Động lực phát triển Tây Nguyên: Giải pháp liên kết vùng

Đề tài Động lực phát triển Tây Nguyên: Giải pháp liên kết vùng do ThS. Trần Thị Hoa Lý (Trường Đại học Điện lực) thực hiện.

TÓM TẮT:

Phát triển Tây Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước. Trong đó, liên kết kinh tế vùng là một trong những giải pháp chiến lược đột phá tạo ra lợi thế cạnh tranh động cho vùng, địa phương và là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Bài viết này phân tích động lực phát triển Tây Nguyên và đề xuất những giải pháp liên kết vùng để phát triển bền vững.

Từ khóa: động lực phát triển, Tây Nguyên, giải pháp liên kết vùng.

1. Vai trò của liên kết vùng

Liên kết vùng thực chất là sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế khác nhau, nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo ra tính cạnh tranh kinh tế cao hơn, không những tạo động lực phát triển kinh tế mà còn giúp các vùng khó khăn thực hiện tốt chức năng bảo tồn tài nguyên, sinh thái, ổn định an ninh, chính trị, xã hội. Các hình thức liên kết vùng có thể trên các khía cạnh không gian kinh tế theo lãnh thổ, chuỗi ngành hàng, tổ chức sản xuất.

Liên kết vùng làm tăng khả năng kết nối về mặt không gian kinh tế - tự nhiên và kinh tế - xã hội; tăng hiệu quả quản lý vĩ mô và vi mô của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; tạo lợi thế so sánh trong cạnh tranh và động lực phát triển để phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững.

Đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và đất nước  đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu, đòi hỏi liên kết vùng có câu trả lời thỏa đáng về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm…

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã định hướng phát triển vùng theo hướng "khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...".

2. Hiện trạng phát triển và vấn đề đặt ra cho liên kết vùng

Tây Nguyên nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, tiếp giáp với vùng Duyên hải Trung bộ, Đông Nam Bộ, có nhiều tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh trong phát triển. Tây Nguyên gồm 5 tỉnh với dân số gần 6 triệu người (chiếm 6,1% dân số cả nước), diện tích tự nhiên hơn 54,5 nghìn km2 (chiếm 16,5% cả nước).

Tây Nguyên có nhiều lợi thế về đất đai (3,2 triệu đất rừng, 01 triệu ha đất đỏ bazan, 1,8 triệu ha đất đỏ vàng). Hệ sinh thái đa dạng, khí hậu điều hòa; có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời); khai thác, chế biến khoáng sản và trung tâm sản xuất bôxít; là vùng sản xuất lớn cây ăn quả, cây công nghiệp lớn (cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, điều, bơ, sầu riêng...) và dược liệu quý; có điều kiện thuận lợi phát triển thành trung tâm du lịch lớn.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện

Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn là khu vực chậm phát triển so với nhiều vùng trong cả nước và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, nổi lên một số tồn tại, thách thức sau: (i) Phát triển kinh tế chưa ổn định, thiếu bền vững, quy mô GRDP, năng suất lao động thấp nhất 6 vùng; cơ cấu chuyển dịch chậm, công nghiệp chế chậm phát triển so với nguồn nguyên liệu. (ii) Quy hoạch phát triển chưa đồng bộ, hạ tầng kết nối, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế. (iii) Tăng trưởng nông nghiệp còn phụ thuộc lớn vào mở rộng quy mô; công nghiệp chế biến chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; quy mô ngành dịch vụ còn nhỏ, chưa các sản phẩm chất lượng cao. (iv) Huy động vốn đầu tư chưa hiệu quả, đặc biệt vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. (v) Khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc có xu hướng gia tăng (hệ số GINI năm 2020 là 0,406, cao hơn trung bình cả nước là 0,375); giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao (tỷ lệ hộ nghèo xếp 5/6 vùng)

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có một số nguyên nhân khách quan như: xuất phát điểm kinh tế thấp; hạ tầng thiết yếu còn khó khăn; đường biên giới dài, hiểm trở, tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan chủ yếu như: nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng chưa cao, trong đó có công tác chỉ đạo, điều hành, tư duy liên kết kết vùng, cụ thể:

- Vùng Tây Nguyên chưa có các thể chế liên kết vùng thực sự hiệu quả, thiếu thể chế điều phối và kết nối phát triển toàn vùng, mới ở mức độ sự vụ; cơ chế phối hợp giữa cơ quan ra quyết định và cơ quan tổ chức thực hiện chưa nhịp nhàng, đồng bộ nên hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương vùng Tây Nguyên chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, nhất là trong việc quản lý và xử lý các vấn đề mang tính vùng, liên vùng, các vấn đề mới phát sinh...

- Hợp tác liên vùng giữa Tây Nguyên và các địa phương của Lào và Campuchia trong khuôn khổ Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, trong phát triển Hành lang Đông - Tây và Tiểu vùng sông Mê kông còn hạn chế. Quan hệ kinh tế, thương mại hai bên chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo động lực cho phát triển, lĩnh vực hợp tác chủ yếu là trồng trọt, khai khoáng, thủy điện.

- Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp mới bước đầu hình thành, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường. Các ngành hàng thế mạnh của vùng Tây Nguyên có quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thương hiệu chưa mạnh… cần có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi để nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng. Liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, chưa hình thành được các tuyến du lịch liên vùng để phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc vùng Tây Nguyên.

- Hợp tác liên kết giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ tuy được được tích cực triển khai trên lĩnh vực đầu tư, du lịch, kết nối hạ tầng… nhưng chất lượng, hiệu quả của liên kết cần phải thúc đẩy để thực sự tạo động lực phát triển cho vùng Tây Nguyên.

- Hợp tác liên kết giữa vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ được chú trọng trong lĩnh vực du lịch, liên kết các chương trình kinh tế - xã hội, tuy nhiên do nguồn lực và hạ tầng giao thông giữa hai vùng còn hạn chế nên còn chưa chặt chẽ.

- Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phá cho phát triển các ngành có lợi thế.

Yêu cầu đặt ra là phải khắc phục nhanh những tồn tại, thách thức đối với vùng Tây Nguyên và đáp ứng nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn tới đòi hỏi phải đổi mới tư duy về liên kết vùng để đưa ra các quan điểm, tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp.

3. Quan điểm liên kết vùng Tây Nguyên

Vùng Tây Nguyên được Đảng, Nhà nước coi là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, anh ninh và phát triển kinh tế - xã hội; luôn được quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển. Sự phát triển của vùng Tây Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước. Trong đó, liên kết vùng là một trong những giải pháp chiến lược đột phá tạo ra lợi thế cạnh tranh động cho vùng, địa phương và là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho khu vực Tây Nguyên và cần tuân thủ một số quan điểm về liên kết vùng Tây Nguyên sau:

Thứ nhất, bám sát và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển KT-XH 10 năm, Nghị quyết Đại hội đảng bộ của 5 tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt căn cứ vào mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc, hướng tới là vùng trọng điểm nông nghiệp quốc gia, với sản phẩm có thương hiệu tầm quốc tế; là vùng du lịch sinh thái, văn hóa có sức hấp dẫn cao; có hệ thống các khu ngành công nghiệp tập trung, năng lượng, chế biến khoáng sản; phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ hiện đại, chất lượng cao; bố trí các đô thị động lực, sinh thái, thông minh, bền vững.

Thứ hai, phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung, phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu quốc gia.

Thứ ba, xác định rõ và khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng; phát huy thật tốt các động lực phát triển để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và thể chế điều phối phát triển vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả, tạo không gian phát triển thống nhất; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, tạo đột phá để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội của vùng.

Thứ năm, liên kết phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý giữa các trụ cột: kinh tế - văn hóa, xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh - đối ngoại. Phát triển nhanh, bền vững hài hòa, lấy con người là mục tiêu, là trung tâm, là động lực, nguồn lực phát triển.

5. Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp

Sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, vị thế, uy tín của đất nước được nâng lên, lợi thế cạnh tranh được củng cố nhờ nền tảng kinh tế - xã hội ổn định. Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cùng với xu hướng chuyển dịch chuỗi giá trị quốc tê, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh đó, vùng Tây Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao đời sống người dân.

Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên tiếp tục gặp khó khăn do quy mô kinh tế nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, nguồn đầu tư hạn chế, năng lực tiếp cận kinh tế số, kinh tế tri thức còn hạn chế...

Sau đây là một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển vùng Tây Nguyên nhanh và bền vững, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển với các vùng trong cả nước:

(1) Đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức

- Thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Tây Nguyên và liên kết vùng, liên vùng trong sự phát triển chung của đất nước. Đổi mới tư duy về liên kết vùng, coi liên kết vùng là chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng; tư duy phát triển dựa vào chuỗi liên kết, chuỗi giá trị.

- Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin để hình thành môi trường phát triển kinh tế cơ bản thống nhất cả vùng. Liên kết nội vùng và liên vùng phải có tính chiến lược, lâu dài theo hướng bổ trợ lẫn nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.

(2) Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách

- Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để Tây Nguyên khai thác hết tiềm năng, hóa giải các thách thức. Nghiên cứu các mô hình điều phối liên kết vùng trên trên các khía cạnh không gian kinh tế theo lãnh thổ, chuỗi ngành hàng, tổ chức sản xuất.

- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực cho phát triển vùng, nhất là phát huy nội lực; tập trung huy động nguồn lực bằng phương thức hợp tác đối tác công – tư, nguồn lực trung ương với nguồn lực địa phương, nguồn lực nhà nước với nguồn lực tư nhân, nguồn lực trong nước với nguồn lực nước ngoài.

- Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.

- Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Tập trung cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công khai, minh bạch, đối thoại, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

- Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá để tăng cường thu hút đầu tư (nhất là đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường, bảo vệ nhà đầu tư…).

(3) Định hướng quy hoạch phát triển

- Xây dựng quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, đất, nước và rừng của Tây Nguyên, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững.

- Phát triển theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng. Đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mê Công và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

- Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, tạo kết nối thuận lợi trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là đến các vùng kinh tế động lực. Khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu kết nối giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư.

- Phát triển đô thị và bố trí dân cư vùng Tây Nguyên phù hợp với các điều kiện đặc trưng của vùng về sinh thái, bản sắc văn hóa. Tập trung phát triển các đô thị trung tâm động lực của vùng, tiểu vùng để lan tỏa, thúc đẩy khu vực phụ cận, các vùng khác phát triển.

- Hình thành các vùng kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên và khai thác được tiềm năng các thế mạnh phát triển nông lâm nghiệp, du lịch sinh thái, khai thác, chế biến alumin và năng lượng, chuyên canh rau quả ôn đới… Phát triển hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới.

(4) Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ

- Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt chú trọng ngành nông, lâm nghiệp và du lịch. Lấy phát triển nông lâm nghiệp là bệ đỡ với các sản phẩm đặc thù, có chất lượng và giá trị cao; du lịch là đột phá gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển các điểm đến du lịch quốc gia và đô thị du lịch quốc tế.

- Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp thống nhất với quy hoạch chung, quy hoạch ngành, lĩnh vực, theo hướng công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ, giá trị gia tăng cao và áp dụng quy trình sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc. Tập trung hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững từ sản xuất, chế biến, thương mại, gắn với xây dựng thương hiệu.

- Phát triển các cụm công nghiệp lớn gắn với đô thị và các đầu mối giao thông, vùng nguyên liệu, tập trung vào chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến sâu khoáng sản, cơ khí, luyện kim, hóa chất, phân bón, năng lượng, công nghiệp chế biến chế tạo…

- Hình thành các trung tâm dịch vụ - thương mại, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, gắn kết với thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy thương mại điện tử; xây dựng các trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics, đóng vai trò là các đầu mối kết nối thương mại với Lào, Campuchia, Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Tiểu vùng sông Mê kông.

- Phát triển du lịch có trọng tâm trọng điểm, hình thành các khu du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc sắc của Tây Nguyên dựa trên điều kiện tự nhiên sinh thái, văn hóa bản địa.

(5) Phát triển hạ tầng, đô thị và thu hút nguồn lực

- Tập trung thu đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, kết nối nội vùng Tây Nguyên, giữa Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Duyên hải miền Trung và với các địa phương của Lào, Campuchia; thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại nội địa và quốc tế. Trong đó, hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước là cốt lõi để phát triển nhanh, bền vững.

- Tập trung phát triển đô thị và bố trí khu dân cư theo hướng xanh, sinh thái, phù hợp với điều kiện đặc trưng của Tây Nguyên, trong đó các đô thị trung tâm động lực của vùng, tiểu vùng để lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển chung, Buôn Ma Thuột thực sự là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; Từng bước hình thành các đô thị biên giới với chức năng thương mại, dịch vụ hiện đại.

- Tập trung phát triển các ngành kinh tế ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Thực hiện việc chuyển đổi, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số song hành với quá trình chuyển đổi số quốc gia.

- Tập trung huy động nguồn lực bằng phương thức hợp tác đối tác công - tư, nguồn lực trung ương với nguồn lực địa phương, nguồn lực nhà nước với nguồn lực tư nhân, nguồn lực trong nước với nguồn lực nước ngoài.

Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, do đó phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng. Tây Nguyên là địa bàn chiến lược và việc phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên tiếp tục là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn tới. Để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao, tư duy, phương pháp và cách làm mới của các bộ, ngành, địa phương vùng Tây Nguyên;  nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến thật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1],[2] Bộ Kế hoạch và Đầu tư  (2022). Báo cáo Tổng kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, ngày 11 tháng 7 năm 2022

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
  2. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06 tháng 10 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  3. Chính phủ (2022). Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  4. Bộ Kế hoạch và đầu tư (2022). Báo cáo Tổng kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, ngày 11 tháng 7 năm 2022.
  5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022). Kỷ yếu Hội nghị Tổng kết phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên tháng 7 năm 2022.

Regional linkage development solutions - The Central Highlands’ growth engine

Master. Tran Thi Hoa Ly

Electric Power University

Abstract:

The development of the Central Highlands plays an important role in the overall development of Vietnam. In particular, establishing regional economic linkages is one of the breakthrough strategic solutions to create dynamic competitive advantages for the Central Highlands, fueling the region’s sustainable socio-economic development. This paper analyzes the Central Highlands’ growth engine and proposes regional linkage development solutions for the region’s sustainable development.

Keywords: growth engine, Central Highlands, regional linkage solutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương