Giải pháp thúc đẩy hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh

ThS. QUAN HÁN XƯƠNG (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh), TS. TRẦN TRUNG KIÊN (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Chia sẻ tri thức ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các cá nhân, tổ chức và xã hội. Trong môi trường đại học, cơ chế chia sẻ tri thức càng cần được chú trọng bởi quá trình này giúp nâng cao hiệu quả học tập và nghiên cứu của sinh viên. Theo đó, bài viết hướng đến khám phá tác động của các nhân tố đến hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (Trường Đại học Kinh tế TP. HCM). Kết quả nghiên cứu cho thấy, hạ tầng công nghệ thông tin, niềm tin vào tri thức bản thân, làm việc nhóm và văn hóa nhà trường là các yếu tố tác động mạnh đến hoạt động này. Theo đó, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP. HCM.

Từ khóa: Tri thức, chia sẻ tri thức, sinh viên, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM.

1. Tổng quan nghiên cứu

Lý do nhóm tác giả thực hiện đề tài nghiên cứu xuất phát từ 3 nguyên nhân chính: (1) Tầm quan trọng của hoạt động chia sẻ tri thức đối với sinh viên; (2) Sự thiếu hụt các bằng chứng thực nghiệm tại các trường đại học Việt Nam và (3) Tính ứng dụng của đề tài.

Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, cơ chế chia sẻ tri thức hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các cá nhân, tổ chức và xã hội. Theo đó, các yếu tố tác động đến hành vi chia sẻ tri thức trở thành đề tài được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu (Lin, 2007; Wang & Noe, 2010). Một cách khái quát, tác giả tổng hợp các nghiên cứu trước theo 2 nhóm chính: các nghiên cứu tại các tổ chức kinh tế (Sharratt & Usoro, 2003; Wasko & Faraj, 2000, Wang & Noe, 2010) và các nghiên cứu về hành vi chia sẻ tri thức giữa các sinh viên với giá trị mang lại cho sinh viên là mục tiêu lớn nhất (Chin Wei & ctg, 2012; Majid & Chitra, 2013).

Lược khảo nghiên cứu cho thấy, các nghiên cứu thực nghiệm chủ yếu tập trung ở các tổ chức kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân. Mục tiêu của các nghiên cứu này nhằm khám phá các nhân tố tác động đến hoạt động chia sẻ tri thức giữa các nhân viên trong công ty (Al-Ammary, 2008; Chatzoglou & Vraimaki, 2009; Ismail Al-Alawi & cộng sự, 2007; Tan & ctg, 2010). Qua đó, các nhà quản trị có những cải cách phù hợp để tổ chức hoạt động hiệu quả và bền vững (Antonova, Csepregi, & Marchev Jr, 2011; Hendriks, 1999; Panahi, Watson, & Partridge, 2013).

Trong khi đó, một số nghiên cứu chú trọng khám phá các nhân tố tác động đến hành vi chia sẻ tri thức giữa các sinh viên đại học (Jer Yuen & Shaheen Majid, 2007; Majid & Chitra, 2013; Ong & ctg, 2011; Yaghi & ctg, 2011). Với nhóm đối tượng này, mục tiêu nghiên cứu là giúp sinh viên học tập và nắm bắt tri thức tốt hơn (Chong, Teh, & Tan, 2014; Majid & Chitra, 2013; Ong & ctg, 2011). Tổng quan nghiên cứu cho thấy, các yếu tố chính tác động đến hành vi chia sẻ tri thức giữa các sinh viên bao gồm: cơ chế khen thưởng, văn hóa tổ chức, niềm tin vào tri thức bản thân, hoạt động nhóm và hạ tầng CNTT. Tuy nhiên, tác động của các yếu tố rất khác biệt theo từng trường hợp nghiên cứu. Chẳng hạn, nghiên cứu của Ong & ctg (2011) chỉ ra tác động mạnh mẽ của cơ chế khen thưởng đến hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên đại học Multimedia University tại Malaysia. Trong khi đó, Zaqout & Abbas (2012) nhấn mạnh vai trò của niềm tin và hệ thống CNTT đối với hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên Trường Đại học Universiti Sains, Malaysia.

Theo đó, nhóm tác giả tin rằng, mức độ tác động của các nhân tố đến hành vi chia sẻ tri thức của nhóm đối tượng này ở Việt Nam sẽ có nhiều khác biệt. Tiếc rằng, theo hiểu biết của nhóm tác giả, rất ít nghiên cứu về đề tài này ở các trường đại học tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, các hoạt động thúc đẩy hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên hiện nay ở nước ta chủ yếu xuất phát từ nhận định chủ quan của người thực hiện mà chưa dựa trên cơ sở khoa học. Qua đó, hiệu quả của các hoạt động này chưa tương xứng với kỳ vọng. Thực trạng sinh viên “Học giỏi nhưng làm không được” đang là trăn trở lớn của xã hội hiện nay. Vì vậy, nhóm tác giả hướng đến khám phá tác động của các nhân tố đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, qua đó, đề ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả giúp thúc đẩy hoạt động này ở sinh viên.

2. Khung lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Chia sẻ tri thức đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của sinh viên trong môi trường đại học (Majid & Chitra, 2013; Ong & ctg, 2011). Jer Yuen & Shaheen Majid (2007) lý giải, chia sẻ tri thức tích cực và tự nguyện là điều cần thiết để đảm bảo rằng việc học có hiệu quả và ý nghĩa. Chia sẻ tri thức tích cực và tự nguyện không chỉ giúp sinh viên có được nhiều tri thức, mà còn giúp họ dễ dàng hơn trong việc vận dụng kiến thức đã vào công việc thực tế sau này, đặc biệt là trong một thế giới ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về kiến thức chuyên sâu hiện nay (Ong & ctg, 2011).  Cùng với xu thế toàn cầu hóa, khoảng cách về thời gian và không gian dần được thu hẹp, tốc độ truyền đạt thông tin ngày càng cao, vai trò của chia sẻ tri thức càng trở nên quan trọng.

Qua lược khảo lý thuyết, tác giả hình thành mô hình nghiên cứu về các nhân tố tác động đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên đại học. Các nhân tố chính bao gồm: cơ chế khuyến khích, văn hóa tổ chức, niềm tin vào tri thức bản thân, làm việc nhóm và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT).

Hành vi chia sẻ tri thức là quá trình các cá nhân chia sẻ tri thức với nhau, là sự cho đi và nhận lại tri thức (Bock & ctg, 2005). Cơ chế khuyến khích là các chính sách khen thưởng, đãi ngộ liên quan đến hoạt động chia sẻ tri thức. Cơ chế khen thưởng hiệu quả cần phải công bằng, khách quan và dựa trên kết quả của hoạt động chia sẻ tri thức. Qua đó, cơ chế khen thưởng thúc đẩy các cá nhân chia sẻ tri thức (Oliver & Reddy Kandadi, 2006). Văn hóa tổ chức (văn hóa nhà trường) được hiểu là các quy tắc được quy định rõ về các giá trị cốt lõi, phương châm hoạt động của trường. Điều này định hình hành động và nguyện vọng của các cá nhân trong tổ chức (Harris & Ogbonna, 2002; Henri, 2006). Niềm tin vào tri thức bản thân là mức độ tin tưởng của cá nhân vào năng lực và tri thức bản thân (Bandura, 1997). Làm việc nhóm là các cam kết, hợp tác và lợi ích đạt được khi làm việc nhóm. Các thành viên hợp tác, tin tưởng và phối hợp hiệu quả sẽ thúc đẩy quá trình chia sẻ tri thức (Lu, Leung, & Koch, 2006). Cuối cùng, hệ thống CNTT hàm ý mức độ hiện đại hóa, cũng như ứng dụng hiệu quả công nghệ vào các hoạt động chia sẻ tri thức giữa các cá nhân trong tổ chức (Catherine E Connelly & Kevin Kelloway, 2003). Theo đó, mô hình nghiên cứu được trình bày trong Sơ đồ. (Xem sơ đồ)

Sơ đồ 1: Mô hình nghiên cứu và các giả thuyết

Sơ đồ 1: Mô hình nghiên cứu và các giả thuyết

Giả thuyết H1: Cơ chế khuyến khích có tác động tích cực đối với chia sẻ tri thức

Giả thuyết H2: Văn hóa nhà trường có tác động tích cực đối với chia sẻ tri thức

Giả thuyết H3: Niềm tin vào tri thức cá nhân có tác động tích cực đối với chia sẻ tri thức

Giả thuyết H4: Làm việc nhóm có tác động tích cực đối với chia sẻ tri thức

Giả thuyết H5: Hạ tầng CNTT có tác động tích cực đối với chia sẻ tri thức

Tùy vào từng trường hợp nghiên cứu, mức độ tác động của các nhân tố trên đến hoạt động chia sẻ tri thức có nhiều khác biệt. Theo đó, khung lý thuyết và mô hình nghiên cứu được trình bày ở phần này là nền tảng để nhóm tác giả ứng dụng phương pháp và quy trình nghiên cứu phù hợp, khám phá tác động của các yếu tố đến hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Để đánh giá tác động của các yếu tố đối với hoạt động chia sẻ tri thức giữa các sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, nhóm tác giả thực hiện một quy trình kiểm định cụ thể như sau:

3.1 Nghiên cứu định tính

Đầu tiên, thang đo các yếu tố được xây dựng dựa trên cơ sở lược khảo lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm (thang đo nháp 1). Tuy nhiên, nhóm đối tượng nghiên cứu có nhiều điểm đặc thù nên tác giả thực hiện thảo luận nhóm với các sinh viên, giảng viên và chuyên viên phòng ban để bổ sung và hoàn chỉnh thang đo. Việc thảo luận nhóm được thực hiện với 2 nhóm độc lập: 1 nhóm gồm 10 sinh viên; 1 nhóm gồm 5 giảng viên và 5 chuyên viên các phòng ban, đang học tập và làm việc tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Từ đó, tác giả tổng hợp để hình thành các biến đo lường mỗi yếu tố (thang đo nháp 2). Tiếp theo, dựa vào bản khảo sát trên, tác giả thực hiện phỏng vấn thử 30 sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, nhằm điều chỉnh các câu hỏi phù hợp với đối tượng và mục tiêu nghiên cứu hơn.

Bản khảo sát chính thức được xây dựng dựa trên các câu hỏi thành phần sau khi nghiên cứu định tính. Thang đo được sử dụng là thang đo Likert 5 mức độ (thang đo chính thức), từ hoàn toàn không đồng ý đến hoàn toàn đồng ý.

3.2. Nghiên cứu định lượng

Đối tượng khảo sát là sinh viên hệ chính quy tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Do điều kiện khách quan, nhóm tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện, với hình thức gửi bản hỏi trực tuyến qua mail cá nhân. Theo đó, số phiếu khảo sát hợp lệ là 971 phiếu trong tổng số 1.200 phiếu phát ra (Đạt khoảng 80,9%).

Tiếp theo, tác giả sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha để loại bỏ các biến có độ tin cậy thang đo thấp (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến đều đạt tiêu chuẩn về độ tin cậy thang đo.

Phương pháp phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis - EFA) được áp dụng để xác định lại các nhóm biến trong mô hình nghiên cứu. Kết quả cho thấy, hệ số KMO là 0,825, kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê (Sig. = 0,000 < 0,05). Theo đó, phương pháp EFA là phù hợp. Giá trị Eigenvalues dừng ở 1,179 > 1, tổng phương sai trích (TVE) là 74,055 (%) > 50% cho thấy sự phù hợp của phương pháp phân tích EFA. So sánh với chỉ số Eigenvalues, có 6 nhân tố được trích ra và tất cả các hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0,5 nên tất cả các biến được giữ lại.

Cuối cùng, nhóm tác giả phân tích hồi quy nhằm đánh giá mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức giữa sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Kết quả được trình bày ở Bảng.

Bảng 1. Tác động của các yếu tố đến hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên

Bảng 1. Tác động của các yếu tố đến hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên

Kết quả cho thấy, yếu tố hạ tầng CNTT có tác động mạnh nhất đến hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, phản ánh tác động của xu hướng số hóa đến hoạt động chia sẻ tri thức của nhóm đối tượng này. Tiếp theo, làm việc nhóm, niềm tin vào tri thức bản thân và văn hóa nhà trường cũng tác động mạnh đến hoạt động này. Như De Vries, Van den Hooff, & de Ridder (2006) luận giải, sự phối hợp tốt giữa các thành viên trong nhóm xác định sự sẵn sàng của họ trong việc đóng góp cho lợi ích chung mà biểu hiện rõ nhất là mức độ sẵn lòng chia sẻ tri thức. Trong khi đó, chỉ khi các cá nhân tự tin vào tri thức của bản thân thì họ mới sẵn lòng chia sẻ tri thức nhiều hơn (Ling, San, & Hock, 2009). Xây dựng văn hóa tổ chức phù hợp để khuyến khích chia sẻ tri thức giữa các sinh viên (Gupta & Govindarajan, 2000; Bùi Thị Thanh, 2014). Ngoài ra, yếu tố cơ chế khuyến khích có tác động có ý nghĩa đến hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên, phù hợp với kết quả kiểm định của các nghiên cứu trước (Kassim & ctg, 2015; Ling, San, & Hock, 2009; Manafi & Subramaniam, 2015).

4. Kết luận và đề xuất giải pháp

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố hạ tầng CNTT, niềm tin vào tri thức bản thân, làm việc nhóm, văn hóa nhà trường và cơ chế khuyến khích có tác động mạnh đến hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên Trường Đại học kinh tế TP.HCM. Từ cơ sở này, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Cụ thể như sau:

Nhà trường cần chú trọng phát triển yếu tố hạ tầng CNTT. Trong đó, việc mở rộng khả năng tiếp cận với các dữ liệu chuẩn quốc tế cần được Nhà trường chú trọng đầu tư. Ngoài ra, Nhà trường cần nâng cao chất lượng cơ chế chia sẻ tri thức trực tuyến giữa các sinh viên. Chia sẻ tri thức trực tuyến hiệu quả giúp giảm thiểu chi phí, thúc đẩy hoạt động này diễn ra thường xuyên hơn.

Bên cạnh đó, làm việc nhóm hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động chia sẻ tri thức. Nhà trường cần có cơ chế thích hợp nhằm đẩy mạnh làm việc nhóm trong từng môn học, giúp sinh viên gắn kết, nghiên cứu, học tập và chia sẻ tri thức.

Niềm tin vào tri thức bản thân là yếu tố cốt lõi để sinh viên quyết định có hay không hành vi chia sẻ tri thức. Việc chuẩn hóa chương trình theo chương trình đào tạo của các trường hàng đầu thế giới là bước đi đúng đắn, cần được đẩy mạnh. Ngoài ra, văn hóa Nhà trường cũng đóng vai trò lớn đối với hoạt động chia sẻ tri thức. Nhà trường cần tiếp tục nâng cao tinh thần thực hiện văn hóa UEH (văn hóa Nhà trường) để khuyến khích hoạt động chia sẻ tri thức của sinh viên, tạo ra môi trường học tập cởi mở, thân thiện.

Tuy mức độ tác động của cơ chế khuyến khích không cao, nhưng yếu tố này cũng tạo ra tác động tích cực, thúc đẩy hoạt động chia sẻ tri thức. Cơ chế khuyến khích không chỉ về vật chất, mà còn là các hình thức khen thưởng về tinh thần, như sự ghi nhận, vinh danh. Từ đó, sinh viên nhận thức hoạt động chia sẻ tri thức mang lại nhiều lợi ích, thúc đẩy họ sẵn lòng chia sẻ tri thức thường xuyên và hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Antonova, A., Csepregi, A., & Marchev Jr, A. (2011). How to extend the ICT used at organizations for transferring and sharing knowledge. IUP Journal of Knowledge Management, 9(1), 37.
  2. Bandura, A. (1997). Self-efficacy: The exercise of control: Macmillan.
  3. Bock, G.-W., Zmud, R. W., Kim, Y.-G., & Lee, J.-N. (2005). Behavioral intention formation in knowledge sharing: Examining the roles of extrinsic motivators, social-psychological forces, and organizational climate. MIS quarterly, 87-111.
  4. Chatzoglou, P. D., & Vraimaki, E. (2009). Knowledge-sharing behaviour of bank employees in Greece. Business Process Management Journal, 15(2), 245-266.
  5. Chin Wei, C., Siong Choy, C., Geok Chew, G., & Yee Yen, Y. (2012). Knowledge sharing patterns of undergraduate students. Library Review, 61(5), 327-344.
  6. De Vries, R. E., Van den Hooff, B., & de Ridder, J. A. (2006). Explaining knowledge sharing: The role of team communication styles, job satisfaction, and performance beliefs. Communication research, 33(2), 115-135.
  7. Hendriks, P. (1999). Why share knowledge? The influence of ICT on the motivation for knowledge sharing. Knowledge and process management, 6(2), 91.
  8. Henri, J.-F. (2006). Organizational culture and performance measurement systems. Accounting, organizations and society, 31(1), 77-103.
  9. Ismail Al-Alawi, A., Yousif Al-Marzooqi, N., & Fraidoon Mohammed, Y. (2007). Organizational culture and knowledge sharing: critical success factors. Journal of knowledge management, 11(2), 22-42.
  10. Jer Yuen, T., & Shaheen Majid, M. (2007). Knowledge-sharing patterns of undergraduate students in Singapore. Library Review, 56(6), 485-494.
  11. Kassim, A. L., Raman, A., Don, Y., Daud, Y., & Omar, M. S. (2015). The Association between Attitude towards the Implementation of Staff Development Training and the Practice of Knowledge Sharing Among Lecturers. International Education Studies, 8(12), 108.
  12. Lin, H.-F. (2007). Effects of extrinsic and intrinsic motivation on employee knowledge sharing intentions. Journal of information science, 33(2), 135-149.
  13. Ling, T. N., San, L. Y., & Hock, N. T. (2009). Trust: facilitator of knowledge-sharing culture. Communications of the IBIMA, 7(15), 137-142.
  14. Majid, S., & Chitra, P. K. (2013). Role of knowledge sharing in the learning process. Literacy Information and Computer Education Journal (LICEJ), 2(1), 1201-1207.
  15. Oliver, S., & Reddy Kandadi, K. (2006). How to develop knowledge culture in organizations? A multiple case study of large distributed organizations. Journal of knowledge management, 10(4), 6-24.
  16. Ong, H.-B., Yeap, P.-F., Tan, S.-H., & Chong, L.-L. (2011). Factors influencing knowledge sharing among undergraduate students: A Malaysian perspective. Industry and Higher Education, 25(2), 133-140.
  17. Tan, N. L., Lye, Y. H., Ng, T. H., & Lim, Y. (2010). Motivational factors in influencing knowledge sharing among banks in Malaysia. International Research Journal of Finance and Economics, 44(August), 191-201.
  18. Bùi Thị Thanh (2014). Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức với đồng nghiệp của giảng viên trong các trường đại học. Tạp chí Kinh tế và Phát triển (199), 71.
  19. Nguyễn Đình Thọ (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. Nhà xuất bản Lao động-Xã hội, 593.
  20. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. NXB Hồng Đức.
  21. Zaqout, F., & Abbas, M. (2012). Towards a model for understanding the influence of the factors that stimulate university students' engagement and performance in knowledge sharing. Library Review, 61(5), 345-361.

SOLUTIONS TO PROMOTE STUDENT’S KNOWLEDGE SHARING ACTIVITIES IN UNIVERSITY OF ECONOMICS HO CHI MINH CITY

MA. QUAN HAN XUONG

University of Economics Ho Chi Minh City

PhD. TRAN TRUNG KIEN

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Knowledge sharing is increasingly important to the sustainable development of individuals, organizations, and society. In the university environment, the knowledge sharing mechanism needs to be emphasized because this process helps improve the learning and research efficiency of students. Accordingly, the study aims to explore the impact of factors on knowledge sharing activities among students in University of Economics Ho Chi Minh City. Research results show that information technology infrastructure, belief in common knowledge, teamwork and university culture are strong factors affecting this activity. Accordingly, the authors propose solutions to promote knowledge sharing activities among students in University of Economics Ho Chi Minh City.

Keywords: Knowledge, knowledge sharing, student, University of Economics Ho Chi Minh City