Xuất khẩu nông thủy sản gặp khó, câu chuyện “dứt khoát phải giải quyết”
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những thành tích xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp về thương mại đầu tư nói riêng và kinh tế nói chung.
Hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do được ký kết đang giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội khai thác và phát triển thị trường, mở đường cho tiêu thụ các sản phẩm của một nền sản xuất trong nước đang tăng trưởng liên tục, mạnh mẽ. Nhờ vậy, Việt Nam đã giữ vững và tiếp tục phát triển thị phần tại các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng tiếp cận các thị trường tiềm năng mới.
Trong đó, Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam, đứng thứ 1 về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ 2 về hạt điều; đứng thứ 3 về thủy sản; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 12 về cà phê…, đồng thừoi vẫn đang là thị trường tiềm năng với một số mặt hàng nông sản khác.
Với những lợi thế về địa lý, đa dạng sản phẩm, cũng như cơ hội từ ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường khi Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) từ năm 2010, thì xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới còn nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 3,83 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khi đứng trước các thay đổi của thị trường này như sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa, siết chặt chính sách nhập khẩu, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Đứng trước thực trạng này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ ra một số bất cập, vấn đề tồn tại, hạn chế dẫn đến tình trạng chưa thực sự bền vững trong khâu tổ chức sản xuất, xuất khẩu nông thủy sản, khó kiểm soát vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, giữ tập quán kinh doanh chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không ổn định về thị trường, dẫn đến tình trạng tồn động, ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả xuất khẩu.
Đặc biệt, tập quán kinh doanh dựa trên thương mại qua biên giới, hay còn gọi là “tiểu ngạch” chiếm 30% dẫn đến việc một lượng nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc phụ thuộc vào thông qua các điểm thông quan chính là các cửa khẩu biên giới, hạn chế điều kiện tổ chức đưa hàng hóa vào sâu nội địa, giảm giá trị gia tăng của sản phẩm trong chuỗi.
Để giữ vững và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản trong nước sang thị trường Trung Quốc, thì vấn đề cần phải được các cấp, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người nuôi trồng thủy sản đặc biệt coi trọng, quan tâm đó là nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này.
Bộ Công Thương cho rằng, thời gian tới cần phải tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, cũng như chú trọng công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm dịch.
“Dứt khoát là chúng ta phải từng bước giải quyết, không phải chỉ câu chuyện nhập siêu, mà phải giải quyết được cả câu chuyện “được mùa mất giá”, “được giá lại mất mùa” như vừa qua”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Video: Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định về xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc
3 lợi thế, 3 thách thức và 3 “trục” cần phối hợp
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam có 3 lợi thế cơ bản trong xuất khẩu nông thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc.
Thứ nhất, nông nghiệp trong nước những năm gần đây tăng trưởng mạnh không chỉ về số lượng mà tái cơ cấu sản phẩm cũng rất tốt, tạo ra nguồn cung lớn, xuất khẩu thành công sang 185 nước trên thế giới.
Thứ hai, các nhóm nông thủy sản của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ trợ cho nông sản nội địa Trung Quốc, đặc biệt là với những mặt hàng như cà phê, tiêu, điều,…, dẫn đến khả năng nhu cầu tiêu dùng tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu rất lớn của thị trường này,
Thứ ba, với lợi thế về địa lý, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có nông thủy sản, dễ dàng bảo quản, giữ được chất lượng tốt qua quá trình vận chuyển trong khi giá thành lại hợp lý, dẫn đến “cung - cầu gặp nhau”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thẳng thắn cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức đến từ các thay đổi của thị trường Trung Quốc, bao gồm thay đổi hình thức thương mại gần đây của nước này, thay đổi cơ cấu quản lý nhà nước liên quan đến xuất nhập khẩu và thay đổi định hướng cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng cho rằng, cần nhận diện đúng và kịp thời các vấn đề của thị trường Trung Quốc nếu muốn xây dựng định hướng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu tốt cho doanh nghiệp trong nước. Dù vậy, không thể “đổ lỗi” hoàn toàn cho việc thay đổi phương thức thương mại của nước bạn.
Đưa ra con số tăng trưởng 30% của kim ngạch xuất khẩu 8 loại rau quả chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng “đây là một thị trường khổng lồ với tiềm năng cực kỳ lớn, tất cả nông sản Việt Nam, đặc biệt những nhóm hàng đang lợi thế đều có cơ hội, nhưng các bạn phải làm đúng, làm chuẩn”.
“Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tín hiệu khả quan, nếu làm tốt từ sản xuất chuỗi. Doanh nghiệp xuất khẩu phải có truy xuất nguồn gốc, có đăng ký địa chỉ, dán tem, bao bì,… Tất cả đều phải đúng tiêu chuẩn hết”.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp để xây dựng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh để khai thác hết tiềm năng, phát huy lợi thế của hàng hóa Việt Nam, đòi hỏi có sự phối hợp tốt hơn nữa từ cả 3 “trục” là: Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương; Doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng; Người nông dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thủy sản, coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đồng thời thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi.
Cũng tại Hội nghị đã diễn ra Lễ công bố Sổ tay Một số thông tin cần biết khi xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Không chỉ nhằm hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, ấn phẩm được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở để Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá thực trạng và các tồn tại cần khắc phục, sớm đưa ra các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Video: Lễ Công bố Sổ tay Một số thông tin cần biết khi xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc