Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics vượt khó do ảnh hưởng đại dịch Covid-19

THS. NGUYỄN ĐỨC TRỌNG (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Ngành Dịch vụ logistics Việt Nam đang chịu tác động của hơn 30 doanh nghiệp (DN) cung cấp logistics xuyên quốc gia có quan hệ mật thiết với các chủ hàng và hãng tàu biển lớn của thế giới. Do dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, nhu cầu vận chuyển quốc tế giảm sút, trong khi ở trong nước liên tục thực hiện các biện pháp giãn cách, khiến cho đơn hàng xuất khẩu giảm, nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ việc, dẫn đến các DN logistics cũng chịu ảnh hưởng. Bài viết phân tích những thách thức và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics vượt khó do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Từ khóa: ngành Logistics, doanh nghiệp, Covid -19, xuất khẩu.

1. Đặt vấn đề

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành Logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%/năm, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi lớn, như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics,...

Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng đáng kể. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics năm 2018 là 29.694 doanh nghiệp, trong đó 97% là siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Tại thời điểm 9 tháng đầu năm 2020, số lượng doanh nghiệp vận tải, kho bãi được thành lập mới giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước (đạt 4.033 doanh nghiệp). Đồng thời cũng có 485 doanh nghiệp vận tải, kho bãi tại nước ta đã hoàn tất thủ tục giải thể. Từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ logistics đã gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Từ tháng 5/2020, đã có đến 20% doanh nghiệp giảm hoạt động kinh doanh. Theo khảo sát của VLA, chưa thấy có hội viên nào bị ngừng hoàn toàn mọi hoạt động, nhưng đều phải cố gắng duy trì hoạt động.

2. Thách thức do đại dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics

Đại dịch Covid-19 có tác động mạnh mẽ tới các nền kinh tế và đời sống xã hội của cả thế giới, làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động logistics. Cụ thể :

Thứ nhất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, trong đó có các hoạt động logistics đóng vai trò như xương sống của chuỗi cung ứng. Các dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường bộ và vận tải đường sắt bị tác động nặng nề nhất. Vận tải biển ít bị ảnh hưởng hơn, với cước phí vẫn giữ vững mặc dù yêu cầu chuyên chở có giảm sút và khó khăn về thủ tục do đại dịch. Cụ thể, đối với vận tải tàu biển, các tuyến chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các hãng tàu như ONE, HMM và một số hãng tàu khác đều giảm tàu nối tất cả các tuyến, ảnh hưởng đến lịch xuất hàng và chất lượng dịch vụ. Hầu hết hàng nhập trên các tuyến về Việt Nam giảm mạnh, một số thị trường khác bị kiểm dịch gắt gao. Các thủ tục vận hành từ thị trường khu vực châu Á và một số khu vực khác chậm trễ hơn so với bình thường. Đối với đường hàng không, các hãng hàng không đều hủy các tuyến bay tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, đồng thời hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch. Ngoài ra, giá cước vận chuyển hàng hóa tăng cao hơn so với bình thường. Trong khi đó, các tuyến biên giới đều khó để kiếm được nhà cung cấp vận chuyển. Lượng hàng giảm, dẫn đến nhu cầu về vận tải đường bộ giảm khoảng 30%. Các hoạt động thông quan bị cản trở, dịch vụ kho bãi, cước phí cũng bị ảnh hưởng nặng.

Thứ hai, các doanh nghiệp cũng bị giảm nguồn thu đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,... Có thời điểm, hàng hóa không thể xuất khẩu vào các quốc gia khác, đã khiến cho hoạt động sản xuất, logistics, vận tải bị gián đoạn, tắc nghẽn và phải liên tiếp các đợt giải cứu hàng hóa tại khu vực biên giới. Đồng thời, nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp trở thành bài toán khó khăn đối với một số ngành nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Ví dụ,ngành Dệt May dựa chủ yếu vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc - nơi xảy ra đại dịch bị tác động mạnh, có thời điểm đã phải ngưng trệ sản xuất do đại dịch. 

Thứ ba, do nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít hơn, dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng cũng giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải logistics. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, nhà máy gặp khó khăn khi khách hàng lớn gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến mất khả năng trả nợ cho nhà cung cấp. Điều này kéo theo việc chủ hàng chậm thanh toán, không đủ khả năng thanh toán cho doanh nghiệp logistics.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) thông tin, tính đến nay, đã có khoảng 15-50% các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tùy theo loại hình dịch vụ bị giảm sút về các hoạt động và doanh thu. Dịch vụ vận tải hàng không và đường bộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khoảng 80% hội viên của Hiệp hội là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nên nhiều doanh nghiệp có nguy cơ ngừng mọi hoạt động; nhiều lao động bị giãn và mất việc nếu đại dịch kéo dài thêm.

Thứ tư, những thách thức sẵn có của ngành. Đó là:

+ Cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics nghèo nàn và thiếu đồng bộ, hạn chế đến sự phát triển, dẫn đến chi phí logistics của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với các nước.

+ Doanh nghiệp logistics quy mô nhỏ, hoạt động manh mún và thiếu tính chuyên nghiệp. Hầu như các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa cả về vốn, lao động lẫn công nghệ. Tiềm lực tài chính còn khiêm tốn (80% doanh nghiệp thành lập có vốn đăng ký từ 1,5-2 tỷ đồng). Bên cạnh vướng mắc về vốn, thì logistics Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh hạn chế, nên chưa có cơ hội vươn ra thị trường có nhu cầu lớn;

+ Thiếu hụt nguồn nhân lực logistics được đào tạo bài bản và có trình độ quản lý logistics.

+ Môi trường pháp lý còn nhiều bất cập, sự khác biệt về hệ thống luật pháp, thông quan hàng hóa và các thủ tục hành chính là những thách thức đối với nước ta trong hội nhập về logistics.

3. Giải pháp ứng phó của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics vượt qua đại dịch

Covid-19 được xem như một phép thử để khảo nghiệm khả năng chống chịu của doanh nghiệp logistics. Từ đó, các doanh nghiệp đã đề ra những chiến lược nhằm vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, nâng cao khả năng thích ứng với thay đổi của thị trường. 

Thứ nhất, doanh nghiệp logistics thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ logistics, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi, hướng tới mục tiêu như Chính phủ đã đề ra trong Quyết định số 200/2017 là giảm chi phí logistics đang ở mức cao. Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics và giảm đáng kể chi phí liên quan, như: cảng điện tử (ePort), lệnh giao hàng điện tử (eDO), số hóa chứng từ vận tải (Invoicing and Payments), đầu tư vào ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics (Saas), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), nhà kho thông minh (Smart Warehousing),… Nhờ vậy, 58% nhà cung cấp dịch vụ logistics đã rút ngắn lộ trình công nghệ. Mô hình làm việc từ xa cũng đang được các doanh nghiệp trong ngành áp dụng nhằm đảm bảo an toàn y tế và lao động tại nơi làm việc.

Thứ hai, doanh nghiệp hoạt động logistics mới xuất hiện trong bối cảnh đại dịch như vận tải đường sắt tàu container lạnh liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa trọn gói sang Trung Quốc, mở ra hướng xuất khẩu chính ngạch hàng trái cây và nông sản đông lạnh bằng đường sắt sang Trung Quốc và từ đó đi Trung Á, châu Âu. Đối với vải tươi xuất khẩu, trước đây chỉ vận chuyển bằng đường hàng không thì nay được vận chuyển bằng đuờng biển với những lô hàng vải tươi đầu tiên xuất sang Singapore, Mỹ và Nhật Bản trong tháng 6 với giá cước vận tải chỉ bằng 1/3 giá cước vận chuyển bằng đường hàng không. Đây là bước chuyển hướng thông minh, thể hiện sự nhanh nhạy trước bối cảnh dịch bệnh lan rộng của doanh nghiệp logistics.

Thứ ba, doanh nghiệp ngành đồng lòng, đoàn kết vượt qua đại dịch. Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam đề nghị Chính phủ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2020. Khoản thuế giảm này xem như một phần để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn kinh doanh năm 2020. Đồng thời Hiệp hội cũng đề xuất giãn, hoãn và giảm các khoản đóng góp Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế, giá điện cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ví dụ như đối với các doanh nghiệp kho lạnh, kho mát hàng xuất nhập khẩu cần được ưu đãi về giá điện bởi hiện nay giá khu vực dịch vụ này vẫn cao hơn giá điện sản xuất từ 25% - 30%.

Thứ tư, các doanh nghiệp đồng thời tiến hành cắt giảm chi tiêu hành chính, tăng cường hợp tác quốc tế, tìm các thị trường mới, hạn chế hoặc không phụ thuộc nhiều vào thị trường, khách hàng truyền thống. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tận dụng các FTA thế hệ mới, nhất là EVFTA bởi dịch vụ logistics là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở - mạnh hơn đáng kể so với Hiệp định Thương mại quốc tế (WTO) và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Thứ năm, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chủ động làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, tư vấn và thuyết phục các doanh nghiệp này nhận thức được các lợi ích trong việc thay đổi tập quán mua, bán truyền thống để sử dụng các phương thức hiện thời (Incoterm 2010).

4. Kết luận

Bên cạnh những kết quả và thành tựu mà ngành Logistics Việt Nam đạt được trong thời gian qua, ngành cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do đại dịch Covid-19 kéo dài. Nhưng với sự đồng lòng của toàn ngành, sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chuyển mình sáng tạo của các doanh nghiệp, doanh nghiệp ngành Logistics đã nhiều thuận lợi và sẽ có những cơ hội mới trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2019), Báo cáo Logistics Việt Nam 2019, NXB Công Thương.
  2. Nguyễn, X.H. (2015), Tác động dịch vụ logistics đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Luận án Tiến sĩ Kinh tế.
  3. Nguyễn, X.Q. & Trần, T.N.L. (2019), Nghiên cứu thực trạng dịch vụ hậu cần điện tử (e-logistics) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đề tài NCKH cấp Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh theo Hợp đồng số 56/HĐ-DCT.
  4. Hồng (2019), Logistics Việt: 4 xu hướng, 5 thách thức và những lưu ý, truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/logistics-viet-4-xu-huong-5-thach-thuc-va-nhung-luu-y-317027.html

 Solutions to help logistics comapnies overcome challenges of the COVID-19 pandemic

Master. Nguyen Duc Trong

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

Vietnam's logistics industry is dominated by about 30 logistics companies which provides transnational logistics services and have close relationships with global leading shipping lines. Due to the prolonged and complicated developments of the COVID-19 epidemic, the demand for international transportation has decreased. In addition, Vietnamese businesses have experience drops in their export orders due to social distancing measures in Vietnam. As a result, many enterprises have to lay off their staff and these difficulties also have negatively impacted on logistics companies. This paper analyzes challenges and proposes some solutions to support logistics companies overcome severely impacts of the COVID-19 pandemic.

Keywords: logistics industry, enterprise, COVID -19, export.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2021]