Thu Hương, Cao Thị Phương Thủy (2020). Liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Tạp chí Công Thương, 4, 199-203.
  7. Paul A. Argenti. (2009). The Power of Integration: Building a Corporate Communication Function. That is Greater Than the Sum of its Parts. In 10th Conference on Reputation, Image, Identity and Competitiveness. USA: The Tuck School of Business at Dartmouth.
  1. Susan K. Patterson. (2010). Public Schools and University Partnerships: Problems and Possibilities. Economic journal for the intergration of technology in Education, 1(1).
  1. Thomas A. Finholt (2010). Collaboatries as a new form of Scientific organisation. Economics of innovation and new technology, 12(1), 5-25.
  2. Yarime Masaru. (2009). Institutionalizing Sustainability Innovation: Universities as a platform for Stakeholder Collaboration. Japan: University Tokio.

 

A RESEARCH MODEL FOR FACTORS AFFECTING THE COOPERATION

OF PUBLIC UNIVERSITIES IN THE CONTEXT

OF THE IMPLEMENTATION OF AUTONOMY MECHANISM

TRAN QUANG BACH

Vinh University

ABSTRACT:

The public higher education system in Vietnam plays a particularly important role in training human resources, contributing to the country’s economic growth and social development. By reviewing related works, this study proposes a research model for factors affecting the cooperation of public universities in the context of the implementation of autonomy mechanism. This study is expected to help universities have appropriate strategies for building, maintaining and strengthening linkages among universities. The study also provides some policy-making orientations for management agencies to better support the development of public universities in Vietnam to gradually keep up with global leading universities. This paper analyzes current a research model for factors affecting the cooperation of public universities in the context of the implementation of autonomy mechanism.

Keywords: cooperate, public university, autonomy, higher education, brand value.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 26, tháng 11 năm 2021]