TÓM TẮT:
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên việc khảo sát 279 giảng viên đang làm việc tại các trường đại học (ĐH) công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh) với phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Đồng thời, từ kết quả lược khảo của các nghiên cứu trước, tác giả đã đề xuất mô hình xem xét tác động của các yếu tố đến hành vi chia sẻ tri thức với đồng nghiệp của giảng viên. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích và kiểm định mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) với sự hỗ trợ của công cụ SmartSPL3.0. Kết quả cho thấy, 4 yếu tố tác động có ý nghĩa thống kê đến hành vi chia sẻ tri thức của giảng viên, bao gồm: (1) Công nghệ thông tin, (2) Sự quan tâm của cấp trên, (3) Văn hóa tổ chức (4) Hệ thống khen thưởng.
Từ khóa: hành vi chia sẻ tri thức, giảng viên, đại học, Covid-19.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tri thức ngày càng giữ một vai trò quan trọng, quyết định năng lực cạnh tranh của tổ chức. Trong hoạt động quản trị tri thức, chia sẻ tri thức là vấn đề khó khăn nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hình thức chia sẻ tri thức ít nhiều có sự thay đổi dưới tác động của nền tảng công nghệ. Xuất phát từ bản chất của các trường ĐH công lập có thể nhận thấy, hầu hết các chính sách và quy chế chi tiêu chịu sự ràng buộc của Bộ chủ quản so với các trường ĐH tự chủ về tài chính. Vì thế, việc khuyến khích hành vi chia sẻ tri thức tại các trường ĐH công lập rất được quan tâm. Việc thực hiện nghiên cứu nhằm xác định những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của giảng viên tại các trường ĐH công lập trong bối cảnh Covid-19 là rất cần thiết.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Các lý thuyết liên quan
Lý thuyết trao đổi xã hội: Lý thuyết trao đổi xã hội thường được sử dụng làm cơ sở để khám phá các hành vi chia sẻ kiến thức của các cá nhân. Lý thuyết này được đưa ra vào năm 1958 bởi Homans - một nhà xã hội học, thông qua việc xuất bản tác phẩm “Hành vi xã hội như sự trao đổi”.
Lý thuyết nhận thức xã hội: Dựa trên lý thuyết học tập xã hội, Bandura và cộng sự (1986) đã phát triển thành một lý thuyết nhận thức xã hội với giả định các yếu tố học tập, nhận thức và môi trường có mối quan hệ tương tác với nhau. Lý thuyết này có nguyên tắc chính coi nhận thức là trung gian cho việc học và mọi người có thể học thông qua quan sát.
2.2. Cơ sở lý thuyết về tri thức, quản lý và chia sẻ tri thức
Tri thức là “sự giải mã về một mối quan hệ giữa các khái niệm có liên quan đến những lĩnh vực cụ thể” (Becerra-Fernandez & cộng sự, 2004).
Quản lý tri thức là quá trình sản xuất, phân phối, trình diễn và ứng dụng tri thức; một quá trình mang tính hệ thống, cụ thể để tổ chức sản xuất và truyền đạt cả tri thức ẩn lẫn tri thức hiện của 1 nhân viên cho những nhân viên khác để có thể sử dụng hiệu quả và năng suất hơn trong công việc (Bhatt, 1998).
Chia sẻ tri thức là khía cạnh quan trọng nhất của quản lý tri thức (Gupta & cộng sự, 2000). Chia sẻ tri thức được định nghĩa là 1 hành động chủ quan cố ý làm cho tri thức được tái sử dụng bởi những người khác thông qua chuyển giao tri thức (Lee, 2002).
2.3. Mô hình nghiên cứu đề xuất và thang đo
Trên cơ sở kế thừa những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức với đồng nghiệp của giảng viên trong nghiên cứu của tác giả Bùi Thị Thanh (2014), Nguyễn Quyết Thắng (2019), Mat và cộng sự (2016), đồng thời thông qua nghiên cứu định tính đã phát hiện thêm yếu tố “Công nghệ thông tin”, tác giả nhận thấy trong bối cảnh đại dịch Covid 19, việc ứng dụng nền tảng trong nghệ thông tin trong giao tiếp là rất phù hợp, hơn thế trong nghiên cứu của Lin (2007) cũng đã đề cập yếu tố này. Do đó, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu bao gồm 4 yếu tố: Hệ thống khen thưởng (KT) đo lường bằng 4 biến quan sát; Sự ủng hộ của cấp trên (CT) đo lường bằng 4 biến quan sát; Văn hóa tổ chức (VH) đo lường bằng 4 biến quan sát; Công nghệ thông tin (TT) đo lường bằng 4 biến quan sát và chia sẻ tri thức (CSTT) đo lường bằng 3 biến quan sát. Các tập biến quan sát (19 phát biểu) cụ thể đo lường trên thang đo Likert 5 điểm thay đổi từ 1 (hoàn toàn không đồng ý) đến 5 (hoàn toàn đồng ý).
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Các giả thuyết nghiên cứu được đề xuất:
H1: Yếu tố “Hệ thống khen thưởng” tác động cùng chiều đến “Hành vi chia sẻ tri thức của giảng viên các trường ĐH công lập tại TP. Hồ Chí Minh”;
H2: Yếu tố “Sự ủng hộ của cấp trên” tác động cùng chiều đến “Hành vi chia sẻ tri thức của giảng viên các trường ĐH công lập tại TP. Hồ Chí Minh”;
H3: Yếu tố “Văn hóa tổ chức” tác động cùng chiều đến “Hành vi chia sẻ tri thức của giảng viên các trường ĐH công lập tại TP. Hồ Chí Minh”;
H4: Yếu tố “Công nghệ thông tin” tác động cùng chiều đến “Hành vi chia sẻ tri thức của giảng viên các trường ĐH công lập tại TP. Hồ Chí Minh”.
2.4. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện thông qua 2 giai đoạn:
- Nghiên cứu sơ bộ: Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với kỹ thuật thảo luận nhóm mục tiêu, cụ thể: tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện, chọn ra 7 giảng viên tham gia thảo luận nhóm. Giai đoạn nghiên cứu này nhằm điều chỉnh và bổ sung biến quan sát cho thang đo đối với các khái niệm trong mô hình nghiên cứu.
- Nghiên cứu chính thức: Sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng cùng với phương pháp chọn mẫu thuận tiện với cỡ mẫu là 300, phương pháp thu thập thông tin được sử dụng là gửi bản hỏi trực tuyến đến các giảng viên trong danh sách chọn mẫu dự kiến. Cụ thể, giảng viên tham gia khảo sát thuộc các trường ĐH công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngân hàng,..) Với tổng số phiếu gửi đi là 300 phiếu, số lượt đáp viên phản hồi là 285 lượt, số phản hồi đạt yêu cầu là 279 phản hồi. Thời gian tiến hành khảo sát từ ngày 01/6 đến 15/6 năm 2021.
2.5. Phương pháp phân tích dữ liệu
Theo Henseler và Chin (2010), mô hình nghiên cứu được đánh giá qua 2 bước là đánh giá mô hình đo lường và mô hình cấu trúc.
Thứ nhất, mô hình đo lường được đánh giá thông qua đánh giá độ tin cậy (Hulland, 1999), giá trị hội tụ (Fornell &Larcker, 1981)và giá trị phân biệt (Fornell &Larcker, 1981) của các khái niệm đo lường trong mô hình.
Thứ hai, mô hình cấu trúc được sử dụng để kiểm tra mối quan hệ giữa các khái niệm trong mô hình nghiên cứu. Đo lường hệ số tổng thể xác định (Henseler & cộng sự, 2010); Hệ số Path Coefficient (trọng số tác động) của mô hình cấu trúc PLS; Giá trị T-value: Nếu giá trị T-value > 1,96 thì kiểm định có ý nghĩa thống kê ở mức 5%.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Kết quả nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức
3.1.1.Phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM)
Phương pháp phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) bằng phần mềm SmartPLS được sử dụng để kiểm định mô hình nghiên cứu. Mô hình kiểm định mức độ tác động của 4 nhân tố: (1) Hệ thống khen thưởng (KT); (2) Sự ủng hộ của cấp trên (CT); (3) Văn hóa tổ chức (VH) và (4) Công nghệ thông tin (TT) đến Hành vi chia sẻ tri thức (CSTT).
3.1.2. Mô hình đo lường
Để đảm bảo cho mô hình đo lường, tác giả đã sử dụng phương pháp PLS để đánh giá các đặc tính của tất cả những thang đo đã sử dụng trong nghiên cứu này. Bởi tất cả các thang đo đã đề cập trong nghiên cứu này chứa các chỉ số phản chiếu, sự kiểm tra tính hợp lệ và độ tin cậy là cần thiết (Hair & cộng sự, 2014). Mỗi chỉ số đều được kiểm tra xem có phù hợp để đo lường cho ý định mục tiêu hay không. Nhìn vào Bảng 1 cho thấy, hệ số tải nhân tố của các biến quan sát đều lớn hơn 0,7, thỏa mãn điều kiện hội tụ (Hair & cộng sự, 2014). Ngoài ra, độ tin cậy tổng hợp (CR) của các thang đo dao động ở mức từ 0,819 đến 0,886, mức trung bình phương sai rút trích (AVE) của các thang đo đều đạt điểm cắt, cho thấy độ tin cậy thỏa đáng với khoản từ 0,620 đến 0,721. Kết quả chứng minh được việc lựa chọn mô hình đo lường là phù hợp.
Bảng 1. Kết quả độ tin cậy và giá trị hội tụ của thang đo
Nguồn: Kết quả từ phân tích SmartPLS, dữ liệu 2021
Ngoài ra, để tiếp tục phân tích độ phân biệt, nghiên cứu tiến hành so sánh mối quan hệ giữa các
nhân tố với phương sai trích trung bình (AVE). Kết quả phân tích cho thấy, căn bậc hai AVE của mỗi nhân tố đều lớn hơn hệ số liên hệ giữa nhân tố đó với các nhân tố khác. Nói cách khác, hệ số tải nhân tố của từng chỉ báo đều lớn nhất trong ma trận hệ số tương quan chéo và có ý nghĩa thống kê với p-value = 0,000. Như vậy, mẫu nghiên cứu đảm bảo độ phân biệt của các nhân tố đo lường. Ngoài ra, kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến đều cho giá trị VIF ˂ 5 (Hair và cộng sự, 2014) với giá trị lớn nhất là 2,163 nên mô hình không vi phạm.
3.1.3. Kiểm định mô hình cấu trúc
Hình 2 cho thấy, có 4 yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ thông tin với đồng nghiệp của giảng viên các trường ĐH công lập tại TP. Hồ Chí Minh: Hệ thống khen thưởng; Sự ủng hộ của cấp trên; Văn hóa tổ chức và Công nghệ thông tin. Trong đó, yếu tố “Công nghệ thông tin” có ảnh hưởng mạnh nhất đến hành vi chia sẻ tri thức của giảng viên với hệ số hồi quy β = 0,402; yếu tố “Hệ thống khen thưởng” ít ảnh hưởng nhất đến hành vi chia sẻ tri thức của giảng viên với hệ số hội quy β = 0,131. Ngoài ra, giá trị R2 = 52,8%, điều đó có nghĩa: các yếu tố đưa vào mô hình giải thích được 52,8% sự biến thiên của hành vi chia sẻ tri thức. Bên cạnh đó, tác giả sử dụng chức năng Bootstrapping với 1.000 lần lặp lại để kiểm tra mô hình cấu trúc (kết quả được trình bày ở Bảng 2). Kết quả cho thấy, các biến độc lập đều có tác động cùng chiều đến biến phụ thuộc và có ý nghĩa thống kê (β > 0 và P-value < 0,05), nên các giả thuyết H1, H2, H3, H4 đều được chấp nhận (P-value < 0,05).
Hình 2: Biểu đồ thể hiện kết quả mô hình cấu trúc tuyến tính PLS-SEM
(Nguồn: Kết quả từ phân tích SmartPLS, dữ liệu 2021)
Bảng 2. Phân tích mô hình cấu trúc
Nguồn: Tổng hợp từ phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính, dữ liệu năm 2021
4. KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất các hàm ý quản trị:
Đối với yếu tố “Công nghệ thông tin”: Đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến hành vi chia sẻ tri thức của giảng viên, điều này được xem là phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Vì vậy, Ban Lãnh đạo nhà trường cần tạo điều kiện tối đa về cơ sở hạ tầng để phục vụ việc chia sẻ tri thức của giang viên được thuận lợi. Ngoài ra, cần tổ chức đào tạo để giảng viên có thể sử dụng và quản lý tốt các tiện ích của các ứng dụng công nghệ.
Đối với yếu tố “Sự ủng hộ của cấp trên”: Lãnh đạo các Khoa tại các Trường ĐH cần xây dựng một quy chế đánh giá về hiệu quả chia sẻ tri thức, lựa chọn làm một trong những tiêu chí khen thưởng, đề bạt đối với các giảng viên. Luôn lắng nghe và tạo cơ hội để giảng viên có thể bày tỏ quan điểm và tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên có thể thực hiện việc chia sẻ tri thức.
Đối với yếu tố “Văn hóa tổ chức”: Xây dựng văn hóa khuyến khích tính chủ động trong việc chia sẻ của giảng viên. Hơn thế, cần tạo những câu lạc bộ trao đổi chuyên môn, học thuật, một mặt nâng cao tính đoàn kết, một mặt nhằm chia sẻ tri thức lẫn nhau giữa các giảng viên.
Đối với yếu tố “Hệ thống khen thưởng”: Cần kiện toàn lại chế độ khen thưởng theo hướng khuyến khích hành vi chia sẻ tri thức của giảng viên một cách thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần tương xứng với tri thức được chia sẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bandura, A. (1986). Social foundations of thought and action: A social cognitive theory. NJ: Prentice-Hall, Inc.
- Becerra-Fernandez, I., A. Gonzalez & R. Sabherwal (2004). Knowledge management Challenges. In Solutions and Technologies, 10 - UK: Pearson Education.
- Bhatt, G. (1998). Managing knowledge through people knowledge and processes, Manage. Journal of Knowledge Management, 165-171.
- Fornell, C., Larcker, D.F. (1981). Evaluating structural equation models with unobservable variables and measurement error. Journal of Marketing Research, 18 (1), 39-50.
- Gupta, A.K. & Govindarajan, V. (2000). Knowledge management’s social dimension: lessons from Nucor Steel. MIT Sloan Management Review, 42, 71-80.
- Hair, J. F., Hult, G. T. M., Ringle, C. M., and Sarstedt, M. (2014). A Primer on Partial Least Squares Structural Equation Modeling (PLS-SEM). Thousand Oaks, CA: Sage.
- Henseler, J., and Chin, W. W. (2010). A Comparison of Approaches for the Analysis of Interaction Effects Between Latent Variables Using Partial Least Squares Path Modeling. Structural Equation Modeling, 17 (1): 82-109.
- Homans, G. C. (1958). Social Behavior as Exchange. American Journal of Sociology, 63(6), 597-606.
- Hulland, John. (1999). Use of Partial Least Squares (PLS) in Strategic Management Research: A Review of Four Recent Studies. Strategic Management Journal, 20, 195-224.
- Lee, C. (2002). Factors impacting knowledge sharing. Journal of Information and Knowledge Managemnet, 1(1), 49-56.
- Lin, H. F. (2007). Knowledge sharing and firm innovation capability: An empirical study. International Journal of Manpower, 28(3/4), 315-332.
- Bùi Thị Thanh (2014). Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức với đồng nghiệp của giảng viên trong các trường ĐH. Tạp chí Kinh tế và phát triển, 199: 71-79.
- Mat, N., Alias, J., & Muslim, N. (2016). The Impacts of Organizational Factors on Knowledge Sharing in Higher Learning Instituitions (HLIs): Case at Universiti Kebangsaan Malaysia (UKM). Mediterranean Journal of Social Sciences, 7(6), 181-187.
- Nguyễn Quyết Thắng (2019). Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của giảng viên Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Công Thương, Số 7, tháng 4/2019.
FACTORS AFFECTING THE KNOWLEDGE SHARING BEHAVIOR OF
UNIVERSITY LECTURERS DURING THE COVID-19 PANDEMIC:
CASE STUDY OF LECTURERS WORKING
FOR PUBLIC UNIVERSITIES IN HO CHI MINH CITY
Master. TRAN NGOC TU
Master. TU MINH KHAI
Faculty of Business Administration, Saigon University
ABSTRACT:
With the use of convenience sampling method, this study surveyed 279 lecturers working for public universities in Ho Chi Minh City to analyze the knowledge sharing behavior of university lecturers during the Covid-19 pandemic. This study also reviewed previous studies on this topic and proposed a research model to explore factors affecting the knowledge sharing behavior of university lecturers. This study used the linear structural model (SEM) with the support of the SmartSPL3.0 tool. The study found that there are four factors which have statistically significant impacts on the faculty's knowledge-sharing behavior, including Information technology, Superiors' support, Organizational culture, and Reward system.
Keywords: knowledge sharing behavior, lecturer, university, Covid-19.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 18, tháng 7 năm 2021]