Địa phương "hiến kế" hoàn thiện chính sách phát triển cụm công nghiệp

Ngày 21/4/2023, tại Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị về cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp. Thứ trưởng Phan Thị Thắng tham dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị về cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/4/2023
Hội nghị về cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/4/2023

Hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến về những khó khăn, vướng mắc, giải pháp quản lý, phát triển cụm công nghiệp và các nội dung tại Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, việc chủ trì tham mưu phát triển cụm công nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh trong cụm trên địa bàn cấp tỉnh thuộc chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Sở Công Thương. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thu hút đầu tư, lập và thẩm định dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm theo pháp luật đầu tư lại thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp nhìn chung còn chậm, trông chờ vào ngân sách. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường chưa được cải thiện rõ rệt; thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp chưa được cải cách đáng kể, gây tốn kém thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp. Một số cơ quan đầu mối quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn chưa phát huy tốt vai trò, hiệu quả quản lý, thiếu đồng bộ với pháp luật mới ban hành thời gian gần đây.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng còn đang tồn tại vướng mắc, chồng chéo ở thẩm quyền, trách nhiệm cơ quan chức năng trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại địa phương
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng còn đang tồn tại vướng mắc, chồng chéo ở thẩm quyền, trách nhiệm cơ quan chức năng trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại địa phương

Do vậy, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định, Sở Công Thương gặp khó khăn trong việc thực hiện vai trò cơ quan đầu mối quản lý về cụm công nghiệp trên địa bàn.

"Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp sẽ tạo hành lang pháp lý phát triển các cụm công nghiệp hiệu quả, tháo gỡ các vướng mắc thực tại làm cản trở thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp", Thứ trưởng khẳng định.

Theo Thứ trưởng, Sở Công Thương các địa phương cần tích cực hơn nữa trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp; tập trung xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp có năng lực kinh nghiệm giao làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, đầu tư, hoạt động tại các cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật quản lý cụm công nghiệp, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và quy định khác có liên quan.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, các cụm công nghiệp trên cả nước thu hút được trên 13.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh. Qua đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 770.000 lao động, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.

Các cụm công nghiệp cũng góp phần tích cực trong việc di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hộ gia đình ra khỏi khu dân cư, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Tham luận tại hội thảo, ông Lê Văn Danh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, theo quy hoạch tỉnh có 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích 533ha. UBND tỉnh đã giao 14 cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp và địa phương làm chủ đầu tư xây dựng.

Đến nay, tổng vốn đầu tư hạ tầng của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hơn 2.074 tỷ đồng và có 6 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được 30 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.895 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy của 6 cụm công nghiệp đạt khoảng 65%.

"Dù hạ tầng các cụm công nghiệp được đầu tư bài bản, đồng bộ, tuy nhiên, việc quản lý, xây dựng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Các cụm công nghiệp có quy mô khá nhỏ (50ha trở xuống) nhưng việc lập quy hoạch vẫn phải tuân theo các quy định chung về định mức xây dựng (tỷ lệ cây xanh, tỷ lệ giao thông, hạ tầng kỹ thuật...), dẫn đến suất đầu tư cao, khó thu hút dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, nên việc kết nối giữa trong và ngoài cụm công nghiệp còn gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai cụm công nghiệp", ông Danh nêu thực tế.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng quy định mới cần xem xét bổ sung thêm thời gian thực hiện lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Đồng thời cần xem xét về quyết định giao đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng phù hợp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật và điều kiện ưu đãi hỗ trợ đối với cụm công nghiệp làng nghề.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương kiến nghị, Nghị định mới cần sửa đổi tăng quy mô cụm công nghiệp tối thiểu từ 100ha. Đồng thời cần giải quyết mâu thuẫn giữa chấp thuận chủ trương đầu tư và Quyết định thành lập cụm công nghiệp để có tính thống nhất.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất một số vấn đề về việc chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư; cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ cho các nhà đầu tư; mở rộng thêm ngành nghề đầu tư. Công tác quy hoạch cố gắng tích hợp đồng bộ và đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính; hỗ trợ tối đa và cao nhất cho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư thứ cấp.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), tiếp tục kế thừa những quy định đã khẳng định tính phù hợp tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, việc bổ sung, sửa đổi các hạn chế của các Nghị định, các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu và quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Cụ thể, tập trung sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bảo đảm phù hợp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có hiệu lực pháp lý cao hơn, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mới ban hành như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Quản lý và sử dụng tài sản công,…; không điều chỉnh các nguyên tắc quản lý đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chuyên ngành về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, quản lý sử dụng tài sản công... trong quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đại diện các Sở Công Thương địa phương cũng góp ý cho Nghị định mới về phát triển các cụm công nghiệp. Công tác quy hoạch cố gắng tích hợp đồng bộ và đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính. Nội dung liên quan đến thành lập cụm công nghiệp sẽ kế thừa tinh thần Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP để đồng bộ quy trình thành lập. Đồng thời hỗ trợ tối đa và cao nhất cho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư thứ cấp.

Đông Sơn