Giải pháp đổi mới nội dung các học phần kiểm toán trong đào tạo chuyên ngành kế toán

ThS. LƯƠNG HUỲNH ANH THƯ (Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Hiện nay, để sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán có khả năng thực hành kiểm toán tốt, trở thành một kiểm toán viên chuyên nghiệp và có chứng chỉ hành nghề, cần có những giải pháp đổi mới nội dung các học phần kiểm toán trong đào tạo chuyên ngành Kế toán tại các trường đại học. Nghiên cứu phân tích và đưa ra giải pháp đổi mới nội dung các học phần kiểm toán trong đào tạo chuyên ngành Kế toán.

Từ khóa: Học phần kiểm toán, sinh viên, doanh nghiệp, kế toán.

1. Đặt vấn đề

Trong thực tiễn, nếu sinh viên chuyên ngành Kế toán sau khi tốt nghiệp chỉ làm được công việc là kế toán viên thì cơ hội nghề nghiệp sẽ bị thu hẹp. Để sinh viên có thể làm được nhiều nghề - là kiểm toán viên, nhân viên ngân hàng, nhân viên tài chính…,và làm tốt một công việc kiểm toán, ngoài việc hiểu rõ các chuẩn mực kế toán thì cũng cần nắm rõ những sai phạm trong kế toán.

Mỗi quốc gia, mỗi hiệp hội, mỗi nhóm chuyên gia nghiên cứu lại có những phát biểu khác nhau về định nghĩa, khái niệm kiểm toán.

Đầu tiên, Giáo trình “Kiểm toán - NXB Kinh tế” đã nêu một định nghĩa chung về kiểm toán như sau: “Kiểm toán là quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng về những thông tin được kiểm tra nhằm xác định vào báo cáo về mức độ phù hợp giữa những thông tin đó với tiêu chuẩn được thiết lập. Quá trình kiểm toán phải được thực hiện bởi các kiểm toán viên có năng lực và độc lập”.

Ngoài ra, tại Giáo trình “Kiểm toán căn bản - NXB Tài chính” cũng đã nêu một định nghĩa chung về kiểm toán như sau: Kiểm toán là quá trình các chuyên gia độc lập và có thẩm quyền tiến hành thu thập và đánh giá các bằng chứng về các thông tin cần kiểm toán có thể định lượng của một đơn vị cụ thể, nhằm mục đích xác nhận và báo cáo về sự phù hợp giữa các thông tin này với các chuẩn mực đã được thiết lập”.

Ở Việt Nam, Luật Kiểm toán độc lập định nghĩa như sau: “Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán”. Kiểm toán báo cáo tài chính là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực kiểm toán. Kiểm toán hoạt động là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của một bộ phận hoặc toàn bộ đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán tuân thủ là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về việc tuân thủ pháp luật, quy chế, quy định mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện.

Giáo trình “Kiểm toán hoạt động - NXB Phương Đông” đã nêu định nghĩa về kiểm toán hoạt động như sau: “Kiểm toán hoạt động là quá trình soát xét các bộ phận của doanh nghiệp, đơn vị nhà nước hoặc một tổ chức không vì lợi nhuận để đo lường tính kinh tế, hiệu quả và hữu hiệu của các hoạt động”.

Hoạt động kế toán đã có lịch sử phát triển rất lâu đời, nó gắn liền với nền phát triển kinh tế xã hội của các nước trên thế giới. Như vậy, sự hình thành kế toán xuất hiện cùng lúc với sự hình thành đời sống kinh tế của xã hội loài người. Lịch sử kế toán có từ thời thượng cổ, hình thành và phát triển theo sự hình thành và phát triển của nền kinh tế.

Cũng có nhiều tác giả đề cập đến định nghĩa kế toán dưới nhiều khía cạnh khác nhau, kể cả những tác giả trong và ngoài nước:

Theo Luật Kế toán Việt Nam thì “Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động”.

Theo một số tác giả nước ngoài: “Kế toán là một diễn trình ghi chép, đo lường và báo cáo các tài liệu tài chính liên quan đến hoạt động kinh tế của một tổ chức để dùng vào điều hành quyết định”.

Giáo trình “Nguyên lý kế toán - NXB Kinh tế” đã nêu một định nghĩa chung về kế toán như sau: “Kế toán là một khoa học liên quan đến việc ghi nhận, xếp loại, tóm tắt và giải thích các nghiệp vụ tài chính của một tổ chức ban lãnh đạo có thể căn cứ vào đó mà ra quyết định”.

Như vậy, kế toán và kiểm toán có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nên trong quá trình đào tạo chuyên ngành Kế toán không thể thiếu các môn học kiểm toán. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán nên có những kiến thức chuyên sâu trong cả lĩnh vực kiểm toán.

2. Thực trạng

Tại Việt Nam, tác giả xem xét các khung chương trình ngành Kế toán của các trường đại học như: Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, Trường Đại học Kinh tế quốc dân,…, đều có các môn về kiểm toán như: Kiểm toán căn bản, Kiểm soát nội bộ, Kiểm toán báo cáo tài chính 1, Kiểm toán báo cáo tài chính 2, Kiểm toán P1, Kiểm toán P2…

Nhìn chung, những năm gần đây, các trường đại học tại Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt cả về hình thức và nội dung đào tạo. Tuy nhiên, các học phần kiểm toán tại trường đại học còn nặng về lý thuyết, nội dung thực hành kiểm toán chưa sát với thực tế, sinh viên ít được kiểm toán trên các chứng từ của doanh nghiệp. Sinh viên chuyên ngành Kế toán sau khi tốt nghiệp làm việc tại đơn vị kiểm toán, đòi hỏi không những cần phải vững về lý thuyết mà còn cần có những thực hành kiểm toán trên chứng từ thực tế của các công ty đã và đang hoạt động.

Theo điều tra, những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán của các trường đại học có rất ít sinh viên có thể áp dụng kiến thức kế toán và kiểm toán một cách thành thạo vào công việc, cho dù công việc đơn giản. Kết quả là, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kế toán cần phải có sự đào tạo lẫn hướng dẫn thực tế tại công ty hay nói cách khác là có sự hướng dẫn lại thì sinh viên mới thực hiện thành thạo được kiến thức mình đã học.

Riêng lĩnh vực kiểm toán, khác với kế toán, kiểm toán sẽ đòi hỏi tính trung thực, thận trọng và công việc gắn với số liệu và phải hiểu số liệu. Sau khi hiểu, sinh viên cần phải phân tích số liệu, từ đó đưa ra các giải pháp về kế toán, kiểm soát... cho các đơn vị.

Sinh viên ngành Kế toán học kiểm toán không chỉ để nắm vững những kiến thức về kiểm toán mà nên học kế toán trên góc độ của kiểm toán.

Theo quan điểm cá nhân của tác giả thì chương trình đào tạo chuyên ngành Kế toán ở các trường đại học, các học phần kiểm toán còn một số hạn chế sau:

Một là, chương trình đào tạo kế toán, các học phần về kiểm toán là các môn chuyên về học thuật, mang nặng tính lý thuyết và chưa có nhiều học phần thực hành kiểm toán…

Hai là, số lượng bài tập về học phần kiểm toán vẫn còn ít và hạn chế nghiệp vụ phát sinh. Nội dung bài tập hầu hết được lồng ghép vào các bài tập của học phần về kế toán. Có thể thấy rằng, phương pháp học đó chưa thực sự khái quát quy trình thực hiện kiểm toán tại doanh nghiệp.

Ba là, các học phần kiểm toán chưa được cập nhật thường xuyên, như: luật, chuẩn mực kiểm toán, thông tư, nghị định và các chính sách kinh tế trong thời hội nhập. Do mỗi khi cần cập nhật nội dung tài liệu giảng dạy, giáo trình chính và giáo trình tham khảo của các trường đại học phải được thẩm định và phê duyệt. Ngoài ra, khi thay đổi nội dung tài liệu giảng dạy, giáo trình chính và giáo trình tham khảo sẽ tốn rất nhiều chi phí.

Bốn là, một số trường đại học chưa thành lập phòng mô phỏng thực hành kiểm toán nên thời lượng dạy thực hành các môn kiểm toán còn hạn chế, sinh viên chưa nắm vững vấn đề bản chất của kiểm toán. Vì vậy, việc xem xét lại cũng như bổ sung thêm nội dung cho các học phần kiểm toán là cần thiết.

3. Giải pháp

Căn cứ vào những vấn đề đã nêu tại phần thực trạng, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới nội dung các học phần kiểm toán trong đào tạo chuyên ngành Kế toán tại các trường đại học như sau:

Một là, các trường đại học cần xây dựng đề án thành lập và phát triển phòng thực hành kiểm toán, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có thể thực hành thực tế trên chứng từ. Tăng cường khả năng thực hiện các công việc của một kế toán kiêm kiểm toán viên.

Hai là, các trường đại học cần thường xuyên có những chính sách khuyến khích giảng viên tự cập nhật kiến thức về kế toán, kiểm toán. Khuyến khích giảng viên tham gia các hội thảo quốc tế về kế toán, kiểm toán, kiểm toán quản trị. Có chính sách hỗ trợ về tài chính cho giảng viên có các chứng chỉ nghề nghiệp, như: CPA, ACCA, Đại lý thuế…

Ba là, xây dựng bổ sung thêm kiến thức phần bài tập của môn kiểm toán. Lưu ý có phần hướng dẫn sinh viên tự học kiểm toán gắn với thực tiễn… Tăng thêm phần số lượng và chất lượng bài tập của học phần kiểm toán, để giúp cho sinh viên hiểu rõ, áp dụng được công việc kiểm toán trong các doanh nghiệp. Không những vậy, cần nâng cao năng lực canh tranh cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên. Các trường đại học nên có quy định cụ thể, thủ tục đơn giản khi phê duyệt, cập nhật nội dung mới của các tài liệu giảng dạy, giáo trình chính và giáo trình tham khảo.

Bốn là, tổ chức các buổi sinh hoạt nghề nghiệp cho sinh viên hàng tháng, tăng số lượng kiến tập cho sinh viên tại các doanh nghiệp về kiểm toán. Hiện nay, các trường chỉ mới tổ chức kiến tập kế toán một năm 1 lần cho sinh viên tại các công ty sản xuất, dịch vụ đóng trên địa bàn tỉnh mà trường đại học có trụ sở. Vậy nên, các trường cần tăng cường ký kết với các doanh nghiệp ở lĩnh vực kiểm toán để họ cho sinh viên kiến tập tại doanh nghiệp của họ. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các chuyên đề về “Đạo đức nghề nghiệp đối với nghề kế toán và kiểm toán”, nhằm giúp cho sinh viên có thể áp dụng khi làm việc.

Năm là, bổ sung thêm một số học phần kiểm toán, như: Kiểm toán hoạt động, Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán môi trường, Ứng dụng phần mềm trong kiểm toán doanh nghiệp, Seminar Kiểm toán, Chuẩn mực kiểm toán, Pháp luật kiểm toán, Thực hành kiểm toán…

Sáu là, tại trường đại học, hàng năm ngoài tổ chức cuộc thi về kế toán như: “Kế toán viên tài năng”, nên tổ chức thêm cuộc thi về Kiểm toán - chẳng hạn như “Kiểm toán viên tài năng”. Mục đích nhằm tạo nhiều sân chơi cho các viên sinh viên có cơ hội cọ sát với nghề nghiệp trong tương lai.

Bảy là, khuyến khích các sinh viên tham gia hội thảo quốc tế về kế toán và kiểm toán tại các hội nghề nghiệp, như: Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hội kế toán TP. HCM (HAA), Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA)…

Trong suốt quá trình học tập tại trường đại học thì đào tạo chuyên ngành Kế toán không thể không có các học phần Kiểm toán. Chính vì vậy, các giải pháp đổi mới nội dung các môn học kiểm toán trong đào tạo chuyên ngành Kế toán tại các trường đại học hiện nay là cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Thị Giang Tân và Cộng sự (2017). Kiểm toán. Nhà xuất bản Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Nguyễn Việt (2018), Nguyên lý kế toán. Nhà xuất bản Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

 

SOLUTIONS FOR REFORMING CONTENTS OF AUDIT TRAINING MODULES OF ACCOUNTING MAJOR

MA. LUONG HUYNH ANH THU

Facuty of Accounting - Finance

Dong Nai Technology University

ABSTRACT:

Currently, audit training modules are indispensable parts of accounting major at universities. Graduated to help accounting students gain practical knowledge in auditing, becoming professional auditors with practicing certificate, it is necessary to have solutions for reforming contents of audit training modules of accounting major at universities. This study is to analyze and present some solutions for reforming audit training modules’s contents of accounting major.

Keywords: Audit module, students, business, accounting.